Người kế thừa hoàn hảo của Liên Á
Nói đến Nệm Liên Á, người ta nghĩ ngay đến ông Lâm Ngọc Minh, vị thuyền trưởng đang lèo lái đưa con thuyền Liên Á trở thành công ty toàn cầu. Dù ông chỉ là thế hệ nối nghiệp và kế thừa nhưng lại chính là người đưa Nệm Liên Á trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường.
Dấu ấn người kế thừa
Tuổi đời còn khá trẻ nhưng ông Lâm Ngọc Minh có hơn 20 năm gắn bó ở Liên Á. Con đường “khởi nghiệp” của ông Minh chính thức bắt đầu từ năm 1998. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông dồn hết tâm sức giúp công việc kinh doanh của cha mình là ông Lâm Ngọc Hiệp. Năm 2000, ông Minh đã đưa Liên Á từ một cơ sở sản xuất trở thành công ty có quy mô như hiện nay. “Tôi đã quen và hiểu được mọi hoạt động kinh doanh từ khi còn nhỏ, ngoài ra còn có thêm thuận lợi là Công ty đã có sẵn một nguồn vốn. Nhưng việc tiếp nhận một doanh nghiệp cha truyền con nối cũng là một áp lực vô cùng lớn”, ông Minh nói.
Tính đến cuối năm 2020, Nệm Liên Á nằm trong Top 6 thương hiệu được ưa thích nhất trên thị trường. Nệm Liên Á đã xuất sang 31 nước trên thế giới, và chiếm 98% nệm của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ (theo báo cáo của Ủy ban Thương mại Mỹ USITC) và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu gối cao su thiên nhiên. Còn trước đó, ở thời ông Lâm Ngọc Hiệp, Liên Á chỉ là một cơ sở sản xuất nệm và yên xe cao su thông thường.
Ông Lâm Ngọc Hiệp, người khai sinh ra thương hiệu Liên Á, hầu như không xuất hiện trên bất cứ phương tiện truyền thông nào. Có lẽ vì thế, năm 2010, khi được Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư hỏi về người con cả của gia đình, ông Hiệp cũng rất kiệm lời: “Vì tuổi tác, tôi phải giao công việc lại cho con. Tôi không thích lên báo nói tốt về con mình. Những việc Minh làm được sẽ nói thay tôi”.
Nói đến Lâm Ngọc Minh, một số người sẽ nhớ ngay đến 2 cột mốc mà ông đã trải qua kể từ khi gắn bó với Liên Á. Một là thời của những chiếc yên xe máy PU (1995-2000) và hai là sự trở lại của nệm Liên Á (kể từ năm 2001).
Là con trưởng trong gia đình có 6 anh em trai, ông sớm được cha định hướng theo nghiệp sản xuất của gia đình. Khi còn là sinh viên năm 2 khoa Hóa Đại học Bách khoa TP.HCM, ông đã bắt đầu tham gia vào công việc của Liên Á. Ông Minh luôn muốn tìm hiểu mọi thứ đến nơi đến chốn, không thích kiểu nửa vời. Khi bắt tay vào kinh doanh, ông không chỉ học về quản trị doanh nghiệp mà còn học về thương hiệu, bán hàng, thậm chí học giao tiếp và nói trước đám đông.
Không có công thức chung cho thế hệ F2 nhưng ở vị trí một nhà lãnh đạo kế thừa tài tình, ông Minh tự nhận bản thân là người không thích nửa vời, khó tính và cầu toàn. Đây cũng là những tính cách mà ông ảnh hưởng từ ba mình. Ông Lâm Ngọc Hiệp là một tấm gương về tinh thần ham học hỏi, cầu tiến và đam mê công việc. Tuy chỉ học hết lớp 9, vốn kiến thức không nhiều nhưng ông rành khá nhiều máy móc, thiết bị nhờ tự tìm tòi và nghiên cứu qua sách vở. Năm 1982, ông tự tìm hiểu và chế tạo ra chiếc máy làm nước đá để nuôi sống cả gia đình. “Hình ảnh ba cặm cụi một mình ngồi sửa máy đến tận 3 giờ sáng để kịp giao đá cho khách hàng vào buổi sớm vẫn còn in đậm trong trí óc tôi cho đến ngày hôm nay. 6 anh em chúng tôi đã trưởng thành trong sự giáo huấn nghiêm khắc từ ông, nhất là bài học về chữ tín và làm việc đến nơi đến chốn”, ông Minh kể lại.
Những năm 1960, ông Hiệp mở cơ sở sản xuất nệm, đến năm 1975 thì đóng cửa. Năm 1985, khi Việt Nam còn chưa mở cửa, ông khởi nghiệp ở Campuchia bằng việc kinh doanh nệm. Mỗi tấm nệm ông bán ra một chỉ vàng, thế nhưng nhiều lần bị khách quỵt tiền. Sau 2 năm, ông phá sản và về Sài Gòn thành lập Nệm Liên Á sản xuất nệm cao su ở quy mô nhỏ. Khi tiếp quản Công ty, ông Minh thừa nhận mình may mắn.
“Nhìn chung, bước khởi đầu chuyển đổi từ sản xuất nệm yên xe máy sang nệm cao su thiên nhiên của chúng tôi có thể tạm gọi là may mắn. Khi đó, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến đặt hàng. Nhưng tôi nghĩ sẽ không thể nào may mắn như vậy nếu mình không chủ động tìm khách hàng”, ông Minh kể.
Mảng sản xuất yên xe máy tạm ổn, gia đình họ Lâm lao vào nghiên cứu nâng cấp sản phẩm nệm cao su. Mất 2 năm cho thử nghiệm, cải tiến, đến năm 2000 bước đầu thành công, tấm nệm làm ra nhẹ hơn, đàn hồi tốt hơn, làm được những sản phẩm hình dáng phức tạp hơn. Cũng trong năm 2000, cơ sở gia đình phát triển thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn và bắt đầu có đơn hàng xuất khẩu trực tiếp.
Trong lúc làm ăn trơn tru thì Nhà nước siết chặt quy định về lắp ráp xe máy, hơn một nửa công ty, xí nghiệp phải đóng cửa, sản xuất yên xe máy không còn tốt như trước, nhiều công nợ của Liên Á không thu hồi được. Khó khăn không làm Lâm Ngọc Minh chùn bước, ông dồn sức vào mảng nệm cao su. Khách hàng Đài Loan, Hàn Quốc đã đặt mua sản phẩm Liên Á và dần tiến vào những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Đức...
Từ những khách hàng nước ngoài đầu tiên biết và tự tìm đến Liên Á đặt hàng, những năm sau này, Liên Á chủ động tìm kiếm, kết nối với nhà mua hàng, tham gia chào hàng qua các website thương mại điện tử, tham gia các hội chợ quốc tế để tìm thêm khách. Ở những hội chợ này, Liên Á không chỉ giới thiệu sản phẩm đến khách hàng mà còn quan sát đối thủ là ai, họ đang ở vị trí nào về chất lượng... Những gì học hỏi được vận dụng vào cải tiến quy trình, chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm ngày vượt trội hơn, quy trình sản xuất tối ưu hơn.
Tại thị trường nội địa, những năm 2003-2004, bán được tấm nệm không phải là chuyện dễ vì sức mua lúc đó thấp, thương hiệu đối thủ lại quá mạnh. “Chúng tôi không quảng cáo rầm rộ mà âm thầm chinh phục khách hàng, cho đại lý, khách hàng dùng thử sản phẩm trước khi mua. Đến nay, tôi có thể khẳng định trên thị trường nệm mousse, sản phẩm của Liên Á đã có thể cạnh tranh ngang ngửa với những thương hiệu lớn khác”, ông Minh tự tin cho biết.
Bí quyết của Lâm gia
Theo chia sẻ của ông Minh, 4 yếu tố tạo nên thành công trong mô hình công ty gia đình “Lâm gia” tại Liên Á chính là 4 yếu tố: Để con cái tiếp xúc với công việc kinh doanh từ bé; Tạo văn hóa gia đình như một nền tảng vững chắc; Luôn tin tưởng và trao quyền; Duy trì tương tác giữa các thành viên trong gia đình.
Nhớ lại thuở nhỏ, ông Minh cho biết thường xuyên phụ giúp bưng bê trong quán chè nhỏ của gia đình. Năm 1993, ông Minh vào đại học và bắt đầu tham gia vào công việc kinh doanh của cha. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1998, ông Minh có quyết định quan trọng là đề xuất ba chuyển hướng sản xuất sang yên xe PU. Liên Á sau đó nổi tiếng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sản xuất sản phẩm yên xe máy PU với độ bền và co giãn tốt hơn các loại yên xe cao su thông thường, đánh bại hàng Thái Lan. Từ thành công ấy, Liên Á đã có nội lực để chuyển từ một cơ sở sản xuất thành công ty vào năm 2000 với chiến lược phát triển rộng mở.
Yếu tố quan trọng thứ 2 được ông Minh nhấn mạnh là văn hóa gia đình. Yếu tố này đặc biệt cần thiết trong việc chuyển giao và xử lý mâu thuẫn nội bộ. Theo ông Minh, luôn có sự xung đột trong quá trình hoạt động, đa số xuất phát từ khác biệt về định hướng phát triển giữa các thế hệ. Tuy nhiên, ông nhìn nhận, những xung đột này là động lực thúc đẩy Công ty phát triển tốt hơn.
“Nhờ sống trong gia đình và có sự quan sát các thành viên đã giúp tôi thừa hưởng giá trị từ những thế hệ trước để lại. Đó là một trong những yếu tố giúp công ty tôi xây dựng được văn hóa gia đình, từ đó giúp Công ty phát triển bền vững”, ông Minh nói.
Yếu tố thứ 3 làm nên sự chuyển giao thế hệ thành công ở Liên Á là tin tưởng trong trao quyền, nhưng nhấn mạnh là phải có cân bằng 2 chiều giữa giao và nhận. Ông Minh được đưa ra những quyết định quan trọng và nhiều quyết định làm nên sự thành công của Công ty từ đó giúp ông chứng minh năng lực với thế hệ trước để rồi dần vun đắp niềm tin.
Ông Minh luôn trân trọng những bài học của thế hệ đi trước truyền lại. Trong câu chuyện niềm tin, ông luôn tâm đắc quan điểm của cha là một khi đặt niềm tin vào ai thì phải luôn tin tưởng họ. Ông thừa nhận từng thất bại trong tìm kiếm nhân sự giỏi nhưng không bao giờ đánh mất niềm tin khi đặt cược vào người đó. Tương tự như cách cha đã trao quyền cho mình, một khi ông Minh đã trao quyền thì dành cho nhân sự không gian để họ tự làm, tự phát triển, tự tư duy, ông chỉ theo dõi kết quả để đánh giá. Cách trao quyền cũng được triển khai từng bước, đến khi chín muồi thì sẽ cân nhắc vị trí cao.
Yếu tố cuối cùng nhưng cũng quan trọng không kém là sự tương tác và giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa 2 thế hệ để có thể cập nhật thông tin hằng ngày. “Tôi may mắn đang sống với 3 thế hệ dưới một mái nhà. Sáng ăn sáng cùng nhau trao đổi thông tin công ty, tối về sớm cũng qua phòng ba má nói chuyện tiếp. Đó là điều cốt lõi làm nên sự thấu hiểu”, ông Minh chia sẻ.