Tiếp tục sống đời lắp ráp hay xây dựng thương hiệu để khẳng định chính mình?
Điện tử Việt Nam – Chịu đời lắp ráp hay mở lối đi riêng?
(Bài viết được thực hiện vào năm 2006.)
Thực tế, ngành điện tử Việt Nam sau 30 năm vẫn trong tình trạng lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài. AFTA và sắp tới là WTO đã đặt doanh nghiệp trong nước trước 2 sự lựa chọn: tiếp tục sống đời lắp ráp hay xây dựng thương hiệu để khẳng định chính mình?
70% CHỌN CON ĐƯỜNG LẮP RÁP
Một công ty điện tử muốn sản phẩm tồn tại trên thị trường phải đảm bảo 3 năng lực: chất lượng, vận chuyển và giá cả. Với 2 yếu tố đầu, doanh nghiệp bằng nỗ lực có thể thực hiện được. Tuy nhiên, yếu tố thứ 3 lại phụ thuộc rất lớn vào ngành công nghiệp phụ trợ. 70% doanh nghiệp điện tử vừa và nhỏ mà Nhịp Cầu Đầu Tư khảo sát đã chọn… con đường lắp ráp. Các doanh nghiệp chiếm số đông này đa phần nhìn nhận từ thực tế rằng, ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện của Việt Nam vô cùng yếu. Đó là lý do để họ đặt lại một câu hỏi: “Cứ cho là thiết kế được thì lấy đâu ra linh kiện giá tốt để lắp ráp sản phẩm đã thiết kế?”
Cứ cho là thiết kế được thì lấy đâu ra linh kiện giá tốt để lắp ráp sản phẩm đã thiết kế? |
Sản xuất linh kiện tại Việt Nam không dễ, vì đặc thù ngành sản xuất này đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, có thể lên đến vài tỉ USD và thường phù hợp với những thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn. Thị trường Việt Nam thì quá nhỏ. Trên thực tế, chúng ta chưa có doanh nghiệp lớn nào chuyên sản xuất linh kiện. Nếu một doanh nghiệp vừa sản xuất thành phẩm, vừa sản xuất linh kiện thì chi phí gộp là khổng lồ. Cho dù có đầu tư được nhưng cũng chưa chắc đã cạnh tranh nổi với linh kiện ngoại nhập. Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam (VEIC) từng đầu tư sản xuất vỏ máy vi tính với giá 22 USD/cái nhưng đã thua thảm hại ngay trên sân nhà vì linh kiện này của Đài Loan chỉ có giá 12 USD.
Giá linh kiện sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, khiến cho doanh nghiệp Việt Nam rõ ràng mất lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp điện tử trong nước, nếu giá hàng điện tử trong nước chỉ thấp hơn 20% so với hàng nước ngoài thì người tiêu dùng sẽ không ngần ngại chọn sản phẩm mang thương hiệu ngoại. Cho nên, giải pháp tốt nhất vẫn là quốc tế hóa việc cung cấp linh kiện và gia công cho các thương hiệu lớn. Phần lớn doanh nghiệp điện tử Việt Nam chấp nhận “an phận” với “đời lắp ráp”.
30% MỞ LỐI ĐI RIÊNG
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, thông thường ngành điện tử của họ chỉ trải qua giai đoạn lắp ráp từ 5-10 năm, sau đó đi vào sản xuất linh kiện, thiết kế và hoàn thiện sản phẩm, phát triển thương hiệu cá nhân. Trong khi đó, đã qua 30 năm mà ngành điện tử Việt Nam vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Đó là động cơ thúc đẩy 30% doanh nghiệp còn lại quyết định mở lối đi riêng. Nhóm này đưa ra những phân tích mang tính xu hướng và lạc quan hơn.
Tác động từ AFTA và WTO sẽ làm thuế suất nhập khẩu hàng điện tử nguyên chiếc giảm, kéo theo sức mua hàng nội địa giảm. Hiện nay, thị phần hàng điện tử mang thương hiệu Việt đang giảm một nửa so với những năm trước đây. Lấy ví dụ về dòng sản phẩm TV, mỗi năm thế giới tiêu thụ trung bình 200 triệu chiếc TV các loại từ hơn 20 nhà sản xuất. Trong khi đó, ở Việt Nam, mức tiêu thụ là khoảng 1,4 triệu chiếc (khoảng 0,7% thế giới) với gần 90% là thương hiệu nước ngoài. Chỉ còn 10% ít ỏi cho thương hiệu nội địa. Thị phần của doanh nghiệp Việt ngày càng bị thu hẹp. Vì vậy, một cuộc đổ bộ thương hiệu Việt ngay trên sân nhà là rất cần thiết!
Nhưng khó khăn trên con đường đi riêng của 30% doanh nghiệp này lại không được lý giải bởi ngành công nghiệp phụ trợ, cũng không phải sức ép cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài mà chính là tâm lý người tiêu dùng. Nếu nhìn vào Trung Quốc, một thị trường khó tính sẽ thấy, hàng điện tử Made in China từ năm 1994 đến nay, với sức ép của hàng loạt thương hiệu nước ngoài, vẫn chiếm trọn cảm tình của hơn 2/3 người tiêu dùng Trung Quốc.
VTB MỞ LỐI?
Câu chuyện về Công ty Điện tử Tân Bình (Viettronics Tân Bình) với thương hiệu VTB đã chứng minh: 30% doanh nghiệp chọn hướng đi riêng là một xu hướng thời đại.
Công ty Cổ phần Viettronics Tân Bình |
Những năm 1990, VTB cũng như nhiều doanh nghiệp điện tử Việt Nam khác đã phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ với các thương hiệu nước ngoài. Từ năm 1992, công ty này nhận thấy, tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng sôi động. Trong khi đó, khoảng cách về kỹ thuật, công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài quá lớn. VTB xác định, để rút ngắn sự chênh lệch đó, Công ty không còn con đường nào khác là phải chuyển sang liên doanh với những tập đoàn sản xuất sản phẩm điện tử có tên tuổi với các mục tiêu: bảo toàn và phát triển vốn; học tập phương pháp quản lý của đối tác; tiếp thu trình độ công nghệ tiên tiến của đối tác; đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Rút kinh nghiệm từ một số liên doanh không thành công, ngay từ đầu VTB chủ trương liên doanh bằng vốn tiền mặt cũng như mang nhà xưởng, thiết bị của mình cho liên doanh thuê. Sau nhiều lần đàm phán, đến cuối năm 1994, liên doanh Sony Việt Nam chính thức ra đời với hơn 200 cán bộ, nhân viên VTB làm nòng cốt cho liên doanh. 2 năm đúc kết kinh nghiệm thu được từ liên doanh Sony Việt Nam, với cách thức và mục đích tương tự, năm 1996, VTB lại liên doanh với JVC Nhật và tiếp tục chuyển hơn 150 nhân sự sang làm việc tại liên doanh này.
Như vậy, trong 5 năm hội nhập vào nền kinh tế thị trường (1992-1997), với chiến lược liên doanh, VTB đã duy trì được kế hoạch sản xuất và có thêm nhiều hợp đồng được ký kết. Từ 2 bàn tay trắng, VTB đã có được 3 mặt bằng sản xuất với tổng diện tích trên 30.000 m2 và 5 phân xưởng lắp ráp các sản phẩm điện tử dân dụng.
Với kinh nghiệm học được từ các liên doanh và cơ sở hạ tầng được tạo dựng, đầu năm 2000, VTB bắt đầu khẳng định thương hiệu riêng bằng việc cho ra đời chiếc TV màu màn hình phẳng mang thương hiệu Việt đầu tiên. VTB đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người Việt và tiếp tục cho ra đời hàng loạt sản phẩm điện tử dân dụng như TV màn hình phẳng, đầu máy VCD, DVD.
Từ những năm 2000, công ty này đã chính thức định hình 2 bước chiến lược quan trọng là chuyển đổi mô hình tập đoàn và quốc tế hóa sản phẩm VTB. Để triển khai cho chiến lược này, VTB tiếp tục tham gia hợp tác công nghiệp với các nước ASEAN, với Sony Việt Nam và Sony Singapore. Thông qua chương trình hợp tác này, mỗi năm Công ty sẽ xuất khẩu trên dưới 3 triệu USD sang các nước trong khu vực, góp phần tăng giá trị của mình ở thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, hiểu rằng không thể bám víu vào một vài dòng sản phẩm cũ, VTB nhanh chóng nghiên cứu dòng sản phẩm LCD đang “hot” trên thị trường. Ngoài ra, họ còn tập trung mạnh vào nhóm sản phẩm công nghệ thông tin để tạo nên sức mạnh kinh doanh tổng hợp, hướng đến mô hình tập đoàn điện tử.
Chiến lược “từ liên doanh đến xây dựng thương hiệu” đã tạo tiền đề vững chắc giúp VTB vượt qua giai đoạn khốc liệt nhất của ngành điện tử những năm 1990 và tiếp tục định vị thương hiệu. Năm 2005, VTB đã đạt những con số đầy triển vọng: sản xuất trên 800.000 sản phẩm các loại với doanh thu cả năm đạt trên 400 tỉ đồng.
“Mở lối đi riêng” từ đây đã ghi dấu những bước chân đầu tiên.