Từ một công ty rất nhỏ bé, đến nay sau 25 năm, Digiworld đã chạm ngưỡng doanh thu tỉ USD.
Digiworld chạm ngưỡng tỉ USD
Khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30%/năm suốt thập kỷ qua của Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã DGW), không ít người ngạc nhiên. Bởi vì, ngành phân phối điện máy, điện thoại có rất nhiều rào cản. Đã từng có những gương mặt đình đám một thời nhưng nay đã rời bỏ cuộc chơi như Viễn Thông A, Trần Anh...
Digiworld thì trái ngược. Từ một công ty rất nhỏ bé, đến nay sau 25 năm, Digiworld đã chạm ngưỡng doanh thu tỉ USD và là đối tác của hơn 30 thương hiệu công nghệ thông tin (ICT) nổi tiếng. Đặc biệt, mới đây, trong bảng xếp hạng “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” (Top 50) do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu tư phối hợp cùng Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) tổ chức, Digiworld đã vượt qua nhiều tên tuổi nặng ký để đạt ngôi vị dẫn đầu.
Lãnh đạo của Digiworld thường nói đến “Công thức 72” để đúc kết về khả năng tăng trưởng của Công ty. Đó là lấy số 72 chia cho phần trăm tăng trưởng kép mỗi năm thì sẽ ra số năm mà tài sản tăng gấp đôi. Khi Digiworld đạt tăng trưởng trung bình 36%/năm thì chỉ cần 2 năm là đã tăng tài sản lên gấp đôi.
BƯỚC NGOẶT TỪ MÔ HÌNH MES
Năm 1997, khi quyết định mở công ty, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Digiworld, lúc ấy đang là một người làm thuê với số vốn vỏn vẹn 25.000 USD. Nhưng cuộc gặp gỡ từ nhiều năm trước với người chú làm giám đốc doanh nghiệp đã thổi bùng lên trong ông Việt động lực theo học ngành kinh tế, cũng như thôi thúc ông cùng sáng lập Digiworld.
Ở thời điểm mới khởi nghiệp, Digiworld, với tên gọi là Hoàng Phương kinh doanh linh kiện để lắp ráp máy tính bàn như một cách đón đầu xu thế sử dụng internet ở Việt Nam. Lúc bấy giờ, số công ty tham gia lĩnh vực này không nhiều, chỉ vài tên tuổi như CMS, FPT, IDC, Robo, Phong Vũ... Vì thế, cùng với đà phổ biến của internet, việc kinh doanh của Digiworld đã có lãi và lớn dần.
Nhưng làm linh kiện có nhiều rủi ro. Khi lô hàng phân phối bo mạch cho một hãng lớn bị lỗi, khiến Digiworld phải thiệt hại nặng vì đền bù cho các đại lý, ông Việt quyết định thay vì làm linh kiện lắp ráp, Digiworld sẽ phân phối luôn cho các thương hiệu lớn như HP, Dell, Asus, Toshiba...
Năm ngoái Xiaomi chiếm gần 34% tổng doanh thu của Digiworld. |
Thời điểm đó, laptop vẫn còn rất xa xỉ và thường phải đặt mua từ nước ngoài, giá trung bình 2.000-3.000 USD/máy. Dù vậy, khi sang Thái Lan tham quan, ông Việt đã thấy laptop được sử dụng phố biến. Ông dự đoán, laptop rồi đây sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam và muốn dấn bước vào phân phối laptop chính hãng.
Ông cũng sớm nhận ra xu hướng công nghệ thế giới là giảm giá thành để tăng doanh số. Những chiếc laptop sẽ rẻ hơn, sản xuất số lượng lớn hơn và bán đại trà hơn. Vì thế, Digiworld xác định ngay từ đầu là sẽ không phân phối laptop như các công ty khác. Ông Việt đặt thẳng vấn đề với lãnh đạo Acer Việt Nam lúc bấy giờ: “Anh muốn bán 10 chiếc hay 10.000 chiếc? Nếu muốn 10.000 chiếc thì chúng ta cần đàm phán về chiến lược giá”. Mức giá mà ông Việt tư vấn cho Acer là 999 USD, rẻ chỉ bằng một nửa so với giá kỳ vọng của Acer. Acer bị Digiworld thuyết phục và đã định vị lại chiến lược giá tại thị trường Việt Nam. Suốt chặng đường 2000-2007, Acer liên tục giữ vị trí số 1 thị trường laptop Việt Nam, còn Digiworld cũng đã tạo dựng được vị thế lớn trong ngành.
Cái bắt tay giữa Digiworld với Acer được xem như động thái startup của Digiworld trong mảng laptop. Bởi ngay trong lần “khởi nghiệp” này, ông Việt nhận thấy: “Khi mọi người, từ nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ đến người tiêu dùng đều hài lòng thì sự cộng tác mới được lâu dài”. Điều này đồng nghĩa Digiworld sẽ không làm phân phối đơn thuần, trong 1-2 khâu mà tiên phong cung cấp giải pháp tổng thể trong chuỗi phân phối.
Mãi về sau này, Digiworld mới gọi tên cụ thể đó là dịch vụ phát triển thị trường (Market Expansion Services - MES). Các dịch vụ của MES sẽ bao gồm dịch vụ nghiên cứu thị trường và xây dựng chiến lược, kế hoạch marketing, hậu cần (nhập khẩu, kho bãi, đóng gói, giao hàng, tài chính...), phân phối, hậu mãi (bảo hành, tư vấn...). Vì thế, để tham gia cung cấp dịch vụ MES, ngoài kinh nghiệm trong bán buôn bán lẻ, các công ty phải có đủ nguồn lực về vốn, nhân sự, mạng lưới, hạ tầng, quy trình...
Ngay hiện tại, theo quan sát của ông Jorge Martin-Martinez, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính DKSH Việt Nam, “vẫn chưa có nhiều đơn vị có thể cung cấp được trọn vẹn các dịch vụ phát triển thị trường đúng nghĩa”. Những gương mặt tham gia cung cấp MES có thể kể đến 3A Distribution, MESA Group, DKSH (mảng FMCG), Zuellig Pharma, DKSH và MEGA (mảng dược phẩm). Trong mảng phân phối ICT, đa số các công ty chỉ dừng ở bán hàng và hậu cần. Vì thế, với dịch vụ MES, Digiworld có lợi thế vượt trội.
Thực tế, từ 2 thập niên trước, không riêng với Acer mà cả với Dell và nhiều hãng khác, Digiworld cũng đã triển khai MES. Trước năm 2008, nhắc đến Dell, người Việt thường nghĩ ngay đến những chiếc máy tính thô ráp, xài mãi không hư. Đó cũng là thời kỳ máy tính Dell tràn vào Việt Nam qua các đường không chính thức như hàng xách tay, hàng cũ và gần như không chú tâm đến các dịch vụ hậu mãi, bảo hành.
Trong bối cảnh đó, để có thể giúp Dell thâm nhập thị trường Việt Nam và cạnh tranh được với những tên tuổi đã khá chắc chân lúc bấy giờ là Acer, IBM, HP..., Digiworld đã xây dựng một chiến lược tái định vị khách hàng mục tiêu cho Dell. Digiworld cũng tư vấn Dell đổi mới mẫu mã sao cho thời trang, mềm mại mà vẫn giữ được công năng, hiệu quả.
Digiworld còn cùng Dell thực hiện các chiến dịch thay đổi hình ảnh từ một chiếc máy tính “ăn chắc mặc bền” thành biểu tượng của người chiến thắng, người có ước mơ qua các hoạt động đồng hành cùng ước mơ người trẻ, tặng máy tính xách tay cho các thủ khoa, tặng học bổng... Kết quả, theo GfK, nhiều năm liền, Dell dẫn đầu về lượng laptop bán ra ở các thành phố lớn, chiếm hơn 30% thị phần và cũng là thương hiệu máy tính được ưa chuộng nhất trong giai đoạn 2011-2017.
CÔNG THỨC TĂNG TRƯỞNG: "NGANG RỘNG- DỌC SÂU"
Bằng dịch vụ MES, Digiworld đã tạo dựng được tiếng tăm và khác biệt trong lĩnh vực phân phối máy tính xách tay và mặt hàng này có thời điểm chiếm gần một nửa doanh thu của Digiworld. Tuy nhiên, từ năm 2013, trước những cơ hội mới từ smartphone, Digiworld không ngần ngại tiến vào lĩnh vực phân phối điện thoại thông minh, với nhãn hàng đầu tiên là Nokia.
Digiworld tiếp nối FPT, Petrosetco Distribution (PSD), Lucky để trở thành nhà phân phối cho Nokia. Hãng điện thoại này từng giữ vị trí rất quan trọng trong mảng kinh doanh điện thoại di động của Digiworld. Vì thế, năm 2014 khi Nokia bán lại cho Microsoft, kinh doanh của Digiworld trở nên sa sút suốt 2 năm 2015-2016. Diễn biến này cộng với thị trường chung ảm đạm đã đẩy cổ phiếu DGW nhiều thời điểm về gần mệnh giá và nhà đầu tư rất hoang mang. Digiworld phải tìm cách lấp đầy khoảng trống Nokia bằng việc tham gia phân phối cho những nhãn hàng khác như Intex, Freetel, Wiko, Obi... Dù vậy, phải đến khi phân phối cho Xiaomi, kết quả kinh doanh của Digiworld mới tươi sáng trở lại.
Digiworld đã có thời gian "ảm đạm" trước khi lột xác ngoạn mục. |
Thương vụ hợp tác với Xiaomi được xem là lần lột xác ngoạn mục tiếp theo của Digiworld, sau cái bắt tay với Acer. Bởi Digiworld đã cung cấp dịch vụ phát triển thị trường cho Xiaomi và chịu trách nhiệm phân phối độc quyền các sản phẩm Xiaomi tới tay khách hàng, mở rộng thị trường, phụ trách bảo hành cho tất cả mọi sản phẩm của Xiaomi tại Việt Nam. Chỉ sau 7 tháng (từ tháng 3 đến tháng 10/2017), theo GfK, Xiaomi tăng trưởng kép tới 22% mỗi tháng và đạt 2% thị phần. Tính đến tháng 11/2021, thị phần của Xiaomi đã lên tới 12% với riêng nhóm điện thoại di động tại Việt Nam... Về phía Digiworld đã nhanh chóng trở lại thời kỳ rực rỡ. Năm ngoái, Xiaomi chiếm gần 34% tổng doanh thu của Digiworld.
Nhưng từ đầu năm 2022, Xiaomi đã không còn để Digiworld giữ thế độc quyền mà quyết định bổ sung Synnex FPT vào danh sách các nhà phân phối sản phẩm của Xiaomi tại Việt Nam. Thông tin này từng khiến nhiều người lo ngại nhưng ông Việt cho rằng: “Dù tỉ lệ đóng góp của Xiaomi vào tổng doanh thu bị giảm thì con số tuyệt đối vẫn tăng vì Xiaomi vẫn đang tập trung vào thị trường Việt Nam” và “một nhà phân phối mới thì không thể ngay lập tức có thể bằng được Digiworld”.
Digiworld đã có tới 5 năm làm nhà phân phối độc quyền cho Xiaomi thì Công ty hẳn phải rất “đáng gờm”. Năm 2020, Digiworld được Apple chọn làm nhà phân phối sản phẩm của họ. Tuy không phải là phân phối độc quyền nhưng hợp đồng với Apple đã góp phần giúp kinh doanh của Digiworld giữ được nhịp tăng trưởng trung bình 40-50% suốt năm 2018-2021. Riêng Huawei thì giao phó toàn bộ nhiệm vụ phát triển thị trường ở Việt Nam cho Digiworld.
Thực tế, như chia sẻ của lãnh đạo Digiworld, dịch vụ MES không chỉ tạo sự khác biệt, giúp Digiworld lọt vào mắt xanh của các đối tác mà còn giúp Công ty thu hẹp dần khoảng cách kinh doanh với các đối thủ. Nếu năm 2015, doanh thu của Digiworld chỉ hơn 4.200 tỉ đồng, thua xa đối thủ PSD với 5.700 tỉ đồng thì năm 2021, Digiworld đã bứt phá qua mặt PSD và cùng với Synnex FPT, trở thành 2 nhà phân phối ICT lớn nhất thị trường.
Để tăng tốc hơn nữa và cũng để bù đắp khoản thu sẽ bị suy giảm, như không còn phân phối độc quyền cho Xiaomi, Digiworld đã lên kế hoạch tìm kiếm các trụ cột tăng trưởng mới thông qua M&A mở rộng ngành nghề và ký kết hợp tác chiến lược. Từ cuối năm ngoái, Digiworld đã bắt tay với nhiều đối tác như Whirlpool để chính thức bước chân vào ngành hàng hoàn toàn mới là thiết bị gia dụng.
Mới đây nhất, Digiworld ký kết với Achison để tham gia vào lĩnh vực thiết bị công nghiệp và bảo hộ lao động.
Trước đó, năm 2017, Digiworld cũng chính thức đặt chân vào 2 ngành hàng mới là chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Ông Việt thừa nhận, tăng trưởng 2 mảng FMCG và chăm sóc sức khỏe chưa được như kỳ vọng. Tuy nhiên, Digiworld sẽ có kế hoạch M&A để bổ sung nhanh các dải sản phẩm Công ty chưa có vào ngành hàng này.
Nhìn rộng hơn, các mảng mới chưa đóng góp đáng kể vào kinh doanh của Digiworld nhưng hứa hẹn là những ngành có thể giúp Digiworld phát triển hoàn thiện, tạo sự khác biệt trong cạnh tranh, là trụ cột mới cho tăng trưởng và giảm sự phụ thuộc vào các khách hàng lớn. “Nếu để ý sẽ thấy tỉ trọng đóng góp của khách hàng lớn vào doanh thu Digiworld ngày càng giảm dù kinh doanh vẫn tăng trưởng”, ông Việt nói.
Với những thương hiệu quen thuộc, Digiworld tìm cách làm mới như giới thiệu thêm các model, sản phẩm cao cấp (như tivi Xiaomi, điện thoại TCL). Công ty cũng đang tìm kiếm cơ hội mới trong những ngành hiện hữu. Chẳng hạn, trong mảng điện thoại, Digiworld dự tính phân phối ngách điện thoại siêu bền, ít hư hỏng khi va đập, ít hao pin, phù hợp cho công nhân, kỹ sư ở các công trường.
Digiworld đặc biệt chú ý đến quản trị hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Từ năm 2019, Digiworld đã vượt qua hàng trăm doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa trung bình để lọt vào Top 5 doanh nghiệp có quản trị công ty tốt nhất nhóm này. Công ty cũng chủ động áp dụng các thông lệ quản trị tốt nhất nhằm mục đích tối đa hóa hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như hài hòa lợi ích giữa các bên có quyền lợi liên quan.
Trên tất cả, Digiworld sẽ luôn đầu tư cho chiến lược 3C, gồm cơ sở, con người và cơ hội. Trong đó, con người được xem là nhân tố quan trọng nhất. “Digiworld đã và tiếp tục có những hoạt động để xây dựng văn hóa doanh nghiệp như tổ chức các khóa đào tạo về giá trị cốt lõi, áp dụng tốt những chương trình MT (Management Trainee) tuyển chọn những quản lý tập sự là sinh viên năm cuối, cũng như tạo ra môi trường làm việc phát huy sức mạnh của nhân viên”, ông Việt nói.
Nhờ chú trọng phát triển xanh và bền vững, Digiworld thu hút đầu tư của Probus Opportunities - quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp xanh của Thụy Sĩ. Theo phân tích của các công ty chứng khoán, lợi thế này có thể giúp Digiworld huy động được nguồn vốn giá rẻ tốt hơn trong tương lai.
THÁCH THỨC Ở NGƯỠNG TỈ USD
Digiworld là một doanh nghiệp điển hình theo chiến lược ưu tiên bảo toàn vốn, theo đuổi mô hình phân phối linh hoạt và không đầu tư tài sản dài hạn. Bằng hướng đi này, Digiworld đã chạm ngưỡng doanh nghiệp tỉ USD khi doanh thu năm ngoái đã hơn 21.000 tỉ đồng. Trong 9 tháng năm 2022, Digiworld cũng đạt doanh thu gần 20.000 tỉ đồng. Ông Việt cho biết: “Digiworld đặt tầm nhìn tỉ USD và điểm mấu chốt là Digiworld phải duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay, tối thiếu 25%/năm, liên tục trong 10 năm tiếp theo. Đây sẽ là mục tiêu rất thách thức, nhất là đặt trong bối cảnh kinh tế có nhiều bất ổn. Nhưng nếu không có thách thức sẽ không thể có đột phá”.
Digiworld sẽ gặp cạnh tranh từ các nhà bán lẻ lớn có đủ hệ thống logistics và đạt đủ quy mô tiêu thụ có thể mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất. Bên cạnh đó, ngành hàng FMCG dễ gặp rủi ro do chi phí logistics cao, tồn kho và vòng đời sản phẩm ngắn. Đối với nhà bán sỉ, bên cạnh biên lợi nhuận mỏng còn rủi ro từ các khoản phải thu và hàng tồn kho thường chiếm tỉ trọng lớn trên tổng tài sản. Nếu mức tiêu thụ không đạt kỳ vọng chu kỳ sẽ làm tăng chi phí, nếu tăng kích cầu sẽ làm hẹp biên lợi nhuận. Đặc biệt, bước vào năm 2023, khó khăn kinh tế dẫn đến nhu cầu giảm, khiến tăng trưởng thấp hơn.
Có thể thấy, càng gia tăng quy mô, tốc độ tăng trưởng sẽ khó đột biến hơn nhưng Digiworld vẫn kiên quyết giữ nhịp tăng trưởng kép 25%/năm. Ông Việt cho biết, Digiworld sẽ không nhìn vào những con số có tính đột biến và ngắn hạn vì mỗi ngành hàng đều tăng giảm, nhanh chậm qua các giai đoạn khác nhau. Cơ hội thị trường rất rộng lớn, cứ đi đúng chiến lược thì giữ được tốc độ.
Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, đã có ý kiến quan ngại mục tiêu tăng trưởng 25%/năm khó khả thi. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng tỏ ra nghi ngờ con số kỳ vọng này, nhất là khi đối chiếu với bối cảnh vĩ mô khó khăn. Tuy nhiên, lãnh đạo của Digiworld cho rằng, sự suy giảm ấy không tác động quá nghiêm trọng tới kết quả kinh doanh của Digiworld. Bởi đà tăng trưởng từ một số thương hiệu cũ (như Xiaomi, Apple) và sự đóng góp từ các sản phẩm mới sẽ bù đắp cho sự suy giảm của các thương hiệu khác.
Có thể thấy rõ chiến lược của Digiworld vẫn sẽ là phát triển theo chiều ngang, tức thêm các nhãn hàng mới cũng như phát triển ngành hàng trong lĩnh vực F&B, thiết bị công nghiệp, bên cạnh các ngành ICT, thiết bị gia dụng, thiết bị văn phòng, dược phẩm đã tồn tại. Năm 2023, Công ty có thêm nhãn hàng điện thoại mới và các dòng Home Appliances mới, cộng với đóng góp từ Achison. Quý III/2022 Digiworld hoàn tất mua lại 49% cổ phần Achison với giá 250 tỉ đồng. Còn theo chiều dọc, Digiworld đang kinh doanh D2C (trực tiếp đến người tiêu dùng) thông qua các kênh online lẫn offline. Bên cạnh đó, Công ty sẽ nghiên cứu các sản phẩm mang thương hiệu riêng cũng như tiến hành M&A để mở rộng danh mục.
Đối với những nghi ngại mở rộng không giới hạn có thể đẩy doanh nghiệp đi lạc ra khỏi giá trị cốt lõi ban đầu, ông Việt quả quyết: “Chiến lược M&A của Digiworld luôn nhất quán một số mục tiêu. Thứ nhất là Công ty chỉ M&A để bổ sung thêm ngành hàng hoặc thêm kênh bán hàng mới mà Digiworld chưa có. Thứ 2, Digiworld chỉ nhắm tới những thương vụ M&A với đối tác có quy mô nhỏ hơn 30% so với quy mô Công ty. Điều này sẽ giúp Digiworld dễ dàng đồng bộ hóa và tránh được xung đột về văn hóa doanh nghiệp. Đó là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là người chủ doanh nghiệp đối tác phải có một số nét văn hóa tương đồng với Digiworld”.
Tầm nhìn tỉ USD của Digiworld còn có mục tiêu góp phần nâng tầm Việt Nam. |
Ngoài ra, tùy ngành nghề mà Digiworld sẽ thực hiện M&A theo mức độ khác nhau. Nếu đối tác hoạt động trong ngành hàng và kênh bán hàng mà Digiworld muốn mở rộng thì Công ty sẽ đầu tư có tính chất chi phối hơn. Chẳng hạn, Digiworld đã M&A chi phối với CL trong lĩnh vực FMCG. Hay Digiworld muốn nắm 10% trong tổng quy mô 2,4 tỉ USD ở ngành Home Appliances trong trung hạn. Ở ngành thăm dò, Digiworld đầu tư liên kết, trở thành đối tác, để giúp Công ty tận dụng mạng lưới và phục vụ tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng.
Thực tế, tầm nhìn tỉ USD mà Digiworld hướng tới không đơn giản chỉ là tăng trưởng quy mô. Trong chia sẻ với NCĐT, ông Việt cho biết, khi đặt tầm nhìn tỉ USD, Digiworld có những mục tiêu cao hơn câu chuyện doanh thu tỉ USD hay hướng tới vốn hóa tỉ USD. Tầm nhìn tỉ USD còn thể hiện ở khía cạnh doanh nghiệp góp phần nâng tầm Việt Nam. Nghĩa là Digiworld chỉ làm những gì có ích, tốt hơn cho cộng đồng. Vì thế, ngoài lựa chọn ngành nghề tham gia, Digiworld còn khuyến khích các hoạt động rèn luyện sức khỏe và các hoạt động thiện nguyện hằng năm.