PAN sẽ tiếp tục tìm kiếm, thực hiện M&A cũng như tăng cường hợp tác ký kết, không chỉ trong nước mà còn quốc tế.
Giải mã hệ sinh thái ngàn tỉ của PAN
Trong 5 năm qua, PAN Group ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu 30%/năm và đang tạo ra giai đoạn tăng trưởng nhanh, soán ngôi đầu trong nhiều lĩnh vực: dẫn đầu thị trường về giống cây trồng và khử trùng/kiểm soát dịch hại; đứng số 2 về nông dược; dẫn đầu xuất khẩu cá tra ở Nhật; Top 3 trong xuất khẩu tôm, nghêu và kinh doanh kẹo; tổng tài sản tăng gấp 14 lần trong giai đoạn 2013-2021…
Những con số trên trở nên ấn tượng hơn nếu biết bước khởi đầu của doanh nghiệp này chỉ là một công ty trong lĩnh vực vệ sinh công nghiệp.
CÚ NHẢY VÀO 3F
Cơ duyên gặp gỡ giữa ông Nguyễn Duy Hưng và bà Nguyễn Thị Trà My đã đặt nền móng giúp PAN chuyển mình để dồn lực vào ngành mới: nông nghiệp - thực phẩm. Đó là cuộc gặp giữa một “trùm” tài chính và một người có gần 18 năm tham gia điều hành cho Biomin Việt Nam, một tập đoàn nông nghiệp đa quốc gia.
Sau những buổi trò chuyện hào hứng, sôi nổi, cả hai đều nhận thấy “phía bên kia” có chung tầm nhìn và hoài bão. Đó là mong ước nâng tầm nông nghiệp - thực phẩm Việt Nam. “Chúng tôi xác định sứ mệnh của mình là gắn với sự phát triển của ngành nông nghiệp - thực phẩm, lĩnh vực mà 70% lao động Việt Nam đang tham gia. Đây cũng là ngành tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc của PAN, nhớ lại.
Tầm nhìn đó càng có ý nghĩa hơn khi số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) khuyến khích thế giới quan tâm đến sản xuất lương thực để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ cho nhân loại, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi sẽ có hơn 500 triệu người bị suy dinh dưỡng.
Những lý tưởng, hoài bão của 2 nhà sáng lập đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các cổ đông lớn như SSI, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)… Từ đây, PAN chính thức chuyển đổi ngành nghề, tập trung vào chuỗi giá trị Farm - Food - Family (3F), với mục tiêu trở thành tập đoàn nông nghiệp - thực phẩm hàng đầu của Việt Nam.
Trong những năm đầu, vốn điều lệ của doanh nghiệp này rất khiêm tốn, chỉ 115,5 tỉ đồng vào thời điểm chuyển đổi, năm 2012. Chỉ một năm sau, vốn điều lệ đã tăng gần gấp đôi, lên 200,5 tỉ đồng. Kể từ đó cho đến cuối năm 2021, PAN đã nhiều lần tăng vốn điều lệ và hiện đạt quy mô 2.163,5 tỉ đồng.
Đáng chú ý, những người đứng đầu ở PAN, từ ông Nguyễn Duy Hưng đến bà Nguyễn Thị Trà My hay cựu Tổng Giám đốc Michael Rosen đều là những người dày dạn kinh nghiệm về tài chính. Họ đã giúp Tập đoàn tiếp cận nhanh dòng vốn từ các tổ chức quốc tế như quỹ TAEL Partners, GIC - quỹ đầu tư quốc gia Singapore, Mutual Elite Fund, PYN Elite Fund, Sojitz Corporation (Nhật)… Đây được xem là lợi thế khác biệt ở doanh nghiệp này. Bà Trà My cho biết, trong 10 năm qua, Tập đoàn đã huy động được khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài, qua nhiều hình thức khác nhau. Các tổ chức nước ngoài đã nắm giữ cổ phiếu PAN khá lâu.
M&A LIÊN TỤC ĐỂ TIẾN ĐẾN THAM VỌNG TỈ USD
PAN tập trung cho chiến lược M&A trong giai đoạn 2012-2022. Trong 10 năm đó, họ đã tạo được hệ sinh thái đa dạng với các công ty thành viên là những doanh nghiệp đầu ngành như Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, mã NSC), Bibica (BBC - bánh kẹo), Thực phẩm Sao Ta (Fimex, mã FMC - thủy sản), Aquatex Bến tre (ABT - thủy sản), Công ty Khử trùng Việt Nam (VFC, mã VFG - thuốc bảo vệ thực vật), Lafooco (LAF - chế biến điều), 584 Nha Trang (nước mắm truyền thống), Shin Cà phê…
Chưa dừng lại ở đó, Tập đoàn dự kiến tăng tỉ lệ sở hữu ở VFC, Vinaseed, ABT, 584 Nha Trang. Bà Trà My cho biết: “PAN sẽ tiếp tục tìm kiếm, thực hiện M&A cũng như tăng cường hợp tác ký kết, không chỉ trong nước mà còn quốc tế”. Việc công ty đa dạng hóa các sản phẩm FMCG như gạo đóng túi, nước mắm, hải sản, các loại hạt và bánh kẹo đã tạo ra một chuỗi giá trị tích hợp theo chiều dọc.
Thực hiện chiến lược tìm kiếm những đối tác để giúp doanh nghiệp “vừa đi nhanh vừa đi xa”, cuối năm 2021, tập đoàn này đã ký kết với C.P Việt Nam, một tên tuổi lớn trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm thông qua thương vụ C.P Việt Nam đầu tư 25% vốn vào Sao Ta. Đây là công ty có thế mạnh vùng nuôi đạt chuẩn ASC lớn nhất cả nước, có công nghệ nuôi tiên tiến và sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm chất lượng cao.
PAN tập trung cho nghiên cứu và phát triển (R&D) những sản phẩm mới tốt cho sức khỏe. |
Sao Ta sở hữu công nghệ chế biến tiên tiến, tạo ra các sản phẩm phối chế đã chinh phục được khách hàng ở những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu. Còn C.P Việt Nam có thế mạnh về giống và thức ăn cho tôm. “Hợp tác này sẽ góp phần đưa vị thế tôm Việt Nam lên thứ hạng cao nhất trên thế giới trong tương lai gần”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Sao Ta, chia sẻ.
Dù mở rộng ra sao, bà Trà My nhấn mạnh, PAN vẫn sẽ kiên định với các tiêu chí đã đặt ra từ ban đầu. Đó là chỉ M&A, ký kết hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp có thể giúp Tập đoàn hoàn thiện chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp và thực phẩm nhằm gia tăng quy mô, thị trường, thị phần. Vì thế, Tập đoàn sẽ chỉ nhắm đến các công ty đã đạt những giá trị, thương hiệu, vị thế trong ngành, có sự minh bạch về thông tin, có quản trị chuyên nghiệp, chú ý tính bền vững. Đặc biệt là ưu tiên đến khía cạnh lãnh đạo ở các công ty phải dày dạn kinh nghiệm, cùng chung tầm nhìn với PAN.
Bà Trà My khẳng định: “Các công ty thành viên trước khi về với PAN đều có vị thế, thương hiệu, lịch sử hoạt động lâu đời, với những nét văn hóa riêng biệt. Hậu M&A sẽ rất khó nhọc, dễ thất bại nếu các lãnh đạo công ty không cởi mở, thiếu văn hóa hợp tác. Chính văn hóa hợp tác giữa các lãnh đạo công ty thành viên với nhau và với PAN đã là chìa khóa cho thành công của các thương vụ M&A tại Tập đoàn”.
Thực tế, các công ty khi đạt tiêu chuẩn như PAN đề ra thì không bị sức ép phải M&A. Nhưng các lãnh đạo ở Vinaseed hay ở Fimex, VFC hiểu rõ, muốn lớn mạnh, muốn đi xa, muốn đáp ứng các đòi hỏi ngày càng gắt gao của thị trường, muốn thấy một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển hơn, các công ty phải liên minh, liên kết, đứng trong hệ sinh thái nào đó.
Một khó khăn đặt ra là nếu doanh nghiệp có cổ đông lớn quyết liệt bám trụ, không chịu nhường bước, như trường hợp Lotte ở Bibica thì phải làm sao? Bà Trà My thừa nhận, họ đã mất một thời gian dài vô cùng kiên trì, chờ Lotte thay đổi ý định mới có thể hoàn tất thương vụ.
Sự bền bỉ của doanh nghiệp này trong thương vụ Bibica có cả yếu tố muốn giữ gìn thương hiệu bánh kẹo Việt chứ không phải chỉ dừng ở câu chuyện kinh doanh. “Nhưng cho đến thời điểm này, PAN quan tâm đến tính hiệu quả hơn. Nếu đặt trong bối cảnh bây giờ, có thể Tập đoàn đã đi nước cờ khác ở câu chuyện Bibica”, bà Trà My nói.
Các thương vụ M&A của PAN đến thời điểm này đạt được thành công ở các mức độ khác nhau, nhờ xác định được tầm nhìn ngay từ ban đầu và kỹ lưỡng đặt ra tiêu chí chọn lựa đối tác cùng song hành.
Thậm chí, như Vinaseed sau ngày về chung một nhà đã tăng trưởng nhanh chóng, chiếm 20% thị phần giống lúa và 10% thị phần giống ngô, dấn bước vào các ngành mới như làm gạo...
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinaseed, xác nhận, giống cây trồng vẫn là ngành cốt lõi của Vinaseed và Công ty có lợi thế cạnh tranh, nhiều cơ hội cũng như tiềm năng tăng trưởng. Nhưng trong chiến lược phát triển, doanh nghiệp sẽ sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín: nghiên cứu - sản xuất giống - sản xuất lương thực - chế biến - xây dựng thương hiệu và tổ chức kinh doanh lương thực.
Muốn vậy, Vinaseed đã và sẽ tiếp tục triển khai M&A, hợp tác đối tác cũng như đầu tư chiều sâu. Công ty này từng mua lại Giống cây trồng Miền Nam (SSC) để thống lĩnh thị trường từ Bắc vào Nam. Doanh nghiệp cũng đã bắt tay với Nagoya Shokuryo (Nhật) để hợp tác sản xuất, kinh doanh gạo. Gần đây hơn, tháng 6/2022, Vinaseed đã ký với Siam Star Seed (Thái Lan) thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao và thương mại sản phẩm giống cây trồng.
“Sắp tới, xu hướng M&A, hợp tác ký kết ở PAN sẽ không chỉ do Tập đoàn thực hiện mà còn do các công ty thành viên triển khai, tùy vào mục đích hợp tác”, bà Trà My cho biết. Chẳng hạn, VFC đã ký hợp tác chiến lược với Syngenta, một công ty lớn trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giúp VFC phân phối sản phẩm quan trọng trong quản lý thiệt hại cây trồng. Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), với hợp tác này, doanh thu của VFC có thể sẽ tăng trên 50%, từ mức hơn 2.000 tỉ đồng của năm trước.
NHỮNG DẤU HỎI TRONG GIAI ĐOẠN "BOOMING"
PAN Group hiện thuộc sở hữu của các cổ đông lớn như Đầu tư NDH, PAN Farm... Sau 10 năm xây nền móng, từ năm 2022, Tập đoàn chính thức bước vào giai đoạn mới mà những người lãnh đạo doanh nghiệp này gọi là “booming”, tức giai đoạn tăng trưởng nhanh. Theo đó, PAN đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ đạt tăng trưởng kinh doanh ít nhất 25%/năm và ghi nhận lợi nhuận ròng năm 2025 tăng trưởng gấp đôi so với năm 2021, lên 1.500 tỉ đồng.
PAN đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ đạt tăng trưởng kinh doanh ít nhất 25%/năm. |
Mặc dù vậy, điều bất ngờ là diễn biến thị trường kể từ đầu năm cho thấy nhóm cổ phiếu nông nghiệp và thực phẩm đều giảm giá mạnh, thậm chí mức giảm còn lớn hơn rất nhiều so với đà giảm của PAN đi ngược lại với mọi dự báo mang tính tích cực đối với cổ phiếu ngành nông nghiệp và lương thực. Diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán khiến nhiều cổ đông đặt câu hỏi về các kế hoạch “booming” của doanh nghiệp.
“Giá cổ phiếu chúng tôi kỳ vọng ở mức độ cao nhất nhưng nhiều khi cũng tủi thân vì Tập đoàn sở hữu toàn công ty tốt nhất Việt Nam mà không hiểu sao giá cổ phiếu lại như thế. Đó là trăn trở của ban lãnh đạo không riêng ai”, Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư “Tiềm năng và Cơ hội” gần đây. Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho biết họ giữ lượng lớn cổ phiếu PAN và nhiều năm nay không bán ra cổ phiếu nào.
Thực tế, tính chung 3 quý đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 9.900 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 537 tỉ đồng, tăng 132%. Biên lợi nhuận gộp tăng 19% trong khi năm ngoái là 16%. Trong bối cảnh chi phí đầu vào gia tăng, những con số về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, biên lợi nhuận là điểm sáng. Về cơ cấu doanh thu, có tới 51% đến từ thủy sản, 35% từ nông nghiệp, còn lại là hàng tiêu dùng, bánh kẹo, hạt điều, nước mắm. Mặc dù mảng nông nghiệp có doanh thu chiếm thứ 2 sau thủy sản nhưng cơ cấu lợi nhuận lại đóng góp 41%, trong khi thủy sản là 35%, còn lại hàng tiêu dùng góp 13% lợi nhuận.
Bỏ qua về định giá cổ phiếu, từng công ty con của PAN đều có những kế hoạch để bước vào giai đoạn “booming”. Trong đó, trụ cột cho tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của PAN thời điểm hiện tại và năm 2023 vẫn là nông nghiệp và thủy sản vì đây là 2 mảng có nhịp đầu tư sớm hơn so với các mảng tiêu dùng. Sản phẩm tiêu dùng sẽ có nhịp tăng trưởng 1-2 năm sau.
Ông Hồ Quốc Lực cho biết, đến năm 2025, Sao Ta sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD và lợi nhuận 500 tỉ đồng. Hay Vinaseed cũng phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 25% thị phần, với doanh thu 4.000 tỉ đồng, hơn gấp đôi so với con số 1.900 tỉ đồng của năm 2021, còn lãi ròng khoảng 400-500 tỉ đồng. Riêng VFC có thể giành thêm thị phần lên 15% trong 3 năm tới, từ mức 12% thị phần sau khi đối thủ cạnh tranh Lộc Trời mất quyền phân phối độc quyền cho Syngenta.
Trước mắt, PAN ưu tiên tăng trưởng hữu cơ theo chiều sâu. Cụ thể, các thành viên như Sao Ta sẽ mở rộng vùng ao nuôi tự nhiên, Lafooco đầu tư hạ tầng cho sản xuất kinh doanh, Vinaseed tăng công suất qua việc mở rộng nhà máy…
Tập đoàn cần vốn để đầu tư vào công ty con, M&A và giảm nợ ngắn hạn. Họ đang chờ thời điểm thuận lợi để tiếp tục huy động vốn cũng như dùng đến nguồn vốn vay ngân hàng. Theo bà Trà My, Tập đoàn có thể tiếp cận nguồn vốn xanh, không gặp giới hạn về hạn mức tín dụng và đang được các ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi vì là công ty nông nghiệp theo đuổi chiến lược phát triển bền vững.
Tập đoàn đã theo đuổi chiến lược này bằng cách hợp tác chặt chẽ với nông dân, đa dạng hóa sản phẩm FMCG như gạo, nước mắm, hải sản, các loại hạt, bánh kẹo, giống, thuốc bảo vệ thực vật... để tích hợp chuỗi giá trị theo chiều dọc, nhằm hoàn thành sứ mệnh an ninh lương thực và tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Trong chuỗi giá trị nông nghiệp này, doanh nghiệp này vẫn còn thiếu một số mảng như phân bón nên đang ưu tiên tìm đối tác M&A.
PAN cũng dành sự tập trung cho nghiên cứu và phát triển (R&D) những sản phẩm mới tốt cho sức khỏe cũng tăng cường mở rộng năng lực sản xuất, áp dụng công nghệ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh doanh và giúp tăng khả năng truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm bán ra. Vì thế, sản phẩm của doanh nghiệp hiện đã được xuất sang hơn 30 nước, gồm cả các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật.
Lãnh đạo của PAN tin tưởng, nông nghiệp - thực phẩm là ngành thiết yếu, sẽ bị ảnh hưởng ít nhất khi suy thoái kinh tế xảy ra. |
Tuy nhiên, kế hoạch của Tập đoàn có thể gặp những rủi ro từ suy thoái toàn cầu và cạnh tranh từ các đối thủ ngoại. Cụ thể, KBSV cho rằng PAN sẽ chịu áp lực về lợi nhuận bởi một số rủi ro. Trong đó, căng thẳng Nga - Ukraine cùng nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng có thể tác động tới việc tăng cước phí vận chuyển. Thu nhập người tiêu dùng hồi phục chậm, không đủ để gia tăng chi tiêu mạnh trong năm nay cũng có thể trở thành một rủi ro lớn, nhất là khi giá cả mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu... đang tương đối cao.Ngoài ra, đẩy nhanh việc xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp - thực phẩm với chuỗi giá trị khép kín cũng kéo theo nhiều thách thức về quản trị với nhiều công ty con.
Tuy nhiên, với rủi ro suy thoái kinh tế, lãnh đạo của PAN tin tưởng, nông nghiệp - thực phẩm là ngành thiết yếu, sẽ bị ảnh hưởng ít nhất. Doanh nghiệp cũng có niềm tin vào triển vọng không giới hạn của ngành lương thực thực phẩm. Bản thân Tập đoàn đã tạo được nền tảng và hệ sinh thái đa dạng để có thể tối đa hóa giá trị, hợp tác sâu rộng và giúp nhau vượt qua khó khăn. Các sản phẩm của PAN tập trung vào chất lượng cao cho phép họ dễ dàng chuyển đổi thị trường khi cần thiết.
Về vấn đề cạnh tranh, bà Trà My cho biết, PAN có những lợi thế riêng. Đó là sức mạnh của sự hiện diện các nhà đầu tư tài chính nhưng đồng hành dài hạn ở doanh nghiệp. Đó còn là việc các công ty thành viên đều trong nhóm dẫn đầu ngành. Đặc biệt, lãnh đạo các công ty thành viên đều là những người năng nổ, xông pha, tâm huyết với ngành nghề, với doanh nghiệp. “Có được những con người yêu nghề, tràn đầy năng lượng, sẵn sàng học hỏi, cởi mở như thế trong PAN Group, tôi cảm thấy nể phục và tự tin rằng Tập đoàn sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, bà Trà My nói.