Nguyên nhân “quan điểm về ngày mai” chi phối cuộc sống cá nhân của chúng ta nhiều nhất, là cái chúng ta hay dùng để đổ lỗi cho việc thiếu thời gian.
Câu chuyện thời gian
(Bài viết được thực hiện vào năm 2008.)
Nếu cho rằng, sự thất bại trong cuộc sống cá nhân, gia đình là do bạn không đủ thời gian vun đắp, chăm lo, có lẽ đó là lời bào chữa muộn màng. Và nếu bạn nghĩ rằng thời gian còn rất dài, nên ưu tiên cho công việc trước, sau đó mới đến cuộc sống cá nhân, gia đình, bạn có thể đã không hiểu rõ ý nghĩa của thời gian.
Fernando Bartolomé, chuyên gia báo chí học của Havard Business Review phân tích “thiếu thời gian” luôn là lời nói đầu môi của người bận rộn để biện minh cho việc bê trễ hoặc thất bại trong cuộc sống cá nhân, hôn nhân và gia đình. “Nhưng hãy suy đi tính lại thật kỹ, bạn sẽ thấy rằng sự thiếu thốn thời gian không hẳn là nguyên nhân chính. Đó là vì chúng ta không biết tư duy đúng, sắp xếp và tận dụng chúng hợp lý cho cuộc sống của mình”, Fernando nói.
Hãy thử thực hiện một phép tính thời gian đơn giản. Chúng ta đều biết, nếu nhân 24 giờ cho 7 ngày thì lượng thời gian của một tuần là 168 giờ. Nếu theo lời khuyên của bác sĩ là ngủ trung bình 7 giờ/ngày thì trong một tuần, chúng ta ngủ 49 giờ. Như vậy, thời gian thức còn lại của con người là 119 giờ (= 168 giờ - 49 giờ). Trong một xã hội năng động hiện nay, với khoảng 119 giờ thức, chúng ta làm gì?
Trong một xã hội năng động hiện nay, với khoảng 119 giờ thức, chúng ta làm gì? |
Khảo sát lịch làm việc “1 tuần 5 ngày” của giới viên chức văn phòng sẽ nhận ra có 3 phần thời gian cơ bản được sử dụng cho công việc. Thời gian làm việc ở văn phòng trung bình 45 giờ (= 9 giờ/ngày x 5 ngày). Thời gian di chuyển, đi lại là 10 giờ (= 2 giờ/ngày x 5 ngày). Thời gian làm việc trong những ngày cuối tuần là thêm 4 giờ. Khi đó, tổng của 3 phần thời gian là 59 giờ (= 45 giờ + 10 giờ + 4 giờ). Như vậy, trong 119 giờ, chúng ta tiêu tốn 59 giờ (tương đương với tỉ lệ khoảng 50%) cho công việc. Một bài phân tích mang tên “The Work Alibi” của Havard Business Review còn cho thấy, dù một người làm việc cật lực 10 giờ/ngày thì tổng thời lượng cho công việc cũng mới có 64 giờ, tương đương với tỉ lệ 53,78% trên tổng thời gian thức.
Khi thực hiện phỏng vấn một số doanh nhân Việt Nam về việc sử dụng thời gian cho công việc cũng cho thấy, tỉ lệ thời gian công việc trên tổng thời gian thức cũng chỉ dao động trung bình 65%. Chúng ta còn đến 30-40% thời gian thức để có thể chăm lo cho cuộc sống cá nhân và gia đình tốt hơn.
Không hẳn do thời gian, Nhịp Cầu Đầu Tư đã tìm thấy 4 nguyên nhân dẫn dắt cuộc sống con người thời đại vào tình trạng “khiếm khuyết”. Đó là: 1) không lường trước những khó khăn có thể xảy đến trong cuộc sống cá nhân nên hay bị thất vọng, 2) lo lắng, sợ hãi hay giận dữ thái quá để rồi không có khả năng giải quyết ổn thỏa những xung đột trong gia đình, hôn nhân và mối quan hệ xã hội, 3) sự thất bại trong quan hệ chăn gối của đời sống hôn nhân và 4) sự chậm trễ về việc lập kế hoạch cho cuộc sống cá nhân ở thời tương lai, hay còn gọi là “quan điểm về ngày mai”.
Trong 4 nguyên nhân này thì nguyên nhân “quan điểm về ngày mai” chi phối cuộc sống cá nhân của chúng ta nhiều nhất, là cái chúng ta hay dùng để đổ lỗi cho việc thiếu thời gian. Fernando Bartolomé có dịp trò chuyện với hàng trăm người thành đạt thuộc mọi lứa tuổi, ngành nghề ở nhiều quốc gia. Kết quả là ông tìm ra kịch bản mang tên “ngày mai” không mấy tích cực trong cuộc sống của họ. Chính tư duy về “ngày mai” và kẻ thù của sự bất hạnh phúc triền miên.
Tư duy này được hiểu như sau:
Hiện tại, bạn 25 tuổi và đã có gia đình. Là người trẻ và bắt đầu sự nghiệp, bạn đang tự khám phá, trao dồi những kỹ năng cho chính mình, cố gắng hết sức để có được sự thăng tiến. Bạn chắc chắn rất bận rộn với công việc và nghĩ trong đầu rằng, mình sẽ chăm sóc cho cuộc sống hạnh phúc cá nhân, gia đình vào ngày mai.
Một lần nữa, khi nghĩ về việc chăm lo cuộc sống cá nhân, gia đình hạnh phúc, bạn lại nói: “Chờ ngày mai vậy!”. |
Và ngày mai, bạn 30 tuổi. Bạn có thể có một hoặc nhiều con nhỏ. Lúc này, bạn mang 2 trọng trách cho công việc và con cái. Nhưng công việc đang tiến triển, bạn buộc phải phấn đấu nhiều hơn nếu không muốn đánh mất thành quả, danh vị đạt được sau bao nhiêu năm. Một lần nữa, khi nghĩ về việc chăm lo cuộc sống cá nhân, gia đình hạnh phúc, bạn lại nói: “Chờ ngày mai vậy!”.
Và ngày mai, bạn 35 tuổi. Tất cả nỗ lực của bạn được đền đáp xứng đáng. Bạn có thể trở thành nhà quản lý, nắm giữ một phần thành bại của công ty. Bạn có mối quan hệ với lãnh đạo rất tốt, thu nhập khá cao so với mọi người. Nhưng ở tuổi này, bạn bắt đầu cảm nhận sự trống rỗng hay trạng thái sợ hãi. Đó là do bạn ở vị trí cao và luôn luôn bị áp lực bảo vệ nó trước những quản lý trẻ tiềm năng hơn bạn. Từ đó, bạn càng phải nỗ lực hơn để vượt qua sự sợ hãi, lo lắng. Chắc chắn bạn không còn thời gian để nghĩ về hạnh phúc cho cuộc sống cá nhân, gia đình. Bạn nhìn nó rồi lại nhẩm chữ “ngày mai”!
Và ngày mai, bạn 40 tuổi. Ở tuổi này, phụ nữ hay đàn ông cũng thường có một suy nghĩ: muốn tập trung chăm lo cuộc sống cá nhân. Bây giờ thì mới là ngày mai thực sự của bạn. Nhưng có lẽ nó đã quá trễ!
Một kịch bản cuộc sống như thế diễn ra với khá nhiều người trên hành tinh này. Khi chúng ta đang hy sinh cuộc sống cá nhân thì cũng đồng thời tự nhủ mình sẽ lấy lại được nó trong tương lai. Nó không thể, vì thời gian đã lấy đi sức lực và mọi thứ của chúng ta. Từ đây, Fernando Bartolomé đưa ra lời khuyên cho những ai đang rơi vào “cạm bẫy của thời gian”. Đó là, phải bắt đầu chăm lo cuộc sống cá nhân ngay hôm nay, để ngày mai mọi thứ được trọn vẹn, hạnh phúc. Ông nói, đàn ông hoặc phụ nữ quyết định chăm lo cho sự nghiệp của mình mà trì hoãn chuyện gia đình, con cái cho đến 30 hoặc 35 tuổi thì có thể sẽ không vấn đề gì cả. Nhưng nếu đã có gia đình hoặc con cái trong độ tuổi này mà không chăm lo, chắc chắn người ta sẽ bị mất những thứ rất lớn lao sau đó.
Ông chia sẻ: “Hãy nhớ rằng, chúng ta không thể bù đắp nổi mối quan hệ, sự yêu thương và niềm hạnh phúc mà chúng ta đã không dành cho con cái khi chúng còn nhỏ. Nhiều cha mẹ đã phải vô cùng hối hận về điều đó!”. Nếu trong kinh doanh, chúng ta phải đầu tư lâu dài ngày hôm nay mới thu được nhiều lợi nhuận trong tương lai thì trong cuộc sống gia đình, cũng phải đầu tư nhiều thời gian như thế. Sự đầu tư này phải có kế hoạch chứ không là ngẫu nhiên. Fernando Bartolomé bày tỏ: “Tôi quan sát thấy, những cha mẹ mà đột nhiên cố gắng thiết lập mối quan hệ thân thiết với con cái khi chúng đã 16 tuổi sau nhiều năm họ không quan tâm tới, thường sẽ thất bại. Đã quá trễ!”.
Kịch bản của Fernando Bartolomé như một sự cảnh tỉnh, cũng giống như tư duy “ngày hôm nay” tôi từng đọc trong “Quẳng gánh lo đi và vui sống” của Dale Carnegie. Nếu Dale Carnegie khuyên chúng ta nên chuẩn bị công việc thật tốt ngày hôm nay, sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc và viết từ “ngày hôm nay” lên một phiến đá rồi nhìn nó mỗi ngày thì kịch bản của Fernando Bartolomé cũng hàm ý, hãy khắc từ “ngày hôm nay” trong tâm trí để có được một cuộc sống cá nhân, gia đình trọn vẹn.