Nhà máy của VinFast.
Chặng đua tỉ USD của xe điện Việt
VinFast có thể trở thành hãng ô tô Việt đầu tiên đạt giá trị vốn hóa hàng tỉ USD nếu IPO thành công tại thị trường Mỹ. Quyết liệt và táo bạo bước chân vào thị trường Mỹ, hãng xe Việt muốn chinh phục thị trường xe điện (EV) - dòng xe với những công nghệ hiện đại nhất mà các hãng xe nổi tiếng cũng đang đầu tư hàng tỉ USD.
THỜI CƠ VÀNG CỦA XE ĐIỆN
Sau nhiều năm kiên trì vun đắp, VinFast dường như đang tới giai đoạn hái quả. Năm ngoái công ty này đã bán được 30.000 xe và dự kiến sẽ nâng lên 45.000 xe trong năm nay. Đặc biệt hơn, Hãng đang đặt cược vào dòng xe điện với mục tiêu nhanh chóng lọt vào top các hãng ô tô điện dẫn đầu thế giới. Mới đây, VinFast đã tung ra mẫu ô tô điện đầu tiên VF e34 với giá 690 triệu đồng. Hãng cũng sản xuất xe máy điện và xe buýt điện, đồng thời nhận được giấy phép thử nghiệm xe tự hành trên đường phố công cộng ở California (Mỹ) hồi đầu năm nay.
Sức nóng trên thị trường ô tô mang hơi hướng công nghệ cao gần đây còn xuất hiện thêm một thương hiệu khác. Đó là sự kiện Tập đoàn Phenikaa thông báo đầu tư mẫu xe tự hành cấp độ 4 “Made in Vietnam” đầu tiên (dựa trên thang đo 5 cấp độ cho xe tự lái của Hiệp hội Kỹ sư ô tô Mỹ - SAE). Chủ tịch của Tập đoàn Phenikaa là ông Hồ Xuân Năng, một doanh nhân thường được mọi người gọi là “Năng Do Thái”.
Trạm sạc điện xe VinFast. |
Phenikaa cho biết theo dự định ban đầu, dòng xe tự hành này sẽ phục vụ khách trong khu du lịch, resort, sân golf… Còn mục tiêu xa hơn, có thể mở bán thương mại để sử dụng như một phương tiện giao thông tại Việt Nam. Dù vậy, sự sôi động của ngành ô tô Việt không thể làm lu mờ những giấc mơ thất bại trong quá khứ. Năm 2020 Ngân hàng BIDV thông báo đấu giá khoản nợ gần 1.300 tỉ đồng của Vinaxuki. Đây được coi là dấu chấm hết cho một thương hiệu ôtô Việt, từng mang tới nhiều hy vọng và cả thất vọng cho giới chuyên môn cũng như người tiêu dùng Việt.
Hay như từ năm 2016, FPT đã nghiên cứu về xe tự lái và cuối năm 2017, doanh nghiệp này công bố chiếc xe hơi thử nghiệm công nghệ tự lái đầu tiên ở Việt Nam. Dù vậy, hiện FPT vẫn chưa thương mại hóa được dòng xe tự lái này mà chỉ sử dụng hạn chế trong một số khu vực ít người, hạ tầng thuận lợi.
Cũng có ý kiến cho rằng vào thời điểm này, cơ hội thành công của VinFast và các thương hiệu nội khác có thể sáng sủa hơn trong xu hướng bùng nổ xe điện. Theo báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường IEA về thị trường xe điện toàn cầu năm 2020, doanh số bán ô tô điện lập kỷ lục với 2,1 triệu xe, chiếm 2,6% doanh số bán ô tô toàn cầu. Dự báo đến năm 2030, nguồn cung xe điện sẽ đạt gần 140 triệu xe, chiếm 7% đội xe toàn cầu. Mặc dù vậy, thị trường xe điện cả trong và ngoài nước hiện chưa có ai dẫn đầu rõ nét. Thời gian tới, Chính phủ có thể sẽ sớm ban hành các chính sách liên quan đến hạn chế ô nhiễm môi trường mà ở đó, các dòng xe điện có thể sẽ được hưởng lợi.
Đơn cử như trong chỉ đạo mới nhất về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thúc đẩy giải pháp giảm phát thải từ giao thông như thúc đẩy dùng năng lượng sạch, có biện pháp khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng. Mới đây, Chính phủ cho phép TP.HCM tự quyết thí điểm xe buýt điện của VinFast khi nhận định điều này phù hợp chủ trương, chiến lược phát triển dịch vụ vận tải của Chính phủ, đi cùng mục tiêu phát triển đô thị bền vững, hướng đến các loại phương tiện thân thiện với môi trường.
Nhiều khả năng trong tương lai gần, Việt Nam có thể sao chép bước đi của một số nước trong chính sách hạn chế và dần cấm các dòng xe ô tô chạy bằng xăng dầu. Đơn cử như Anh đã ban hành kế hoạch cấm bán xe chạy xăng dầu kể từ năm 2035; Pháp cấm bán các loại ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040. Các thành phố lớn như Paris, Madrid, Mexico City đã lên kế hoạch cấm xe chạy xăng dầu vào trung tâm thành phố từ năm 2035.
Điều kiện thuận lợi khác còn đến từ nền kinh tế đang phát triển tích cực, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng nhanh và công nghệ ngày càng tiên tiến.
Chia sẻ với NCĐT, ông Marcin Miller, Giám đốc Hợp danh Công ty Tư vấn Mckinsey Việt Nam, cho rằng ở góc độ ngành, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển đổi trên quy mô toàn cầu và đây là thời điểm thú vị để khởi động một cuộc phiêu lưu mới.
Ví dụ, nền kinh tế chia sẻ và điện khí hóa đang thay đổi cách sản xuất ô tô và thay đổi sở thích của người tiêu dùng. “Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng toàn cầu của chúng tôi cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng đối với xe điện cho mục đích sử dụng cá nhân và thương mại”, ông Marcin Miller nói. Sự chuyển đổi trong ngành công nghiệp ô tô cũng đang xác định lại lợi thế cạnh tranh và hạ thấp rào cản gia nhập.
Trước đây, điều này được xác định phần lớn bởi sự xuất sắc của cơ khí. Ngày nay, đó là về tốc độ phát triển và triển khai công nghệ (ví dụ như hệ thống truyền động điện, pin...) và khả năng tạo dựng quan hệ đối tác, mở ra sân chơi cho những người chơi mới tham gia hiện nay. “Ở Việt Nam, mọi người quan tâm đến việc mua các sản phẩm nội địa như đã chỉ ra trong khảo sát của Nielsen Thought Leadership about Life beyond COVID. Miễn là các nhà sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng phù hợp, họ có thể thành công”, ông Marcin Miller nhận định.
CHÌA KHÓA CỦA HỆ SINH THÁI TIỆN ÍCH
“Tầm nhìn của VinFast là trở thành một hãng xe điện thông minh toàn cầu và Mỹ là một trong những thị trường quốc tế đầu tiên mà chúng tôi sẽ tập trung. Chúng tôi có ý định phát triển các mẫu xe cao cấp dành cho thị trường Mỹ”, đại diện của VinFast trả lời Bloomberg. Theo kế hoạch, VinFast thiết lập hệ thống showroom, trung tâm dịch vụ ở bang California, trong khi văn phòng nghiên cứu với 50 thành viên nằm tại thành phố San Francisco thuộc bang này. Hãng sẽ bán xe tại Mỹ trong năm 2022 và tự tin chọn công nghệ chip của Nvidia - công ty điện toán trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới trên các mẫu xe điện thông minh tự hành cấp độ cao.
Mẫu xe ô tô điện thông minh đầu tiên của Việt Nam với tên gọi VF e34. |
Thực tế, thị trường ô tô Bắc Mỹ không dễ thâm nhập khi tại đây đang diễn ra sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các hãng xe khổng lồ như Ford hay General Motors (GM), vốn đã chi hàng tỉ USD vào ô tô điện. Một loạt hãng xe Mỹ cũng thể hiện tham vọng trong thị trường này gồm Nikola, Lucid, Lordstown, Fisker, Canoo và Xos.
Chưa tính đến thị trường khó tính như Mỹ hay châu Âu, ngay trên sân nhà, các thương hiệu nội có thể sẽ đối mặt với làn sóng cạnh tranh khốc liệt hơn với các dòng xe nhập thời gian tới. Hiện mẫu xe Tesla đã xuất hiện hạn chế tại Việt Nam. Hay như Great Wall, một trong những tập đoàn ô tô lớn nhất Trung Quốc, đã mở nhà máy lắp ráp ô tô điện tại Thái Lan mà từ đó, sẽ xuất khẩu sang Việt Nam. So với mức độ nổi tiếng, hay giá rẻ, rõ ràng VinFast sẽ phải dè chừng. Dù vậy, Jared Rosenholtz, biên tập viên cấp cao của trang CarBuzz, nhận định mẫu VinFast VF33 có khả năng cạnh tranh tại Mỹ khi trong phân khúc SUV hạng E chưa có xe EV.
Quan trọng hơn, theo ông Marcin Miller, các hãng xe Việt Nam cũng có những lợi thế đáng kể. Thứ nhất, họ hiểu người tiêu dùng Việt Nam hơn và do đó có thể tùy chỉnh sản phẩm để đáp ứng nhu cầu địa phương. Thứ 2, Việt Nam là thị trường ưu tiên của các doanh nghiệp trong nước, có nghĩa là họ sẽ sẵn sàng đầu tư hơn vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết (ví dụ như trạm sạc) dành riêng cho xe của họ, cũng như cung cấp các dịch vụ bổ sung như các mô hình tài chính hấp dẫn hoặc dịch vụ sau bán hàng chất lượng.
“Cuối cùng và quan trọng nhất, các nhà sản xuất ô tô Việt Nam ngày nay có thể tiếp cận những công nghệ tiên tiến, đặc biệt là xe điện thông qua quan hệ đối tác với các công ty công nghệ hàng đầu, giúp họ có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô đa quốc gia tại Việt Nam”, ông Marcin Miller chia sẻ. Tập trung vào sự khác biệt sẽ là chìa khóa khơi sự ham muốn nơi người tiêu dùng. Đơn cử như Tesla tạo điểm nhấn với việc giới thiệu dòng xe điện Model S có thể tăng tốc độ từ 0 lên 100 km chỉ trong vòng 2,1 giây, di chuyển quãng đường gần 600 km với chỉ một lần sạc. Về phần mình, có vẻ như VinFast có thể tập trung vào các dịch vụ độc đáo để tạo sự khác biệt.
Theo dõi trên các diễn đàn ô tô ở Mỹ như CarBuzz, người dân nước này đã bắt đầu chú ý và bình luận về các mẫu xe đến từ Việt Nam, đặc biệt họ đánh giá khá cao dịch vụ cho thuê pin. “Tôi thề là chưa bao giờ nghe nói về pin cho thuê. Đáng để thử thương hiệu này”, một người tên Nerdy bình luận. “Chúng ta nên học hỏi điều gì đó từ họ, chẳng hạn như cho thuê pin. Họ nghĩ cho khách hàng. Đó là điều mà hầu hết các thương hiệu ô tô ở New York thiếu”, một người khác bình luận.
Hệ sinh thái dịch vụ có thể là chìa khóa giúp các hãng xe thu được lợi nhuận lớn. Đơn cử như ở Thái Lan, tuy không sở hữu bất kỳ một thương hiệu ô tô nội nào, nhưng một số tập đoàn lớn như PTTOR đã lên kế hoạch đón đầu cơ hội từ làn sóng bùng nổ xe điện trong các năm tới.
Cụ thể, PTTOR, doanh nghiệp sở hữu mạng lưới trạm xăng lớn nhất Thái Lan, đã lên kế hoạch mở thêm hàng ngàn cửa hàng cà phê Amazon ở trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị cho một tương lai gần bị chi phối bởi sự tăng trưởng của ô tô điện và nhu cầu thiết yếu của cánh tài xế. “Sạc xe điện mất khoảng 20 phút, trong khi chờ đợi, bạn có thể dùng bữa, mua đồ trong trạm dịch vụ”, Jiraporn Kaosawad, Giám đốc Điều hành của PTTOR, nhận định.
Hiện PTTOR có khoảng 2.000 trạm xăng trên khắp Thái Lan. Doanh nghiệp này sẽ bổ sung thêm 500 trạm vào năm 2025 và tăng nhanh số lượng trạm được trang bị điểm sạc EV lên 300 vào năm 2022 từ con số 30 hiện nay.
Sạc xe điện mất khoảng 20 phút, trong khi chờ đợi, bạn có thể dùng bữa, mua đồ trong trạm dịch vụ. |
Sự gia tăng nhằm đón đầu cơ hội từ chính sách của Chính phủ Thái khi đặt ra mục tiêu có 1,05 triệu xe điện vào năm 2025, tăng gấp 5 lần so với con số hiện tại là khoảng 200.000 chiếc.
Về phần mình, việc đầu tư và xây dựng hệ sinh thái kinh doanh của ngành có thể là chìa khóa quan trọng giúp các hãng ô tô Việt mở rộng quy mô và đa dạng hóa nguồn thu. Theo ông Marcin Miller, nhận thức về các dòng doanh thu và lợi nhuận cũng phải biến đổi theo. Ngày nay, chỉ một phần doanh thu đến từ việc bán xe thực tế. Chính các dịch vụ bổ sung - chẳng hạn cập nhật phần mềm trực tuyến, kiếm tiền từ dữ liệu, dịch vụ sau bán hàng hoặc bán các dịch vụ bổ sung thông qua quan hệ đối tác - đang làm tăng doanh thu và lợi nhuận, đặc biệt đối với các nhà sản xuất xe điện.
Do đó, các nhà sản xuất ô tô Việt Nam phải xây dựng quan hệ đối tác để nâng cao trải nghiệm người dùng, xây dựng lợi thế cạnh tranh và tạo ra các nguồn doanh thu bổ sung này. Họ cần vượt ra ngoài việc tạo ra một cụm công nghiệp truyền thống và hướng tới quan hệ đối tác mạnh mẽ với các công ty kỹ thuật số, công nghệ và tiêu dùng. Một ví dụ là quan hệ đối tác giữa NIO và Tencent ở Trung Quốc.
Để xây dựng hệ sinh thái đó, có 3 yếu tố cần quan tâm. “Đầu tiên là chiều rộng và sự đa dạng: các đối tác trong hệ sinh thái nên được chọn một cách chiến lược, có tính đại diện cho một loạt ngành và các nhóm bên liên quan. Thứ 2 là khả năng bổ sung cho nhau: quan hệ đối tác trong hệ sinh thái cần khắc phục khoảng trống về năng lực để đảm bảo nắm bắt và tạo ra giá trị. Thứ 3 là một tầm nhìn thống nhất: để hợp tác suôn sẻ, các đối tác trong hệ sinh thái phải tập trung vào những mục đích chung và có nguyện vọng kinh doanh liên kết cao”, ông Marcin Miller nói.