Trong câu chuyện với Hoàng, tôi còn cảm nhận một tình yêu khác: thiên nhiên!
Những ngón tay mang về mùa xuân
(Bài viết được thực hiện vào năm 2009.)
Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới ngày Chủ nhật tuần đầu tháng 12. Tĩnh lặng. Chiếc taxi sau một hồi vật lộn với mặt đường gập ghềnh và những khúc cua nhỏ hẹp đã đưa tôi vào khoảng sân rộng của bệnh viện. Mọi thứ vẫn hiện hữu như cách đây đã lâu, từ cây cối, màu sơn, ghế đá. Chỉ có một điều mới mà không nhiều người biết đến. Đó là sự xuất hiện của một trung tâm nghiên cứu y học hiện đại thuộc dự án của Đại học Oxford trong lòng bệnh viện. Điều đặc biệt hơn là ở khu khám, chữa bệnh từ thiện cho trẻ em có HIV trong khuôn khổ dự án này, không phải là những căn phòng ảm đạm, lạnh lẽo. Nó tràn ngập màu sắc qua những nét vẽ nghệ thuật tinh tế, nhân văn. Tác giả của nó là Đào Văn Hoàng.
Họa sĩ Đào Văn Hoàng - Một người tâm huyết và gắn bó với sự ngiệp nghệ thuật. |
Đào Văn Hoàng có hơn chục năm làm việc tại Công ty Truyền thông & Tiếp thị Leo Burnett tại Việt Nam và sau đó cộng tác cho phân mảng giáo dục môi trường, thuộc Wildlife At Risk, một tổ chức phi chính phủ mang sứ mệnh bảo vệ môi trường hoang dã cũng đang hoạt động tại đây. Hoàng cho biết cơ duyên đến với dự án của Đại học Oxford tình cờ, qua sự giới thiệu từ người bạn là một bác sĩ thuộc dự án. Gần một tháng vào dự án, anh cùng những đồng sự đã vẽ hoàn tất bức tường cao với đầy hình ảnh chim sếu trắng đầu đỏ tại trung tâm nghiên cứu và một phối cảnh đại dương rộng lớn nối các phòng khám với nhau trong khu chữa bệnh trẻ có HIV.
Chàng trai da ngăm đen, có vẻ phong trần với nụ cười sảng khoái, thân thiện dẫn tôi một vòng quanh ngắm những “kiệt tác” của anh. Có lẽ, niềm vui được vẽ, được sáng tạo nghệ thuật lúc này chỉ là một phần trong sự hạnh phúc của chàng họa sĩ không chuyên này. Ở tuổi ngoài tứ tuần, Hoàng đang thực hiện lý tưởng sống nhân văn của anh, xoa dịu nỗi đau tinh thần cho những cuộc đời thiếu may mắn. Trong câu chuyện với Hoàng, tôi còn cảm nhận một tình yêu khác: thiên nhiên!
Tại sao anh quyết định chọn chim sếu và đại dương với cá, san hô là đề tài cho những họa cảnh trên tường của mình?
Tất cả là những hình ảnh về môi trường thiên nhiên mà tôi muốn chuyển tải đến trẻ em. Sâu xa hơn, hình ảnh chim sếu, cũng như chim hạc là biểu tượng cho sự trường tồn, vĩnh cửu, thanh thoát và đại dương mênh mông là cội nguồn của sự sống. Tôi mong những trẻ em bất hạnh sẽ hạnh phúc hơn, vui tươi hơn khi nhìn thấy chúng.
Hình ảnh chim sếu trên tường trong Bệnh viện Nhiệt đới. Ảnh: Họa sĩ Đào Văn Hoàng. |
4 căn phòng thuộc khu khám, chữa bệnh cho trẻ em có HIV, anh đều vẽ về chủ đề đại dương. Tại sao anh không chọn nhiều đề tài môi trường khác nữa, chẳng hạn rừng với côn trùng, thú vật chẳng hạn?
Tôi cũng từng nghĩ đến. Tuy nhiên, 4 căn phòng này được phân cách bởi những lớp cửa kính, nhìn như thể chúng thông nhau nên vẽ cùng một chủ đề sẽ tạo ra thị giác hoành tráng, lôi cuốn. Và chủ đề đại dương là hợp nhất.
Anh mất bao lâu để hoàn tất 2 “kiệt tác” chim sếu và đại dương của mình?
Bình quân 2 ngày cho 1 phòng vẽ cá và hơn 6 ngày cho bức tường mang hình ảnh chim sếu. Tôi còn được sự hỗ trợ chính của 2 cộng sự là sinh viên người Việt, học chuyên ngành kiến trúc.
Tôi thấy bức tường vẽ chim sếu khá cao. Vậy anh đã làm thế nào để có thể vẽ được những chú sếu trên cao?
Thú thật là với chiều cao bức tường đến 14,5 m, chiều ngang là 9 m, ban đầu, tôi có hơi sợ, vì không dùng xe cẩu đưa lên để vẽ mà là leo từ giàn giáo. Mỗi con chim sếu trước khi được vẽ lên tường, tôi phải phác họa chi tiết nó trên giấy và canh theo tỉ lệ để phóng to. Cái khó lúc vẽ là kích cỡ hình ảnh chim sếu thể hiện quá to trên tường khiến tầm mắt không thể bao quát trọn vẹn. Tuy nhiên, với sự đo đạc kỹ trên giấy, đã giúp hạn chế đáng kể những lỗi sai trong quá trình vẽ. Phòng vẽ đại dương cho trẻ em có HIV, tôi cũng thực hiện tương tự như vậy.
2 “kiệt tác” này đã tốn bao nhiêu kinh phí, thưa anh?
Tôi được Oxford hỗ trợ 6.000 USD để thực hiện bức tường chim sếu, còn phòng cá cho trẻ em có HIV thì tôi lại muốn đóng góp phần nhỏ của mình.
Với công việc khá bận rộn ở tổ chức Wildlife At Risk, vì sao anh vẫn dành thời gian cộng tác cho dự án trẻ em có HIV của Oxford?
Hiện nay, tổ chức Wildlife At Risk gồm có 3 bộ phận chính là bảo vệ môi trường (chủ yếu là bảo vệ động vật hoang dã), nghiên cứu bảo tồn và giáo dục môi trường. Tôi cộng tác trong bộ phận thứ 3 với khá nhiều chương trình hoạt động nên cũng không còn nhiều thời gian. Với dự án của Oxford, chỉ có thể tận dụng thời gian vào những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, tôi chẳng thấy mệt mỏi gì lắm, vì dự án đã thực sự lôi cuốn tôi rất lớn bởi tính nhân văn, đồng thời cũng là dịp để tôi chia sẻ tình yêu môi trường cho các em.
Vậy anh có thể giới thiệu một vài dự án môi trường khác của mình?
Tại Wildlife At Risk, tôi đang thực hiện dự án “Bảo tồn biển Côn Đảo” với nội dung tổ chức các sự kiện giáo dục môi trường cho các em học sinh cấp 2. Bên cạnh đó, tôi thực hiện thiết kế cho quyển sách về các loài chim ở rừng U Minh Thượng (gần 200 loài) và các loại phong lan.
Cuốn sách "Trở về nơi hoang dã" được minh họa bởi họa sĩ Đào Văn Hoàng. |
Từ sự tham gia vào dự án trẻ em có HIV của Oxford, anh thấy ý nghĩa của cuộc đời mình là gì?
Được chia sẻ hạnh phúc. Được sáng tạo. Được vẽ. Được gắn mình nhiều hơn vào câu chuyện của thiên nhiên.
Xin cảm ơn anh!
Đào Văn Hoàng từng thiết kế không gian phòng trưng bày tại trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Vườn Quốc gia Cát Tiên, khu nghỉ dưỡng cho trẻ em có HIV (Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới); vẽ minh họa cho tài liệu giáo dục môi trường của các tổ chức WWF (World Wildlife Fund), WAR (Wildlife At Risk), FFI (Fauna & Flora International); tổ chức sự kiện giáo dục môi trường cho học sinh tiểu học tại Côn Đảo. Năm 2014, anh chính thức đi theo dòng tranh nghệ thuật về động vật hoang dã với 8 triển lãm cá nhân tính đến nay. (Nguồn: Tuổi Trẻ) |