Theo thống kê mới nhất từ Google, có 72% người dùng internet tại Việt Nam sử dụng mạng xã hội.

 
Thứ Ba | 18/10/2022 09:24

Lạc lối trong mạng xã hội

Mạng xã hội có một vai trò quan trọng với cuộc sống nhưng liệu chúng ta có thể đánh đổi sức khỏe tinh thần, hạnh phúc và thời gian cho nó không?

Gia đình Ben và Isla thoạt nhìn có vẻ rất hạnh phúc. Ben và Isla đều là những đứa trẻ trong thế hệ Gen Z, nên việc được sở hữu một chiếc smartphone là tất yếu, nhưng cuộc sống của chúng thì đang bị chi phối bởi sự bao phủ của hàng loạt trang mạng xã hội.

SONG ĐỀ CỦA MẠNG XÃ HỘI

Các trang mạng xã hội giống như những người điều khiển rối, nó liên tục đưa ra các đề xuất để khiến cho Ben và Isla không thể rời mắt khỏi chiếc điện thoại của mình. Isla đã phá vỡ hộp của mẹ để lấy điện thoại. Còn Ben đang cố gắng giảm dần thời gian sử dụng mạng xã hội, thậm chí là 3 ngày không dùng, nhưng các trang mạng xã hội lập tức gửi thông báo cho cậu về tình trạng hẹn hò của bạn gái cũ để đưa cậu quay lại bánh xe kiểm soát này.

Để đến cuối cùng, Isla đang từng bước trở thành một “con búp bê ảo” bởi những bức ảnh bị chỉnh sửa quá đà và sự thèm khát được chú ý với những nút like, những lời bình luận. Ben thậm chí còn tệ hơn, trở thành “tín đồ” của những thuyết âm mưu nguy hiểm và đã bị cảnh sát bắt khi tham gia một nhóm biểu tình phi pháp. Đây chính là nội dung bộ phim tài liệu của Netflix có tên The Social Dilemma (Song đề xã hội) của đạo diễn người Mỹ Jeff Orlowski. Bộ phim đã được 2 giải Primetime Emmy, trong đó có giải cho Kịch bản phim phi hư cấu xuất sắc nhất và hàng loạt đề cử cho Phim tài liệu xuất sắc nhất của giải BAFTA và giải lựa chọn của Nhà phê bình (Critics Choice Awards).

Phim tài liệu The Social Dilemma.
Phim tài liệu The Social Dilemma.

Bộ phim đã giúp khai mở câu chuyện phía sau những tác động của mạng xã hội lên con người, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Mạng xã hội đang kiểm soát con người như thế nào?” và những người trả lời chính là những nhân viên cấp cao từ hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn như Google, Facebook, Pinterest...

Được ra mắt vào năm 2020, bộ phim đã thu hút sự quan tâm của khán giả toàn cầu khi nêu ra những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội. Thậm chí, Facebook còn phải lên tiếng trực tiếp về bộ phim khi cho rằng những người tạo ra The Social Dilemma đã không tham khảo góc nhìn của người trong nghề, hoặc đưa những quan điểm đa chiều của các chuyên gia vào bộ phim, đồng thời đã phủ nhận công sức của những nền tảng mạng xã hội trong việc giải quyết các vấn đề bộ phim đặt ra.

Trong bài phát biểu của mình, Facebook cho rằng: “Mô hình này cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ có không gian phát triển và cạnh tranh với những thương hiệu lớn trong việc tìm kiếm khách hàng mới. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp chạy quảng cáo trên Facebook, họ cũng không nắm được thông tin cá nhân của khách hàng. Facebook không bán thông tin cá nhân. Nếu không thích, người dùng có thể ẩn quảng cáo bất kỳ lúc nào.

Hoặc đối với quan điểm các nền tảng mạng xã hội cố ý gây nghiện và vi phạm điều khoản riêng tư để chạy quảng cáo (chứ không phải là lỗi như thông báo), Facebook tuyên bố họ sử dụng những thuật toán thu thập sở thích người dùng để cải thiện trải nghiệm, giống như các ứng dụng hẹn hò, Amazon, Uber... và hàng tá các ứng dụng khác.

Tuy nhiên, thực tế là vào năm này, hàng loạt ông lớn công nghệ như Google, Facebook đã phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về những thông tin mà bộ phim đưa ra như truy cập trái phép dữ liệu người dùng, gây nghiện, thao túng kết quả bỏ phiếu bầu cử... Vậy mạng xã hội nói riêng hay những ứng dụng công nghệ nói chung có thực sự nguy hiểm cho trẻ em như bộ phim đã đề cập?

CHẤT GÂY NGHIỆN CỦA CÔNG NGHỆ

Edward Tufte, một nhà thống kê người Mỹ và Giáo sư danh dự về khoa học chính trị, thống kê và khoa học máy tính tại Đại học Yale, từng nói: “Chỉ có 2 ngành kinh doanh trên thế giới gọi khách hàng là “người dùng”, đó là ngành mua bán ma túy bất hợp pháp và ngành công nghệ phần mềm”.

Thực vậy, việc sử dụng smartphone hay mạng xã hội thường xuyên sẽ khiến cơ thể giải phóng ra chất gọi là Dopamine được gọi với cái tên khác là hormone hạnh phúc. Dopamine trong cơ thể được giải phóng với số lượng lớn, sẽ khiến con người có cảm giác thích thú, hưng phấn, tràn đầy cảm hứng. Đó là lý do các mạng xã hội tạo ra cơ chế like, share bởi con người sẽ thấy hưng phấn khi nhận like và sẽ sử dụng liên tục để xem những ai đang nói chuyện với mình.

Sử dụng smartphone hay mạng xã hội thường xuyên sẽ khiến cơ thể giải phóng ra hormone hạnh phúc.
Sử dụng smartphone hay mạng xã hội thường xuyên sẽ khiến cơ thể giải phóng ra hormone hạnh phúc.

Tuy nhiên, Dopamine cũng chính là chất được giải phóng ra khi con người hút thuốc lá, uống rượu bia hay thậm chí là đánh bạc. Nói một cách khác, nó có tính gây nghiện cực kỳ cao. Và tuy chúng ta có giới hạn độ tuổi trong việc hút thuốc lá, uống rượu hay đánh bạc nhưng cho tới nay vẫn chưa hề có giới hạn độ tuổi về việc sử dụng smartphone hay mạng xã hội.

Điều đó thực sự nguy hiểm cho người dùng và đặc biệt hơn là trẻ em. Trong khi đó, một báo cáo của UNICEF cho thấy một tình trạng được các chuyên gia nhắc đến là nguy cơ rối loạn tâm thần và hành vi, rối loạn cảm xúc ở trẻ em sau khi sử dụng internet. Bà Phương Hoài Nga, chuyên gia độc lập về tâm lý học trẻ em và vị thành niên, chia sẻ: “Sự phát triển của trẻ em bao gồm thể chất, nhận thức - tư duy, cảm xúc - xã hội cần được xem xét một cách toàn diện thay vì đơn lẻ.

Trên thực tế, loài người bao nhiêu năm đều phát triển thông qua tương tác với con người, thiên nhiên, thay vì các thiết bị thông minh. Bởi vậy mà nói, trẻ em hiện nay được hưởng thêm một chiều kích mới - đời sống số. Công nghệ số và mạng xã hội rất hấp dẫn. Với trẻ con, đó không chỉ là để học, mà để chơi, để giải trí, để tiếp xúc bạn bè. Nói ngắn lại, đó là cánh cửa mở ra thế giới theo cách của riêng mình. Thực tế, những “cái đầu” sáng tạo nhất thế giới đã chụm đầu vào để có nhiều nhất số người và số giờ tiêu thụ, vậy nên, sự hấp dẫn của công nghệ là không thể chối bỏ. Kèm theo đó, đúng vậy nó có thể gây nghiện”.

Điều gây ảnh hưởng thứ nhất đó là nhận thức. Việc tiếp xúc quá nhiều và quá sớm có ảnh hưởng đến khả năng tập trung chú ý. Trong khi khả năng làm việc, sự phát triển trí tuệ cũng như nhớ sâu, các tư duy bậc cao như phản biện, phân tích, hệ thống... đều phụ thuộc vào khả năng này.

Thứ 2 chính là cảm xúc - xã hội. Việc có nhiều thông tin, thậm chí là đọc sách (một hình thức nghe vẻ đối lập với thiết bị thông minh)... dù rất quan trọng, không bao giờ đủ với sự phát triển về cảm xúc xã hội. Đây là phần đòi hỏi những tiếp xúc thực, những biểu cảm thực sự của con người và những tín hiệu xã hội, chứ không phải các icon trên máy tính. Nhiều chuyên gia gọi hiện tượng có nhiều thông tin, nhưng thiếu trải nghiệm khiến có hiện tượng “trưởng thành giả”.

Việc thiếu kỹ năng cảm xúc xã hội khiến con trẻ gặp khó khăn trong điều hòa cảm xúc, giải quyết các xung đột xã hội, suy giảm khả năng kiểm soát, những bệnh lý tâm thần có thể phát sinh như nghiện internet, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc... có thể là tiền đề cho rối loạn nhân cách khi đến tuổi trưởng thành.

Cuối cùng đó là về thể chất. Trên thực tế, nhiều người sử dụng công nghệ để tập luyện thể chất. Nhưng không phủ nhận tình trạng sức khỏe do ít vận động liên quan ít nhiều đến những tiện ích mà công nghệ mang lại.

Tuy thế, nghiện là một khái niệm phức tạp, với 3 biểu hiện: (1) Mất kiểm soát: khao khát, tìm kiếm, cố dừng dùng nhiều lần nhưng không thành công; (2) Mất chức năng: giảm hứng thú, ảnh hưởng đến vận hành các lĩnh vực sống khác; (3) Lạm dụng ngay cả khi có ý thức rõ ràng về các nguy cơ. Nhiều cảnh báo trên khắp thế giới về hiện tượng nghiện internet và mạng xã hội dẫn tới những ảnh hưởng về tinh thần, sức khỏe ở cả người lớn và trẻ em. Đại học Công nghệ Sydney (Úc) công bố một đánh giá có hệ thống trên mạng xã hội, xác định 47 tác hại của thói quen đắm chìm trong mạng xã hội, bao gồm ghen tị, cô đơn, lo lắng và giảm lòng tự trọng.

Đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại tại Việt Nam khi theo theo thống kê mới nhất từ Google, có 72% người dùng internet tại Việt Nam sử dụng mạng xã hội. Thời lượng trung bình một người dành ra trong một ngày để sử dụng mạng xã hội là 2 giờ 23 phút và gần 40% người dùng ở độ tuổi 18-34 kiểm tra mạng xã hội của mình ngay khi thức dậy cũng như trước khi ngủ...

 

Dự thảo báo cáo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng nêu lên thực trạng đáng lo ngại về việc trẻ em Việt Nam dành quá nhiều thời gian trên mạng internet và chơi game. Theo đó, tại Việt Nam, cứ 10 trẻ em thì có 7 trẻ tham gia khảo sát sử dụng internet hơn 1 tiếng/ngày; 43,4% trẻ em tham gia khảo sát sử dụng internet từ 1-3 tiếng/ngày. Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Chuyên gia tâm lý học trẻ em và vị thành niên Phương Hoài Nga cũng nhấn mạnh: “Nghiện internet đã được công nhận trong các hệ thống phân loại bệnh tâm lý. Vì vậy, việc điều trị nghiện công nghệ là một vấn đề cần được lưu tâm. Đối với các chứng nghiện, điều trị nội trú luôn cho thấy hiệu quả trong thời gian cắt cơn và tái thiết lập thói quen sinh hoạt. Vì vậy, việc có những cơ sở điều trị nội trú đối với các chứng nghiện là cần thiết. Tôi muốn khẳng định việc cần các cơ sở điều trị nội trú chứ không phải trại tập trung nhằm cắt cơn nghiện”.

QUYỀN CỦA TRẺ VÀ QUYỀN CHA MẸ

Việc công nghệ rất dễ gây nghiện và tạo ra nhiều hậu quả như vậy đã khiến nhiều phụ huynh tạo ra “luật riêng” trong việc sử dụng công nghệ và mạng xã hội cho con mình. Tỉ phú công nghệ Bill Gates nổi tiếng với các nguyên tắc rất rõ ràng về kiểm soát việc sử dụng công nghệ. Các con của Bill Gates không được phép sử dụng iPhone, iPad, các thiết bị điện tử nói chung một cách riêng tư cho đến năm 14 tuổi.

Các con của cựu Chủ tịch Microsoft cũng chỉ dùng điện thoại một cách hạn chế và bị cấm trong giờ ăn, cũng không được mang điện thoại lên giường trước khi ngủ. Hay như trong bộ phim The Social Dilemma kể trên, Tim Kendall, cựu Chủ tịch Pinterest và là cựu Giám đốc mảng Monetisation trên Facebook, còn cấm hoàn toàn con cái sử dụng mạng xã hội trước năm 16 tuổi.

Khi “nghiện internet” trở thành một vấn đề lớn trong xã hội tỉ dân với 800 triệu người sử dụng internet, Trung Quốc lập ra các trung tâm cai nghiện internet cho thanh thiếu niên. Các bệnh nhân cực đoan có thể bị trói chặt vào giường cho tới khi bình tĩnh trở lại. Những trường hợp nặng nhất có thể bị đưa vào một phòng cách ly lên tới 10 ngày. 

Tại Mỹ, trước tình trạng nghiện mạng xã hội, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã cung cấp một số mẹo để giúp người dân tránh xa mạng xã hội, bao gồm thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi với bạn bè, gia đình cũng như đề cao tầm quan trọng của việc ngủ. Nhiều doanh nghiệp đưa ra giải pháp ít cực đoan hơn như nhà mạng AT&T của Mỹ thông báo tổ chức một cuộc thi với giải thưởng 2.500 USD tiền mặt nếu tránh xa và không sử dụng bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào trong vòng 25 ngày.

Hiện nay, các công ty công nghệ cũng đã phải liên tục cho ra các ứng dụng cho trẻ như YouTube Kids, Netflix Kids cũng như các công cụ để cha mẹ có thể theo dõi việc sử dụng công nghệ của con mình. Tuy vậy, dù các tính năng có thể rất tinh vi, các ấn phẩm không phù hợp vẫn len lỏi vào đời sống hằng ngày của trẻ như những clip diễn lại hoặc hoạt hình như người nhện bắt cóc Elsa, hay việc xử phạt hành vi cổ xúy mê tín dị đoan “xin vía học giỏi” của YouTuber Thơ Nguyễn.

 

Do đó, nhiều bậc phụ huynh vẫn đang phải tự mình kiểm tra, theo dõi việc con cái đang tiếp nhận, tiêu thụ các ấn phẩm gì trên mạng. Vậy thực sự quyền của cha mẹ có vượt lên trên quyền riêng tư của trẻ, khi người lớn đang kiểm soát việc lên mạng của trẻ như vậy? Chuyên gia Phương Hoài Nga phân tích: “Quyền riêng tư là một điểm quan trọng trong quan hệ giữa 2 bên. Tuy vậy, đó là một khái niệm mang tính thỏa ước trong gia đình”.

Ngoài ra, khi trao đổi với con cái, cha mẹ có trách nhiệm làm rõ việc tôn trọng quyền riêng tư và những yếu tố liên quan đến an toàn. Trẻ em có thể chưa biết đúng sai, đó là lẽ thường. Nhưng chúng cần phải biết thế nào là an toàn và mất an toàn.

Chuyên gia Phương Hoài Nga cũng đề nghị: “Các hướng dẫn và quy định đối với việc sử dụng công nghệ nên là mối quan tâm của ngành giáo dục, y tế công cộng, trước khi của luật pháp. Tôi luôn cho rằng đó là vấn đề của giáo dục lối sống hơn kiềm tỏa và hạn chế người sử dụng. Vai trò của pháp luật là vô cùng cần thiết trong việc bảo vệ người sử dụng trước các nguy cơ xâm phạm thông tin, quấy rối, lạm dụng... của cá nhân hoặc các tổ chức công nghệ.