Tiềm năng phát triển của thị trường EdTech Việt Nam nằm trong quỹ đạo phát triển chung của châu Á.

 
Thứ Tư | 25/01/2023 09:00

Quỹ đầu tư tìm trường

Sau thời gian chững lại vì dịch bệnh, giáo dục tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư lớn.

“Dưới tác động của dịch COVID-19, học trực tuyến đã trở thành thiết yếu. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các startup trong lĩnh vực EdTech tạo ra đột phá theo hướng tận dụng công nghệ A.I (trí tuệ nhân tạo), Machine Learning (máy học) để nâng cao trải nghiệm cho học sinh, nhà trường, nhất là việc đề xuất chương trình học phù hợp năng lực, mục tiêu của từng học sinh”, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành Do Ventures, cho biết. Quỹ này đã đầu tư vào 2 nền tảng giáo dục trực tuyến Vuihoc và Manabie.

SỨC HÚT EDTECH

Hồi tháng 6.2021, Tập đoàn Giáo dục EQuest bất ngờ tiết lộ nhận được vốn rót lên tới 100 triệu USD từ một công ty đầu tư lớn của thế giới. Astrid (Thụy Điển) cũng âm thầm đầu tư vào thị trường Việt Nam với ứng dụng học tiếng Anh trực tuyến cùng tên, đối đầu cùng 3 ứng dụng Yola, ELSA và Duolingo.

Duolingo là ứng dụng có doanh thu cao nhất trong danh mục giáo dục trên cả Google Play và Apple App Store.
Duolingo là ứng dụng có doanh thu cao nhất trong danh mục giáo dục trên cả Google Play và Apple App Store.

Các chuyên gia nhận định, tiềm năng phát triển của thị trường EdTech Việt Nam nằm trong quỹ đạo phát triển chung của châu Á. Bên cạnh 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á đang được đánh giá là có điều kiện thuận lợi cho EdTech phát triển bởi quy mô dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng nhanh, mật độ sử dụng điện thoại thông minh cao và độ phủ internet tốt. Việc chuyển sang môi trường học online là một xu thế không thể thay đổi và chính là cơ hội để EdTech bùng nổ tại Việt Nam.

Vì vậy, năm 2023, Ken Research và Ambient đưa ra dự báo lạc quan, thị trường EdTech Việt Nam có thể đạt 3 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019-2023. Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, từng nhận định, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để thị trường EdTech phát triển.

Thứ nhất, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước, với hơn 90% trong số này sử dụng điện thoại, máy tính, laptop để học.

Thứ 2, các bậc phụ huynh đang sẵn sàng dành nhiều ngân sách để bản thân và con cái được hưởng những dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Vì thế, theo thống kê sơ bộ, hơn 200 doanh nghiệp khai thác thị trường này và khoảng 2 triệu người đã tham gia các chương trình học qua mạng.

Tiềm năng này khiến EdTech trở thành lĩnh vực thu hút sự chú ý của nhiều quỹ đầu tư. Đơn cử, CoderSchool, startup dạy lập trình trực tuyến của Việt Nam, công bố nhận được khoản đầu tư trị giá 2,6 triệu USD trong vòng gọi vốn Pre-series A do Quỹ Monk’s Hill Ventures dẫn dắt. Marathon cũng đã gọi vốn thành công 1,5 triệu USD cho vòng tiền hạt giống (Pre-seed) từ các quỹ Forge Ventures, Venturra Discovery, iSeed và các nhà đầu tư thiên thần. Educa được Quỹ đầu tư ReDefine Capital rót 2 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A.

Edmicro cũng đã hoàn tất khoản gọi vốn vòng Series A+ từ Quỹ đầu tư Beenext, Qualgro (Singapore) và Insignia Ventures... Tuy nhiên, thu hút nhiều vốn đầu tư nhất có lẽ là ứng dụng học tiếng Anh ELSA với 15 triệu USD ở vòng gọi vốn Series B do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu. Tính chung, ELSA gọi vốn được tổng cộng 27 triệu USD.

Rõ ràng, dù thị trường EdTech Việt Nam tạo được sức hút nhưng quy mô đầu tư vẫn còn khiêm tốn và các quỹ đầu tư cũng chỉ tập trung rót vốn vào một số ứng dụng đã có thương hiệu cùng lượng học viên nhất định. Ví dụ, CoderSchool sau 6 năm ra đời đã có hơn 1.000 học viên tốt nghiệp. 

“Thị trường EdTech Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khai và các startup Việt cần thêm thời gian để bắt kịp tốc độ phát triển của các công ty khác tại những thị trường lớn hơn trong khu vực”, bà Lê Hoàng Uyên Vy nhận định.

Theo các chuyên gia, điều ưu tiên của các startup EdTech là cần tìm cách đột phá công nghệ, phát triển những mô hình doanh thu lành mạnh hướng đến tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, cần xây dựng tài liệu học tập chất lượng, hệ thống theo dõi tiến độ toàn diện. Có như vậy, các ứng dụng giáo dục mới có thể duy trì lượng người dùng cao và giúp thành viên đạt kết quả học tập tốt hơn. 

 

Một khi làm tốt, cơ hội không chỉ đến từ triển vọng ngành mà còn từ việc chưa công ty nào thống lĩnh được thị trường EdTech và vẫn chưa có công ty nào được định giá trên 100 triệu USD.

CƠ HỘI CỦA CÁC QUỸ ĐẦU TƯ

Nói đến giáo dục mà chỉ quan tâm đến EdTech là không đầy đủ. Lâu nay, phân khúc luôn lọt vào tầm ngắm của giới đầu tư là hệ thống trường đào tạo từ mẫu giáo đến trung học. Nhiều tập đoàn lớn đã vào cuộc như Vingroup với hệ thống trường liên cấp Vinschool, Đại học VinUni; Tập đoàn TH với TH School; FPT với hệ thống Trường Trung học phổ thông FPT, Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic, Đại học FPT; Nguyễn Hoàng Group với hệ thống Trường Mầm non quốc tế Saigon Academy (SGA); Trường Hội nhập quốc tế iSchool; Trường Quốc tế song ngữ Học viện Anh quốc (UK Academy); Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA); Viện Hợp tác quốc tế và Du học iStudent; hệ thống các trường đại học như Hồng Bàng, Gia Định, Hoa Sen (đều thông qua sáp nhập), Bà Rịa - Vũng Tàu (BVU). 

Vào tháng 3/2021, Nova Group đã chính thức giới thiệu Nova Education Group, là hệ thống giáo dục liên cấp từ mầm non đến phổ thông trung học, cao đẳng, đại học theo tiêu chuẩn quốc tế. Cùng thời gian này, Tập đoàn ra mắt Trường Cao đẳng Nova - Nova College, tuyển sinh ngay trong năm 2021. Đây được coi là bước đi đầu tiên để tạo nên một hệ thống giáo dục liên thông từ mầm non tới đại học.

Đây cũng là phân khúc chứng kiến nhiều thương vụ M&A diễn ra. Mới đây, Excelsior Capital Asia đã rót vốn vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Khôi Nguyên (KNE Group). Giá trị khoản đầu tư không được tiết lộ nhưng đây là thương vụ đầu tư thứ 2 của Excelsior Capital Asia ở Việt Nam.

ELSA đã gọi vốn được tổng cộng 27 triệu USD.
ELSA đã gọi vốn được tổng cộng 27 triệu USD.

Excelsior Capital Asia có 20 năm kinh nghiệm đầu tư tại châu Á và đang quản lý 6 quỹ đầu tư với hơn 1 tỉ USD vốn cam kết. Trong khi đó, KNE Group là tập đoàn giáo dục ra đời từ năm 2010 và hiện sở hữu, điều hành Trường Quốc tế Canada (CIS), Trường Quốc tế Canada hệ song ngữ (BCIS), Trường Albert Einstein (AES), Trường Mầm non Canada - Việt Nam (CVK) và trường học trực tuyến E-Study. Trong năm nay, tập đoàn này đã bắt đầu khởi công xây dựng tổ hợp Trường liên cấp quốc tế Canada tại Lào Cai.

Ông Hoàng Xuân Chính, Giám đốc Điều hành Excelsior Capital Asia Việt Nam, cho biết, nguồn vốn và quan hệ hợp tác mới sẽ giúp KNE tăng cường khả năng quản lý và mở rộng nguồn lực, từ đó mang lại nhiều cơ hội cho các em học sinh. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, đồng sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Quản trị KNE Group, cũng hy vọng quan hệ hợp tác là cột mốc để Tập đoàn đạt đến những mục tiêu chiến lược và hoạch định tầm nhìn dài hạn của mình.

Ở mảng giáo dục đại học (cao đẳng, đại học), một báo cáo cho thấy, các gia đình Việt Nam thường dành một nửa thu nhập để cho con đi du học. Mỗi năm, người Việt Nam chi khoảng 3 tỉ USD cho giáo dục ở nước ngoài. Vì thế, nếu giáo dục đại học ở Việt Nam có thể cải thiện chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ có nhiều sinh viên Việt Nam chọn học trong nước. Đây cũng là phân khúc có nhiều giao dịch sôi động. Không chỉ Nguyễn Hoàng Group nhảy vào giáo dục đại học mà Vietravel cũng từng đầu tư sở hữu 66% cổ phần của Trường Cao đẳng Quốc tế Kent, Hutech mua lại Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), Hùng Hậu mua lại Đại học Văn Hiến...

Các trung tâm Anh ngữ cũng là điểm thu hút đầu tư. Theo số liệu sơ bộ, tại những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội đã có 450 trung tâm Anh ngữ. Đây là phân khúc chứng kiến nhiều thương vụ đầu tư diễn ra như hệ thống Yola nhận vốn đầu tư của Mekong Capital và mới đây là Kaizen Private Equity và Spring Through Pte (Singapore). Hay Tập đoàn MSH mua lại hệ thống đào tạo Anh ngữ Wall Street English (WSE Việt Nam).

SÂN CHƠI KÉN CHỌN

Tuy nhiên, nói như ông Hoàng Xuân Chính, “đầu tư giáo dục không thể chỉ vì tiền dù đầu tư nào cũng phải quan tâm tới lợi nhuận”. Điều mà các quỹ đầu tư tìm kiếm là những mô hình giáo dục có thể mở rộng và phát triển bền vững. Muốn thế, các quỹ phải xem xét kỹ chiến lược, tầm nhìn lãnh đạo và cái tâm của nhà sáng lập.

Ông Chính thừa nhận, làm giáo dục rất đặc thù và kén người tham gia. Nếu không có cái tâm yêu nghề thì khó tạo dựng được hệ thống trường lớp đạt chất lượng tốt. Ngoài ra, trên thị trường không thiếu các trường tư nhân nhưng quy mô thường nhỏ, khó mở rộng và cũng ít nơi đạt được những tiêu chí chọn lựa của Excelsior Capital. Nếu có thì thường đã có quỹ đầu tư khác nhảy vào nên không dễ cho các quỹ đầu tư tham gia mảng giáo dục.

Thế nhưng, vì giáo dục là lĩnh vực hấp dẫn, với quy mô thị trường ước khoảng 7-8 tỉ USD, theo Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) và còn nhiều dư địa tăng trưởng, với thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng lên đáng kể nên dù có những khó khăn, các quỹ vẫn luôn dành cho giáo dục một vị trí quan trọng.

Điều mà các quỹ đầu tư tìm kiếm là những mô hình giáo dục có thể mở rộng và phát triển bền vững.
Điều mà các quỹ đầu tư tìm kiếm là những mô hình giáo dục có thể mở rộng và phát triển bền vững.

Thực tế, khi tầng lớp trung lưu tăng lên, nhu cầu tìm kiếm các trường tư nhân chất lượng cao cũng tăng theo trong khi nguồn cung vẫn thiếu. Theo số liệu nghiên cứu từ SSIAM, tỉ lệ học sinh các trường tư ở Việt Nam chỉ khoảng 1% tổng học sinh cấp 1 và cấp 2, mức thấp nhất trong khu vực (con số này ở Thái Lan lần lượt cho cấp 1 và cấp 2 là 22% và 10%; Philippines là 9% và 17%;  Trung Quốc là 8% và 14%). Do đó, ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng Giám đốc SSIAM, cho rằng, nhu cầu đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục tư nhân chất lượng vẫn còn cao tại Việt Nam và nhu cầu này cũng là cơ hội cho các quỹ của SSIAM tham gia.

SSIAM đã và đang xem xét một số cơ hội đầu tư trong ngành. “Chúng tôi thích những đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục ở phân khúc trung bình cao, tương đương mức học phí khoảng 120-250 triệu đồng/năm. Đây là phân khúc chúng tôi nghĩ là phù hợp với thu nhập của tầng lớp trung lưu trong nước đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây và các năm tới”, ông Dũng nói.

Theo ông Chee-Wei Wong, Giám đốc Quỹ KKR Global Impact tại châu Á, một trong những định hướng lớn của Quỹ KKR Global Impact là đầu tư vào những doanh nghiệp hỗ trợ quá trình học tập suốt đời để tập trung vào việc thu hẹp cách biệt về kỹ năng và tạo ra cơ hội tiếp cận bình đẳng với giáo dục chất lượng.

Dù có những tiêu chí sàng lọc khác nhau nhưng thông thường, các quỹ đầu tư mong muốn đầu tư vào các doanh nghiệp vừa có khả năng đảm bảo chất lượng đào tạo vừa mang lại tăng trưởng và đạt quy mô lớn trong tương lai. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Phan Dũng, SSIAM sẽ xem xét nhiều khía cạnh như chương trình học của trường, các mục tiêu đào tạo đầu ra cho học sinh, cách phát triển và đào tạo để có được số lượng giáo viên đủ tiêu chuẩn cho sự tăng trưởng của trường, lựa chọn các địa điểm của trường và năng lực quản lý học sinh quy mô lớn.