Chỉ trong 5 ngày của buổi triển lãm đầu tiên, Diêu Lương Tùng đã nhận được hơn 60 đơn đặt hàng, với tổng giá trị lên tới 500.000 NDT. Ảnh: TL.
"Vua tủ bếp" Trung Quốc: Từ trốn nợ đến tỉ phú nội thất
Ông Diêu Lương Tùng sinh năm 1964 trong một gia đình nông dân nghèo tại Mai Châu, tỉnh Quảng Đông. Ông là con cả, dưới còn có 2 em trai và 1 em gái. Ông là người duy nhất trong gia đình được đến trường, thành tích học tập của ông từ nhỏ cũng rất tốt. Năm 17 tuổi, ông học Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh với điểm số cao thứ hai toàn huyện.
Năm 1986, Diêu Lương Tùng tốt nghiệp trường Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh. Sau đó ông được cử đến làm giáo viên dạy kỹ thuật tại Nhà máy Sản xuất Máy bay Changhe ở tỉnh Giang Tây. Sau một thời gian, Diêu Lương Tùng buồn rầu nhận ra mức lương 60 NDT/tháng không đủ để nuôi sống gia đình.
Thất bại đầu đời
Sau khi khảo sát kỹ lưỡng, ông Tùng quyết định cùng bạn học mở nhà hàng để kinh doanh trong thời gian rảnh rỗi. Hai người hợp tác với nhau, quyên góp được 2.000 NDT và thuê một địa điểm rộng chưa đến 20m2. Ngoài việc lên lớp vài buổi mỗi tuần, ông dồn hết tâm sức vào việc quản lý nhà hàng.
Nhưng nhà hàng chỉ tồn tại được vài tháng. Ông gánh trên vai khoản nợ hơn 1.000 NDT. Với mức lương lúc đó, nếu không tiêu một đồng nào, phải 1 năm ông mới trả được hết nợ. Cay cú vì thất bại, chàng trai trẻ vay hơn 10.000 NDT từ người quen để ký hợp đồng mở nhà hàng khác tại khách sạn Thúy Vân - 1 trong 4 khách sạn lớn trong vùng, với mục đích gỡ gạc.
Việc làm ăn mới khởi sắc một chút thì Diêu Lương Tùng lại rơi vào vòng xoáy thời đại năm 1988, nền kinh tế lạm phát trầm trọng. Ảnh: TL. |
Cuối cùng, ông bị đuổi khỏi trường vì không có tiền đóng tiếp, nhà hàng trở thành điểm tựa cuối cùng. Ông làm việc bất kể ngày đêm, tự mình làm mọi thứ để tiết kiệm chi phí, từ mua sắm đến rửa rau, thái thịt...
Việc làm ăn mới khởi sắc một chút thì ông Tùng lại rơi vào vòng xoáy thời đại năm 1988, nền kinh tế lạm phát trầm trọng. Sau nhiều tháng chăm chỉ làm việc, ông lại gánh tiếp khoản nợ 10.000 NDT. Bị chủ nợ đến đe dọa thường xuyên, ông Diêu Lương Tùng không còn cách nào khác ngoài bỏ trốn, chờ thời gian hồi phục.
Ở tuổi 25, ông đi nhiều nơi nhờ vả bạn bè tìm công việc nhưng đều tìm được lối thoát cho bản thân. Ở tuổi 26, ông may mắn được một ông chủ chuyên về sản xuất thiết bị y tế thuê. Sau 1 năm, ông kiếm được hơn 100.000 NDT. Việc đầu tiên ông làm sau khi nhận lương là trả lại tất cả các khoản nợ trước đây, kể cả lãi.
Từ lời nói vu vơ của em gái tạo nên vị tỉ phú nhà bếp tại Trung Quốc
Năm 1992, ông Diêu Lương Tùng bắt đầu tự kinh doanh riêng. Ông thành lập Công ty TNHH Phát triển Công nghệ mới Kexin Quảng Châu, chuyên về thiết bị y tế. Chỉ trong 2 năm, người đàn ông này đã kiếm được khoản lợi nhuận kếch xù lên tới 2-3 triệu NDT (khoảng 10 tỉ VNĐ).
Năm 1994, ông quyết định cùng gia đình định cư ở Quảng Châu. Khi đi xem nhà mẫu, em gái ông liền thốt lên: "Những chiếc tủ bếp này đẹp quá! Giá mà ta có một bộ trong nhà". Người nói vô tâm, nhưng người nghe hữu ý. Ông bỗng nghĩ: "Loại tủ này mới du nhập vào Trung Quốc, ngay cả một cô gái đang đi làm công cũng muốn, chắc chắn sẽ có rất nhiều người thích. Ai cũng muốn cuộc sống của mình dễ chịu và tiện nghi hơn".
Trực giác mách bảo ông rằng chiếc tủ này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng nhà bếp ở Trung Quốc - một sản phẩm cả thành thị lẫn nông thôn đều ưa chuộng. Ảnh: TL. |
Trực giác mách bảo ông rằng chiếc tủ này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng nhà bếp ở Trung Quốc - một sản phẩm cả thành thị lẫn nông thôn đều ưa chuộng. Ông ném đá dò đường, đầu tư hơn 200.000 NDT để mua một chiếc máy. Ông thuê hàng chục thợ mộc, và sau 3 tháng làm thủ công tỉ mỉ, đã tạo ra 3 bộ tủ mô phỏng theo thiết kế châu Âu.
Chỉ trong 5 ngày của buổi triển lãm đầu tiên, vị tỷ phú đã nhận được hơn 60 đơn đặt hàng, với tổng giá trị lên tới 500.000 NDT. Biết đây là một lĩnh vực có lời, ông mạnh dạn đầu tư thêm 2 triệu NDT để sản xuất công nghiệp hóa, chuyển hoàn toàn sang làm nội thất.
Thừa thắng xông lên, ông thành lập hãng nội thất Oppein Home Furnishing, tạo ra một cuộc cách mạng nhà bếp lớn tại Trung Quốc. Oppein trở thành công ty dẫn đầu thị trường nội thất, đồng thời ông cũng được mệnh danh là "Vua tủ bếp". Năm 2017, Oppein Home Furnishing chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, phát hành 50 triệu cổ phiếu và huy động được 2,3 tỉ NDT.
Năm 2020, doanh thu của Oppein Home Furnishing đạt 15,5 tỉ NDT, còn giá trị thị trường ở mức 88 tỉ NDT. Hiện tại, ông Diêu Lương Tùng sở hữu khối tài sản trị giá 9,7 tỉ USD, đứng thứ 241 trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes. Ông cũng nằm trong top 100 người giàu có nhất Trung Quốc."Cơm phải từng miếng một mà ăn." Đây là tinh thần kinh doanh mà Diêu Lương Tùng luôn tâm niệm trong lòng.