Trong số này, hơn 5.000 doanh nghiệp tham gia hoạt động trên thị trường quốc tế với 69 trung tâm logistics quy mô lớn và vừa. Ảnh: Quý Hòa
M&A logistics hút tỉ USD
Cuối tháng 5, Gemadept bán lại toàn bộ 84,66% vốn sở hữu tại Cảng Nam Hải Đình Vũ cho nhóm nhà đầu tư bao gồm Công ty Cổ phần Container Việt Nam (Viconship). Thương vụ này đã gây nhiều chú ý vì qua đó đưa Viconship thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng, chiếm 30% thị phần. Cùng thời điểm, PSA Cargo Solutions Vietnam Investments Pte.Ltd (Singapore) đã chi gần 1.300 tỉ đồng mua thỏa thuận 24,46 triệu cổ phiếu STG, tương ứng 24,9% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam (Sotrans).
Tăng trưởng nhanh nhưng phân tán
Các thương vụ M&A mới diễn ra tiếp tục cho thấy sức nóng của ngành logistics tại VIệt Nam. Trước đó, giai đoạn 2018-2019 cũng chứng kiến nhiều thương vụ M&A đáng chú ý. Chẳng hạn, năm 2018, 2 tập đoàn tài chính Mirae Financial Group và Naver có trụ sở tại Seoul đã mua 2 trung tâm cung ứng hàng hóa tại Việt Nam với giá 47 triệu USD.
Ông Lê Mạnh Cương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Logistics và Khai thác Cảng Lokaport, cho biết: “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới đã và đang vào Việt Nam bằng nhiều cách như mua cổ phần của các công ty đã có sẵn, thậm chí là thâu tóm những đơn vị yếu của Việt Nam”.
Làn sóng này diễn ra vào thời điểm Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh việc huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua việc chuyển nhượng quyền khai thác một số dự án, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư với các thương vụ ước tính lên tới hàng tỉ USD.
“Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành dịch vụ logistics phát triển nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, ngành này tại Việt Nam vẫn còn phân tán, rời rạc. Điều này mang đến cơ hội hấp dẫn cho các quỹ đầu tư vào công ty tư nhân và những nhà đầu tư khác có khả năng giúp các doanh nghiệp trong nước tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bằng cách áp dụng kinh nghiệm thực tiễn quốc tế tốt nhất”, ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, nhận định.
Theo báo cáo của VinaCapital, ngành này tăng trưởng 14-16% trong những năm gần đây và tổng chi phí cho dịch vụ logistics ở Việt Nam là hơn 20%/GDP, thuộc hàng cao nhất thế giới vì sự thiếu hiệu quả trong quy trình logistics (ví dụ, 3/4 khối lượng hàng hóa vận chuyển của Việt Nam chỉ đi qua 6 trong số 75 cảng biển của quốc gia). Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành logistics tại Việt Nam có tính bền vững vì sự mở rộng liên tục của lĩnh vực sản xuất được thúc đẩy bởi việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao; sự gia tăng về tầng lớp trung lưu tại Việt Nam.
Theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2022-2023 của thị trường logistics Việt Nam dự báo đạt 5,5%/năm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng khẳng định, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển các dịch vụ logistics.
3 chiến lược đầu tư tiềm năng
Theo Công ty nghiên cứu Orbis Research, hiện có hơn 30.000 doanh nghiệp trong nước và 25 tập đoàn giao nhận toàn cầu dưới nhiều hình thức kinh doanh tại thị trường logistics của Việt Nam. Trong số này, hơn 5.000 doanh nghiệp tham gia hoạt động trên thị trường quốc tế với 69 trung tâm logistics quy mô lớn và vừa. Đồng thời có khoảng 30 đơn vị cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, với các thương hiệu lớn như DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics...
Có thể thấy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics của Việt Nam cần đầu tư nhất là những doanh nghiệp cần nhiều vốn hoạt động trong phân khúc có tính phân tán cao. Ví dụ, các công ty vận tải chiếm khoảng 2/3 tổng số doanh nghiệp trong ngành, nhưng hơn 80% công ty vận tải đường bộ ở Việt Nam có quy mô đội xe dưới 5 chiếc và ước tính khoảng 70% số xe tải giao hàng quay về trạm với thùng rỗng. Hơn nữa, đơn vị trung gian được trả hoa hồng ước chiếm 30% trên phí dịch vụ mà các công ty vận tải đường bộ kiếm được. Ngay cả trong vận tải kho lạnh, được xem là một trong những phân khúc hứa hẹn nhất của ngành logistics Việt Nam, thị phần đa số thuộc về các công ty có vốn đầu tư nước ngoài với khoảng 70% có ít hơn 10 xe tải.
Để phân tích các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này, VinaCapital đã phân chia thành: mảng đòi hỏi vốn đầu tư cao; mảng đòi hỏi vốn đầu tư thấp; mảng tập trung và mảng phân tán. “Theo quan điểm của chúng tôi, cơ hội rất hấp dẫn cho các công ty trong nước xuất phát từ thực tế là khách hàng nước ngoài sẵn sàng trả giá cao cho dịch vụ logistics đáng tin cậy và nhu cầu của khách hàng trung lưu đối với sản phẩm và dịch vụ đòi hỏi logistics chất lượng cao đang tăng nhanh. Ngoài ra, lợi nhuận đầu tư dài hạn được tạo ra từ các công ty này sẽ tăng lên vì các công ty trong lĩnh vực logistics có đủ quy mô và được quản lý chuyên nghiệp sẽ hưởng lợi chi phí giảm theo thời gian do cơ sở hạ tầng tại Việt Nam và các vấn đề khác sẽ được cải thiện”, lãnh đạo của VinaCapital nhận định.
VinaCapital cũng đưa ra 3 chiến lược đầu tư tiềm năng: 1) đầu tư vào các công ty logistics hàng đầu để phát triển thành một nền tảng tích hợp có thể cung cấp cho khách hàng lợi thế về mặt chi phí; 2) xác định các tài sản cụ thể cần vốn để nâng cấp hoặc có thể được tái sử dụng và thúc đẩy tăng trưởng bằng cách tăng hiệu quả trong vận hành; 3) mua bán và sáp nhập. Việc áp dụng các kinh nghiệm thực tiễn quốc tế tốt nhất - chẳng hạn như số hóa - cùng với việc tăng vốn là rất quan trọng đối với các chiến lược này. Trong đó, việc bơm vốn là cần thiết nếu chiến lược của nhà đầu tư là tăng năng lực của công ty bằng cách bổ sung xe tải cho một công ty vận tải đường bộ hoặc đầu tư thêm cần cẩu/thiết bị hạng nặng cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở kho cảng.