Các công ty game blockchain non trẻ của Việt Nam bị cuốn vào cuộc đua trong ngành công nghiệp game.

 
Thứ Năm | 18/08/2022 10:52

Game blockchain đại chiến

Nhiều công ty đang quan tâm đến game blockchain và xem đó là cuộc cách mạng mới.

Thành công trong thời gian ngắn của Sky Mavis đã châm ngòi cho cuộc đua game blockchain với các ông lớn trong ngành công nghiệp game toàn cầu. Các công ty game blockchain non trẻ của Việt Nam vô hình trung cũng bị hút vào cuộc đua này.

KHI CÁC ÔNG LỚN THAM GIA

Tháng 6/2021, Sky Mavis, cha đẻ của tựa game blockchain Axie Infinity, được định giá 3 tỉ USD chỉ sau 2 năm thành lập. Dù vốn hóa vẫn còn xếp áp chót trong bảng xếp hạng các công ty game tỉ USD nhưng việc phát triển nhanh trong thời gian ngắn chỉ với một vài game và tạo ra xu hướng earn-to-play (tạm dịch là kiếm tiền trong game) mới bằng công nghệ NFT (công nghệ tạo ra tài sản không thể thay thế trong game) của Sky Mavis đã khiến nhiều tên tuổi lâu năm buộc phải chuyển mình.

Axie Infinity - Game blockchain được định giá tỉ đô của Sky Mavis.
Axie Infinity - Game blockchain được định giá tỉ đô của Sky Mavis.

Không lâu sau khi Atari, hãng sản xuất game gần 40 năm tuổi của Nhật, tham gia làm game NFT, hàng loạt tên tuổi được định giá hàng chục tỉ USD trong ngành công nghiệp game cũng gấp rút công bố dự án NFT như Microsoft, Electronic Arts (EA), Ubisoft... Không chỉ dừng lại ở NFT, các công ty này đang chạy đua tạo ra các Metaverse (thế giới ảo kết hợp thế giới thực), một phiên bản nâng cấp của các game NFT.

Trao đổi với NCĐT qua email, ông Trí Phạm, sáng lập Whydah, Công ty vừa huy động được 25 triệu USD cho game Iron Sail, cho biết hiện Metaverse chưa có định nghĩa cụ thể; các hãng đang cố gắng xây dựng được 4 tính chất quan trọng của nó là: hội tụ trải nghiệm vật lý và phi vật lý; liên tục, không ngắt quãng, không ngừng nghỉ; có tính sở hữu số và tự chủ danh tính. “Tác phẩm tiểu thuyết như Snow Crash hay điện ảnh như Ready Player One là ví dụ dễ hiểu nhất về cách một Metaverse sẽ vận hành như thế nào”, ông Trí cho biết.

Nhìn chung, game trong thế giới Metaverse sẽ là sự mở rộng và nâng cấp của các NFT game trên cả máy tính và smartphone. Các game trong Metaverse sử dụng công nghệ blockchain cho phép người dùng tạo ra các vật phẩm trong game và trao đổi chúng trên các sàn giao dịch NFT.

Metaverse cũng sử dụng mô hình kinh tế mở giúp người chơi có thể tự do tham gia vào quá trình xây dựng game và đóng góp cho thế giới Metaverse. “Thế nên, khác với các game truyền thống khi mà người dùng tiêu tiền cho nhà phát hành game, các game trong Metaverse người dùng tự trao đổi giá trị với nhau nhằm tạo ra một cộng đồng mạnh hơn”, ông Trí nói.

CUỘC ĐUA BẮT ĐẦU

Ông Yves Guillemot, Giám đốc Điều hành Ubisoft (vốn hóa hơn 6 tỉ USD), cho biết Công ty đang quan tâm đến game blockchain và xem đó là cuộc cách mạng mới. Ông Andrew Wilson, Giám đốc Điều hành EA (vốn hóa hơn 37 tỉ USD), cũng xác nhận NFT là trò chơi để kiếm tiền tương lai của ngành công nghiệp game.

Ở Việt Nam, các công ty game blockchain đang nở rộ và tùy vào kinh nghiệm của nhà sáng lập, mức gọi vốn có thể dao động từ vài trăm ngàn USD cho đến vài chục triệu USD như Sipher (6,8 triệu USD), Faraland (2,4 triệu USD), HeroVerse (1,7 triệu USD)... Đó là chưa kể các công ty game di động truyền thống cũng tham gia như Wolffun.

Nhìn chung, sự chuyển động của các ông lớn trong ngành game toàn cầu rõ ràng đang là sức ép cho các đơn vị non trẻ của Việt Nam vì nhóm này có tiềm lực tài chính lớn hơn, kinh nghiệm làm game lâu năm, quan trọng nhất là số lượng tác phẩm game đa dạng và có lượng lớn người hâm mộ ứng với mỗi tựa game.

 

Tuy nhiên, ông Trí của Whydah cho rằng cơ hội đang chia đều cho tất cả. Theo ông, điều quan trọng của game Metaverse là phải có sự liên kết 2 chiều, và hiện tại công nghệ blockchain mới chính là công nghệ quan trọng nhất để thực hiện điều này. “Khi các studio game lớn chuyển sang làm Metaverse, chính họ sẽ phải bị áp lực chạy theo những công ty đã làm game blockchain trước và am hiểu về công nghệ blockchain, kể cả khi họ có lượng người dùng lẫn các series game tên tuổi”, ông Trí nói.

Mặt khác, cũng có thể xem Metaverse là chất xúc tác để các đơn vị game cùng nhau tạo ra những thị trường mới. Lấy ví dụ như Iron Sail của Whydah được lấy cảm hứng từ các câu chuyện săn tìm kho báu trong truyền thuyết. “Với tôi, Iron Sail không dừng lại ở một trò chơi mà đó là một xu hướng, nơi mọi người cùng nhau đóng góp vào việc xây dựng ngành công nghiệp game blockchain. Iron Sail cung cấp sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ và tầm nhìn cho các nhà phát triển game, để họ chuyên tâm làm ra những sản phẩm chất lượng nhất”, ông Trí nói.