Hiện có tới 50 ngân hàng hoạt động và đến nay, cơ quan quản lý không ghi nhận trường hợp sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng trên hồ sơ, sổ sách. Ảnh: Quý Hòa

 
Lam Hồng Thứ Năm | 22/06/2023 13:41

Nắn thẳng sở hữu chéo ngân hàng

Dù đã trải qua nhiều giai đoạn tái cơ cấu nhưng rủi ro chéo trong hệ thống tài chính ngân hàng vẫn tiếp tục là vấn đề lớn.

Có thể thấy, sau hơn 10 năm sau vụ “bầu Kiên” thao túng ngân hàng, tình trạng sở hữu chéo ngân hàng vẫn là mối quan tâm lớn của hệ thống tài chính Việt Nam. Đặc biệt, nguy cơ này lại bùng lên đặc biệt khi sự kiện liên quan luật pháp của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xảy ra vào tháng  10/2022. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, việc siết chặt sở hữu chéo ngân hàng rất quan trọng, vì đây là nguyên nhân tạo ra những cuộc khủng hoảng trong ngân hàng. Vụ việc xảy ra trước đây tại 3 ngân hàng OceanBank, GPBank và CB (Ngân hàng Xây dựng) dẫn đến Ngân hàng Nhà nước phải mua bắt buộc với giá 0 đồng cũng có nguyên nhân một phần do sở hữu chéo.

Hiện nay, việc xử lý sở hữu chéo giữa các ngân hàng được xử lý thông qua quy định giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có điều chỉnh tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng không được vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc điều chỉnh tỉ lệ sở hữu chưa giải quyết được căn cơ nạn sở hữu chéo khi phát sinh việc thuê, nhờ người đứng tên cổ phần để gia tăng phần sở hữu nhằm chi phối, kiểm soát tại một số tổ chức tín dụng. Dù chỉ nắm giữ 1% cổ phần, nhưng họ vẫn có thể chi phối một ngân hàng.

Trong khi đó, sở hữu chéo không chỉ sở hữu về vốn mà sở hữu về các hoạt động của ngân hàng như đầu tư, tín dụng. Biến tướng này cũng rất nguy hiểm khi sẽ làm méo mó các hoạt động kinh tế, làm ảnh hưởng tới môi trường chung. Ngoài ra, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng có thể gây rủi ro hệ thống khi tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau, làm sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính.

Hiện có tới 50 ngân hàng hoạt động và đến nay, cơ quan quản lý không ghi nhận trường hợp sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng trên hồ sơ, sổ sách. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận việc ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng khó khăn còn do liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ngành trong khi Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý các tổ chức tín dụng.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, phát hiện sở hữu chéo không hề đơn giản. Có hiện tượng sở hữu chéo thanh tra ngân hàng có thể nhìn thấy, song cũng có những biểu hiện thì chỉ khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được. Ví dụ, có tập đoàn thành lập tới hàng trăm doanh nghiệp, cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước có thể nhìn thấy, nhưng không có chế tài để theo dõi, giám sát hết được, trong khi đây là lại là gốc rễ rủi ro an ninh tiền tệ - ngân hàng.  

Trước diễn biến mới, Ngân hàng Nhà nước đã đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2023 nội dung thanh tra về chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối; cấp tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn (tập trung tín dụng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn của tổ chức tín dụng...).

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi được thiết kế nhằm hạn chế việc thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng. Đánh giá chung cho thấy, việc ngăn chặn triệt để đòi hỏi nhiều công cụ và giải pháp từ nhiều cơ quan khác nhau, như minh bạch hóa cơ sở dữ liệu, các giao dịch về vốn, cổ phần, doanh nghiệp... “Chỉ với quy định này, nếu các cổ đông thực hiện đúng thì cũng đã hạn chế được rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, còn triệt để thì đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ nữa”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cũng cho rằng cần có cơ chế để truy xuất nguồn gốc tài sản, việc minh bạch thông tin làm sao để bất kỳ ai cũng có thể tìm hiểu được cổ phần của ông A có dính dáng tới doanh nghiệp B, doanh nghiệp C, hoặc thậm chí doanh nghiệp X, Y, Z hay không. 

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM, hầu hết các nước như Mỹ, Anh, Trung Quốc... đều đặt các ngân hàng dưới sự giám sát không chỉ của ngân hàng trung ương, mà còn ở một tổ chức giám sát thận trọng khác. Luật ở nhiều nước khác cũng trao cho chính quyền khá nhiều quyền tự quyết để bảo vệ niềm tin hệ thống ngân hàng. Sự giám sát đa tầng và chặt chẽ này khiến các hoạt động thao túng ngân hàng không có cơ hội diễn ra.