Đức Tài Thứ Hai | 04/12/2017 11:02

Yêu hoa, viết ứng dụng cho hoa

Startup này cũng đặt tham vọng xây dựng được một hệ sinh thái cho ngành hoa Việt Nam.

Giới startup của Việt Nam đón nhận thêm một doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ vào kinh doanh hoa nhận được vốn đầu tư. Startup này cũng đặt tham vọng xây dựng được một hệ sinh thái cho ngành hoa Việt Nam.

Business Intelligence cho hoa

Gọi vốn thành công cho giấc mơ khi ở tuổi 36, anh Phạm Hoàng Thái Dương, một kỹ sư công nghệ thông tin, đã có thêm động lực để tiếp tục xây dựng một lộ trình mới phát triển những bông hoa quê hương Đà Lạt của mình.

Yeu hoa, viet ung dung cho hoa
 

Sau khi tốt nghiệp đại học và kinh doanh thất bại với một công ty chuyên về gia công phần mềm, Thái Dương nảy ra ý tưởng kinh doanh hoa bằng... ứng dụng. Dương quyết định lập website và xây dựng hệ thống dịch vụ điện hoa với tên gọi Hoa Yêu Thương. Là người gốc Đà Lạt, rất yêu và am hiểu về hoa trở thành lợi thế ban đầu của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, những lợi thế có được dường như không đủ để anh giải quyết những khó khăn khi khởi nghiệp.

“Thời điểm đó, chúng tôi có 2 khó khăn chính là kiến thức chuyên môn và không có đủ tài chính để hoạt động. Trong 3 năm đầu, chúng tôi kinh doanh mà không có cửa hàng. Phải cắm hoa trong phòng ngủ, phòng trọ rồi đi giao”, anh Dương kể lại. Thậm chí, nợ nần bủa vây khiến anh phải cầm xe máy, điện thoại...

Tuy nhiên, Hoa Yêu Thương được xem là một trong những doanh nghiệp kinh doanh hoa đầu tiên ứng dụng công nghệ quản lý và phục vụ khách hàng. Công nghệ này giúp đội ngũ nhân viên chăm sóc và quản lý được hàng triệu đơn hàng mỗi ngày. Mô hình khởi nghiệp của Thái Dương đã được Google chọn quay video để giới thiệu với các doanh nghiệp trong nước và khu vực khi ứng dụng thành công Mạng hiển thị Google (Google Display Network). Đây chính là động lực để Dương vượt qua khó khăn và theo đuổi mục tiêu của mình.

“Cửa hàng hoa truyền thống thường giải quyết tốt các đơn hàng nhỏ, từ vài chục đến vài trăm. Khi vượt quá số lượng này, có thể bị rối và không quản lý được quy trình và khi khách hàng liên lạc lại sẽ không có công cụ để truy xuất thông tin”, anh Dương cho biết.

Theo đó, để thiết lập hệ thống quản lý cửa hàng, Hoa Yêu Thương đầu tư hơn 2 tỉ đồng và nghiên cứu, hoàn thiện trong nhiều năm. Anh tự hào giới thiệu: “Chỉ vài giây truy cập, chúng tôi có thể biết được toàn bộ dữ liệu đơn hàng. Dựa theo dữ liệu này, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định kinh doanh quan trọng, đặc biệt với ngành biến động về giá như hoa tươi”.

Ví dụ, trong mùa khai thác hoa quá nhiều, dữ liệu sẽ tự động đưa ra mức giảm giá hoặc gửi thông tin tiếp thị đến những người mua thích loại hoa đó. Với nguồn dữ liệu lớn được tích lũy trong nhiều năm về thời tiết, khách hàng, giá cả... hệ thống BI (Business Intelligence) này có thể dự báo số đơn hàng bán ra để có thể chuẩn bị đủ lượng hoa, bố trí nhân sự cho những ngày được dự báo nhiều đơn hàng.

Ông chủ sinh năm 1981 của Hoa Yêu Thương cho biết, hoa của Việt Nam có đến 250 loại, giá cả biến động hằng ngày, tùy theo mùa, thời tiết, giá hoa sẽ khác nhau. Từng khu vực, từng người có nhu cầu khác nhau về hoa. Nếu kết nối được các dữ liệu này với nhau thì sẽ giải quyết được bài toán lớn của ngành trồng hoa Việt Nam.

Yeu hoa, viet ung dung cho hoa
 

Chẳng hạn, diện tích trồng hoa Đà Lạt hiện có hơn 7.600ha, sản lượng đạt 2,5 tỉ cành, trong đó có 10% được xuất khẩu, đạt giá trị 26 triệu USD; 60% được tiêu thụ tại TP.HCM. Con số xuất khẩu trên chưa tương xứng với tiềm năng và khả năng cung ứng của Đà Lạt. Đồng thời, ở diện rộng, người trồng hoa còn đối mặt với quá nhiều rủi ro do không nắm được thông tin người mua, dẫn đến tình trạng được mùa mất giá hoặc ngược lại. “Chỉ có công nghệ hoặc sở hữu công nghệ đặc biệt mới có thể giúp cho doanh nghiệp đi xa được”, anh Dương nhận định.\

Mới đây, Hoa Yêu Thương đã nhận được vốn rót và khoản vay tới 1 triệu USD từ Greenwings, một công ty xuất khẩu hoa có trụ sở tại Hà Lan. Khoản đầu tư được chia làm 2 phần trong đó 500.000USD được Greenwings chuyển trước với tư cách là đối tác chiến lược. Phần còn lại, công ty này cam kết rót vào Hoa Yêu Thương dưới hình thức khoản vay. Khoản vay này bước đầu sẽ là nền tảng để startup này đẩy mạnh thị trường Việt Nam và Campuchia.

Greenwings đang tăng cường sự hiện diện tại 9 quốc gia trong đó có Việt Nam. Đặc biệt đây là đơn vị đang vận hành thương hiệu Dalat Hasfarm - nơi sản xuất độc quyền giống hoa Calimero cho toàn bộ châu Á. Được biết, cuối năm 2016, tập đoàn này chiếm đến 98% trong số 95 triệu hoa cắt cành xuất khẩu của Việt Nam với giá trị khoảng gần 11,8 triệu USD.

Hệ sinh thái của hoa Việt

Thương vụ trên sẽ giúp Greenwings thâm nhập sâu hơn thị trường hoa Việt Nam bởi Hoa Yêu Thương đang liên kết với các cửa hàng hoa khắp cả nước. Được biết, ngành công nghiệp hoa tươi thế giới có quy mô 100 tỉ USD được dự báo năm 2017. Ngoài các nước xuất khẩu hoa tươi truyền thống như Hà Lan và Mỹ, có hai gương mặt mới nổi thuộc châu Á là Malaysia và Campuchia. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp hoa quy mô lớn. Đây cũng là cơ hội của những doanh nghiệp kinh doanh hoa như Hoa Yêu Thương.

Mặc dù được xếp vào quy mô khởi nghiệp nhưng Hoa Yêu Thương cũng được tổ chức bài bản về mô hình. Hiện Công ty có 70 nhân viên đảm nhiệm những công việc chuyên biệt như người viết chữ, giao hàng, điện thoại viên, đặc biệt là phòng IT quản lý hệ thống. Công ty đang đặt ra kế hoạch đầu tư tiếp 4 tỉ đồng để dần hoàn thiện hệ thống nhằm xử lý nhiều đơn hàng hơn.

Hoa Yêu Thương có chi nhánh và cơ sở liên kết ở 63 tỉnh, thành và một trung tâm lưu trữ, xử lý đơn hàng ở TP.HCM. Hoa Yêu Thương có thể cung ứng cho những đơn đặt hàng khu vực TP.HCM và nơi gia công ngược lại cho các đại lý ở tỉnh.

“Có thể sẽ tốn kém nhưng tôi sẽ cố gắng để tạo ra được một hệ sinh thái lớn cho ngành hoa được tổ chức bài bản hơn. Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp hoa phát triển trên thế giới”, anh Dương chia sẻ về tham vọng của mình.