Có kẻ khóc, người cười khi tỉ giá tăng nhưng trên hết doanh nghiệp nào cũng chờ đợi Chính phủ sẽ có một giải pháp “lưỡng toàn kỳ mỹ” cho vấn đề tỉ giá.

 
Thứ Năm | 21/07/2022 13:59

Doanh nhân Việt & câu chuyện tỉ giá

Tỉ giá luôn là câu chuyện gây "nhức nhối" cho các doanh nghiệp trong nước khi nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2010.)

Có kẻ khóc, người cười khi tỉ giá tăng nhưng trên hết doanh nghiệp nào cũng chờ đợi Chính phủ sẽ có một giải pháp “lưỡng toàn kỳ mỹ” cho vấn đề tỉ giá. Trong lúc đó, tất cả những gì doanh nghiệp có thể làm là vận dụng toàn bộ sự linh hoạt của mình để ứng phó với bài toán sản xuất và bán hàng hằng ngày. Câu chuyện tỉ giá tăng tưởng chừng sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng dường như không hoàn toàn đúng, vì doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu mà họ phải trả bằng USD. 

TỈ GIÁ TĂNG: RỦI RO HAY CƠ HỘI?

Ông Dương Quốc Nam, Tổng Giám đốc Công ty Nội thất Phố Xinh, cũng như nhiều doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, luôn thấp thỏm theo mỗi động thái lên xuống của tỉ giá. Phố Xinh có hơn 700 công nhân với 3 nhà máy lớn và 10 cửa hàng trưng bày trong nước. Khoảng 40% doanh thu của công ty này đến từ xuất khẩu, trong khi phần lớn nguyên vật liệu như gỗ, da, kính, sắt phục vụ đều phải nhập khẩu. Công ty đã có thời gian kinh doanh không thuận lợi khi đồng nội tệ giảm giá. Kết quả là Phố Xinh phải đối mặt với giá nhập khẩu nguyên liệu tăng trong lúc giá xuất khẩu hàng hóa khó tăng được, do hợp đồng đã được ký với đối tác từ trước. Khó khăn tứ bề vì sức ép cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên thị trường thế giới, cộng thêm với chi phí sản xuất và nhân lực tăng cao, Công ty vẫn buộc phải tăng hơn 60% lương và phụ cấp cho người lao động để có thể giữ chân nhân viên khi các đơn hàng xuất khẩu phải hoàn thành đúng hạn. 

Công ty Nội thất Phố Xinh
Công ty Nội thất Phố Xinh

Trong lúc chờ các tín hiệu mới về tỉ giá, ông Nam phải xoay xở bằng cách tiếp tục mua ngoại tệ để thanh toán các đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu đồng thời giữ giá xuất khẩu, nhưng tăng thêm một số giá trị gia tăng cho sản phẩm để giữ thế cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Kết quả là Công ty chỉ đạt được mức lợi nhuận khá thấp.

Câu chuyện của May Nhà Bè cũng tương tự. Cùng với sự khan hiếm nguyên liệu bông trên thế giới do tác động của thời tiết, sự giảm giá của tiền đồng càng khiến cho bài toán nhập khẩu nguyên liệu của các doanh nghiệp may trở nên khó khăn hơn. Giống như Phố Xinh, May Nhà Bè phải tăng thêm 15% chi phí lương do tác động trượt giá đồng tiền. Tuy nhiên, trong khi Phố Xinh chấp nhận lợi nhuận thấp thì ông Phạm Phú Cường, Tổng Giám đốc Công ty May Nhà Bè, lại cố gắng đàm phán với bạn hàng xuất khẩu để có thể tăng thêm chi phí gia công. Điều này không hề đơn giản, vì May Nhà Bè, cũng như nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam, chủ yếu vẫn gia công nên ưu thế trong đàm phán thường không cao. Sau nhiều nỗ lực, ông Cường chỉ đạt được thỏa thuận tăng phí gia công thêm khoảng 15%, trong khi ông dự tính ít nhất là 20% và mong đợi ở mức 40%.

Điều này khiến ông Cường phải nghĩ đến nhiều giải pháp. Ông lên kế hoạch cắt giảm chi phí năng lượng, giảm nửa tiếng đồng hồ mỗi ngày trên tổng số giờ hành chính để tiết kiệm điện năng, trong khi sản lượng vẫn đảm bảo không thay đổi, kiểm soát quy trình lao động chặt chẽ hơn. Kết quả sau 1 năm thực hiện mọi sáng kiến, May Nhà Bè tiết kiệm được 10 tỉ đồng.

Có thể thấy, khả năng ứng phó của Phố Xinh và May Nhà Bè chỉ có thể tập trung ở khâu đầu vào và sản xuất, rất khó để có thể “chuyển giao” hệ quả của việc đồng tiền giảm giá lên giá bán. Bởi đối với doanh nghiệp trong những ngành có mức cạnh tranh cao, thị phần nhỏ, sản phẩm thay thế trên thị trường nhiều thì việc “chuyển giao” chi phí sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán là “thất sách”.

Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu như Phố Xinh hay May Nhà Bè có nguồn thu ngoại tệ phần nào giúp cân bằng thiệt hại thì các doanh nghiệp bán hàng trong nước đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu còn khó khăn hơn. Vinamilk là một ví dụ.

Vinamilk chiếm khoảng 75% thị trường sữa cả nước, trong lúc hơn 60% nguyên liệu sữa để chế biến phải nhập khẩu, chủ yếu từ New Zealand và Úc. Vào tháng 8.2010, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỉ giá liên ngân hàng VND/USD tăng thêm 2,1% (từ 18.544 VND/USD lên 18.932 VND/USD) thì chi phí nhập khẩu đầu vào của công ty này lập tức tăng theo. Để bù đắp chi phí, Vinamilk đã tăng giá khoảng 6% trên một số sản phẩm (các công ty sữa khác có mức tăng xấp xỉ 10%). Sữa Việt Nam, vì vậy, trở thành bị đắt so với thế giới. Bài toán tỉ giá đã buộc Vinamilk phải tính đến một giải pháp căn cơ hơn là chủ động nguồn nguyên vật liệu, trong đó có việc tăng cường nhập khẩu bò sữa thời gian qua.

Tỉ giá tăng còn là nỗi nhức nhối của hàng loạt doanh nghiệp có khoản vay bằng ngoại tệ, đặc biệt là USD trong ngắn hạn. Theo lý giải của ông Trần Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco), trước đây, khi lãi vay ngân hàng bằng VND tăng cao, các doanh nghiệp đã đổ xô sang vay USD. Sắp tới đây, khi các khoản vay đến hạn thanh toán, áp lực phải mua USD với giá cao hơn để trả nợ ngân hàng là điều khó tránh khỏi.

Trước đây, khi lãi vay ngân hàng bằng VND tăng cao, các doanh nghiệp đã đổ xô sang vay USD.
Trước đây, khi lãi vay ngân hàng bằng VND tăng cao, các doanh nghiệp đã đổ xô sang vay USD.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, các ngành bị tác động mạnh bởi tỉ giá do áp lực về nguyên liệu đầu vào tăng là sữa (80% nguyên liệu nhập khẩu), nhựa (100% hạt nhựa nhập khẩu), thép (do biến động giá thép thế giới). Riêng ngành xi măng bị tác động nặng nhất bởi tình trạng vay nợ bằng ngoại tệ. Nhiều doanh nghiệp xi măng có khoản vay bằng USD và EUR cao, nên nếu tỉ giá tăng sẽ hình thành khoản lỗ từ các khoản vay này. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách lạc quan hơn, SSI cho rằng việc tỉ giá tăng cũng có tác động tích cực đến một số ngành xuất khẩu mà Việt Nam có năng lực cạnh tranh và khả năng tăng được giá bán như thủy sản, dược phẩm và sữa. Các doanh nghiệp vận tải biển cũng được hưởng lợi do có tỉ lệ doanh thu bằng ngoại tệ lớn (chiếm 70-100%).

Như vậy, bức tranh VND giảm giá hay USD tăng giá đang mang 2 màu tương phản rõ rệt. Đó là khoảng tối đối với doanh nghiệp nhập khẩu nhưng lại là điểm sáng cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ dồi dào. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cân bằng quyền lợi giữa các bên? 

GIẢI PHÁP NÀO CHO VND?

Đa số chuyên gia đều nhận định VND bị định giá cao và cho rằng nên được định giá thấp lại. Một chuyên gia kinh tế phân tích, với tỉ giá VND/USD là 19.500 đồng, NDT/USD là 6,93 nhân dân tệ và VND/NDT là 2.815 đồng thì VND đang bị định giá cao hơn 60% so với NDT, trong khi nhân dân tệ được định giá thấp hơn so với USD 30%, khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn mất lợi thế về giá so với hàng Trung Quốc.

Chuyên gia này nói: “VND được định giá thấp luôn có tác dụng tích cực đối với xuất khẩu, dù tỉ trọng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của chúng ta vẫn còn cao”. Ông còn bày tỏ thêm rằng, việc giảm giá VND giúp cải thiện khả năng trả nợ của Việt Nam, vì khi đó xuất khẩu có lợi sẽ góp phần cải thiện cán cân ngoại thương.

Tuy nhiên, nhìn sâu hơn, việc giảm giá VND chưa hẳn đã kích thích khu vực xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đặc biệt với nhóm doanh nghiệp có tỉ trọng nguyên liệu nhập khẩu cao. Trên thực tế, nhiều ngành xuất khẩu chủ chốt của đất nước đang phải nhập khẩu một số lượng lớn nguồn nguyên vật liệu từ nước ngoài như dệt may, da giày (khoảng 70%), thủy sản (80%), gỗ (80%) và dược phẩm (90%). Họ cũng là những doanh nghiệp chịu nhiều khoản nợ bằng ngoại tệ và có lượng dự trữ ngoại tệ ít ỏi. Suy cho cùng, chính nhà cung ứng nguyên liệu mới là người được hưởng lợi từ việc tỉ giá tăng, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn sống đời gia công, bán rẻ sức lao động và hưởng một khoản lợi tức nhỏ nhoi trong chuỗi giá trị.

VND có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực mất giá khi tình trạng thâm hụt thương mại vẫn chưa được cải thiện. Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục giảm giá VND. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp buộc phải linh hoạt điều chỉnh cơ cấu vốn và tìm giải pháp thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Dù thế nào đi chăng nữa, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua với người láng giềng Trung Quốc sẽ còn khốc liệt, chừng nào tỉ giá chưa tiến gần đến mức giá hợp lý hơn.

Hầu hết các lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam đều đang phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhưng mỗi doanh nghiệp có tỉ trọng nhập khẩu khác nhau nên mức độ thuận lợi và khó khăn cũng khác nhau. Vì thế, chuyện tranh luận triền miên giữa việc có tiếp tục hạ giá VND hay không là điều dễ hiểu. Một số chuyên gia ủng hộ việc hạ giá VND, dù trong ngắn hạn (12 tháng), việc này có thể khiến nhiều doanh nghiệp đau đớn, nhưng về trung hạn thì cả doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Chuyển biến quan trọng nhất là tình trạng đầu cơ USD sẽ ngưng, tỉ giá ổn định trở lại và hàng hóa trong nước sẽ được bảo vệ. VND có thể nên được hạ giá một lần tương đối mạnh và chỉ một lần duy nhất, không nên bị hạ giá đi, hạ giá lại vì sẽ gây khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, cả về tâm lý lẫn việc hoạch định kế hoạch kinh doanh.

Một số chuyên gia ủng hộ việc hạ giá VND, dù trong ngắn hạn (12 tháng), việc này có thể khiến nhiều doanh nghiệp đau đớn.
Một số chuyên gia ủng hộ việc hạ giá VND, dù trong ngắn hạn (12 tháng), việc này có thể khiến nhiều doanh nghiệp đau đớn.

Nếu so sánh sức mạnh của VND với USD thì VND đã lên giá đến 13% so với hơn một thập kỷ trước. Như vậy, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể bất lợi hơn. Về nguyên lý, hạ giá đồng nội tệ sẽ khuyến khích xuất khẩu (do làm giá xuất khẩu tính bằng ngoại tệ rẻ hơn) và hạn chế nhập khẩu (do giá hàng nhập khẩu tính bằng nội tệ sẽ đắt hơn). 

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, trừ nông sản và thủy sản, tỉ lệ nhập khẩu nguyên liệu trong hàng hóa xuất khẩu rất lớn (khoảng hơn 70%) nên độ giãn biên của xuất khẩu so với sự thay đổi của tỉ giá là không lớn. Hơn nữa, trên thị trường xuất khẩu còn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, nhất là Trung Quốc. Nếu muốn hạ giá VND để có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc thì phải hạ với một mức rất lớn. Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trị giá gần bằng 90% tổng sản phẩm nội địa, nên việc hạ giá đồng nội tệ sẽ đẩy mặt bằng giá trong nước lên rất cao, gây lạm phát. 

Đâu là giải pháp tối ưu cho vấn đề tỉ giá trong lúc này? Lịch sử cho thấy quản lý thượng tầng cần áp dụng tỉ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Nếu cần thiết phải tăng tỉ giá thì nên chọn thời điểm lạm phát thấp và khi tỉ giá thị trường tự do tương đối ổn định, đồng thời phản ứng trước trên cơ sở dự báo đúng xu hướng của thị trường thay vì chạy theo thị trường.