Ảnh: FT

 
Công Sang Thứ Ba | 27/06/2023 17:30

Rộng đường agritech Việt Nam

Thêm những công ty agritech đáng chú ý tìm cơ hội trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Cuối tháng 5/2023, Công ty Cổ phần True Digital Group (TDG) Việt Nam, trực thuộc tập đoàn viễn thông công nghệ True Corporation của CP Group (Thái Lan), công bố đối tác chiến lược ở thị trường Việt Nam là công ty công nghệ Techcoop. Cả 2 sẽ tham gia vào thị trường nông nghiệp trong thời gian tới.

Yếu tố thu hút TDG tham gia là định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giai đoạn 2022-2025 trong việc thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt mục tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. “Chúng tôi nhận thấy đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị xuất khẩu của nông sản Việt Nam ra thế giới”, ông Ngô Anh Tuyên, Tổng Giám đốc TDG, nói.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt chứng kiến sự góp mặt của nhiều công ty công nghệ nông nghiệp (agritech). Đầu năm nay, Koidra, công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) trong nuôi trồng của Mỹ, cũng nhảy vào thị trường Việt Nam. Trước đó là các tên tuổi khác như MimosaTEK, Koina, Foodmap và Kamereo (Nhật). Các công ty này tham gia vào từng công đoạn của chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam như nâng cao chất lượng cây trồng bằng công nghệ (MimosaTEK, Koina, Koidra), thu mua, vận chuyển và phân phối bán lẻ (Foodmap, Kamereo).

Đó là sự thay đổi rất lớn so với 10 năm trước, khi phần lớn các startup đều tập trung ở khâu nâng cao chất lượng cây trồng và bỏ qua các khâu còn lại trong chuỗi cung ứng dẫn đến tác động đến ngành không đáng kể vì quan tâm lớn nhất của người làm nông nghiệp là đầu ra của sản phẩm.

Về phần mình, TDG tham gia với vai trò là đơn vị triển khai độc quyền tại Đông Nam Á của kỳ lân agritech đầu tiên của châu Á là Cropin, đơn vị số hóa 5 triệu ha đất canh tác và hơn 7 triệu nông hộ sử dụng công nghệ quản lý việc trồng trọt ở hơn 92 quốc gia. Bên cạnh Cropin, TDG cũng mang hệ sinh thái công nghệ tiên tiến TrueFarm của Tập đoàn đến Việt Nam với hy vọng nội địa hóa các giải pháp toàn cầu phục vụ doanh nghiệp tại đây. Bên cạnh đó, TDG đang là đơn vị duy nhất tham gia toàn bộ chuỗi cung ứng nông nghiệp hiện tại từ nông sản đến phân phối bán sỉ. Các doanh nghiệp nông nghiệp quy mô tầm trung trở lên là nhóm khách hàng mà hãng này hướng đến.

Sự khác biệt lớn nhất của TDG trên thị trường là cung cấp một giải pháp all-in-one cho doanh nghiệp nông nghiệp. Cụ thể, về công nghệ, mạng lưới bán hàng TDG sẽ tham gia, vốn đối ứng trong sản xuất nông nghiệp sẽ được giải ngân bởi đối tác Techcoop.

Một tín hiệu thuận lợi là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP với các cơ chế cần thiết để thu hút đầu tư và phát triển nông thôn đang ngày càng phát huy hiệu quả. Trong năm 2022, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt 4 dự án hỗ trợ trực tiếp từ nước ngoài với tổng vốn vay là 840 triệu USD. 14 đề xuất dự án mới với tổng vốn 3,2 tỉ USD đang được cơ quan phối hợp với các doanh nghiệp triển khai trong thời gian tới.

Về vấn đề tắt nghẽn rất lâu trong thời gian qua là tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, theo ông Tuyên của TDG, đây cũng là cơ hội cho ngành nông nghiệp khi xu hướng livestream bán hàng tại vườn đang được ưa chuộng. Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Kể từ khi dịch bệnh diễn ra, việc xuất khẩu khó khăn, các nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của quốc gia này đã vào cuộc, giúp nhà sản xuất tiêu thụ số lượng nông sản tồn đọng bằng cách đưa nó đến tay người tiêu dùng trong nước.

Pinduoduo, Alibaba, JD.com và Taobao đã đưa ra các chương trình khuyến mãi cho nông dân, cho phép họ livestream bán hàng nông sản tại vườn. Báo cáo gần đây nhất của Taobao hồi tháng 9/2022, nền tảng này đã tạo ra 200.000 sự kiện bán nông sản livestream thu hút 700 triệu lượt xem và tạo ra 4 triệu đơn đặt hàng. Nghiên cứu nội bộ của Taobao cũng cho thấy việc bán hàng qua livestream giúp nhà sản xuất nông nghiệp cải thiện thu nhập gấp 8 lần mức trung bình trước kia. Đây là nguồn cảm hứng rất lớn của các quốc gia có nền nông nghiệp mạnh trong khu vực, như Thái Lan. Thậm chí ông Suwatchai Songwanich, Phó Chủ tịch Điều hành Ngân hàng Bangkok, còn nhận định: “Tương lai của nông nghiệp là livestream”.

Ông Tuyên của TDG cho rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để chuyển dịch sang xu hướng này vì hạ tầng thương mại điện tử phát triển nhờ tốc độ thâm nhập thương mại điện tử thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á, người sử dụng cũng đã quen với việc mua sắm và thanh toán online.

Điều trở ngại hiện nay là không nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quen với công nghệ tiếp thị hay có đội ngũ bán hàng livestream chuyên nghiệp.  Đó cũng là chuyên môn của TDG. Nhìn chung, còn quá sớm để đánh giá tính khả thi trong chiến lược cung cấp dịch vụ all-in-one cho các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp của TDG ở Việt Nam, nhưng sự tham gia của ngày càng nhiều công ty agritech là tín hiệu đáng mừng. 

Thông thường, công thức để tạo ra kỳ lân (doanh nghiệp chưa niêm yết định giá 1 tỉ USD trở lên) là thị trường truyền thống phải có quy mô và tiềm năng phát triển. Nông nghiệp Việt Nam năm 2022 xuất khẩu đạt hơn 53 tỉ USD, nhưng 10 năm qua các startup trong lĩnh vực này chỉ đếm hơn đầu ngón tay và tổng vốn huy động được công bố không quá 200 triệu USD.

Ước tính nội bộ của TDG và đối tác cho thấy nếu số hóa thành công, quy mô ngành nông nghiệp Việt Nam có thể gấp đôi giá trị xuất khẩu hiện nay, tương đương hơn 100 tỉ USD. “Ngoài thị trường xuất khẩu, chúng tôi còn hướng đến các doanh nghiệp trong nước nhằm đưa sản phẩm nông nghiệp đến người tiêu dùng thông qua các giải pháp về truyền thông và thương mại xã hội”, ông Tuyên nói.