Cuộc giải cứu Credit Suisse của UBS có ý nghĩa gì đối với thị trường toàn cầu?
Bất chấp những tuyên bố táo bạo từ chính quyền Thụy Sĩ và các Ngân hàng Trung ương về việc tái ổn định, thỏa thuận này dường như không làm giảm bớt lo ngại về rủi ro hệ thống đối với thị trường toàn cầu.
Sau nhiều năm thua lỗ nặng nề và những vụ bê bối đầy thiệt hại, đợt giảm giá cổ phiếu gần đây nhất của Credit Suisse bắt nguồn từ sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature có trụ sở tại Mỹ, sau đó sự tình càng phức tạp hơn khi Quỹ Đầu tư Quốc gia của Ả Rập Saudi, cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, không thể tiếp tục hỗ trợ tài chính cho ngân hàng này.
Thông báo về khoản vay lên tới 50 tỉ franc Thụy Sĩ từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng không thể xoa dịu lo ngại của nhà đầu tư và cuối cùng buộc UBS phải “giải cứu khẩn cấp” tổ chức 167 tuổi này.
Thỏa thuận “mua rẻ” này dự kiến khép lại trong năm nay và tạo ra một ngân hàng khổng lồ với tổng tài sản đầu tư hơn 5.000 tỉ USD. Thỏa thuận này cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Thụy Sĩ, cơ quan quản lý tài chính FINMA và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB), với dòng thanh khoản lên tới 100 tỉ franc Thụy Sĩ được bảo đảm bởi liên bang. Chính phủ sẽ đưa ra khoản bảo đảm lên tới 9 tỉ franc Thụy Sĩ, trong đó UBS giả định khoản lỗ tiềm năng đầu tiên có thể đạt 5 tỉ franc.
Tuy nhiên, cổ phiếu của cả UBS và Credit Suisse đều lao dốc vào sáng 20/3.
Mọi thứ đã minh bạch hay chưa?
Ngày 19/3, Goldman Sach cho biết rằng thỏa thuận và các khoản đảm bảo thanh khoản, thua lỗ liên quan đã mang lại sự minh bạch và làm giảm rủi ro đuôi (tail risks).
Nhưng những câu hỏi lớn hơn vẫn còn, nhất là việc thỏa thuận sẽ tác động thế nào đến thị trường chung. Ông James Sym, người đứng đầu bộ phận cổ phần của Công ty Quản lý Đầu tư River and Mercantile, cho biết thị trường đang ở “chế độ tìm kiếm và tiêu diệt”.
“Thỏa thuận có thể giải quyết được vấn đề cục bộ, đặc biệt là trường hợp của riêng Credit Suisse, nhưng tôi không chắc nó có thể ngăn chặn thị trường chuyển biến theo hướng xấu, mặc dù phần còn lại của hệ thống ngân hàng châu Âu đã mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây”, ông nói.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các ngân hàng của lục địa này đã xây dựng bộ đệm vốn lớn hơn nhiều để chống lại rủi ro hệ thống.
Rủi ro vẫn còn
Mặc dù thỏa thuận này có thể chấm dứt những nghi ngờ về khả năng tồn tại của Credit Suisse với tư cách là một doanh nghiệp, nhưng một số nhà phân tích vẫn tin rằng kết quả thật sự sẽ được nhìn thấy trong những tuần hoặc tháng tới.
Ông Neil Shearing, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, cho biết: “Có một vấn đề là mức giá mua lại 3,25 tỉ USD tương đương với gần 4% giá trị sổ sách và khoảng 10% giá trị thị trường của Credit Suisse vào đầu năm. Tức, một phần đáng kể tài sản trị giá 570 tỉ USD của Credit Suisse có nguy cơ hoặc sẽ bị suy giảm giá trị. Dẫn đến những lo lắng mới về sức khỏe của các ngân hàng”.
Ông Shearing chia sẻ thêm rằng thỏa thuận vẫn có nhiều rủi ro vì lý do pháp lý, tài chính, hoặc đơn giản là niềm tin của UBS bị sứt mẻ và không hứng thú với thỏa thuận này nữa.
Phát hành trái phiếu cấp một AT1
Theo cơ quan giám sát tài chính Thụy Sĩ FINMA, là một phần của thỏa thuận, UBS sẽ ghi nhận giảm toàn bộ trái phiếu cấp 1 (AT1) bổ sung của Credit Suisse nhằm tăng vốn lõi (core capital). Trong khi đó, cổ đông của ngân hàng này dự kiến nhận được 3 tỉ Francs (tương đương 3.25 tỉ USD).
Cũng vì thế, 16 tỉ USD trái phiếu rủi ro bỗng dưng trở thành giấy vụn. Đây là khoản thiệt hại lớn nhất với thị trường trái phiếu cấp 1 bổ sung (AT1) ở châu Âu và vượt xa khoản ghi nhận giảm kỷ lục trước đó là 1.44 tỉ USD đối với trái chủ của ngân hàng Tây Ban Nha Banco Popular SA trong năm 2017.
Cấu trúc vốn của Credit Suisse trước khi bị thâu tóm. |
Ông Charles-Henry Monchau, Giám đốc Đầu tư của Syz Bank, giải thích: “Trái phiếu AT1 được phát hành ở châu Âu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đóng vai trò giảm xóc khi các ngân hàng bắt đầu phá sản”.
Trong kịch bản thông thường, các cổ đông là bên đầu tiên bị tác động trước khi trái chủ AT1 bị lỗ (đây cũng là những gì Credit Suisse đã trình bày với nhà đầu tư trước đó). Đây là lý do tại sao quyết định giảm toàn bộ giá trị của trái phiếu rủi ro Credit Suisse (thay vì cổ đông) lại dẫn tới sự phẫn nộ từ một số trái chủ AT1 của Credit Suisse.
Goldman nhấn mạnh rằng việc xóa sổ tạo thành khoản lỗ lớn nhất từng gây ra cho các nhà đầu tư AT1 kể từ khi loại tài sản này ra đời sau Đại suy thoái.
Có thể bạn quan tâm:
Trung Quốc cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng