Tiêu dùng và đầu tư tích lũy tài sản yếu đi trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quý Hòa
Đầu kéo tăng trưởng đầu tư công
Với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2023, đầu tư công là động lực chính để kéo tăng trưởng khi bức tranh quý I/2023 không mấy khả quan.
Giai đoạn COVID-19, kinh tế vẫn tăng trưởng tốt là nhờ xuất khẩu, động lực rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng tiêu cực do sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu kể từ tháng 8/2022. Cả Mỹ và EU đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ, kéo theo tăng trưởng, việc làm và nhu cầu tiêu dùng suy yếu, trong khi tăng trưởng của Trung Quốc chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng là “đã thoát đáy”.
Quý đầu năm 2023, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%, nếu không xét thời điểm nền kinh tế bị tác động tiêu cực bởi COVID-19 (2020-2021) thì đây là mức tăng trưởng theo quý thấp nhất kể từ quý I/2009. Nhìn từ góc độ sử dụng, bức tranh tăng trưởng kinh tế đã xấu đi đáng kể. Trong đó, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3%, tương đương mức tăng vào quý I/2020 và thấp hơn đáng kể mức tăng bình quân của nhóm này trong những giai đoạn không phải dịch bệnh.
Đầu tư tích lũy tài sản gần như không tăng trưởng trong quý I/2023 trong khi bức tranh xuất nhập khẩu yếu đi đáng kể. Trong quý I/2023, xuất khẩu giảm 11,9% và nhập khẩu giảm 14,7% so với cùng kỳ. Tuy vậy, điểm tích cực là Việt Nam vẫn duy trì thặng dư thương mại 4,07 tỉ USD trong quý I/2023.
Tác động của cầu từ bên ngoài giảm đối với Việt Nam cũng thể hiện rõ qua tăng trưởng GRDP của một số tỉnh, thành có quy mô sản xuất công nghiệp lớn và tập trung FDI như Bắc Ninh và Quảng Nam đều giảm trên 10% so với cùng kỳ. Trong khi đó, TP.HCM vốn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước cho thấy bức tranh kém tích cực khi tăng trưởng GRDP trong quý I/2023 chỉ đạt 0,7%.
Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế vĩ mô quý I/2023 có thể thấy, dường như tất cả các động lực tăng trưởng đang yếu đi một cách đáng kể, một phần là do sự suy giảm của khu vực FDI, xuất khẩu nhưng cũng có phần nhiều đến từ động lực nội tại như tiêu dùng và đầu tư.
Tiêu dùng và đầu tư tích lũy tài sản yếu đi trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tính chung quý I/2023, có tới 60.200 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Nhìn nhận về triển vọng kinh tế năm 2023, nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là năm vô cùng thách thức khi một số nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, trong đó có EU, Mỹ và cả Trung Quốc. Trong bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đang theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao là 6,5%, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là trợ lực kéo tăng trưởng.
Năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công (lũy kế 13 tháng, tính đến hết tháng 1/2023) ước đạt gần 542.000 tỉ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ, bằng 93,4% kế hoạch đề ra. Năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công với mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023.
Ở góc nhìn cá nhân, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cấp cao, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng: “2023 sẽ là năm quay trở lại mức đầu tư công rất cao, năm nay ngân sách ít nhất có khoảng 31 tỉ USD để chi cho đầu tư công, nằm khoảng 6,5% GDP là mức rất lớn. Năm nay, nếu giải ngân được 90% của 31 tỉ USD thì sẽ bù đắp được việc xuất nhập khẩu tăng chậm”.
Nhìn về quá khứ, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), cho biết giai đoạn 2016-2020, hoạt động đầu tư của toàn xã hội đã đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy vốn đầu tư công chỉ chiếm 15-16% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng rất quan trọng. Ước tính cứ mỗi đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước sẽ kéo theo 1,5 đồng vốn đầu tư cho khu vực tư nhân.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cũng nhận định rằng tăng trưởng trong quý II có thể đi lên với điều kiện phải tạo ra các động lực cho tăng trưởng kinh tế. Một trong những động lực rõ ràng nhất là đầu tư công. Tất cả các chương trình đầu tư công cần được triển khai một cách đồng loạt, mạnh mẽ để tạo ra động lực cho nền kinh tế.
Lấy ví dụ từ Trung Quốc, trong nhiều năm trở lại đây quốc gia này đã sử dụng đầu tư cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Hãng Bloomberg đưa tin ngày 10/4 vừa qua, Trung Quốc đã “đặt cược” 1.800 tỉ USD vào xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh việc thúc đẩy kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng giúp cho Trung Quốc giảm chi phí logistics và từ đó đẩy cao hiệu suất của nền kinh tế.
“Tại Việt Nam hiện nay, chi phí logistics chiếm 25% trên GDP và nếu so sánh với các quốc gia đang phát triển, các quốc gia phát triển thì mức này vẫn đang rất cao. Do đó, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, rõ ràng việc đầu tư cơ sở hạ tầng chắc chắn vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ để tạo động lực tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế”, ông Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ.