Yêu+ ghét =?
Tất cả chúng ta đều từng có những nhiệm vụ tốn thời gian hoặc rất khó thực hiện, đến nỗi ta cứ trì hoãn đến phút cuối và nhiều khi không thể hoàn thành.
Thế nhưng liệu ta có thể hoàn thành những nhiệm vụ này bằng cách gắn liền chúng với những thứ chúng ta thực sự yêu thích? Nghiên cứu chỉ ra rằng việc gắn liền những gì ta thích làm và những gì ta nên làm là một giải pháp hữu ích giúp ta chinh phục các mục tiêu của mình.
Phương pháp này được gọi là 'gộp nhóm những ham muốn' và nó giúp bạn kết hợp hai hoạt động khác biệt nhưng lại bổ trợ cho nhau.
"Tôi chỉ làm móng chân khi cùng lúc làm những việc khác như đọc tài liệu," Katherine Mikman, một giáo sư về kinh tế tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennyslvania, nói. "Những người khác thì thường đọc email hoặc xem báo cáo."
Ví dụ khác? Đi đến một nhà hàng mà bạn yêu thích với một đồng nghiệp khó gần, hoặc với một ai đó mà bạn có trách nhiệm phải dành thời gian cho, ví dụ như một người họ hàng. Nói một cách ngắn gọn, việc gộp chung những điều bạn thích với những điều bạn không thích sẽ giúp bạn có động lực vượt qua những nhiệm vụ mà thường ngày bạn có thể sẽ không hoàn thành nổi.
Một ví dụ khác là bạn có thể nói chuyện tiền bạc với vợ hoặc chồng mình trong một buổi tối khi cả hai ra ngoài đi chơi, theo lời khuyên của chuyên gia tài chính Scoot Pape. Bạn cũng có thể làm việc tại máy tập chạy để vừa tập thể dục, vừa không bị mất hiệu suất lao động, theo gợi ý của Bri Williams, nhà sáng lập People Patterns ở Melbourne, Úc.
Quyết tâm thực hiện
Việc tập thể dục thường xuyên bị cho là một nhiệm vụ nặng nề nên Milkman đã sử dụng nó để thử nghiệm tính hiệu quả của phương pháp 'gộp chung ham muốn'.
Milkman đã khuyến khích các sinh viên tập thể dục trong lúc nghe âm thanh đọc những cuốn sách điện tử hấp dẫn, ví dụ như The Hunger Games. Một nhóm chỉ được phép nghe âm thanh đọc sách ở phòng tập, đã tập chăm hơn 51% so với nhóm có thể nghe vào lúc họ muốn nghe.
Một nhóm khác không bị giới hạn quyền nghe nhưng được khuyến khích nghe trong lúc tập cũng chăm tập hơn 29% so với nhóm được nghe tùy thích.
Mặc dù hiệu ứng của thử nghiệm này giảm dần theo thời gian, nhưng ở cuối thử nghiệm, 61% những người tham gia đã chọn trả tiền để tới phòng tập. Giải pháp gộp chung sự ham muốn đã tỏ ra đủ hiệu quả để khiến họ muốn tiếp tục được nghe âm thanh đọc sách trong lúc tập.
Đây giống như một loại dụng cụ làm tăng quyết tâm, cũng giống như một phần thưởng hay hình phạt đối với việc hoàn thành hay thất bại trước một nhiệm vụ nào đó. Tuy nhiên, Milkman nói, phương pháp này rất khác với những công cụ tăng quyết tâm từng được nghiên cứu trước đây.
Lợi ích của phương pháp này đến từ việc làm hai thứ có thể đi đôi với nhau. Cái khó ở đây là tìm hai thứ có thể kết hợp với nhau và thậm chí bổ trợ cho nhau. "Bằng việc khắc phục yếu tố nhàm chán nhất của những nhiệm vụ bạn không muốn thực hiện, bạn sẽ giảm khả năng bỏ cuộc khi quá bận rộn," Williams nói.
"Bí quyết ở đây là gộp chung những nhiệm vụ với yêu cầu khác nhau. Ví dụ nếu một nhiệm vụ yêu cầu sự tập trung, bạn sẽ không muốn thực hiện nó cùng với một nhiệm vụ khác cũng cần sự tập trung. Việc đọc sách trong lúc nghe đài sẽ rất khó thực hiện, trong khi việc nấu ăn và nghe đài sẽ dễ làm cùng lúc hơn."
Vậy điểm yếu của phương pháp này là gì?
Williams nói bạn có khả năng sẽ mất hứng thú đối với những việc thích làm nếu gắn liền chúng với những thứ bạn không yêu thích."Bạn có thể dần dần muốn tránh làm cả hai thứ." Milkman cũng cho biết phương pháp này có thể khiến chúng ta ghét những điều mình từng yêu thích, tuỳ thuộc vào việc hai nhiệm vụ tương khắc nhau ra sao.
"Khả năng là việc gượng ép quá mức sẽ làm hỏng mọi thứ. Cho đến nay chúng tôi vẫn chỉ thử nghiệm phương pháp này với hai nhiệm vụ không quá tương khắc nhau," Milkman nói. "Vì vậy đó vẫn còn là một câu hỏi mở và vẫn cần rất nhiều thực nghiệm để trả lời một cách đầy đủ."
Nguồn BBC Capital