55% người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu đối với những sinh hoạt không cần thiết trong thời kỳ khó khăn. Ảnh: The Guardian.
Hơn 50% người dân Vương quốc Anh cắt giảm chi tiêu vì hóa đơn tăng cao
Theo một khảo sát của KPMG, kể từ đầu năm 2023, hơn 50% người tiêu dùng ở Vương quốc Anh đã chọn cắt giảm những chi tiêu không cần thiết để đối phó với tình trạng các hóa đơn ngày càng tăng cao và suy thoái kinh tế có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Từ khi Chính phủ Vương quốc Anh ra thông báo với quyết định tăng tiền thuế và các hóa đơn liên quan đến ngành năng lượng như tiền điện, nhiều gia đình lâm vào tình cảnh chật vật, phải tìm nhiều cách khác nhau để duy trì cuộc sống hằng ngày trong giai đoạn khủng hoảng. KPMG, một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, đã tiến hành một cuộc khảo sát với 3.000 đối tượng là người tiêu dùng ở Anh Quốc để cụ thể hóa hơn tình huống hiện tại của quốc gia này.
Theo kết quả của khảo sát, 49% số người tham gia khảo sát cho biết họ cắt giảm các chi tiêu không cần thiết, đặc biệt là khi các gói hỗ trợ hóa đơn tiền điện gia tăng của chính phủ đã đạt hạn mức quy định. Sử dụng tiền tiết kiệm để chi tiêu sinh hoạt như bình thường chiếm 30% trong khảo sát.
Trước đó, từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, Chính phủ Anh Quốc đã ra các khoản trợ cấp trị giá 67 bảng Anh hàng tháng cho mỗi hộ gia đình nhằm hỗ trợ người dân khi các hóa đơn ngành năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, thời hạn các gói hỗ trợ đã hết, khó khăn lại chồng thêm khó khăn.
Các công ty dịch vụ viễn thông Vương quốc Anh đã gia tăng hóa đơn thuê bao điện thoại lên 17% đối với nhiều chủ tài khoản bắt đầu từ tháng 4/2023. Theo thống kê dữ liệu từ kết quả khảo sát của KPMG, 51% người tham gia khảo sát cho biết kể từ tháng này họ phải trả tiền nhiều hơn để sử dụng dịch vụ internet băng thông rộng. 49% còn lại cũng nói rằng các gói cước di động cũng phải trả phí cao hơn mức bình thường khi sử dụng.
Nghiên cứu cho thấy từ đầu năm đến nay, 55% người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu đối với những sinh hoạt không cần thiết trong thời kỳ khó khăn. 63% tiết kiệm bằng cách không đi ăn ngoài. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thắt lưng buộc bụng như hiện tại là do các hóa đơn tiện ích (điện, nước, internet, thuê bao trả sau,...).
Việc người tiêu dùng của quốc gia này cắt giảm chi tiêu và không đi ăn ngoài đã gây áp lực lên các chủ quán ăn, nhà hàng, quán rượu,... vốn đang chật vật hồi phục công việc kinh doanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp bán lẻ và ngành khách sạn lại phải đối mặt với nguy cơ phá sản do tiền điện và khí đốt tăng cao trong bối cảnh chính phủ ngừng cung cấp các gói hỗ trợ hàng tháng.
Nhiều hàng quán cảm thấy lo ngại khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu bằng cách ngừng đi ăn ngoài. Ảnh: The Guardian. |
Cũng trong khảo sát của KPMG, 36% người tham gia khảo sát cho biết giờ đây họ thường chọn những cửa hàng bán lẻ có giá thấp hơn để mua nhu yếu phẩm nhằm tiết kiệm tiền. 37% lựa chọn mua hàng trong siêu thị. 33% cho biết họ mua hàng với số lượng ít hơn so với thường ngày và 11% còn lại lựa chọn sử dụng thẻ tín dụng thay vì tiền mặt.
Về phía những người chọn sử dụng tiền tiết kiệm trong thời gian này, 34% trả lời rằng họ dùng tiền tiết kiệm để chi trả cho các khoản thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày. Trước tình cảnh khó khăn hiện nay, nhóm người tiêu dùng này cho biết họ chưa mua bất kỳ món đồ giá trị nào trong năm nay và cũng không có ý định sẽ làm điều đó trong khoảng thời gian từ đây đến hết năm 2023.
Nhìn chung tình hình bây giờ, cảm giác an toàn tài chính của người tiêu dùng Anh Quốc có xu hướng phân mảnh với 25% cảm thấy biến động tài chính an toàn và ổn định hơn so với hồi đầu năm, 29% cảm thấy bấp bênh hơn so với đầu năm 45% cảm thấy không có gì thay đổi so với trước.