Wee Teng Wen không theo ngành ngân hàng của gia đình mà dấn thân vào ngành khách sạn.

 
Việt Phong Thứ Năm | 04/05/2023 10:35

Rich kid châu Á: Bản lĩnh F3

Thế hệ thứ 3 của các gia tộc kinh doanh châu Á cho thấy bản lĩnh theo đuổi sự nghiệp riêng cũng như có thể kế thừa cơ nghiệp của gia tộc.

Một cảnh trong bộ phim Crazy Rich Asians (Con nhà siêu giàu châu Á) năm 2018 mô tả bữa tiệc điên cuồng trên một con tàu container. Một người đàn ông thản nhiên bắn súng chống tăng lên bầu trời, mang theo một người mẫu mặc bikini đang ôm ống phóng bay vọt qua boong tàu.

Bộ phim phác họa cuộc sống giàu sang, hào nhoáng, đỉnh cấp thượng lưu của các vị thiếu gia, tiểu thư thuộc các gia tộc kinh doanh giàu có châu Á. Nhưng bộ phim hài lãng mạn dựa trên tiểu thuyết bán chạy của Kevin Kwan cho thấy một vấn đề nghiêm túc hơn rất nhiều và đang là nỗi trăn trở của các gia tộc kinh doanh ở châu lục này: sự kế vị. Nam chính của bộ phim - hậu duệ của một trong những gia tộc giàu có nhất Singapore - kháng cự việc trở về kế nghiệp công ty gia đình mà chỉ muốn theo đuổi công việc ưa thích.

Đây là một thực tế đang diễn ra ở nhiều gia tộc châu Á khi thế hệ F3, được tiếp thu văn hóa phương Tây, trở nên mạnh dạn hơn trong việc chọn con đường riêng thay vì kế thừa công ty của gia đình.

Sức ép kế thừa

Ngược lại với các gia tộc lâu đời hơn ở Mỹ và châu Âu, hầu hết các gia tộc châu Á vẫn còn ở thế hệ F2, F3. Không ít công ty gia đình nổi tiếng ngày nay vẫn được nắm giữ trong tay thế hệ F2 mà nhiều trong số đó cũng đang vật vã tìm người kế thừa để duy trì cơ nghiệp của gia tộc khi các công ty này ngày càng phình to và phức tạp hơn.

“Sự tích lũy của cải nhanh chóng trong khu vực châu Á có nghĩa là quy mô các công ty gia đình đã rất lớn so với cách đây khoảng 50 năm”, Richard Loi, đứng đầu bộ phận Đông Nam Á tại Deloitte Private, nhận xét.

Những người kế vị cũng đang đối mặt với một môi trường đầy thách thức: nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, căng thẳng địa chính trị leo thang và công nghệ thay đổi nhanh chóng, khiến triển vọng kinh doanh càng thêm khó đoán định. Điều này càng tạo sức ép lên khả năng điều hành của người kế vị, dễ dẫn đến rủi ro xung đột trong nội bộ.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy các công ty gia đình đang thích ứng khá tốt với sức ép. Người đứng đầu gia tộc bắt đầu chuẩn bị kế hoạch kế vị khi sắp bước qua tuổi 60 hoặc 70, sớm hơn một thập kỷ so với các thế hệ trước, theo Lee Woon Shiu thuộc DBS Bank. Lee cũng cho biết, để góp phần đảm bảo cho cơ nghiệp, nhiều gia tộc cũng lập các quỹ ủy thác tư nhân và công ty quản lý tài sản gia đình.

Việc chọn người kế vị cũng cởi mở hơn, khi ngày càng nhiều gia tộc chấp nhận đưa người ngoài vào vị trí CEO. Điều này cũng không phải luôn dễ dàng khi quan điểm của người châu Á là người trẻ phải nối nghiệp cha ông. “Ở châu Á, có sức ép, có ý thức trách nhiệm và lòng hiếu thảo”, Michelle Yong, thuộc thế hệ thứ 4 của gia tộc đứng đằng sau tập đoàn xây dựng Woh Hup có trụ sở tại Singapore, nhận xét.  

Giáo sư Annie Koh, Giám đốc Học vụ Viện Các công ty gia đình thuộc Đại học Quản lý Singapore (SMU), cũng cho biết khi các công ty gia đình ngày càng lớn hơn và nhiều tầng bậc hơn thì “càng cần nhiều tài năng ở bên ngoài gia đình để đưa công việc kinh doanh lên tầm cao mới”. Một khảo sát của Deloitte-SMU cho thấy, 77% thế hệ tạo lập F1 nói rằng một thành viên gia đình phải nắm giữ công ty, nhưng con số này đã giảm còn 35% và 24% đối với thế hệ F2 và F3. 

Kuok Meng Ru, chẳng hạn, là con trai của tỉ phú dầu cọ Kuok Khoon Hong và là cháu chắt của người giàu nhất Malaysia Robert Kuok, nhưng anh không theo nghiệp của gia đình mà dấn thân vào ngành âm nhạc. Anh cho biết anh được gây cảm hứng bởi đế chế nông nghiệp Wilmar mà cha đã gầy dựng. “Mọi thứ mà thế hệ cha ông đã làm trong mảng lương thực đều khiến tôi cảm thấy thú vị và thúc đẩy tôi áp dụng chúng vào âm nhạc”, Kuok Meng Ru, sáng lập Caldecott Music Group, nói. Anh cho biết anh không hề chịu áp lực phải nối nghiệp gia tộc. 

Đầu năm 2019, Wee Ee Cheong, CEO của Ngân hàng UOB (Singapore), từng cho biết ông sẵn sàng chấp nhận một thành viên không phải gia đình kế vị ông tại ngân hàng do ông nội của ông thành lập vào năm 1935. Con trai cả của Cheong là Wee Teng Wen lại chọn ngành khách sạn thay vì ngân hàng với việc sáng lập The Lo & Behold Group. “Có nhiều sự cởi mở hơn trong việc kế thừa công ty của gia đình”, Wee Teng Wen nói. Anh cho biết thêm, cha mẹ rất ủng hộ lựa chọn nghề nghiệp của anh.

Hay trường hợp của Joseph Fung, cháu trai của Fung King Hey, 1 trong 3 chàng “lính ngự lâm” đã cùng với Lee Shau Kee và Kwok Tak Seng sáng lập nên Sun Hung Kai Properties ở Hồng Kông, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất thế giới về vốn hóa thị trường. Trong khi con cái của Lee Shau Kee và Kwok Tak Seng vẫn làm trong ngành địa ốc thì Joseph quyết định tạo dựng tên tuổi riêng trong một lĩnh vực không liên quan: khoa học đời sống.

Bộ đôi quyền lực Adrian và Sonia Cheng, cháu của ông trùm bất động sản Hồng Kông Cheng Yu-tung.
Bộ đôi quyền lực Adrian và Sonia Cheng, cháu của ông trùm bất động sản Hồng Kông Cheng Yu-tung.

Sau khi lấy bằng kinh tế tại Đại học Cornell, Joseph đã làm việc trong ngành tài chính ở Citigroup và Morgan Stanely trước khi gia nhập PCCW của tỉ phú Hồng Kông Richard Li, nơi anh đã hỗ trợ thực hiện các thương vụ thâu tóm của tập đoàn truyền thông này. Sau một thập kỷ làm thuê, Joseph đã ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm của riêng mình vào năm 2017 có tên Saltagen Ventures.

Quỹ này đặt trụ sở tại Hồng Kồng và Vancouver, tập trung vào các khoản đầu tư giai đoạn đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong 5 năm qua, Saltagen, với hơn 120 triệu USD giá trị tài sản được quản lý, đã đầu tư hơn 18 triệu USD vào 20 startup trên toàn cầu, trong đó có tại Úc, Canada, Đan Mạch, Hồng Kông và Mỹ. 

Phá vỡ lời nguyền F3

Đối với những F3 quyết định kế thừa cơ nghiệp của gia tộc, nhiệm vụ của họ là phá vỡ được “lời nguyền thế hệ thứ 3”. Người Trung Quốc có câu “Của cải không giữ được quá 3 thế hệ”, theo đó nói rằng thế hệ tạo lập doanh nghiệp F1 tạo ra của cải, thế hệ F2 cố gắng giữ gìn gia sản nhưng đến thế hệ F3 lại phung phí nó. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra khoảng 10% các công ty gia đình tồn tại qua 3 thế hệ. “Mấu chốt là ở thế hệ thứ 3. Đó là khi các gia tộc mất đi tất cả”, Giáo sư Annie Koh, thuộc SMU, nhận xét.

Thế nhưng, trái với sự lo lắng của nhiều người, kết quả của cuộc kiểm tra 3 thế hệ cho thấy các thế hệ kế thừa ngày càng chứng minh được khả năng giữ gìn được cơ nghiệp của gia tộc. Có nhiều lý do cho việc này. Thứ nhất, đời cháu của các ông trùm sáng lập nên đế chế ở châu Á được lựa chọn khá kỹ càng và có trải nghiệm quốc tế nhiều hơn thế hệ cha ông, những người đã xây dựng cơ đồ ở thị trường trong nước nhờ tận dụng các cơ hội làm ăn trong các thời kỳ kinh tế tăng trưởng nhanh như ngành xây dựng hoặc tài nguyên thiên nhiên.

Được giáo dục bài bản tại nước ngoài là một đặc điểm làm thế hệ anh tài F3 trở nên khác biệt so với thế hệ cha ông của mình, mà nhiều người trong số đó thậm chí chưa từng hoàn tất chương trình đại học. Hầu hết thế hệ hậu đại này đều du học nước ngoài, thường là Mỹ. Adrian Cheng, cháu trai của ông trùm bất động sản Hồng Kông Cheng Yu-tung, học ở Đại học Harvard.

John Riady, hậu duệ được sinh ra ở New York của một đế chế kinh doanh nổi tiếng tại Indonesia, đã học Đại học Georgetown trước khi lấy bằng MBA tại Trường Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania và cử nhân luật tại Đại học Columbia. Isha Ambani, con gái của tỉ phủ Ấn Độ Mukesh Ambani, tốt nghiệp Đại học Yale và sau đó là Graduate School of Business của Đại học Stanford vào năm 2018. 

Một đặc điểm khác là con đường sự nghiệp của họ đi lên từ trong công ty gia đình. Giống cha mình, Cheng, Riady và Isha đều làm việc cho công ty gia đình. Cheng điều hành New World Development, chi nhánh bất động sản của gia tộc. Riady là CEO của Lippo Karawaci, nhà phát triển bất động sản thuộc gia tộc. Isha lãnh đạo mảng bán lẻ của Reliance.

Tuy nhiên, giống như nhiều bạn đồng trang lứa, họ phải đi qua con đường rất quanh co mới đến được đích này, một phần để giúp họ trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp. Cheng, chẳng hạn, đã khởi nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, trong đó có làm việc ở UBS (Thụy Sĩ). Isha từng là chuyên gia tư vấn tại McKinsey. Hay Riady từng làm việc trong ngành đầu tư vốn cổ phần tư nhân.

Những người khác thì dấn thân vào ngành đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp công nghệ. Korawad Chearavanont, cháu cố của nhà sáng lập CP Group, công ty tư nhân lớn nhất Thái Lan, đã lập một startup công nghệ chuyên cung cấp các tính năng truyền thông xã hội cho các ứng dụng. Kuok Meng Xiong, cháu của tỉ phú Robert Kuok, đang điều hành K3 Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore.

Với khả năng thông thạo ngoại ngữ, nền tảng giáo dục tại nước ngoài cùng các mối quan hệ xã hội phương Tây đã khiến các F3 này trở thành cầu nối lý tưởng, góp phần vào bức tranh tăng trưởng của ngành đầu tư mạo hiểm. Trong 2 năm qua, các khoản đầu tư mạo hiểm tại châu Á đã là 150 tỉ USD tính trung bình mỗi năm, bằng hơn 50% so với Mỹ (280 tỉ USD) và tăng từ mức chỉ 11 tỉ USD của năm 2012 (khi đó chỉ bằng 1/4 của Mỹ).

Đầu tư châu Á vào các thương vụ đầu tư mạo hiểm nước ngoài cũng tăng mạnh. Tại Mỹ, tỉ trọng đầu tư từ châu Á từ chỗ chỉ chiếm chưa tới 10% về giá trị cách đây 1 thập kỷ đã lên tới 25% vào năm 2022, theo Dealroom.

 

Cho thế hệ kế thừa có cuộc sống phong phú bên ngoài công việc gia đình một phần là vì muốn cho họ có thể tự do làm việc mình thích và tích lũy kinh nghiệm thực tế. “Thế hệ đầu và thế hệ thứ 2 khá là truyền thống nhưng họ rất vui vẻ đưa con ra nước ngoài, nơi các giá trị là khác nhau và cách thức kinh doanh cũng là hoàn toàn khác biệt”, Kevin Au, Giám đốc Trung tâm Công ty Gia đình tại Đại học Hồng Kông, nhận xét.

Chính thái độ cởi mở này cũng giúp trau dồi năng lực kế thừa cho thế hệ F3 sau khi họ trở về tiếp quản công ty gia đình, đặc biệt là khi các công ty gia đình ngày càng đa dạng hóa vào những lĩnh vực mới và thị trường mới. Ví dụ, Reliance, nổi tiếng trong lĩnh vực hóa chất, hiện là nền tảng số và công ty viễn thông lớn nhất Ấn Độ. Lippo đã dấn sâu hơn vào các công ty công nghệ trẻ ở Đông Nam Á thông qua chi nhánh đầu tư mạo hiểm Venturra Capital. Các thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi này nắm giữ các mối quan hệ rộng rãi hơn thế hệ trước, rất có ích cho công việc kinh doanh của gia đình.

Năm ngoái Campden Wealth đã khảo sát 382 công ty quản lý tài sản gia đình toàn cầu. Kết quả khảo sát cho thấy đa phần đều muốn thế hệ kế thừa phải có trải nghiệm làm việc ở bên ngoài trước khi về lại công ty gia đình. Trên toàn cầu, 54% trả lời họ muốn người kế thừa phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm bên ngoài, con số này ở châu Á là 58%. 

Chính tư tưởng ngày càng phóng khoáng hơn và quốc tế hơn của thế hệ F1, F2 là một yếu tố quan trọng góp phần tránh được “lời nguyền F3”, giúp thế hệ F3 rèn luyện năng lực ứng biến trước môi trường kinh tế đang thay đổi nhanh chóng hiện nay.