Để thay đổi nhận thức về CSR ở Việt Nam, cần phải có một chuỗi hoạt động mang tính tham chiếu cao, từ đó tạo ra những động lực thực tế.
Đòn bẩy CSR/CSV
Dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra những minh chứng rõ ràng về mối liên hệ chặt chẽ giữa phát triển bền vững của xã hội với tăng trưởng kinh tế, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn và có chiều sâu hơn vào các hoạt động tạo giá trị chung.
ĐẦU TƯ BỀN VỮNG SONG HÀNH TĂNG TRƯỞNG
Một trong những bài học lớn nhất của đại dịch COVID-19 là hiệu suất của các khoản đầu tư bền vững, đã tỏ ra linh hoạt và có lợi hơn so với các khoản đầu tư không bền vững. Trong khi trên 80% doanh nghiệp bị giảm doanh thu trầm trọng thậm chí là phá sản, thì các doanh nghiệp đảm bảo Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) ở 4 lĩnh vực: Kết quả phát triển bền vững, Quản trị, Môi trường và Lao động đều duy trì được mức lợi nhuận dương trong năm 2020, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Đặc biệt trên 60% doanh nghiệp bền vững đến từ lĩnh vực sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng, điển hình như Vinamilk, Nestlé, Unilever, Coca-Cola, Sợi Thế Kỷ... đã hoàn thành trên 70% mục tiêu doanh thu đề ra từ đầu năm. Ngoài hiệu quả kinh tế trực tiếp, doanh nghiệp còn hưởng lợi từ việc tạo dựng được hình ảnh với khách hàng. Khảo sát thương hiệu của Younet Media cho thấy độ yêu thích thương hiệu của người tiêu dùng đã tăng lên 30% đối với các doanh nghiệp bán lẻ có tác động tích cực trong mùa dịch và mùa bão lũ như Vinamilk, Unilever, Nestlé, Vingroup, Co.opmart.
Một nghiên cứu khác của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng chỉ ra, nhờ thực hiện các chương trình CSR mà trên 24 doanh nghiệp thuộc hai ngành có sử dụng nhiều lao động là dệt may và da giày đã tăng doanh thu 25%/năm, năng suất lao động và tỉ lệ hàng xuất khẩu cũng tăng đáng kể. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này còn có được sự gắn bó và hài lòng của nhân viên, thu hút được lao động có chuyên môn cao.
Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng, nhà đầu tư và các công ty có tư duy chú trọng đến CSR trong tương lai, thì việc các doanh nghiệp khác buộc phải tham gia chỉ là vấn đề thời gian. “CSR không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp lớn. Trên thực tế, doanh nghiệp FDI làm CSR nhiều không phải vì họ là doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn mà vì đó là ý thức và văn hóa của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ cũng làm CSR được. Bắt đầu từ tư tưởng từ nội bộ và đi từng bước nhỏ trước khi trở thành một doanh nghiệp vĩ đại”, ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Phát triển bền vững và Đối ngoại Công ty Unilever Việt Nam, chia sẻ.
Để thành công, các hoạt động này phải được thành lập trên sự chân thành và thể hiện cam kết thực sự cho những điều tốt đẹp hơn cho cá nhân, địa phương và toàn cầu cũng như giữ gìn mục tiêu này một cách vô điều kiện, trong cả thời điểm tốt lẫn xấu.
Vì vậy, để thay đổi nhận thức về CSR ở Việt Nam, cần phải có một chuỗi hoạt động mang tính tham chiếu cao, từ đó tạo ra những động lực thực tế.
CHUYỂN ĐỔI TỪ CSR SANG CSV
Trong thời gian dài, tác động tích cực của doanh nghiệp đến xã hội hoặc môi trường thông qua các hoạt động CSR được xem là chi phí và không góp phần tích cực vào kết quả tài chính. Thống kê đánh giá việc thực hiện CSR của doanh nghiệp từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trên 85% doanh nghiệp Việt Nam vẫn cho rằng các hoạt động từ thiện như giúp nạn nhân bão lụt, thiên tai hay tai nạn, đóng góp vào Quỹ xóa đói giảm nghèo là CSR.
“Trên thực tế, CSR không đồng nghĩa với khái niệm thiện nguyện doanh nghiệp. Cho dù hoạt động thiện nguyện doanh nghiệp có thể là một phần trong chiến lược CSR nhưng CSR bao gồm nhiều thứ hơn là các hoạt động thiện nguyện đơn thuần”, bà Lâm Ngọc Thảo, Giám đốc Điều hành Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN, chia sẻ. Tuy nhiên, lối tư duy này vẫn chấp nhận rằng doanh nghiệp chỉ có thể tạo ra nhiều giá trị cho xã hội khi bỏ ra thêm nhiều chi phí, đồng nghĩa với giảm doanh thu.
Chính sự hạn chế về phương thức tạo ra giá trị xã hội đó của CSR mà mô hình Tạo giá trị chia sẻ (CSV) đã ra đời để doanh nghiệp đạt cả hai mục tiêu. Đặc trưng của CSV là nguyên tắc không loại trừ lẫn nhau, nghĩa là thành công tài chính không cần phải trả giá bằng xã hội hoặc môi trường.
Khác với cách kinh doanh truyền thống, doanh nghiệp áp dụng CSV sẽ cần quan tâm nhiều hơn đến những giá trị mà doanh nghiệp có thể chia sẻ với cộng đồng, với dân cư xung quanh và các bên có liên quan trước khi thiết lập các mục tiêu về lợi nhuận, doanh thu và thị phần. CSV thừa nhận sự cân bằng giữa lợi nhuận ngắn hạn và các mục tiêu xã hội hoặc môi trường, nhưng tập trung nhiều hơn vào các cơ hội tạo lợi thế cạnh tranh từ việc xây dựng đề xuất giá trị xã hội vào chiến lược doanh nghiệp.
Khủng hoảng giữa con người với thiên nhiên đang buộc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức hoạt động vì mục tiêu bền vững hơn. “Trong thời kỳ COVID-19, 45% doanh nghiệp tiên phong nghĩ rằng mô hình kinh doanh của họ sẽ mất khả năng cạnh tranh trong thời gian 5 năm nếu không nhanh chóng thích nghi với các điều kiện bình thường mới của thị trường”, bà Sandra Ng, Phó Chủ tịch Practice Group, IDC châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ.
Nghiên cứu của IDC trong 6 tháng đầu năm 2020 còn cho thấy, mức độ trưởng thành trong văn hóa đổi mới của các doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương hướng tới phát triển bền vững đã tăng 11% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát. Trong đó, Việt Nam là quốc gia ghi nhận có nhiều thay đổi vượt bậc, từ công tác chuyển đổi số, đến tập trung thay đổi sứ mệnh của các doanh nghiệp vào xây dựng chuỗi giá trị chung.
Theo thống kê của NCĐT với 44 doanh nghiệp bền vững năm 2020 trong danh sách 100 doanh nghiệp bền vững của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 12.2020, doanh nghiệp đang mở rộng các hoạt động CSR truyền thống sang 10 nội dung mới, trong đó có các nhóm hoạt động theo chiều sâu hơn gồm chuỗi cung ứng có trách nhiệm; tiêu dùng có trách nhiệm; trồng rừng; giảm rác thải nhựa; giảm CO2; CSR nội bộ; giáo dục và phát triển công nghệ địa phương.
Hoạt động CSR/CSV cũng dần mang tính đặc trưng hơn ở những nhóm ngành riêng biệt. Các công ty hàng tiêu dùng Unilever, Nestlé, Cola-Cola tập trung vào các mục tiêu bền vững về môi trường như giảm rác nhựa, giảm khí CO2, bảo vệ nguồn nước, xây dựng chuỗi cung ứng xanh. Các công ty công nghệ Samsung, FPT... tập trung vào đào tạo và nâng cao công nghệ chuyển đổi số, năng lượng sạch. Doanh nghiệp dệt may, giày da tập trung nhiều vào những hoạt động nâng cao trách nhiệm CSR nội bộ công nhân viên.
Unilever là một trong những công ty hàng tiêu dùng tập trung vào các hoạt động CSR. |
Điều đáng chú ý là có hơn 50% doanh nghiệp đang và sẽ ưu tiên các hoạt động giảm rác thải nhựa và tiêu dùng có trách nhiệm vào văn hóa của doanh nghiệp và gần 41% có kế hoạch chuyển đổi quy trình vận hành sản xuất theo hướng ít tiêu thụ nguyên liệu nguy hại đến môi trường và tạo dựng các nền tảng giáo dục hiện đại cho thế hệ tương lai.
“Công ty tạo ra giá trị chia sẻ sẽ không cố gắng tối đa giá trị của bản thân mình mà sẽ cố gắng tạo ra giá trị cho cộng đồng. Đương nhiên, doanh nghiệp không phải là tổ chức từ thiện, nhưng khi có một chiến lược vừa phát triển kinh doanh, vừa phát triển xã hội sẽ tạo ra một định hướng tốt đẹp cho tương lai”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của Thế Giới Di Động, chia sẻ về chương trình CSR do công ty này và hơn 50 đối tác thực hiện trong dịp Tết năm 2021.
KIẾN TẠO GIÁ TRỊ CHUNG TƯƠNG LAI
Những hoạt động CSR/CSV thành công sẽ tác động tích cực đến xã hội, qua đó, tạo ra giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, từ đó tiếp tục tạo ra các tác động mới hơn lên cộng đồng. Dù vậy, việc nhận thức rõ giá trị và triển khai hoạt động CSR/CSV không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với đại bộ phận các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu.
Ông Matthieu Penot, Tùy viên Hợp tác thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, chia sẻ: “Có khoảng cách rất lớn giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa Việt Nam trong việc thực hiện CSR/CSV, không phải doanh nghiệp Việt nào cũng có đủ tiềm lực tài chính như Samsung, Nestlé”.
Một trong những cách tiếp cận ở đây là phải thúc đẩy sự hợp tác và liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức xã hội để tránh đầu tư lãng phí và chồng chéo. Vì vậy, có thể tận dụng mạng lưới các tổ chức xã hội và tổ chức phi lợi nhuận (NGO) với những nguồn lực có sẵn, chương trình có sẵn để thực hiện CSR của doanh nghiệp. Lấy các doanh nghiệp có chương trình CSR mạnh để làm mô hình cho những doanh nghiệp khác định hình và đi theo.
Thêm vào đó, theo Tạp chí Kinh doanh Harvard, sự phát triển của CSR/CSV ngày nay còn cần sự “tích hợp sâu sắc” với tất cả các chức năng cốt lõi của doanh nghiệp thì mới phát huy được hiệu quả. Một trường hợp điển hình cho sự thay đổi hướng tích hợp ở Việt Nam gần đây là Coteccons. Thay vì ủng hộ tiền của, công sức nấu bánh chưng, gom quần áo cũ để ra chất đống thành rác như nhiều tổ chức doanh nghiệp khác, Coteccons với việc tận dụng thế mạnh của mình là nhà thầu xây dựng đã mang đến món quà đầy ý nghĩa là những căn nhà vững chãi. Sự giúp đỡ kịp thời này tiếp sức cho người dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, từng bước khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống.
Hay như Dược Hậu Giang với lợi thế là cung cấp dược phẩm đã kết hợp với đội thầy thuốc tình nguyện Sở Y tế Thành phố Cần Thơ tổ chức khám và cấp phát miễn phí các loại thuốc thiết yếu nhất lúc này cho người dân. Đây là một hình thức vận dụng CSR linh hoạt trong một khuôn khổ tự điều chỉnh, không có nghĩa vụ pháp lý hoặc xã hội đối với các công ty để thực sự tạo ra tác động tích cực cho các nhóm mà họ muốn giúp đỡ.
Coteccons với việc tận dụng thế mạnh của mình là nhà thầu xây dựng đã mang đến món quà đầy ý nghĩa là những căn nhà vững chãi. |
Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Coteccons, chia sẻ: “Chúng tôi đã và đang đặt mục tiêu trở thành một doanh nghiệp tốt và có trách nhiệm. Trách nhiệm xã hội là một trong những giá trị cốt lõi mà chúng tôi tập trung phát triển bên cạnh trách nhiệm với khách hàng, với thế hệ tương lai của chúng ta nhằm chia sẻ khó khăn với những người kém may mắn hơn trong xã hội”.
Một nghiên cứu gần đây của các học giả Huang Y.-F., Do M.H. và Kumar V về nhận định của người tiêu dùng Việt Nam về CSR đã cho thấy người tiêu dùng ủng hộ CSR với mức độ cao hơn. Thế hệ người tiêu dùng trẻ cũng ngày càng quan tâm hơn đến các yếu tố xã hội, môi trường. Trong bối cảnh đó, chắc chắn doanh nghiệp cần đánh giá lại các chương trình CSR/CSV để đáp ứng những yêu cầu và mong muốn mới của khách hàng, qua đó tạo ra cơ hội để thu hút nhà đầu tư và mở rộng kinh doanh.