Hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã ghi nhận sự đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực dotcom.

 
Thứ Ba | 19/07/2022 08:55

Dotcom Việt Nam về đâu?

Các công ty dotcom nổi lên ở Việt Nam như một làn sóng, song thanh toán trực tuyến và tâm lý tiêu dùng là hai thách thức lớn cần phải đối mặt.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2010.)

Hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã ghi nhận sự đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực dotcom (chỉ các công ty sử dụng internet là nền tảng chính trong hoạt động kinh doanh). Đầu tư này gồm đầy đủ các dạng như: 1) công cụ tìm kiếm (nổi nhất là Google VN); 2) cổng thông tin (đơn cử là Zing); 3) thương mại điện tử, với hơn 9.000 sàn giao dịch thương mại điện tử dạng B2B - doanh nghiệp với doanh nghiệp, B2C - doanh nghiệp với khách hàng và C2C - khách hàng với khách hàng; 4) mạng xã hội (lên đến con số hàng trăm); và 5) tích hợp giải trí trực tuyến (chẳng hạn Vinagame, FPT, VTC). 

Công cụ tìm kiếm Google
Công cụ tìm kiếm Google

Số lượng các công ty dotcom nhiều, nhưng thực trạng tồn tại ra sao, doanh thu thế nào, và quan trọng hơn cả là khả năng phát triển trong tương lai đến đâu, vẫn là những câu hỏi lớn của lĩnh vực kinh doanh còn non trẻ này. 

NHÌN TỪ TRUNG QUỐC 

Ngành dotcom tại Trung Quốc bùng nổ trước Việt Nam không lâu. Tuy nhiên, những cái tên như Baidu (tìm kiếm, tin tức), Alibaba (thương mại điện tử), Tencent (giải trí trực tuyến) đã phát triển rất mạnh mẽ, thậm chí còn thách thức các đại gia đến từ Mỹ như eBay, Amazon, Yahoo!... Lý do nào khiến họ làm được như vậy? 

Hãy tìm hiểu trường hợp của Tencent. Những ngày đầu thành lập, công ty này đã rất chật vật trong việc tìm kiếm lợi nhuận, nhưng ngay sau đó, Tencent đã lên như “diều gặp gió” với hoạt động phát triển các trò chơi trực tuyến. Ngoài ra, doanh thu từ mảng dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng của công ty này cũng tăng mạnh không kém, như tờ The New York Times (Mỹ) nhận định. Chiến lược phát triển của Tencent chính là sự kết hợp các yếu tố của mạng xã hội Myspace, trang web giải trí YouTube và thế giới ảo Second Life của Mỹ. 

The New York Times trích phân tích của ông R. Ji, một nhà nghiên cứu thuộc ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley, cho rằng: “Nếu ở Mỹ, người sử dụng internet quan tâm đến thông tin thì ở Trung Quốc, đó là giải trí. Cho nên, Google thống lĩnh thị trường Mỹ, còn Tencent khuynh đảo thị trường Trung Quốc”. Sự thống lĩnh của Google ở Mỹ và Tencent ở Trung Quốc đã cho thấy hướng phát triển và tương lai của 2 ông lớn hùng mạnh này. Người Mỹ thích gửi email, lướt web tìm thông tin, trong khi người Trung Quốc thích chơi game, tải video và nhạc vào điện thoại di động, máy nghe nhạc. Tencent đã kiếm lời từ các dịch vụ của thế giới ảo cũng như từ hoạt động tích hợp các dịch vụ của mạng xã hội.

Công cụ tìm kiếm Tencent - Trung Quốc
Công cụ tìm kiếm Tencent - Trung Quốc

Và The New York Times một lần nữa phân tích, chính sự lớn mạnh nhanh chóng của Tencent gắn với văn hóa tiêu dùng mới của Trung Quốc đã góp phần khiến các công ty internet lớn nhất của Mỹ như Yahoo!, Google và eBay cảm thấy khá vất vả tại đây. Tại Trung Quốc, Google đã mất thị phần vào tay công cụ tìm kiếm Baidu. Yahoo! đã chuyển giao hoạt động của mình cho Alibaba.com. Còn eBay, sau khi mua một trong những đối thủ lớn nhất của mình ở Trung Quốc, đã không thể đứng vững và phải giao quyền hoạt động ở Trung Quốc cho Tom.com, một công ty liên doanh nội địa.  

Rõ ràng, các công ty nước ngoài đã thất bại trong việc hiểu thị trường internet Trung Quốc, đang phát triển dựa vào giải trí và thiết bị di động. Nhưng cũng không thể bỏ qua việc Chính phủ Trung Quốc đang tạo rất nhiều ưu đãi cho các công ty dotcom nội địa phát triển, cũng như tạo nên “hàng rào bảo hộ” trước những công ty nước ngoài làm ăn tại đây. 

So với Trung Quốc, ngành dotcom Việt Nam có những điểm tương đồng. Giống như Tencent, Vinagame (sau này là VNG), một công ty Việt Nam đã phát triển nội dung số tổng hợp gồm trò chơi trực tuyến, cổng thông tin, sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội trong 5 năm, đã đạt doanh thu 50 triệu USD (hơn 1.000 tỉ đồng) và trở thành một trong số ít công ty dotcom có doanh thu lớn trong nước.

Một điểm tương đồng khác dễ nhận ra, đó là việc các công ty dotcom quốc tế lớn gặp một số khó khăn khi đặt chân vào thị trường nội địa. eBay và Alibaba đã không thể đơn thương độc mã chiến đấu tại Việt Nam. eBay vào Việt Nam năm 2007 và hoàn toàn mờ nhạt sau một năm kinh doanh bởi những hạn chế về rào cản ngôn ngữ, thói quen tiêu dùng, để rồi phải kết hợp với Chodientu, một trong các sàn giao dịch thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam. Sau đó, website thương mại này đổi tên thành Chodientu eBay, thực hiện chức năng cho phép cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam giao thương với nhau qua website này, cũng như với các website eBay toàn cầu. Không chỉ eBay, Alibaba của Trung Quốc cũng chọn Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB làm đại lý ủy quyền của họ tại Việt Nam. 

Với việc liên kết này, các nhà kinh doanh nội địa dường như đang hưởng lợi lớn. Đại diện OSB (đại lý cho Alibaba) tiết lộ, chỉ tính riêng ngân sách cho hoạt động quảng bá thu hút các nhà nhập khẩu của Alibaba đã lên đến 30 triệu USD. Bên cạnh đó, OSB còn được hưởng lợi từ 5.000 tài khoản doanh nghiệp chào bán sản phẩm xuất khẩu tại Alibaba. Trong khi đó, với sự đầu tư của quỹ IDG Ventures, đại diện Vatgia cho rằng, họ đang được một nhà đầu tư nước ngoài khác định giá 5 tỉ USD. Một điểm tương đồng nữa là vai trò của quỹ đầu tư trong việc đẩy mạnh sự phát triển lĩnh vực thương mại điện tử. Không ít công ty dotcom hiện nay đều có các quỹ đầu tư trợ lực, ví dụ như IDG Ventures đầu tư phần lớn vào các công ty dotcom (hơn 30 công ty), VinaCapital đầu tư trên 5 công ty.

Nhìn vào những điểm tương đồng này, nhiều người sẽ kỳ vọng tương lai ngành dotcom của Việt Nam hẳn sẽ tươi sáng không kém gì Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn 2 rào cản khó vượt qua. Đó là thanh toán trực tuyến và tâm lý tiêu dùng.

THANH TOÁN TRỰC TUYẾN 

Có nhiều nguyên nhân để lý giải việc kinh doanh khó khăn của các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội trong thời gian qua. Trong đó, thanh toán trực tuyến là vấn đề nổi bật nhất. 

Các mô hình sàn giao dịch điện tử B2B, B2C trên thế giới tìm kiếm lợi nhuận từ 2 nguồn thu: từ quảng cáo của bên bán hoặc thu phí giao dịch trực tuyến (thông thường là 2-3% trong một hợp đồng thu của bên bán và đây là nguồn thu lớn của các nhà kinh doanh thương mại điện tử). Cho đến nay, phí thu từ giao dịch trực tuyến của các ông chủ kinh doanh tại Việt Nam còn khiêm tốn, vì thói quen mua bán và thanh toán trực tuyến vẫn chưa thật sự bùng nổ. 

Dù cơ sở hạ tầng thanh toán từ phía ngân hàng được nhận định là có những tiến bộ, và dù bắt đầu đã xuất hiện các website chuyên biệt phục vụ thanh toán như baokim, vinapay, nganluong… nhưng dường như cơ sở hạ tầng thanh toán đã phát triển nhanh hơn nhu cầu thực tiễn. Bằng chứng là trong suốt 3 năm 2006-2008, qua hàng ngàn doanh nghiệp được Bộ Công Thương khảo sát cho thấy, thanh toán trực tuyến vẫn chỉ dao động khoảng 3% số lượng doanh nghiệp sử dụng, thanh toán tiền mặt vẫn ở mức cao, xấp xỉ 70% doanh nghiệp lựa chọn. Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG, sở hữu sàn 123mua cho biết, những gì ông đang làm cho hệ thống này chỉ là những bước khởi đầu. Ông Minh cũng thừa nhận: “Thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn quá non trẻ”.

Khảo sát thực tế cho thấy, đã có 4 sàn giao dịch thương mại điện tử xác lập mô hình chuyên nghiệp, nghĩa là chịu trách nhiệm cho sản phẩm trên sàn của mình và có tính năng thanh toán trực tuyến thông qua các cổng thanh toán trực tuyến. Đó là Vatgia (dùng cổng thanh toán baokim.vn), Chodientu (thông qua vinapay, nganluong), 123mua và aha. Đây cũng là những trang nằm trong top 100 trang web thương mại điện tử Việt Nam do Alexa (Mỹ) bình chọn. Tuy nhiên, nguồn thu phí giao dịch trực tuyến còn rất khiêm tốn và các chủ đầu tư vẫn nhắm chủ yếu vào nguồn thu quảng cáo.

 

Với mức phí giao dịch trực tuyến chưa đáng kể, quảng cáo trực tuyến trở thành nguồn thu chính của các công ty dotcom trong nhiều năm. Dù vậy, doanh thu từ quảng cáo trực tuyến năm 2009 chỉ mới khoảng 6 triệu USD, chiếm 2% doanh thu toàn ngành quảng cáo. Quảng cáo là thị trường còn rất tiềm năng cho các công ty dotcom nhưng câu chuyện sống được từ quảng cáo trực tuyến lại không dễ dàng, khi có những khảo sát chính thức cho thấy, một số lĩnh vực của dotcom đang có dấu hiệu chững lại.

Ở lĩnh vực sàn thương mại điện tử, bên bán, đối tượng chính trả tiền quảng cáo trên các sàn giao dịch, sẽ chỉ mở hầu bao khi sàn có đủ số lượng người mua lớn, liên tục tăng, và ngược lại, người mua sẽ chỉ tham gia khi sàn có đa dạng hàng hóa từ người bán. Trong khi đó, các sàn dường như khó hấp dẫn cả nhóm mua lẫn nhóm bán. Về đối tượng doanh nghiệp, năm 2009, kết quả của Bộ Công Thương khảo sát trên 2.004 doanh nghiệp ngẫu nhiên ở tất cả các ngành nghề tại những đô thị lớn cho thấy, chỉ có 12% trong số này tham gia các sàn giao dịch điện tử trong và ngoài nước. Năm 2008, con số này cũng là 12%. Ngay cả các sàn lớn của thế giới có tiếng tăm đã đến Việt Nam cũng không khá hơn các sàn bản địa về mức độ thu hút doanh nghiệp tham gia. Đơn cử như 2 sàn của Việt Nam là ECVN và Gophatdat thu hút lần lượt 5%, 6% doanh nghiệp trong tổng số lượng được khảo sát, trong khi sàn EC21 (Hàn Quốc) và Alibaba (Trung Quốc) cũng chỉ chiếm lần lượt là 2% và 7%. Thực trạng là nguồn cung đang thừa, vì Việt Nam có đến hơn 9.300 website chuyên doanh sàn B2B và B2C.

Thương mại điện tử Việt Nam chiếm 0,3-0,4% tổng sản phẩm nội địa của cả nước, trong khi ở Mỹ, con số này là 7%. Khi được hỏi bao lâu thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt được con số 7% như Mỹ, ông Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Công ty Cổ phần Vật giá Việt Nam, sở hữu sàn giao dịch Vatgia, đoán “có lẽ phải mất 10 năm nữa!”. 

TÂM LÝ TIÊU DÙNG

Không chỉ doanh nghiệp, nhiều người tiêu dùng cũng chưa thật sự thoải mái để tham gia. Một nhà kinh doanh sàn điện tử tại TP.HCM đã không ngần ngại cho biết, sau khi khảo sát gần 1.000 hộ gia đình và cá nhân vào tháng 1.2010 về mức độ tham gia các sàn B2C, C2C có đến gần 45% hộ và cá nhân không tin tưởng vào chất lượng dịch vụ, hàng hóa trên sàn, 37% không muốn thanh toán trực tuyến qua mô hình thương mại điện tử vì quá rủi ro.

Tương tự như sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội phát triển nóng sau 2 năm 2007, 2008. Nhưng đến năm 2009, mạng xã hội có dấu hiệu bão hòa. Vào quý đầu năm 2009, Công ty Nghiên cứu thị trường FTA cho biết, 76% giới trẻ từ 17-30 tuổi tại các thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ không muốn tăng thêm thời gian vào các mạng xã hội. Khi Yahoo! 360°, một mạng xã hội thu hút lượng truy cập lớn, đóng cửa (năm 2009) thì hàng loạt mạng khác của Mỹ như Hi 5, Myspace, Cyworld, Opera, Twitter, hay mạng của Việt Nam như Tamtay, Yobanbe cũng chỉ gia tăng đột biến lượng thành viên trong một thời gian rất ngắn, khoảng vài tháng. Duy chỉ có Facebook (Mỹ), theo FTA, vẫn giữ vị trí hàng đầu như một trường hợp hiếm hoi.

Trong khi đó, bên cạnh phí giao dịch, phí quảng cáo, nguồn thu thứ 3 của các công ty dotcom là phí tạo nên từ “giá trị gia tăng” cũng gặp những cản trở về mặt tâm lý người dùng. 

Ông Hồ Quang Khánh, ông chủ mạng xã hội nghề nghiệp Cyvee, cho rằng, nguồn thu phí từ tài sản ảo không quá lớn bởi thói quen xài miễn phí các dịch vụ mạng, cho nên, nguồn thu các nhà mạng trông đợi, cũng như các nhà kinh doanh sàn, vẫn là từ quảng cáo trực tuyến. Song, nguồn thu này lại thích hợp cho những nhà kinh doanh loại hình giải trí trực tuyến, chẳng hạn VNG. Doanh thu của mảng game online đến từ việc các nhà kinh doanh bán thẻ chơi game trả trước tại các cửa hàng dịch vụ internet. Bên cạnh đó, trong 100 người chơi thì chỉ cần 5 người trả tiền cho các dịch vụ giá trị gia tăng (bỏ tiền mua hàng hóa phục vụ cho việc chơi game…) thì cũng mang về doanh thu khá tốt cho nhà đầu tư.

 

Hai yếu tố gồm thanh toán trực tuyến và tâm lý tiêu dùng đang tác động đến sự sàng lọc các công ty dotcom trong tương lai. Phần lớn các nhà kinh doanh cổng thông tin, sàn giao dịch, mạng xã hội và thậm chí là giải trí trực tuyến đều phải đầu tư tối thiểu là vài trăm ngàn USD trong giai đoạn đầu và con số lên đến hàng triệu USD ở những thời điểm tiếp theo, cộng với một chiến lược phát triển hợp lý mới mong tồn tại được. 

Nhìn chung, các mạng xã hội Việt Nam như mạng đa phương tiện (Cyworld, Clip, Zing), mạng nghề nghiệp (Cyvee, Caravat), mạng tích hợp thương mại điện tử (Youshop, Vimua), mạng chuyên ngành (Vibeyeu, Vicongdong) cũng đều đang trong giai đoạn hòa vốn. Các nhà kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử cũng thế. Và theo một chuyên gia kinh doanh mạng xã hội thì đã có hàng trăm mạng xã hội rút lui không kèn không trống, và trong số 9.300 sàn giao dịch thương mại điện tử chỉ còn nổi lên chưa đến 10 sàn. 

Tương lai của dotcom Việt Nam trong nhiều năm tới vẫn sẽ là những cuộc sàng lọc để sân chơi trở nên “ít mà chất”. Bên cạnh những bước phát triển của hệ thống thanh toán trực tuyến và những thay đổi tích cực trong tâm lý người sử dụng thương mại điện tử (76% trong nhóm doanh nghiệp chưa sử dụng thương mại điện tử được Bộ Công Thương khảo sát cho biết sẽ tham gia lĩnh vực này vào năm 2010), những cuộc hợp tác nội - ngoại có thể sẽ là chất xúc tác để lĩnh vực dotcom Việt Nam đạt được sự phát triển ổn định nhất.