Các ngân hàng lớn châu Âu sụp sổ là tin không vui với ngành công nghiệp thời trang xa xỉ châu Âu.
Giới tài chính gặp nguy, ngành công nghiệp xa xỉ chịu áp lực
CÚ SỐC KINH TẾ ẬP ĐẾN
Các cuộc khủng hoảng của giới ngân hàng những tuần gần đây, từ sự sụp đổ bất ngờ của Silicon Valley Bank (SVB) đến Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sĩ, gặp nguy, đã khiến thị trường toàn cầu cảm thấy sợ hãi và lo lắng rằng hiệu ứng domino sẽ lan rộng đến các lĩnh vực khác.
Các ngân hàng lớn châu Âu sụp sổ là tin không vui với ngành công nghiệp thời trang xa xỉ châu Âu, đặc biệt là gã khổng lồ LVMH. Giữa bối cảnh người tiêu dùng châu Âu và Mỹ đang chịu áp lực vì tình hình không mấy khả quan của giới tài chính cũng như không có điều gì chắc chắn là khách hàng Trung Quốc sẽ vung tiền mua sắm trở lại sau 3 năm bị hạn chế, nỗi lo ngại càng phủ bóng trong tâm trí các ông chủ ngành công nghiệp xa xỉ.
Ngành công nghiệp xa xỉ châu Âu chịu áp lực bởi cuộc khủng hoảng của giới tài chính. |
Phiên giao dịch hôm thứ 2 cho thấy thị trường châu Âu có vẻ đã ổn định hơn, nhưng các nhà đầu tư cảnh báo rằng sự biến động của thị trường chứng khoán chưa bao giờ là điều tốt.
Ngành công nghiệp xa xỉ thường hoạt động tốt khi các khách hàng của họ giàu có và lạc quan về khả năng tài chính. Những cú sốc kinh tế sẽ là đòn đánh mạnh mẽ giáng vào lĩnh vực này. Trong quá khứ, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến nhu cầu mua túi Louis Vuitton và giày Prada của người tiêu dùng giảm mạnh. Hay cuộc đàn áp tiêu dùng phô trương của Chính phủ Trung Quốc vào năm 2015 đã làm cho sức mua của người tiêu dùng đất nước này giảm đáng kể.
Với tình hình hiện giờ, các công ty như Burberry Group và Kering, chủ sở hữu của Gucci, đã nhận thấy sự suy giảm nhu cầu của những khách hàng trẻ tuổi, đặc biệt là ở Mỹ. Làn sóng sa thải nhân sự của ngành công nghệ còn chưa có dấu hiệu kết thúc, thì nguy cơ mất việc làm trong lĩnh vực tài chính đã bắt đầu tăng khiến tương lai của tầng lớp trung lưu càng thêm bấp bênh. Đây là tin xấu cho các nhà bán lẻ thuộc phân khúc này, chẳng hạn như Hugo Boss.
Điều mà các ông chủ ngành công nghiệp xa xỉ lo lắng là tâm lý thận trọng sẽ lan sang nhóm siêu giàu thế giới. Mặc dù bây giờ họ vẫn đang sống trong một thế giới khác, và không có vẻ gì là bị ảnh hưởng bởi lạm phát hay nguy cơ về một suy thoái kinh tế nhưng xu hướng mua sắm của họ có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động tăng trưởng/giảm sút của các loại tài sản như bất động sản và cổ phiếu. Khi lĩnh vực tài chính hỗn loạn, giới siêu giàu có thể không muốn vung tiền ngay cả khi họ có đủ khả năng chi trả.
Cho đến nay, các công ty thời trang xa xỉ hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự chậm lại trong hoạt động kinh tế ở Mỹ. Nhưng liệu bức tranh kinh doanh có giữ được màu sắc tươi mới trong những ngày hoặc tuần tiếp theo hay không là điều đáng xem. Giới phân tích nói rằng phần lớn sẽ phụ thuộc vào tình hình rối ren của lĩnh vực ngân hàng có được cải thiện theo chiều tích cực hay không.
CÁI KHÓ CỦA NHỮNG ÔNG CHỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP XA XỈ
Tập đoàn LVMH sẽ báo cáo doanh thu vào tháng tới. Trong thời gian chờ đợi, các chuyên gia trong ngành cho biết có thể xem giá đồng hồ Rolex trên thị trường thứ cấp là một chỉ báo nhu cầu của giới siêu giàu. Giá đồng hồ Rolex đã ổn định trong những tháng qua, tuy nhiên những cú sốc kinh tế gần đây có thể làm cho tâm lý của các nhà đầu tư trở nên hoang mang và dẫn đến một đợt bán tháo đồng hồ trên thị trường.
Các chuyên gia cũng lưu ý về vấn đề giá cả của sản phẩm từ những thương hiệu xa xỉ. Đồng hồ Rolex hay túi xách Chanel đều là những mặt hàng tăng giá trong một năm qua. Việc đẩy giá bán trong bối cảnh hiện tại không được xem là chiến lược khôn ngoan, bởi nếu khách hàng không còn nhiều hứng thú và phải “thắt lưng buộc bụng” trong giai đoạn đầy biến động này thì việc tăng giá hoàn toàn không có nhiều tác động tích cực đến doanh thu.
Mặc dù bị ảnh hưởng, nhưng mỗi nhóm hàng xa xỉ sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau. Đơn cử như trường hợp Hermes International. Theo dữ liệu từ Bloomberg, 60% doanh số bán hàng năm ngoái của thương hiệu này đến từ sức mua của các khách hàng châu Á. Những chiếc túi Kelly và Birkin vẫn luôn có một danh sách dài những khách hàng chờ mua, nếu giữ vững được phong độ này thì hãng không phải lo lắng việc doanh thu sụt giảm dù nhu cầu chung của thị trường thu hẹp.
Giá đồng hồ Rolex được xem là chỉ báo nhu cầu của giới siêu giàu trên thị trường. |
Mặt khác, 27% doanh thu bán hàng của LVMH phụ thuộc vào thị trường Mỹ nên gã khổng lồ ngành thời trang ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng khi thị trường biến động. Nhưng Tập đoàn lại sở hữu hai thương hiệu thời trang dẫn đầu ngành là Louis Vuitton và Dior, hai cái tên luôn xuất hiện đầu tiên trong tâm trí người tiêu dùng khi nhắc đến ngành công nghiệp xa xỉ. Ngoài ra, LVMH cũng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình thông qua thương hiệu bán lẻ mỹ phẩm Sephora và kinh doanh đồ uống.
Phía các công ty có chiến lược kinh doanh xoay vòng như Burberry và Kering có vẻ dễ bị tổn thương hơn.
Thực tế cho thấy trước đó các nhà đầu tư đã dự đoán rằng nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ ở thị trường châu Âu và Mỹ sẽ giảm trong năm nay. Cuộc khủng hoảng trong giới ngân hàng gần đây đã thúc đẩy điều này diễn ra nhanh hơn. Các thương hiệu thời trang xa xỉ chịu nhiều áp lực và trông chờ người tiêu dùng Trung Quốc quay trở lại. Hiện tại, thị trường tỉ dân vẫn là thị trường đầy tiềm năng, đặc biệt là sau khi quốc gia này thông báo mở cửa trở lại. Ngành công nghiệp xa xỉ đặt kỳ vọng khách hàng Trung Quốc sẽ đến các kinh đô thời thế giới như Paris (Pháp), Milan (Ý) để chi tiêu mua sắm.