Nguyễn Ngọc Thứ Hai | 13/02/2023 15:46

Kế hoạch 20 tỉ USD của F1

Mục tiêu lớn được giao cho thế hệ kế thừa với tầm nhìn hướng đến các thị trường quốc tế.

Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) Lê Viết Hải chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc cho con trai Lê Viết Hiếu. Ông Hải muốn Hiếu viết nên trang sử mới cho HBC với mục tiêu vươn ra thế giới và đạt 20 tỉ USD doanh thu vào năm 2028. Đó có thể là gánh nặng với vị CEO sinh năm 1992 nhưng cũng được xem là cơ hội để Hiếu vượt qua bản thân.

Sự chuyển giao cần thiết

Ông Lê Viết Hải chính thức chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc cho con trai vào tháng 7/2020 và làm lễ chuyển giao vào cuối tháng 11/2020. Ông Hải cho rằng, việc chuyển giao này là đúng thời điểm. Có nhiều lý do minh chứng cho quyết định đó.

"Tạo ra sự gắn bó và cởi mở trong ban lãnh đạo để cùng nhau hướng về lý tưởng mới là định hướng điều hành sắp tới của tôi", ông Lê Viết Hiếu.

Thứ nhất, HBC cũng như nhiều doanh nghiệp khác phải đáp ứng Nghị định 71 của Chính phủ về việc tách bạch chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc. Nghị định này chính thức áp dụng từ ngày 1/8/2020. Ông Hải đã phải kiêm nhiệm 2 chức danh này hơn 30 năm. Việc kiêm nhiệm giúp ông ra quyết định nhanh hơn, dễ hơn nhưng cũng có nhiều áp lực lớn. Với một công ty đại chúng, ông ý thức cần có sự tách bạch chức danh nhưng cũng phải tìm được người phù hợp.

Thứ 2, sau 33 năm phát triển liên tục, HBC đã chinh phục được thị trường trong nước và đang hướng đến mục tiêu vươn ra nước ngoài. “Tất cả quy trình và máy móc của HBC đã được vận hành bằng công nghệ hiện đại, cần người lãnh đạo thích hợp. Hiếu là người chính trực, biết nghĩ cho người khác, kiên trì, kiên định, có kiến thức kinh doanh”, ông Hải lý giải. Đến năm 2020, HBC cho biết đã đánh dấu sự có mặt tại 5 quốc gia ngoài Việt Nam như Campuchia, Malaysia, Myanmar, Kuwait và Canada.

Lê Viết Hiếu tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp, Đại học California Polytechnic State (Mỹ). Trước khi về HBC vào năm 2016, Hiếu từng có 2 năm làm chuyên viên tín dụng của Shinhan Việt Nam (2014-2016). Nhờ khoảng thời gian này, Hiếu học hỏi được nhiều về tài chính, và thẩm định dự án, vốn không phải là thế mạnh của HBC.

Đại hội cổ đông thường niên của HBC năm 2020 diễn ra hồi tháng 6 cũng bầu Hiếu vào Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2019-2024.

HBC lên sàn từ năm 2006 với chỉ hơn 200 tỉ đồng doanh thu. Con số này tăng hơn gấp đôi mỗi năm trong nhiều năm liên tiếp. Đến nay, HBC đã trở thành công ty xây dựng có doanh thu lớn nhất cả nước, đạt hơn 18.600 tỉ đồng năm 2019. “Việc để con mình kế nhiệm vị trí lãnh đạo Công ty có thành quả như vậy cũng đáp ứng được tiêu chí niềm tin”, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Công ty Đầu tư DT24 và Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM, nhận xét.

Ông Lê Quang Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Bắc Trung Nam, cũng nhìn nhận Lê Viết Hiếu là người chịu khó. Từ khi về HBC năm 2016, Hiếu không ngại vất vả, thử việc ở nhiều vị trí, từ nhân viên đến phòng kỹ thuật hay giám sát tới Giám đốc Phát triển thị trường nước ngoài và Phó Tổng Giám đốc đối ngoại khu vực miền Bắc tại tập đoàn này. Ông Lĩnh nhận xét: “Hiếu sẽ có thời gian học hỏi thêm kinh nghiệm ở vị trí mới. Chừng 3-5 năm nữa mới có thể thấy hiệu quả cụ thể được”.

Thạc sĩ Lê Thị Phương Loan - Phó Trưởng Bộ môn Bất động sản, Trường Đại học Văn Lang TP.HCM, đánh giá, chuyển giao thế hệ tại HBC là cần thiết. Kiến thức, sự kiên trì và kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế là những lợi thế quan trọng giúp Hiếu hoàn thành được kỳ vọng. “Kinh nghiệm trong ngành xây dựng cũng quan trọng. Nhưng kiến thức về quản lý vận hành mới là điều tiên quyết để Hiếu làm tốt vai trò Tổng Giám đốc. Các mảng chuyên môn cụ thể thì vẫn có thể thuê người giỏi để thực hiện”, bà Loan nói. 

Đồng thời, việc chuyển giao sớm cũng thuận lợi cho Hiếu, vì ông Hải vẫn còn thời gian và sức khỏe nâng bước Hiếu trên thương trường. Chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở HBC là trường hợp khá đặc biệt so với nhiều doanh nghiệp gia đình khác. Đó không chỉ là việc tìm một người lãnh đạo mới đáp ứng quy định về quản trị, mà còn mang đậm tính chuyển giao di sản của gia đình. 

Ông Hải từng chia sẻ, thành công của ông đạt được nhờ nền móng kinh doanh được cha truyền dạy và cách đối nhân xử thế nhân nghĩa của mẹ. Tất cả những điều đó cùng với thành quả của HBC hiện tại, ông đều để lại cho con trai.

Mục tiêu 20 tỉ USD: Thách thức cũng là cơ hội

Theo ông Hải, suốt 3 thập niên qua, cứ 5 năm, HBC tăng trưởng doanh thu 5 lần. Với doanh số hiện tại, để duy trì thành quả và đáp ứng mục tiêu của HBC, tân Tổng Giám đốc Lê Viết Hiếu phải đối mặt với áp lực không nhỏ. Mục tiêu dài hạn ông Hải đặt ra cho HBC là đến năm 2028 phải đạt doanh thu 20 tỉ USD. Tuy nhiên, trong cuộc họp Hội đồng Quản trị mới đây, HBC đã điều chỉnh mục tiêu doanh thu. Theo đó, Tập đoàn sẽ nỗ lực khôi phục tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2022-2032, do thị trường bất động sản trong 3 năm qua khá khó khăn. Kết quả cụ thể đến năm 2027 là 4 tỉ USD và đến năm 2032 mới đạt con số 20 tỉ USD.

 

Theo ông Lê Viết Hải, để thực hiện kế hoạch này, HBC sẽ tập trung làm chung cư cao tầng. Ông cho rằng, đây là mục tiêu có thể thực hiện được nếu chỉ tập trung làm chung cư cao tầng cho những quốc gia có lượng người nhập cư cao. Tuy nhiên, dù kế hoạch đã được vạch sẵn, nhưng sẽ là thử thách lớn với vị CEO trẻ tuổi.

Nhiều năm qua, các cuộc chuyển giao thế hệ ở doanh nghiệp gia đình Việt cũng hướng tới người trẻ. Họ có điểm chung là học hành bài bản từ các trường đại học uy tín ở nước ngoài. Năm 2009, bà Đặng Huỳnh Ức My (sinh năm 1981) cũng tiếp quản vị trí lãnh đạo Tập đoàn Thành Thành Công thay cha là doanh nhân kỳ cựu Đặng Văn Thành, khi bà mới 28 tuổi. Ngay sau đó, bà nhanh chóng thể hiện dấu ấn qua thương vụ thâu tóm Công ty Bourbon Tây Ninh (SBT) rồi niêm yết cổ phiếu này trên sàn Singapore năm 2012.

Một trường hợp khác được bàn luận khá nhiều là chuyện kế nghiệp của ông Trần Hùng Huy. Sinh năm 1978, ông Huy khi nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch Ngân hàng ACB từ người cha Trần Mộng Hùng, ở tuổi 34. Tiếp quản vị trí lãnh đạo một ngân hàng Top đầu Việt Nam khi đó, Trần Hùng Huy cũng không tránh khỏi bị bàn tán chỉ là cái bóng của cha. Đến khi ông Huy đưa lợi nhuận ACB năm 2017 và 2018 tăng trưởng mạnh mẽ và đẩy nợ xấu xuống mức thấp nhất trong hệ thống ngân hàng, mọi người mới thấy rằng ông “được việc”.

Về phía mình, Lê Viết Hiếu chia sẻ không cảm thấy áp lực khi đảm đương vai trò Tổng Giám đốc tập đoàn xây dựng lớn nhất nước. Tuy nhiên, để tháo gỡ những thách thức trong bối cảnh mới và đạt được mục tiêu trên, Hiếu nói sẽ tận dụng lợi thế gắn kết những nhân sự tâm huyết đã gắn bó lâu dài với HBC. “Tạo ra sự gắn bó và cởi mở trong Ban lãnh đạo để cùng nhau hướng về lý tưởng mới là định hướng điều hành sắp tới của tôi”, ông Hiếu cam kết.

Thực tế cho thấy, sau khi nắm giữ vai trò Tổng Giám đốc HBC hơn 1 năm, Lê Viết Hiếu để lại dấu ấn khá tốt. Do gặp khó khăn chung, HBC đạt mức lợi nhuận gộp trong 9 tháng đầu năm 2021 thấp hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, các chi phí như tài chính và quản lý doanh nghiệp lại giảm xuống. Điều này giúp lãi sau thuế tăng đáng kể so với 9 tháng đầu năm 2020. Vốn hóa thị trường của HBC cũng vượt “ông lớn” Coteccons. Đây là điều cổ đông nào cũng mong muốn.

Suốt 3 thập niên qua, cứ 5 năm, Hòa Bình tăng trưởng doanh thu 5 lần.
Suốt 3 thập niên qua, cứ 5 năm, Hòa Bình tăng trưởng doanh thu 5 lần.

Nói như vậy không có nghĩa ông Hiếu đã làm tốt vai trò của mình. Thạc sĩ Lê Thị Phương Loan cho rằng, ít nhất phải cần 3-5 năm mới thấy rõ được hiệu quả lãnh đạo của Hiếu. Đây là khoảng thời gian đủ dài để vị lãnh đạo trẻ mạnh dạn thể hiện bản thân cũng như kế thừa hoài bão của thế hệ đi trước. Ông Hải kỳ vọng con trai sẽ viết nên một trang sử mới cho HBC ở thị trường toàn cầu. 

Ông Lê Quang Lĩnh nhận xét, việc điều hành trong ngành xây dựng không giống với các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là vấn đề đối nhân xử thế với công nhân. Theo ông Lĩnh, kiến thức chỉ là phần phụ, kinh nghiệm mới quan trọng. Do đó, Lê Viết Hiếu được đánh giá là cần nhiều sự chia sẻ kinh nghiệm của cha cũng như sự định hướng phát triển rõ ràng từ Ban quản trị. Vì thế, có vẻ như Chủ tịch Lê Viết Hải khó có thể về hưu sớm, dù năm nay ông đã 63 tuổi.

Riêng Hiếu, ông cho thấy mình có tố chất và bản lĩnh của người lãnh đạo qua cách suy nghĩ và điều hành.  “Tôi rất thích làm việc và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Đa số bạn của tôi đều từ 40 tuổi trở lên, người là doanh nhân ngành khác, người đã làm việc lâu trong ngành xây dựng. May mắn là tôi rất hợp với người lớn tuổi. Khi làm việc với người lớn tuổi, tôi được học ở họ cách nhìn nhận vấn đề đa chiều. Về tuổi thì đúng là mình trẻ, nhưng tôi cố gắng bù đắp sự thiếu kinh nghiệm bằng cách tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước”, vị CEO trẻ của HBC chia sẻ.