Singapore hiện là 1 trong 5 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Singapore – Sư tử, lá cây & nhân tài
(Bài viết được thực hiện vào năm 2014.)
Nếu ngày trước Malcolm Lee không nói với mẹ rằng anh muốn làm đầu bếp thì ngày nay Singapore đã không có Candlenut, một nhà hàng mang phong cách của người Peranakan, sở hữu ngôi sao Michelin để giới thiệu cho du khách quốc tế và nội địa. “Đó là quãng thời gian khó khăn. Nếu thực sự đam mê tin tưởng vào thứ mình làm thì hãy cứ làm mà thôi”, Malcolm bộc bạch về hành trình 4 năm thuyết phục mẹ mình chấp nhận việc anh trở thành đầu bếp.
“PASSION MADE POSSIBLE”
Trong khi Malcolm xem gian bếp là lý tưởng cuộc sống thì Subaraj Rajathurai cũng cảm thấy thoải mái khi được ở trong rừng. 1/3 quốc đảo Singapore được bao phủ bởi màu xanh lá cây, khu dự trữ thiên nhiên và rừng mưa nhiệt đới chính là nguồn cảm hứng cho những nhà thám hiểm, chuyên gia thực vật và động vật bản địa như anh Subaraj. “Công việc của tôi là giới thiệu cho mọi người thấy điều mà tôi vô cùng yêu thích”, Subaraj nói.
Hai "đại sứ đam mê" Malcolm Lee (bên trái) và Subaraj Rajathurai (bên phải). |
Malcolm hay Subaraj ngày nay được cả thế giới biết đến qua những video của họ trên YouTube, do Chính phủ Singapore giới thiệu trong chiến dịch quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia. Họ gọi những cá nhân này là “đại sứ đam mê”. Singapore cho cả thế giới thấy được “di sản” mà quốc gia này sở hữu không chỉ là các biểu tượng đô thị như Vịnh Marina, tổ hợp Sentosa hay đường đua F1 mà còn là những con người biết theo đuổi đam mê. Những “đại sứ” của họ có cơ hội để chia sẻ đam mê của mình tại Singapore với mọi người trên thế giới.
Kế hoạch tiếp thị du lịch của người Singapore dựa trên nghiên cứu định lượng và định tính với 4.500 người tham gia khảo sát về quan điểm của họ đối với đất nước này. Đối tượng khảo sát là những cư dân địa phương, người nước ngoài tại Singapore và người dân của 10 quốc gia khác (Nhật, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Mỹ, Anh, Đức và Bỉ). Kết quả cho thấy “đam mê” và “tiềm năng” là yếu tố đặc trưng cho tinh thần của Singapore. Trong đó, “tiềm năng” được nhìn nhận như sức hút của Singapore, còn “đam mê” lại được ví như động lực thúc đẩy những tiềm năng đó.
2 khẩu hiệu cũ trước đây là “Your Singapore” của Tổng cục Du lịch Singapore (Singapore Tourism Board - STB) và “Future Ready Singapore” của Bộ Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) nay đã chính thức nhập thành thương hiệu truyền thông mới: Passion Made Possible. Lý giải cho động thái này, Singapore cho rằng sự cạnh tranh trong ngành du lịch và thu hút vốn đầu tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Singapore không phải là quốc gia duy nhất đang thay đổi tư duy tiếp thị du lịch. Hàn Quốc cũng đang thực hiện những video quảng bá đất nước bằng cách giới thiệu 8 video khác nhau về 8 chủ đề, 8 phong cách du lịch Hàn Quốc thay vì chỉ 1 video chung như nhiều năm trước. Cho dù đối tượng đại sứ du lịch mà Hàn Quốc chọn vẫn là nghệ sĩ nổi tiếng và giới thiệu điểm đến đẹp.
XANH BỀN VỮNG
TÔI CÓ NHIỀU DỊP ĐẾN SINGAPORE TỪ NĂM 2005 VÀ NHẬN RA “SƯ TỬ PHUN NƯỚC” KHÔNG CÒN LÀ BIỂU TƯỢNG DUY NHẤT CỦA SINGAPORE. Một hướng dẫn viên bản địa vui tính đưa tôi đến Garden By The Bay, khu vườn xanh tuyệt đẹp nằm giữa lòng đô thị. Nơi đây có những cây cao đến 50 m và hàng ngàn chủng loại cây cỏ được nuôi dưỡng trong những nhà lồng sinh thái, mát dịu không cần đến bất kỳ một chiếc máy điều hòa nào. Khu vườn thượng uyển khổng lồ này được đầu tư khoảng 1 tỉ USD, được xem là một trong những niềm tự hào của Chính phủ Singapore và là biểu tượng mới của đất nước.
Khu vườn thượng uyển Garden By The Bay nhìn từ trên cao. |
Không gian xanh như Garden By The Bay xuất phát từ tư duy xây dựng cuộc sống bền vững và khỏe mạnh của Chính quyền Singapore, trong những điều kiện tự nhiên không mấy ưu đãi cho quốc gia này. Chẳng hạn, họ phải nhập khẩu nước từ Malaysia và năng lượng khí đốt từ Indonesia. Nhưng có thể thấy, mảng xanh của thực vật, cây cối, hoa lá hiện diện khắp nơi trên quốc đảo nhỏ bé.
Ngoài “kiệt tác xanh” Garden By The Bay, Singapore còn sở hữu nhiều khu vực xanh có giá trị đáng để khám phá. Xa về phía đô thị là một “vùng xanh” mang tên Bollywood Veggies, nơi có một trang trại khổng lồ với hàng trăm giống cây đẹp đặc biệt, với nhà hàng phục vụ các món ăn Ấn Độ chế biến từ động thực vật được nuôi trồng tự nhiên. Dù Singapore là một nước đa văn hóa bao gồm người Hoa, Malaysia, Ấn Độ, nhưng tất cả đều hướng đến giá trị thẩm mỹ cao về cuộc sống xanh bền vững. Bất kỳ một người bản địa nào cũng có thể chia sẻ vài câu chuyện đơn giản về cây xanh, hoa lá, cho đến những điều lớn hơn như bảo tồn sinh thái, trái đất nóng lên hoặc các thảm họa thiên nhiên luôn cần được ý thức và phòng vệ.
Với một diện tích nhỏ bé, ít ai nghĩ rằng, Singapore vẫn còn tồn tại không ít những khu rừng sinh thái nhỏ, được người dân và Chính phủ bảo vệ kỹ lưỡng. Một trong số những nơi này được gọi là “Tree Top Walk”, nơi chúng tôi đã trải nghiệm chuyến hành trình đi bộ trong suốt 3 giờ liền. Người hướng dẫn đoàn cho biết, không chỉ khách nước ngoài, mà rất nhiều người dân Singapore xem đây là điểm thưởng ngoạn thú vị, hoặc đơn giản là chạy hết khu rừng để… tập thể dục buổi sáng.
Nhưng câu chuyện xanh ở Singapore không chỉ là cây cỏ hoa lá mà tư duy phát triển đô thị cũng dựa trên nền tảng này. Một khu vườn tuyệt mỹ khác được gọi là Botanic Garden có sẵn lời giải thích cho câu hỏi vì sao đất nước này lại sạch, xanh đến vậy. Các kiến trúc quần thể nhà trong khu vực này đều được kiến tạo nên từ hầu hết các vật liệu thân thiện với môi trường, cùng những màu sắc vui tươi làm mát mắt người xem. Không những Botanic Garden mà ngay cả các công trình dân dụng như nhà cửa, căn hộ, khu vực công chính, giải trí đều ít nhiều được tạo nên từ các vật liệu thân thiện môi trường, với các kiến trúc rất đa dạng nhưng lại đồng nhất và màu sắc thì tươi vui, bừng sáng.
Trong quy hoạch đô thị được nhìn thấy qua mô hình Singapore trưng bày tại Ủy ban Tái Phát triển Đô thị (URA) không khó để nhận ra, tương lai của đảo quốc này sẽ tiếp tục phát triển dựa trên tư duy xanh. Ấn tượng nhất là công trình Khu phức hợp Thể thao mang tên Sports Hub với mức đầu tư xấp xỉ 1 tỉ USD, chứa nhiều không gian xanh và sân vận động lớn với cỏ mượt mà, hứa hẹn thu hút 55.000 người khắp nơi trên thế giới.
Sự tự tin về việc phát triển đô thị xanh và văn minh để thu hút du lịch được Tổng cục Du lịch Singapore phát đi trong một thông tin: “Khách du lịch giờ đây không phải cần 3 ngày, mà phải là 3 tuần mới có thể khám phá hết những điều kỳ diệu nơi đây”.
“THỰC PHẨM” CHO NHÂN TÀI
Trong các lần thăm Singapore, có một dịp tôi đi theo lời mời của Talentnet, nhà cung cấp dịch vụ giải pháp nhân sự hàng đầu Việt Nam. Talentnet dẫn đầu đoàn doanh nhân đến quốc đảo sư tử để khám phá “thuật quản trị con người” của các công ty hàng đầu tại đây. Chúng tôi có mặt tại SATS, một công ty cung cấp dịch vụ mặt đất và suất ăn hàng không cho khách hàng của họ tại 55 thành phố, 47 phi trường xuyên 14 nước châu Á và Trung Đông. Công ty này cũng cung cấp cho hàng ngàn nhân viên của mình ở khắp nơi một loại thức ăn đặc biệt mang tên “thức ăn cho não”.
“Thức ăn cho não” là một gói giấy bạc chứa 7 “món ăn” không thể ăn được theo nghĩa đen nhưng lại mang một ẩn ý rất đặc biệt tặng cho nhân viên. Nó gồm có: một chiếc tăm với ý nghĩa “hãy học cách lấy những giá trị tốt đẹp từ người khác”; một chiếc vòng thun với ý nghĩa “học cách linh động và thích nghi với những kiến thức mới”; một miếng băng dán cá nhân với ý nghĩa “học cách chữa lành những xúc cảm đau thương cho mình và người khác”; một chiếc bút chì với ý nghĩa “học cách viết những điều hạnh phúc mỗi ngày”; một miếng nhãn dán với ý nghĩa “học cách rút kinh nghiệm và loại bỏ thói quen xấu cũng như học cách gắn vào cuộc đời những thói quen tốt”; một chiếc kim kẹp bằng gỗ có hình trái tim với ý nghĩa “học cách trân trọng và mở rộng sự quan tâm đến mọi người mỗi ngày”; một gói trà túi lọc với ý nghĩa “học cách thư giãn và viết tiếp những hạnh phúc của cuộc đời bạn”.
Cách mà SATS muốn nhắn nhủ với người lao động của họ dù mang một ý nghĩa độc đáo, có phần ẩn dụ, nhưng tựu trung vẫn là cách mà các nhà quản trị Singapore phát triển tư duy lãnh đạo con người, hướng đến nhân tài của họ, trong một quốc gia khan hiếm tài nguyên và dựa vào chất xám con người là chính.
Theo hướng dẫn của SHRI, một tổ chức tư vấn nguồn lực hàng đầu được Chính phủ Singapore bảo trợ và Talentnet, đoàn chúng tôi gồm 60 thành viên là các doanh nhân, nhà quản trị doanh nghiệp trong các công ty Việt Nam và công ty đa quốc gia đã khám phá câu chuyện nhân sự trong lòng các doanh nghiệp đang tạo được tăng trưởng kinh doanh rất ấn tưởng tại Singapore là Công ty SATS (hàng không), Sentosa (du lịch - bất động sản), SAP, Cisco, Dimension Data (công nghệ cao) và NatSteel (công nghiệp). Họ cũng là những đại diện cho các lĩnh vực trọng điểm trong nền kinh tế Singapore.
Không có gì bàn cãi về các con số kinh doanh được đưa ra để chứng minh thành công của các công ty này, nhưng điểm đáng chú ý là cách tạo động lực cho con người để làm nên tăng trưởng, đặc biệt là ở nguồn trí thức trẻ trong các công ty công nghệ, một lĩnh vực rất quan trọng trong nền kinh tế đảo quốc.
Điểm đến công nghệ đầu tiên của chúng tôi là Dimension Data, một công ty công nghệ quyền lực với doanh thu 230 triệu USD, 19 quốc gia, cùng 550 nhân công, trong đó Dimension Data Singapore đóng góp lớn nhất. Có lẽ vì vậy, bạn dễ dàng nhận ra những người trẻ ở Dimension Data như một phác họa hình ảnh trí thức trẻ hiện đại ở Singapore, khi họ đã thay đổi quan điểm “cân bằng công việc - cuộc sống” (Work-Life Balancing) sang “làm trong chơi, chơi trong làm” (Work-Life Integration). Họ làm việc như những chú ong cần mẫn
Phần lớn trong các văn phòng được thiết kế cá tính, hiện đại, tích hợp tiện nghi văn phòng - giải trí - góc thư giãn. |
Ở Singapore, bạn cũng dễ nhận ra cách trí thức trẻ làm việc, nghỉ ngơi và vui chơi đan xen trong từng thời khắc, tại chính nơi làm việc của họ. Singapore hình thành kiểu văn hóa làm việc sáng đèn gần nửa khuya ở các cao ốc, tương tự những nền kinh tế mang khát vọng bứt phá như Hàn Quốc, Nhật trước kia.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Dimension Data xem việc điều nghiên hồ sơ từng nhân viên trong hệ thống của họ thường xuyên là rất quan trọng. Tư duy nguồn nhân lực của công ty này là phải thấu hiểu mục tiêu và ước vọng của nhân viên thì mới có thể giữ họ làm việc lâu dài. Nó thể hiện lời giải quan trọng của các nhà lãnh đạo mới tại Singapore nói chung, đó là “công việc và cuộc sống - chúng không có ranh giới”.
SAP, Cisco cũng gần quan điểm như Dimension Data. Cứ vào mỗi quý, lãnh đạo SAP sẽ tập hợp các nhân viên để lắng nghe và để hiểu rõ 3 vấn đề: Điều gì khiến nhân viên làm tốt công việc của họ? Điều gì công ty phải điều chỉnh trong thời gian tới cho phù hợp? Mục tiêu sắp tới trong công việc mà nhân viên mong muốn là gì? SAP gọi đó là “hỏi nhiều, hiểu sâu” và thói quen quản trị này đã giúp SAP tăng mức độ gắn kết của nhân viên lên 24% những năm gần đây và giữ được số năm làm việc của nhân sự trung bình lên đến 5 năm. Dĩ nhiên, họ cũng có một hệ thống gọi là “tổng đài HR điện tử SAP” để giúp cho sự chia sẻ, thắc mắc từ nhân sự được chuyển tải, hồi đáp đến các cấp quản lý nhanh nhất.
Một điều dễ nhận thấy là khi trình độ quản trị công nghệ trong các công ty đã phát triển thượng thừa thì nhu cầu đòi hỏi gắn kết và chia sẻ lại càng cấp thiết. Ngỡ như các công ty công nghệ như Dimension Data, SAP, Cisco sẽ vận hành nhân sự theo các quy chuẩn KPI cứng nhắc thì trên thực tế ở đó, hàng chục module về nhân sự được áp dụng hướng đến những giá trị nhân bản, đặc biệt nhất là chính sách chia sẻ dịch vụ chăm sóc y tế cho toàn bộ nhân viên và gia đình họ.
Các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam trong chuyến đi đã không ngừng nghĩ về một sự chuyển đổi trong mô hình “công việc và cuộc sống” của nhân sự trong công ty của mình cũng như làm sao để “lắng nghe và thấu hiểu”. Ông Lê Tấn Phước, Tổng Giám đốc Công ty Kỹ nghệ lạnh Searefico, cho biết, chuyến đi này đã mang đến cơ hội học hỏi quý giá cho các doanh nghiệp từ Việt Nam và trên hết là truyền cảm hứng cho những ý tưởng sáng tạo mới về công tác quản trị nhân lực tại Searefico. “Nguồn lực luôn là một bài toán chiến lược thú vị và thử thách, nhưng tôi tin khi chúng ta cùng ngồi xuống và bắt đầu hỏi “tại sao”, nghĩa là chúng ta đã tiến gần hơn nhiều bước đến việc xây dựng một nguồn lực hiệu quả”, ông nói.
Câu chuyện nhân sự không chỉ nằm ở yếu tố đầu tư tiền bạc. NatSteel, một công ty thép hàng đầu về thị phần ở Singapore và nhiều nước trên thế giới, đang dành khoảng 2% doanh thu để tái đầu tư vào các hoạt động xây dựng đội ngũ, phát triển con người, nhưng lãnh đạo tập đoàn này nói họ phải cộng thêm vào đó tâm huyết và tình cảm của nhà quản trị. Giúp nhân viên “mở được lòng mình” là giúp cho công ty này ổn định nguồn lực với tỉ lệ chuyển việc rất thấp (chỉ 3%) so với ngành, năng suất lao động tăng đến 66% và đạt trên 80% mức độ hài lòng từ nhân viên đối với doanh nghiệp trong suốt chặng đường phát triển vừa qua của họ.
Singapore hiện là 1 trong 5 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Bên cạnh những lĩnh vực đã đầu tư ổn định, các doanh nghiệp Singapore đang hướng đến một số lĩnh vực tiềm năng khác của Việt Nam, đồng thời cũng là thế mạnh của họ. Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Singapore vào Việt Nam tăng trưởng vượt bậc, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đô thị gồm xây dựng cao ốc văn phòng và căn hộ, phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất. Cơ sở hạ tầng về nhà ở tại Việt Nam là lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác với Singapore nhất, bởi các doanh nghiệp Singapore có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng giải pháp cho các đô thị bền vững với chất lượng cao và chi phí hợp lý. Những năm gần đây, các nhà đầu tư Singapore đa dạng hóa thêm danh mục đầu tư như hệ thống cảng biển, dịch vụ hậu cần, chăm sóc sức khỏe và sản xuất hàng tiêu dùng. (Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư) |