Kinh tế Trung Quốc giảm tốc gây áp lực lên nhiều nền kinh tế khác. Ảnh: Time.
Suy thoái Trung Quốc tác động đến toàn cầu như thế nào?
Các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đang chuẩn bị những kế hoạch trước đòn giáng mạnh mẽ vào nền kinh tế toàn cầu khi mọi hoạt động nhập khẩu từ vật liệu xây dựng đến đồ điện tử của Trung Quốc đều ghi nhận sự sụt giảm. Caterpillar, hãng sản xuất thiết bị xây dựng lớn nhất thế giới, gần đây cho biết nhu cầu về máy móc sử dụng trên các công trường xây dựng ở Trung Quốc thấp hơn so với dự báo trước đây của công ty.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng vừa chứng kiến dòng tiền trị giá 10 tỉ USD rời khỏi. Phần lớn các nhà đầu tư toàn cầu đã bán tháo cổ phiếu bluechip. Cho đến thời điểm hiện tại, sự sụt giảm của Trung Quốc đang tác động mạnh đến các nền kinh tế châu Á và các nước ở châu Phi, đặc biệt là trong hoạt động thương mại. Theo đó, xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 7/2023 ghi nhận xu hướng giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm, sau khi Trung Quốc cắt giảm mua ô tô và chip.
Tuy nhiên, việc nền kinh tế Trung Quốc đi xuống lại là điều tốt đối với một số quốc gia. Trung Quốc rơi vào suy thoái sẽ kéo giá dầu toàn cầu đi xuống và tình trạng giảm phát đang diễn ra ở nước này sẽ giúp giá cước vận chuyển trên toàn cầu giảm xuống. Điều này trở thành một phần lợi ích đối với các quốc gia đang chống chọi với lạm phát cao như Mỹ và Anh. Một số thị trường mới nổi như Ấn Độ cũng tìm thấy cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang rời khỏi Trung Quốc.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nếu tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc tăng thêm 1% thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ tăng thêm 0,3%. Do đó, nếu tình trạng suy thoái ở Trung Quốc tiếp tục kéo dài, nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp hại nhiều hơn là lợi.
Thương mại sụt giảm
Với nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu Á, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho mọi hàng hóa, từ linh kiện điện tử, thực phẩm đến kim loại và năng lượng. Tuy nhiên, giá trị hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 9 tháng trong giai đoạn 10 tháng qua, do nhu cầu suy giảm so với mức cao kỷ lục của thời điểm trước đại dịch. Ngoài ra, giá trị hàng hoá xuất khẩu từ châu Phi, châu Á và Bắc Mỹ trong tháng 7 đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung, châu Phi và châu Á là 2 khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong bối cảnh giá trị nhập khẩu lao dốc hơn 14% trong 7 tháng đầu năm 2023. Song, một phần nguyên nhân là do nhu cầu đối với đồ điện tử từ Hàn Quốc và Đài Loan sụt giảm cộng hưởng với giá thành các loại hàng hoá như nhiên liệu hóa thạch đi xuống đã ảnh hưởng đến giá trị hàng hoá vận chuyển đến Trung Quốc.
Cho đến thời điểm hiện tại, khối lượng hàng hoá như quặng sắt và đồng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế tiếp tục giảm tốc, nhu cầu hàng hóa giảm sẽ gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khai thác ở Úc, Nam Mỹ và những khu vực khác trên thế giới.
Du lịch hồi phục chậm chạp
Mặc dù các biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 đã được dỡ bỏ, nhưng người dân Trung Quốc vẫn chưa mạnh tay chi tiêu cho du lịch trở lại như trước đây. Thêm vào đó, những biến động từ nền kinh tế nội địa, nhất là lĩnh vực bất động sản rơi vào suy thoái kéo dài, đã khiến người dân mất niềm tin vào kinh tế đất nước. Do đó, các chuyên gia dự đoán có thể sẽ mất thêm một khoảng thời gian nữa để ngành du lịch Trung Quốc trở về như thời điểm trước đại dịch. Và điều này đang ảnh hưởng đến các quốc gia phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan, khi chứng kiến lượng khách du lịch Trung Quốc sụt giảm.
Tác động đến thị trường tiền tệ
Khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc đã khiến đồng nhân dân tệ giảm hơn 5% so với đồng USD trong năm nay, và gần chạm mốc 7,3 trong tháng 8. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa qua đã đưa ra những biện pháp để bảo vệ đồng nhân dân tệ, bao gồm cả việc ấn định tỉ giá tham chiếu hàng ngày.
Ngoài ra, việc đồng nhân dân tệ suy yếu cũng tác động lớn đến các đồng tiền tệ của châu Á, Mỹ Latinh, khối Trung và Đông Âu. Những đồng tiền có mối tương quan với đồng nội tệ Trung Quốc như SGD (Singapore), baht (Thái Lan), peso (Mexico) đều đang chịu áp lực giảm trước xu hướng mất giá của đồng nhân dân tệ.
Thị trường trái phiếu ảm đạm
Việc PBOC cắt giảm lãi suất trong năm nay đã làm giảm sức hấp dẫn của thị trường trái phiếu Trung Quốc trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào nước này trở nên “nhỏ giọt” và có xu hướng chảy vào những quốc gia tiềm năng khác.
Theo dữ liệu thống kê, lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc ở nước ngoài đang ở mức thấp nhất trên toàn thị trường kể từ năm 2019. Trong khi đó, các quỹ đầu tư quốc tế đang để ý đến thị trường trái phiếu nội tệ của Hàn Quốc và Indonesia, bởi các Ngân hàng Trung ương ở các quốc gia này đã gần hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất trong năm nay.
Có thể bạn quan tâm: