Ảnh: TL

 
Thứ Sáu | 10/06/2022 13:00

Ông Nguyễn Đăng Quang, Masan - Đường lên đỉnh Olympia

3 công ty tiêu dùng lớn của Việt Nam là Vinacafé, Proconco và Vĩnh Hảo đã về tay Masan Consumer trong những năm kinh tế không mấy sáng sủa.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2013.)

Nhiều ông chủ giàu có của Việt Nam cũng nuôi tham vọng biến công ty của mình thành “holdings”, mô hình tập đoàn kinh tế mà tôi đã đề cập trong các bài trước. Rõ nét hơn cả là Tập đoàn Masan, có thể được xem là holdings tiêu chuẩn đầu tiên của Việt Nam với những bước đi khá ấn tượng. Mức vốn hóa của Masan tính đến cuối tháng 12.2011 đạt 2,4 tỉ USD, giúp họ trở thành công ty niêm yết lớn nhất khu vực kinh tế tư nhân thời điểm này. Hiện tại, tính đến tháng 6.2021, vốn hóa của Masan đã đạt trên 5 tỉ USD. Có thể nói, Masan là một công ty gây nhiều cảm hứng và tranh cãi trong quá trình vươn lên thành một ngôi sao.

3 công ty tiêu dùng lớn của Việt Nam là Vinacafé, Proconco và Vĩnh Hảo đã về tay Masan Consumer trong những năm kinh tế không mấy sáng sủa. Và trong tháng 4.2013, Masan Consumer cũng thông báo hoàn tất thêm thương vụ mua lại Bia Phú Yên, một công ty chuyên sản xuất bia cho Sabeco. Ngoài ra, Masan Consumer còn sở hữu công ty con nền tảng mang tên Masan Food chuyên sản xuất nước chấm, gia vị, mì gói. Như vậy, các sản phẩm của Masan đang từng bước hoàn thiện sự có mặt của mình trên bàn ăn của người Việt. Chính Masan Consumer đã mang về gần 90% nguồn thu và lợi nhuận cho Tập đoàn Masan (Masan Group). Tuy nhiên, Masan Group không chỉ có Masan Consumer.

Danh tiếng từ lâu của Masan Group còn đến từ việc họ sở hữu 30,61% Ngân hàng Techcombank vào năm 2009. Đến nay, Techcombank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam xét về quy mô tổng tài sản và trình độ quản lý. Nổi hơn nữa là thắng lợi trong thương vụ mua lại Núi Pháo (Masan Resources). Masan Group đã giành được quyền sở hữu Núi Pháo, mỏ khoáng sản vonfram lớn nhất thế giới, có khả năng mang lại doanh thu 400-500 triệu USD/năm và EBITDA (thu nhập trước thuế, lãi vay và khấu hao) là 250-300 triệu USD/năm từ nhà đầu tư nước ngoài Dragon Capital.

Danh tiếng từ lâu của Masan Group còn đến từ việc họ sở hữu 30,61% Ngân hàng Techcombank vào năm 2009.
Danh tiếng từ lâu của Masan Group còn đến từ việc họ sở hữu 30,61% Ngân hàng Techcombank vào năm 2009.

Chiến lược sở hữu tài sản dạng holdings được Masan xác định khá rõ từ sớm, đó là chỉ đầu tư vào những công ty có khả năng dẫn đầu thị trường, trước mắt là trong lĩnh vực tiêu dùng và tuyên bố “không đầu tư vào bất động sản”. Một đặc điểm khác trong mô hình Masan Group là các công ty con hạn chế liên kết với nhau, có thể là Techcombank không tài trợ vốn cho Masan Consumer, hoặc Masan Resources không liên doanh với Masan Consumer. Những công ty thành viên này đang được điều hành bởi các tổng giám đốc độc lập có nhiều năm kinh nghiệm ở những thị trường mới nổi. Nhưng đứng đằng sau tất cả thành công của Masan Group là một thủ lĩnh tinh thần với chân dung khá đặc biệt: ông Nguyễn Đăng Quang. 

Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963, là một trí thức theo đuổi lĩnh vực toán học và vật lý, có học vị tiến sĩ. Ông Quang nổi tiếng vì đã khám phá và khai thác thành công thị trường Đông Âu với các sản phẩm mì ăn liền đầu thập niên 1990. Khi về Việt Nam đầu những năm 2000, ông tiếp tục được chú ý khi giữ vị trí cấp cao ở Ngân hàng Techcombank và Masan Group. Lúc Masan Group thực hiện việc sở hữu cổ phần lớn trong Techcombank cũng là lúc ông Nguyễn Đăng Quang trở thành đồng sự của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch ngân hàng này. Ông Quang và ông Hùng Anh có thể được xem là những nhà kinh doanh có tiếng thuộc thế hệ CEO thứ 2 của Việt Nam sau thời kỳ Đổi Mới (thế hệ CEO thứ nhất có thể kể đến những tên tuổi lớn là Mai Kiều Liên, Vinamilk; Trần Mộng Hùng, ACB; Trương Gia Bình, FPT). Sự khác biệt ở chỗ, thế hệ CEO thứ nhất phải mất hơn 20 năm mới phát triển công ty đạt đến quy mô vốn hóa tỉ USD, trong khi ông Quang chỉ mất khoảng 10 năm để chạm đến mục tiêu này. Bên cạnh đó, trong khi nhiều danh tướng ở thế hệ thứ nhất phát triển công ty của họ dựa trên lợi thế cổ phần hóa từ Nhà nước thì ông chủ Masan Group thể hiện khả năng bậc thầy trong kiến trúc tài chính hiện đại để đưa một công ty thuần tư nhân phát triển nhanh như chớp theo mô hình holdings tiên phong ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch Tập đoàn Masan.
Ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch Tập đoàn Masan.

Ông Quang là một doanh nhân có quan điểm làm ăn căn cơ, cốt lõi và khá kín tiếng. Tuy không thường xuyên xuất hiện trước đám đông và giới truyền thông nhưng những người từng tiếp xúc với ông đều nhận xét ông Quang là nhà lãnh đạo có sức thuyết phục lớn. Bản thân tôi cũng từng chứng kiến ông đăng đàn trong một kỳ đại hội cổ đông với các lý luận được trình bày sắc bén, ấn tượng và có tính dẫn dắt. Ngoài ra, nếu xét về kỹ năng hoạch định tài chính, ông Nguyễn Trung Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Thiên Việt, một nhà toán học và cũng là nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam, nhận xét: “Quang là một nhà kinh doanh rất biết cách thương lượng trong các vụ mua bán”.

Trợ thủ đắc lực về hoạch định tài chính và kinh doanh của ông Quang trước đây là Madhur Maini, từng là Tổng Giám đốc Điều hành của Masan Group. Ông Madhur là dân tài chính thứ thiệt với thâm niên 14 năm làm việc tại 2 định chế tài chính quốc tế lớn là Merrill Lynch và Deutsche Bank, nơi ông trải qua các bài học xương máu về xây dựng doanh nghiệp ở châu Á. Cặp bài trùng Nguyễn Đăng Quang và Madhur Maini đã thu hút hơn 1 tỉ USD từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước suốt những năm kinh tế khó khăn, thời điểm mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu vốn trầm trọng.

Động lực nào đã thúc đẩy ông Quang xây dựng đế chế Masan Group như ngày nay? Tiền, danh vọng hay lòng tự hào dân tộc? Một số bài viết hiếm hoi về ông trên các phương tiện truyền thông chỉ cho thấy, ông Quang thường có các phát ngôn về tinh thần yêu nước, ví dụ ông nói: “Tôi yêu quý và tự hào vì tổ quốc mình và sẵn sàng nỗ lực làm việc để vinh danh Việt Nam” (dẫn bài phát biểu của ông Quang tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, khi Masan niêm yết năm 2009).

Không dễ thống kê tài sản của nhà lãnh đạo đầy quyền lực này, do ông Quang tham gia đầu tư vào khá nhiều công ty. Dù vậy, có thể chắc chắn rằng ông và các thành viên gia đình là một trong số ít những tỉ phú USD thực thụ của Việt Nam. Năm 2012, dù ông Quang không nằm trong top 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng thay vào đó là vợ ông, bà Nguyễn Hoàng Yến, xếp ở vị trí thứ 4. Bà Yến cũng tham gia điều hành Masan Group. Tuy nhiên, vượt trên các đặc điểm cá nhân của nhà lãnh đạo, yếu tố quan trọng có thể thấy ở ông Quang là cách mà ông dẫn dắt Masan Group từ xuất phát điểm thấp thành một tập đoàn sở hữu tài sản lớn. Cách giải quyết bài toán vốn của Masan Group phần nào phản ánh nghệ thuật sắp xếp tài chính đỉnh cao của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang.

KIẾN TRÚC TÀI CHÍNH

Bất chấp khủng hoảng kinh tế từ năm 2008, khi các tập đoàn lớn khó huy động vốn, bỗng nhiên Masan Group lại phình to rất nhanh về vốn và quy mô. Vốn chủ sở hữu của Masan Group từ khoảng 471 tỉ đồng năm 2008 đã tăng vụt lên đến hơn 15.000 tỉ đồng năm 2011. Vốn điều lệ chỉ từ 32 tỉ đồng cũng tăng đến hơn 5.000 tỉ đồng. Masan Group đã kiến trúc nguồn vốn này bằng cách vừa dùng nội lực “phi dòng tiền”, trao đổi cổ phần qua lại giữa các công ty con trong cùng Tập đoàn, vừa kết hợp với nguồn tiền thực được gọi từ các tổ chức tài chính quốc tế danh giá. 

Lịch sử của Masan Group bắt đầu từ Masan Food, một công ty thực phẩm với thương hiệu Chinsu được ông Quang thành lập từ đầu những năm 2000. Đến cuối năm 2004, ông Quang tiếp tục xây dựng một công ty khác có tên là Hàng Hải Masan với số vốn 32 tỉ đồng. Dù Masan Food đang rất thành công, ông Quang vẫn nghĩ về những thứ to lớn hơn lúc ấy. Đó là mục tiêu đưa Masan trở thành một tập đoàn lớn sở hữu đa dạng tài sản. Vì thế, năm 2009, ông Quang đổi tên Công ty Hàng Hải Masan thành Masan Group và chuyển Masan Food thành công ty con, nằm dưới Masan Group. Và Masan Group chính thức là cứ điểm để ông thực hiện các cuộc mua bán, sáp nhập (M&A) từ đó đến nay.

Lịch sử của Masan Group bắt đầu từ Masan Food, một công ty thực phẩm với thương hiệu Chinsu được ông Quang thành lập từ đầu những năm 2000.
Lịch sử của Masan Group bắt đầu từ Masan Food, một công ty thực phẩm với thương hiệu Chinsu được ông Quang thành lập từ đầu những năm 2000. Ảnh: TL

Khi cứ điểm Masan Group được thành lập, ngoài việc tiếp tục phát triển lĩnh vực hàng tiêu dùng thông qua công ty con Masan Food, tập đoàn này còn tiến hành những đợt tăng vốn ngoạn mục và lấn sân qua lĩnh vực ngân hàng, khoáng sản. Có thể kể đến việc Masan Group giai đoạn 2008-2009 đã phát hành 245 triệu cổ phiếu cho các cổ đông cùng Tập đoàn (điều đặc biệt là các cổ đông này cũng đang sở hữu Techcombank) để đổi lại 20% quyền sở hữu ngân hàng này. Tiếp đó, cũng với cơ chế tương tự, Masan Group phát hành 181 triệu cổ phiếu cho chính các cổ đông này để sở hữu công ty con Masan Food. 2 đợt tăng vốn vừa nêu thực chất nhằm đưa tài sản của các ông chủ Masan về một mối để dễ quản lý. Khi đó, Masan Food trở thành công ty con, Techcombank trở thành công ty liên kết được hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa tiếp tục vận vào Masan Group năm 2010 với việc tập đoàn này tăng thêm sở hữu tại Techcombank và mua lại dự án khoáng sản Núi Pháo. Cuối năm 2010 và đầu năm 2011, Masan Group tăng thêm sở hữu thực tế tại Techcombank từ 20% lên 30,84% thông qua việc mua thêm gần 4.800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi của Techcombank. Thực chất, Masan Group chỉ bỏ khoảng 1.500 tỉ đồng tiền mặt, phần còn lại Masan Group phát hành 43,3 triệu cổ phần của chính mình cho Techcombank để cấn trừ nợ. Sau đó, tỉ lệ 30,84% lại giảm xuống 30,61% do Techcombank thực hiện việc phát hành cổ phiếu thưởng cho nhân viên. Có thể thấy, động thái trên đã giúp Masan Group tránh được quy định một tổ chức không nắm giữ quá 20% cổ phần một ngân hàng.

Ngoạn mục hơn nữa là thương vụ Núi Pháo cũng diễn ra trong năm 2010. Ban đầu, Núi Pháo thuộc sở hữu của liên doanh giữa Việt Nam và Tập đoàn Tiberon Minerals (Canada). Tiberon đã chuyển lại dự án cho nhà đầu tư nước ngoài khác là Dragon Capital năm 2007 để thu lãi khoảng 70 triệu USD (theo số liệu của VnEconomy). Nhưng đến năm 2009, một vụ kiện tụng liên quan đến tỉ lệ góp vốn giữa doanh nghiệp nội với nhà đầu tư nước ngoài bùng nổ, cộng với sự chậm trễ tiến độ dự án Núi Pháo khiến Dragon Capital gặp khó khăn. Và Masan Group vào cuộc. Tập đoàn này nhanh chóng hoàn tất thương vụ Núi Pháo mà… không cần nhiều tiền. Thực tế là để sở hữu 70% Núi Pháo, Masan Group không trả tiền mặt mà phát hành hối phiếu nhận nợ cho bên bán (gồm Dragon Capital và cổ đông khác). Theo đó, bên bán sẽ nhận được tiền mặt chỉ khi hối phiếu này đến hạn vào năm 2017, hoặc quyền chọn mua cổ phiếu Masan Group sau 3-5 năm. Trước đó, Masan Group đã mua thành công Công ty Thương mại Đầu tư Thái Nguyên (nắm giữ 15% Núi Pháo) cũng bằng phương pháp phát hành cổ phiếu. Kết quả là đến cuối năm 2010, Masan Group giữ tổng cộng 80% Núi Pháo.

Tuy nhiên, trong lịch sử tăng vốn của Masan Group, ngoài việc dùng phương thức phi tiền mặt trong các thương vụ vừa nêu, tập đoàn này còn hút được nguồn tiền mặt thực sự dồi dào từ nhiều định chế tài chính quốc tế. 

Bắt đầu từ khoản đầu tư 9 triệu USD của Công ty Quản lý Quỹ Mekong Capital vào Masan Food (năm 2009), Masan Group sau đó liên tục nhận được các khoản đầu tư tăng dần trong giai đoạn 2009-2012 từ các định chế tài chính TPG (mua trái phiếu chuyển đổi 70 triệu USD), House Foods (mua 20 triệu USD cổ phần), IFC (mua trái phiếu chuyển đổi 40 triệu USD), Goldman Sachs (mua trái phiếu chuyển đổi 30 triệu USD), KKR (đầu tư 359 triệu USD). Ngoài ra, còn có JP Morgan, Standard Chartered (Anh), Richard Chandler (Singapore). Đặc biệt ở thương vụ Núi Pháo, khi Masan Group vừa “bắt” Núi Pháo từ Dragon Capital chỉ bằng các hợp đồng phát hành cổ phiếu, trái phiếu thì lập tức tập đoàn này nhận “nóng” 100 triệu USD “tiền tươi” từ định chế tài chính Mount Kellett. Đổi lại, Mount Kellett sẽ sở hữu 20% Núi Pháo và sở hữu Masan Group trong Núi Pháo từ 80% giảm xuống còn 65%.

Tổng quát có thể thấy, nền tảng các công ty sở hữu tài sản là phải có vốn cực lớn, được huy động nhanh chóng từ nhiều nguồn để sẵn sàng “phân luồng giải ngân” vào các thương vụ M&A. Xét ở cấp độ công ty con và công ty liên kết, KRR, JP Morgan, House Foods (một trong những công ty sản xuất thực phẩm lớn nhất của Nhật) là đối tác của Masan Consumer. HSBC là đối tác chiến lược của Techcombank trước kia. Và Mount Kellett, Standard Chartered cung cấp vốn cho Masan Resources. 

Có thể thấy, các cổ đông nước ngoài đầu tư vào Masan Group đều thuộc hàng danh tiếng thế giới và chất lượng của nhà đầu tư đều tăng dần qua từng giai đoạn tăng vốn của tập đoàn này. Với việc đầu tư cổ phần hoặc trái phiếu chuyển đổi sau 5 năm của Masan, các nhà đầu tư nước ngoài dường như vừa đánh cược, vừa tin tưởng mãnh liệt rằng Masan Group sẽ trở nên hùng mạnh nhất Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa, tập đoàn này có thành công hay không cũng sẽ tác động rất lớn đến sự nhìn nhận của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường kinh doanh chung tại đây.

LIÊN MINH TIÊU DÙNG

Bên cạnh nghệ thuật kiến trúc tài chính bậc thầy trong 2 thương vụ Techcombank và Núi Pháo, sự thành công của Masan Group không thể không nhắc tới Masan Consumer. Masan Group vừa trực tiếp giữ 46% cổ phần trong Masan Consumer, lại vừa dùng 4 công ty con khác là Hoa Bằng Lăng, Hoa Phong Lan, Hoa Thược Dược, Hoa Đồng Tiền sở hữu cổ phần với tỉ lệ khác nhau (chưa rõ cơ chế hoạt động của các công ty con này). Tuy vậy, ở Masan Consumer, câu chuyện không chỉ nằm ở tài chính mà là năng lực kinh doanh và cạnh tranh trên thương trường.

Sau gần một thập kỷ xây dựng, Masan Consumer đã có trong tay hệ thống phân phối lớn nhất Việt Nam với gần 200.000 điểm bán hàng. Việc mua hàng loạt doanh nghiệp tốt cũng khiến công ty này đạt hiệu quả kinh doanh khả quan, với hệ số EBITDA cao nhất trong nhóm các công ty hàng tiêu dùng niêm yết trên sàn chứng khoán.

Sau gần một thập kỷ xây dựng, Masan Consumer đã có trong tay hệ thống phân phối lớn nhất Việt Nam với gần 200.000 điểm bán hàng.
Sau gần một thập kỷ xây dựng, Masan Consumer đã có trong tay hệ thống phân phối lớn nhất Việt Nam với gần 200.000 điểm bán hàng. Ảnh: TL

Ra đời từ năm 2000, nhưng doanh thu và lợi nhuận gộp của Masan Consumer tăng trưởng mạnh nhất (với 16,7 lần và 89,9 lần) là trong giai đoạn 6 năm từ 2006-2011, chủ yếu từ kinh doanh nước tương, nước mắm, gia vị và mì gói. Sự tăng trưởng nóng của Masan Consumer có được từ sau sự cố nước tương mang độc tố 3-MCPD. Thông điệp marketing so sánh “sản phẩm sạch - sản phẩm bẩn” đã giúp sản phẩm của Masan Consumer đánh bại các đối thủ lừng lẫy khi đó và nhanh chóng giành lấy phần lớn thị trường.

Khi Việt Nam đối mặt với khủng hoảng kinh tế từ cuối năm 2008 cho đến nay, giá trị nhiều doanh nghiệp trở nên rẻ hơn, Masan Group đã nhanh chân mua lại hàng loạt công ty mạnh trong nước như Vinacafé, Proconco, Vĩnh Hảo và chuyển giao cho công ty con Masan Consumer quản lý. Và Masan Consumer đang bằng mọi giá phát triển “đội bóng” ưu việt này để cạnh tranh với nhiều công ty đa quốc gia tầm cỡ đang có mặt tại đây như Unilever, Nestlé, Coca-Cola, PepsiCo, C.P., Acecook…

Quan sát trong Masan Consumer, các tuyển thủ lần lượt phô diễn sức mạnh. Đó là Chinsu, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Đệ Nhị dẫn đầu thị trường với 76% thị phần nước tương, nước mắm. Chinsu, Omachi, Tiến Vua, Oh! Ngon xếp thứ 2 thị trường với thị phần 37% tương ớt và 16% mì ăn liền. Cà phê hòa tan Vinacafé dẫn đầu thị trường với 44% thị phần. Thức ăn chăn nuôi Proconco giữ vị trí số 2 thị trường với 11% thị phần. Và nước khoáng Vĩnh Hảo đứng thứ 2 thị trường. Ngược lại, ở khối ngoại là Unilever (nước chấm), Nestlé (nước tương, cà phê, nước khoáng), Nissin (mì gói), Vina Acecook (mì gói), PepsiCo và Coca-Cola (nước khoáng) cũng đang kè sát vị trí thứ 2 hoặc một số chiếm giữ vị trí thứ nhất so với các tuyển thủ đội Masan Consumer.

Dù sở hữu nhiều tuyển thủ xuất sắc nhưng Masan Consumer có thể không phải lúc nào cũng bất khả chiến bại. Masan Consumer vẫn chịu tác động trực tiếp từ kinh tế khó khăn kéo theo sức mua tăng chậm lại, đồng thời thông điệp marketing so sánh “sản phẩm bẩn - sản phẩm sạch” từng được Masan dùng đi dùng lại cũng giảm dần tác dụng. Quan trọng hơn cả là các công ty ở giai đoạn “bò sữa” có biên lợi nhuận cao, thị phần dẫn đầu thị trường như Masan Consumer sẽ bắt đầu chật vật hơn khi mở rộng chiếc bánh thị trường. Vì thế, tốc độ tăng trưởng một số ngành hàng đang dẫn đầu thị trường của họ có thể bị chậm lại trong tương lai. 

Nhìn chung, mô hình sở hữu tài sản của Masan ngay từ sớm đã chứng minh được hiệu quả. Điển hình là thương vụ Masan Consumer mua lại Vinacafé. Doanh thu Masan Consumer năm 2011, trước khi mua Vinacafé, đạt 7.057 tỉ đồng, lợi nhuận 2.254 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi cộng với Vinacafé, con số doanh thu đã lên đến 8.310 tỉ đồng (tăng 17,7%) và lợi nhuận là 2.466 tỉ đồng (tăng 9,4%). Thương vụ này cũng xác lập chỗ đứng của Masan Consumer trên thị trường cà phê hòa tan với 40% thị phần, bên cạnh nước tương, nước mắm và mì ăn liền thời điểm đó. Trong khi đó, năm 2011, Techcombank đạt lợi nhuận thuần hơn 3.000 tỉ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2010. Và dự án khoáng sản Núi Pháo trong giai đoạn hoàn tất để đi vào khai thác từ quý I/2013, dự kiến mang lại doanh thu hàng tỉ USD, chủ yếu từ xuất khẩu khoáng sản.

Và trong các mục tiêu phát triển mô hình holdings, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cũng có lần bày tỏ tham vọng niêm yết Công ty ở nước ngoài.

Masan hôm nay…
Đại hội cổ đông năm 2021 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) được tổ chức đúng vào ngày kỷ niệm 25 năm thành lập (1.4.1996-1.4.2021). Sa Pa, nơi có đỉnh Fansipan, ngọn núi cao nhất Đông Dương, được Masan chọn để ghi dấu chặng đường 1/4 thế kỷ, cũng như thể hiện khát vọng chinh phục đỉnh cao và vươn ra thế giới. Masan hiện sở hữu gián tiếp 72,7% cổ phần tại Masan Consumer và 86% cổ phần tại Masan High-Tech Materials (nhà cung cấp vonfram, bismuth và florit lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc). Công ty cũng sở hữu gián tiếp 87,9% cổ phần Masan MEATLife. Tính đến thời điểm hiện tại, sở hữu gián tiếp của Masan tại VinCommerce là 71% vốn. Những thương vụ này giúp Masan hợp nhất kết quả kinh doanh và tiến sâu vào nhiều ngành. 
Kết thúc năm 2020, Masan Group đạt doanh thu thuần hợp nhất là 77.217,8 tỉ đồng, tăng 106,7% so với năm 2019. Trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo, Masan Group tập trung vào chiến lược xây dựng nền tảng Point Of Life, tích hợp tất cả các nền tảng kinh doanh trên một nền tảng hợp nhất. Masan đặt mục tiêu phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng trên một nền tảng “tất cả trong một” (one-stop shop), đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu hằng ngày. 
Với chiến lược này, đối với kế hoạch tài chính năm 2021, Tập đoàn Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 92.000-102.000 tỉ đồng, tăng trưởng từ 19-32% so với năm 2020, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Công ty đạt từ 2.500-4.000 tỉ đồng, tăng trưởng 103-224% so với năm 2020. 
Theo báo cáo thường niên năm 2020, thay vì ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô lên đến 50%. Cụ thể, công ty này dự kiến phát triển hơn 30 triệu khách hàng trung thành, ở 30.000 điểm bán lẻ. Masan tự tin với mục tiêu này vì đã thiết lập mối quan hệ lâu dài hàng trăm ngàn điểm bán lẻ truyền thống. Thông qua nhượng quyền, các điểm bán lẻ này sẽ là một phần trong nền tảng bán lẻ của Công ty.
 (Nguồn: Dấu Ấn Một Thập Kỷ, Nhịp Cầu Đầu Tư)