Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân là 100 triệu lượt người/năm, gây ra tình trạng quá tải ở tất cả các bệnh viện, cả công lẫn tư.

 
Thứ Sáu | 29/07/2022 10:05

Bệnh viện tư nhân – Cầu cao, cung khó

Bệnh viện tư nhân không còn xa lạ với người Việt Nam, và càng ngày được nhiều người dân tin tin tưởng vì chất lượng dịch vụ y tế.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2013.)

Cả nước có khoảng 1.100 bệnh viện công, xấp xỉ 50 bệnh viện tư nhân với gần 150.000 giường bệnh, chỉ mới đạt tỉ lệ 17 giường/10.000 dân, nếu so số lượng này với các nước trong khu vực thì là quá ít. Trong khi đó, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân là 100 triệu lượt người/năm, gây ra tình trạng quá tải ở tất cả các bệnh viện, cả công lẫn tư.

SOS BỆNH VIỆN CÔNG VÀ TƯ 

 

Tính riêng ở TP.HCM, nơi có lực lượng y tế công lập lớn nhất nước thì mới chỉ có khoảng 30 bệnh viện công, 10 trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Vào các bệnh viện Chợ Rẫy, Bình Dân, Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Đa khoa Sài Gòn, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, An Bình, Nguyễn Trãi, Phạm Ngọc Thạch, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Từ Dũ… có thể cảm nhận một khung cảnh vô cùng tấp nập trong khâu khám, điều trị. Ngân sách Nhà nước dành cho y tế ở Việt Nam chỉ ở mức khoảng 6,1%, khiến khu vực y tế công lập chưa thể hiện giá trị xứng tầm. Đó là lý do cho sự trỗi dậy làn sóng đầu tư bệnh viện tư nhân chất lượng cao. Có hơn 30 bệnh viện tư nhân cùng 12.315 cơ sở hành nghề y dược tư nhân mỗi năm đã thu hút 18 triệu lượt bệnh nhân, chiếm khoảng 50% số lượng bệnh nhân TP.HCM. 

Với số dân hiện thời ở TP.HCM thì 30 bệnh viện tư nhân vẫn chưa thấm tháp. Điểm lại gồm nhóm bệnh viện đa khoa (FV, Columbia, An Sinh, Triều An, Hoàn Mỹ, Vạn Hạnh, Vạn Xuân, Hồng Đức, Thái Bình, Phú Thọ); bệnh viện sản khoa (Gaya Việt Hàn, Quốc tế Sài Gòn, Hồng Thái, Quốc Ánh); bệnh viện chuyên khoa mắt (Việt Hàn, Sài Gòn, Cao Thắng); bệnh viện thẩm mỹ (Thanh Vân, Sài Gòn); bệnh viện chuyên khoa đặc biệt (Tim Tâm Đức, Lọc thận Quốc tế, Chấn thương chỉnh hình, Sài Gòn - ITO)…  

Cục Thống kê năm 2006 cho biết, có 92,1% người dân rất hài lòng về các dịch vụ y tế tư nhân tại TP.HCM, 83,2% người dân hài lòng về không khí, nơi tiếp nhận của bệnh viện tư cũng như thông tin rõ ràng về giá cả. Bệnh viện dân lập chất lượng cao thực sự đang được xã hội mong đợi. Đó là chưa kể đến số lượng người Việt xuất ngoại để chữa bệnh hằng năm tại các bệnh viện quốc tế không ít, nên các bệnh viện dân lập tại Việt Nam chất lượng cao ra đời sẽ có ưu thế hoạt động. 

Singapore và Thái Lan vẫn đang là lựa chọn ưu tiên của rất nhiều bệnh nhân Việt Nam, một số ít thì chọn Trung Quốc hoặc Mỹ. Hằng năm, số bệnh nhân Việt Nam đến thăm khám chữa bệnh tại các hệ thống y tế ở Singapore là từ 6.000-10.000 lượt người. Tại Việt Nam, thông qua văn phòng của Tập đoàn Parkway, một hệ thống y tế tư nhân có 3 bệnh viện lớn ở Singapore là Mount Elizabeth, Gleneagles và East Shore thì số bệnh nhân người Việt đăng ký qua Singapore chữa bệnh là hơn 50 người/tháng, tập trung vào các nhóm bệnh thần kinh, xương khớp, gan mật và ung thư. Công ty Hợp tác Quốc tế VietSing (VietSing Corp.), chuyên tư vấn, hỗ trợ người bệnh có nhu cầu đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện Singapore, cũng cho biết, mỗi tháng công ty này tư vấn trên 50 bệnh nhân Việt Nam sang chữa bệnh tại Singapore. Trong khi đó, thông tin từ văn phòng đại diện Bệnh viện Bumrungrad International (Thái Lan) tại TP.HCM cho hay, trung bình mỗi tháng, chi nhánh TP.HCM và Hà Nội chuyển khoảng 100 lượt bệnh nhân từ Việt Nam sang Bumrungrad chữa các bệnh về tim, thần kinh và ung thư. 

Về cơ sở vật chất, một số bệnh viện dân lập ở Việt Nam, do nước ngoài hay Việt Nam đầu tư, có thể sánh ngang với các bệnh viện khác ở Singapore, Thái Lan, Philippines, với lực lượng bác sĩ có trình độ chuyên môn không thua kém. Trong khi đó, về giá khám chữa bệnh, so với bệnh viện các nước châu Âu thì bệnh viện tư nhân Việt Nam rẻ hơn đến 20%, và so với các nước trong khu vực, giá chỉ bằng 50%. Vì thế, một bệnh viện chất lượng cao trong nước sẽ là điều rất mong đợi đối với bệnh nhân. 

Cơ sở vật chất phòng bệnh của bệnh viện Pháp-Việt (FV).
Cơ sở vật chất phòng bệnh của bệnh viện Pháp-Việt (FV).

Đây là một số điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư bệnh viện ở châu Á. Tại Hàn Quốc, nơi có số lượng thầy thuốc tư nhân chiếm gần 90%, luôn đảm bảo “bảo hiểm y tế toàn dân” cũng như coi trọng các hội hành nghề y dược tư nhân. Ở Trung Quốc là chính sách mở cửa đầu tư nước ngoài, cho phép đối tác nước ngoài sở hữu đến 70% bệnh viện liên doanh. Ở Indonesia thì cho phép các bác sĩ thuộc bệnh viện công được khám bệnh tư nhân sau giờ làm việc. Ở Philippines thì 45% giường bệnh cả nước thuộc về khối tư nhân. 

Như vậy, khi thành lập bệnh viện tư nhân chất lượng cao ở Việt Nam, xét về vĩ mô, phải có 3 điều kiện cơ bản: thu nhập người dân có khả năng chi trả cho dịch vụ y tế chất lượng cao, chính sách Nhà nước ủng hộ nhà đầu tư nước ngoài (ví như Cuba không khuyến khích đầu tư bệnh viện nên chẳng có nhà đầu tư nào mặn mà), có bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tư nhân hoạt động tốt vì khi như vậy, người dân có quyền mua bảo hiểm y tế và được chi trả một cách thỏa đáng. Ở Việt Nam, cả 3 điều kiện này đang được cải thiện đáng kể. 

Thảm đỏ cho nhà đầu tư hướng đến việc xây dựng mô hình bệnh viện chất lượng cao đã có, vậy tiêu chí chất lượng cao ở đây là gì? Điều này đề cập đến các khía cạnh chăm sóc sức khỏe liên quan như môi trường bệnh viện, dịch vụ chuyên môn, phòng ốc tiện nghi, dịch vụ ăn uống (F&B) cho bệnh nhân và năng lực giải quyết nhanh gọn, hiệu quả các sự cố. Một số bệnh viện lớn đã và đang chuẩn hóa để đạt đến chứng nhận quốc tế, đơn cử như Bệnh viện FV được tổ chức HAS (Tổ chức Giám định chất lượng y tế của Pháp) công nhận hay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh hoàn tất hồ sơ xin xếp hạng bệnh viện theo tiêu chuẩn khách sạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Để xây dựng bệnh viện chất lượng cao, nhà đầu tư cần chuẩn bị gì? 

BÀI TOÁN ĐẦU TƯ

Trước hết là về vốn. Tùy theo quy mô bệnh viện mà vốn đầu tư khác nhau, có thể tham chiếu 3 mô hình bệnh viện FV, Vũ Anh và An Sinh. 

FV có 10 sáng lập viên, 9 trong số đó là các bác sĩ người Pháp, 1 là luật sư và 400 cổ đông khác là bác sĩ các nước châu Âu như Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, theo mô hình tư nhân nước ngoài với vốn 42 triệu USD (khoảng 672 tỉ đồng), trong quá trình hoạt động vẫn tăng vốn để tái đầu tư. Ông Jean-Marcel Guillon, Tổng Giám đốc FV, cho biết, đất và công xây dựng chiếm phần lớn trong cơ cấu vốn, thứ 2 là trang thiết bị, thứ 3 mới đến nhân lực. Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh (hiện đã đổi tên thành Bệnh viện Anh Minh) tuy không công bố tổng vốn đầu tư nhưng cho biết suất đầu tư cho bình quân 1 giường bệnh khoảng 1,9 tỉ đồng. Tổng vốn do Công ty Vũ Anh đầu tư có sự hỗ trợ 45 tỉ đồng vốn vay không lãi suất trong 7 năm theo chương trình kích cầu đầu tư của Ủy ban Nhân dân TP.HCM. Còn Bệnh viện Đa khoa An Sinh có diện tích sử dụng gần 10.000 m2 thì tổng vốn đầu tư xây dựng và trang thiết bị là 100 tỉ đồng với 14 khoa, 8 phòng mổ và các hệ thống xét nghiệm, chẩn đoán, nội soi, phẫu thuật, trung tâm lọc thận và sản phụ khoa.

Từ mô hình 3 bệnh viện tư nhân trên có thể thấy, cơ cấu vốn hạ tầng chiếm tỉ trọng lớn nhất, nhà đầu tư phải có trong tay tối thiểu 100 tỉ đồng mới có thể xây dựng bệnh viện quy mô 10.000 m2. Nếu không được chính quyền sở tại ủng hộ cho thuê đất với giá tốt thì nhà đầu tư Việt Nam khó mà xây dựng được bệnh viện tầm cỡ.

 

Ông Vũ Văn Hải, Giám đốc Tài chính Bệnh viện Vũ Anh, cho biết, không dễ để vay tiền từ chương trình kích cầu đầu tư của Nhà nước, nhưng cơ quan này vẫn cho tư nhân vay khi dự án đệ trình khả thi. Bà Trương Thị Tuyết Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Vũ Anh, nói thêm: “Thời gian vay 7 năm không dài cho mô hình đầu tư bệnh viện, nhưng đây là sự hỗ trợ tích cực và cũng cho thấy sự quan tâm của Chính phủ”.

Không chỉ FV, Vũ Anh mà các bệnh viện cho biết, vì đầu tư bệnh viện huy động vốn rất lớn cho đất, trang thiết bị, con người, mang tính lâu dài nên thời điểm hoàn vốn tối thiểu là 5 năm, thậm chí là 10 năm. Bà Nga nói: “Thời điểm dài sẽ mang theo rủi ro lớn, nếu không thành công thì mất trắng công sức, thời gian, tiền bạc. Nhưng đây là đặc thù của ngành, đầu tư phải lớn, rủi ro phải chấp nhận cao thì mới hy vọng thành công”. 

Từ nguồn vốn này, cơ sở hạ tầng cho bệnh viện cần được xây dựng dựa trên các yếu tố sau:

Trước hết là diện tích sử dụng. Tham khảo một số bệnh viện lớn như FV, Phụ sản Quốc tế, An Sinh, Triều An cho thấy, nếu lấy diện tích xây dựng trên 10.000 m2 thì có đến 2/5-3/5 diện tích dành cho việc tạo cảnh quan môi trường. Diện tích sử dụng còn lại, các bệnh viện thường chia thành 2 khu riêng biệt khám và điều trị với trung bình 200 giường bệnh cộng 1 tầng hầm đậu xe và tầng F&B. 

Thứ 2 là cấu trúc “liên hoàn” theo quy trình Lean. Quy trình này được áp dụng trong bệnh viện để giảm thiểu đi lại cho người bệnh, tiết kiệm thời gian. Cụ thể với nhiều bệnh viện công, bệnh nhân phải đi lên lầu thanh toán chi phí, sau đó xuống tầng trệt khám bệnh hoặc chạy lòng vòng qua nhiều cơ sở. Trong khi đó, các “bệnh viện khách sạn”, chẳng hạn Bệnh viện Hoàn Mỹ có thiết kế logic khép kín từ ngoài vào trong, từ dưới đi lên theo phân khu “thu phí - khám bệnh - điều trị”, mỗi tầng đều triển khai dây chuyền này nhằm đảm bảo sự tiện lợi cao nhất.

Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn.
Bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Thứ 3 là hệ thống làm sạch và IT, những yếu tố vô cùng quan trọng của bệnh viện. Đơn cử như Vũ Anh, ngoài hệ thống lạnh trung tâm chuyên dụng cho y tế, bệnh viện này còn thiết lập hệ thống vô khuẩn sát trùng tạo độ sạch không khí đến 99,99% cho phòng mổ, bên cạnh đó là hệ thống khí nén và oxy âm tường đến tất cả các giường bệnh. Cũng theo mô hình các “bệnh viện khách sạn”, Vũ Anh còn triển khai công nghệ mạng toàn cầu phục vụ công tác hội chẩn, theo dõi và thăm khám từ xa.

Thứ 4 là vấn đề xử lý chất thải. Ở TP.HCM, có hơn 1/2 bệnh viện công chưa đầu tư hệ thống xử lý rác, nước thải tối ưu và rất nhiều bệnh viện tư cũng vậy. Trong nước thải bệnh viện có 20% chất gây hại, nếu không xử lý tốt sẽ là mối đe dọa cho môi trường và bệnh nhân. Đó là lý do các bệnh viện dân lập chất lượng cao thành lập gần đây đều chú trọng quy trình này, dù con số đầu tư lên đến 20-30 tỉ đồng. Tiêu chuẩn chung là rác y tế phải được đựng trong túi màu vàng, rác sinh hoạt cho vào túi khác màu, buộc kỹ và đựng trong thùng, sau đó, hợp đồng với xí nghiệp xử lý chất thải y tế đến thu gom. Về nước sinh hoạt phải được bệnh viện xử lý qua máy lọc nước vô khuẩn dùng cho phẫu thuật, còn nước thải cũng được thanh lọc khuẩn bằng hóa chất trước khi thải vào cống thoát nước chung.

Thứ 5 là thiết bị y tế. Do các bệnh viện muốn cạnh tranh phải dựa trên chất lượng khám bệnh và điều này cần đến sự hỗ trợ của một hệ thống thiết bị y tế hiện đại nhất. Với mô hình bệnh viện đa khoa, toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị hiện đại phần lớn được nhập từ chính hãng hoặc từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật. Một số trang thiết bị cơ bản, hiện đại nhất hiện nay cho bệnh viện chất lượng cao có thể kể đến là hệ thống mổ nội soi OR1, hệ thống máy MSCT 64 lát cắt và MRI 1,5T kết hợp cùng máy siêu âm Doppler màu chuyên tim mạch, máy X-quang di dộng số hóa 3D ARCADIS Orbic (C-Arm 3D), máy siêu âm màu 4D Siemens Acuson X500. 

Thứ 6 là tiêu chí thiết kế. Nội thất bệnh viện phải làm cho bệnh nhân cảm nhận như ở nhà. Chẳng hạn, vào sảnh đợi của Bệnh viện FV đã nghe tiếng nhạc du dương do nghệ sĩ piano biểu diễn, vào đến khoa nhi thì phòng ốc trang trí nhiều màu sắc, hình ảnh dễ thương, và tham quan xung quanh, khách hàng sẽ không bị gặp những poster bệnh tật như ở trong các bệnh viện công, mà thay vào đó là tranh nghệ thuật. Bác sĩ Guillon, Bệnh viện FV, nói: “Chúng tôi xem bệnh nhân là khách hàng chứ không phải người bệnh, vậy phải làm cho khách hàng cảm thấy thoải mái, dễ chịu nhất!”.

Sảnh chờ bệnh viện Pháp-Việt (FV).
Sảnh chờ bệnh viện Pháp-Việt (FV).

Theo mô hình quản trị bệnh viện nước ngoài, việc điều hành bệnh viện chất lượng cao cũng tương tự như vận hành một trung tâm dịch vụ khách hàng. Bên cạnh giám đốc y khoa còn có người quản lý bệnh viện, do bệnh viện chất lượng cao phải đáp ứng nhiều dịch vụ khác như nhà hàng, F&B… bên cạnh dịch vụ khám chữa bệnh. Quản lý bệnh viện hiện đại không còn “tập quyền trung ương” mà phân chia thành từng bộ phận chuyên môn. Thay vì đội ngũ dịch vụ y khoa trước kia phải báo cáo với bác sĩ thì hiện nay được phân chia rõ ràng hơn. Ví dụ ở Khoa Nha Bệnh viện FV, ê-kíp làm việc chung gồm bác sĩ, trợ lý y khoa, điều dưỡng, tiếp tân nhưng họ không cần báo cáo với bác sĩ. Mỗi vị trí như vậy có một giám đốc riêng, và trên hết có một giám đốc điều hành chung. 

Bên cạnh đó, cũng như doanh nghiệp, bệnh viện cần bộ phận quản trị chất lượng. Trong bất kỳ vụ việc sai sót từ chuyên môn hoặc phản hồi từ bệnh nhân đều phải nhanh chóng được đánh giá, phân tích, đưa ra giải pháp, giải quyết. Bệnh viện FV còn sử dụng một công ty chuyên đo lường mức độ hài lòng của bệnh nhân đối với bệnh viện qua mỗi năm. 

Mặt khác, mỗi bộ phận phải có đồng phục riêng: bác sĩ mặc blouse trắng, nhân viên mặc quần áo có màu khác nhau phân biệt từng bộ phận, giúp người bệnh có cảm giác như đang ở trong khách sạn. Quan trọng hơn là nhân viên và kể cả bác sĩ đều được huấn luyện dịch vụ chăm sóc khách hàng. Thông thường, các quốc gia châu Á khác như Philippines, Thái Lan, Singapore, bác sĩ hành nghề độc lập. Họ đến các bệnh viện với tư cách hợp tác, có thể sử dụng phòng khám, dịch vụ bệnh viện, nhưng bệnh nhân là của họ. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, ngành y tế có những quy định không cho phép bác sĩ bệnh viện công làm thêm trong giờ tại các cơ sở y tế tư nhân, ngay cả nhiều bệnh viện công còn cấm bác sĩ làm thêm trong lẫn ngoài giờ. Đây là một trong những khó khăn lớn khi đầu tư bệnh viện. 

Vì thế, để tồn tại, các bệnh viện tư nhân không còn cách nào khác là hút nhân tài cho các vị trí bác sĩ khám điều trị, quản lý chuyên môn (giám đốc, tổng giám đốc) theo cách thức cạnh tranh của thị trường về mức lương (các bệnh viện tư trả lương bác sĩ cao gấp 3-5 lần bệnh viện công), điều kiện đãi ngộ (bác sĩ mua cổ phần bệnh viện), môi trường làm việc (cho phép bác sĩ sử dụng trang thiết bị y tế tiên tiến nhất và đào tạo lên cao), sự thăng tiến (cho bác sĩ giỏi quyết định những công việc quản lý thuộc chuyên môn). Nhưng 80% sự thành công trong việc “hút” nhân sự cao cấp là nhờ vào các mối quan hệ quen biết hoặc chính thành viên ban điều hành cũng là bác sĩ có tiếng trong các bệnh viện công lập. 

Tuy nhiên, không chỉ hút bác sĩ về làm việc toàn thời gian cho bệnh viện của mình qua những điều kiện nêu trên, các bệnh viện dân lập chất lượng cao như FV, Vũ Anh, An Sinh cũng có sự liên kết chặt chẽ, công khai với nhiều bác sĩ và bệnh viện công lập hàng đầu tại TP.HCM. Và để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, các bệnh viện cao cấp còn tiến hành liên kết với những bệnh viện nước ngoài để tận dụng nguồn bác sĩ chất lượng cao, phục vụ chữa trị cho những ca bệnh phức tạp, đơn cử như Vũ Anh liên kết với các bác sĩ Tập đoàn The West Clinic (Mỹ) chuyên tầm soát ung thư sớm. 

Bệnh nhân là cốt lõi của hoạt động bệnh viện. Vậy chăm sóc bệnh nhân thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất? 

Chăm sóc bệnh nhân thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất?
Chăm sóc bệnh nhân thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất?

Có thể tham khảo từ mô hình Bumrungrad, bệnh viện quốc tế tư nhân đầu tiên của Thái Lan. Nếu bệnh nhân từ Việt Nam hay bất kỳ một quốc gia nào tới chữa bệnh, sẽ được hướng dẫn từ A đến Z với rất nhiều hướng dẫn viên luôn túc trực ở các phòng chờ, tầng khám bệnh. Đội ngũ hướng dẫn có thể nói lưu loát 15 ngôn ngữ. Vào khu vực tiền sảnh bệnh viện, bệnh nhân có thể tham khảo lý lịch chuyên môn của bác sĩ qua hệ thống internet để chọn bác sĩ theo yêu cầu. Ngoài ra, xung quanh khuôn viên bệnh viện còn có nhà hàng McDonald’s, kem, nhà sách, đồ chơi trẻ em, dụng cụ cho người bệnh. Về viện phí, bệnh nhân quốc tế chỉ trả một mức giá khá cạnh tranh, phòng VIP giá 200 USD/ngày, tiện nghi như khách sạn 5 sao, phòng thường giá chỉ bằng một nửa. So với các nơi khác như Hồng Kông, Singapore thì giá chỉ bằng 1/3. 

Ở Việt Nam, các bệnh viện tư nhân cũng đang hướng đến cung cách quản lý và phục vụ như vậy, ví dụ như Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn. Chị Đặng Cẩm Hà, chủ một doanh nghiệp giày tư nhân trên địa bàn quận 3, cho biết: “Tôi sinh con đầu lòng ở đây. Những ngày đầu khám ở Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, bước vào sảnh rộng đã có quầy tiếp tân, các cô nhân viên nữ hòa nhã và hướng dẫn tận tình. Khi tôi đóng tiền xong thì được một người hướng dẫn trực tiếp đưa đến phòng khám chuyên môn. Lúc nhập viện chuẩn bị sinh, phòng tôi nằm được trang bị tiện nghi với kem đánh răng, bàn chải, khăn, lược được in logo của bệnh viện, có thêm TV, tủ lạnh, đầu máy được nhân viên bệnh viện hướng dẫn sử dụng. Khi xuất viện, tôi và bé còn được tặng quà nữa”. Không chỉ Phụ sản Quốc tế Sài Gòn mà nhiều bệnh viện dân lập quốc tế tại Việt Nam cũng rất có “nghề” trong chuyên môn phục vụ.

Nói thêm về chuyên môn, nếu điều trị ngoại trú thì với bệnh viện công, bác sĩ gặp bệnh nhân khoảng 5-10 phút hoặc ít hơn, trong khi bác sĩ các bệnh viện chất lượng cao gặp bệnh nhân trung bình 15 phút, có khi đến 45 phút, nghĩa là đủ thời gian để chẩn đoán, thăm hỏi bệnh nhân. Về dịch vụ điều dưỡng, trung bình 1 điều dưỡng chăm sóc 8-10 bệnh nhân, với chăm sóc đặc biệt thì 2 điều dưỡng/3 bệnh nhân, với trẻ sơ sinh thì 1 điều dưỡng/bệnh nhi. Về giá viện phí thì hợp lý trong điều kiện thu nhập ở Việt Nam, chẳng hạn phòng dành cho VIP (1 giường, tiện nghi 5 sao) có giá từ 1,8-2 triệu đồng/ngày, phòng cao cấp (2 giường, tiện nghi 5 sao) có giá 1,2-1,5 triệu đồng/ngày. Tiện nghi 5 sao được hiểu là phòng có TV, tủ lạnh, máy sấy tóc, ấm nước, trà, phục vụ 3 bữa ăn theo tiêu chuẩn khách sạn. Một bệnh nhân phải trả theo chương trình điều trị bệnh trọn gói chứ không chia ra từng phần. Tại các bệnh viện tư nhân, mọi chi phí đều tính trọn gói và bệnh nhân được phục vụ như “thượng đế”.

Ngoài ra, dù có vẻ xa lạ khi nói về khái niệm cạnh tranh bệnh viện bằng tiếp thị, song các bệnh viện vẫn cần cạnh tranh để thu hút bệnh nhân. Chẳng hạn, vì có 50.000 người Hàn Quốc sống và làm việc tại Việt Nam nên FV có đội ngũ nhân viên phát triển thị trường này. Người Hàn Quốc có đặc thù là thích giao tiếp với người bản xứ của họ nên trong bộ phận tiếp thị của FV có hẳn nhân viên phát triển marketing là người Hàn Quốc. Trong 20% bệnh nhân là người nước ngoài của FV, có 3% là người Hàn Quốc, 3% là Campuchia, 4% là người Pháp, còn lại đến từ các quốc tịch khác nhau. Vì thế, khách hàng châu Âu và Campuchia rất tiềm năng.

Đội ngũ nhân viên bệnh viện Pháp-Việt (FV) gồm nhiều quốc tịch khác nhau.
Đội ngũ nhân viên bệnh viện Pháp-Việt (FV) gồm nhiều quốc tịch khác nhau.

Để tiếp cận phân khúc khách hàng theo quốc tịch, FV cũng tuyển dụng nhân viên marketing người Mỹ trong bộ phận thị trường châu Âu, cũng như đặt văn phòng đại diện ở thị trường Campuchia, hoặc hỗ trợ bệnh nhân đến FV chữa bệnh bằng cách liên kết với các công ty du lịch khác như Mai Linh để vận chuyển hành khách hay hỗ trợ Visa. 

Còn với 80% khách hàng người Việt, chiếm thị phần lớn không chỉ trong FV mà còn cho tất cả các bệnh viện tư thì không có gì tốt bằng marketing “truyền miệng” thông qua chất lượng, bên cạnh việc mở rộng độ nhận biết thương hiệu, thu hút thêm bệnh nhân thông qua các dịch vụ hệ thống xe buýt cao cấp đưa bệnh nhân đến tận nơi nhằm rút ngắn khoảng cách, hoặc đặt chỗ khám bệnh qua hệ thống internet. 

Bên cạnh đó là hình thức giảm giá tương tự các loại hình kinh doanh khác. Chẳng hạn, Bệnh viện Phụ sản Hồng Thái (TP.HCM) thực hiện giảm giá theo thẻ. Theo đó, khi bệnh nhân có nhã ý hợp tác với bệnh viện thông qua việc giới thiệu bệnh nhân khác đến khám thì sẽ được nhận thẻ VIP với các khoản giảm giá 5% trên giá dịch vụ trong lần điều trị đợt 1, 10% khi nhập viện lần 2. Ngoài ra, còn có Bệnh viện An Sinh với những chương trình giảm giá ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, trong thời gian đầu Bệnh viện thành lập, ở Khoa Mắt bệnh viện này có chương trình giảm 10% các loại kính, chương trình phẫu thuật lasik với 5 bệnh nhân đầu tiên giảm 50%, bệnh nhân thứ 21-50 giảm 10%, bệnh nhân thứ 51-100 giảm 5%. 

Có thể thấy, với bất kỳ một sự cạnh tranh nhỏ nhặt nào từ nhà kinh doanh thì cuối cùng vẫn là bệnh nhân được phục vụ như một khách hàng đúng nghĩa để mau sớm phục hồi!