Thanh Hương Thứ Năm | 12/05/2022 08:33

“Vua hồ tiêu” 3 lần thoát hiểm

Câu chuyện suýt bị lừa 3,2 triệu USD cách đây 15 năm là bài học vô giá của “vua hồ tiêu” Phan Minh Thông.

Với sự nhạy bén được tích lũy trong suốt 20 năm làm kinh doanh, ông Phan Minh Thông đã nhiều lần giúp công ty của mình thoát hiểm trong gang tấc.

Chấp nhận mất thị trường Nga 

 

Khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, nhiều công ty gọi điện cho ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Phúc Sinh Group, nói rằng: “Bế tắc rồi, mất hết rồi”. Ngay lập tức, ông Thông yêu cầu dừng lại tất cả container cà phê, hồ tiêu đang trên đường đến Nga. Ông quyết định bán số hàng đó cho khách hàng tại các cảng mà hàng của Phúc Sinh dừng lại ở Singapore, Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ...

Sự nhạy bén và quyết đoán của ông Thông đã giúp Phúc Sinh xử lý nhanh đơn hàng nhưng sau đó Công ty mất toàn bộ khách hàng từ thị trường Nga, một thị trường có sản lượng xuất khẩu khoảng 30 triệu USD/năm.

“Đó là mất mát rất lớn của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn những con đường khác, cánh cửa khác có thể mở ra”, ông Thông chia sẻ.

Hoạt động gần 20 năm trong lĩnh vực nông sản, nhà xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất Việt Nam có nhiều bạn hàng lớn trên thế giới. Sau sự kiện trên, Phúc Sinh nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Pháp, Đức, Thụy Sĩ để bù cho khoảng trống của thị trường Nga. 

Suýt mất 37 container hồ tiêu
Tự nhận mình là người sống đơn giản, nên khi có những tình huống xảy ra, ông thường bóc tách các sự kiện từ khó khăn thành đơn giản để giải quyết nhiều tình huống giúp Công ty chuyển bại thành thắng. 

Câu chuyện lừa đảo 36 container điều của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào đầu năm nay gợi nhớ câu chuyện cách đây 15 năm, khi đó ông Thông đã suýt bị lừa mất 37 container hồ tiêu. 

Tại Đức, một ngày tháng 10/2007. Ở gian hàng của Phúc Sinh tại Anuga, một hội chợ về thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới, ông Thông gặp ông Mike Tyson. Vị khách này giới thiệu công ty của mình tên là Varna đến từ Bulgari.

“Tôi quan tâm đến tiêu đen của Việt Nam. Hằng năm chúng tôi nhập một số lượng lớn và chúng tôi đi tìm các nhà cung cấp có thể cung cấp được một lượng tiêu lớn ổn định”, ông Mike Tyson đặt vấn đề.

Khi về đến Việt Nam, ông Thông nhận được email của ông Mike Tyson ngỏ ý muốn mua 50 container hạt tiêu. Lúc đó Phúc Sinh chỉ gom được 37 container và sau nhiều đàm phán, khách trả cọc 10% cho đơn hàng, tổng giá trị đơn hàng lúc này lên đến 3,2 triệu USD. Mặc dù trả cọc trước qua ngân hàng nhưng người mua liên tục hỏi về mã vận đơn. Nếu khách hàng có mã vận đơn thì có thể lấy hàng khi cập cảng. Ông Thông quyết định không cấp mã vận đơn cho đối tác. Nhờ vậy, Phúc Sinh may mắn tránh được cảnh mất hàng.

“Khi được Ngân hàng Vietcombank thông báo nghi ngờ có sự lừa đảo nên khi nhận lại chứng từ có mã vận đơn, trong tôi đầy cảm giác lo sợ xen lẫn vui mừng”, ông Thông nhớ lại.

 

Không mất hàng nhưng để lấy hàng về lại Việt Nam cũng là cả một quá trình “đau tim” mà ông Thông đã vượt qua. “Đôi khi anh phải đối mặt với mọi thứ nguy hiểm và quan trọng là anh có đủ thông minh, sáng suốt, can đảm giải quyết sự cố hay không”, ông nói.

Lần đầu làm tài xế

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam bắt đầu thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Các nước phương Tây đã thực hiện trước. Ông Thông nhanh chóng nói chuyện với khách hàng và tìm cách duy trì xuất khẩu sang thị trường này. “Tôi thấy họ căng thẳng hơn cả Việt Nam, nhưng ngành thực phẩm của họ vẫn duy trì ổn định”, ông cho biết.

Mảng xuất khẩu của Phúc Sinh khoảng 220 triệu USD/năm nhưng mảng thương mại điện tử và kinh doanh nội địa chỉ chiếm khoảng 1%. Về mảng nội địa, thời điểm giãn cách có đến 40% nhà máy trong ngành phải đóng cửa.

 

Lúc đó, ông Thông nhận định thực phẩm thiết yếu không bao giờ thừa, nếu bây giờ mà nghỉ bán hàng thì lấy đâu tiền trả lương nhân viên, trả nợ ngân hàng, chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy và đến bao giờ mới hồi phục được sản xuất... “Ở nhà thì càng thêm căng thẳng và áp lực có thể dẫn đến trầm cảm”, ông nói.

“Bản thân tôi lần đầu trở thành tài xế chở theo nhiều người khác trên xe của mình cùng đi làm mỗi ngày”, ông Thông nhớ lại.

Lúc đó, tất cả nhân viên cùng chia nhau đi giao hàng không phân biệt bộ phận, trong suốt mấy tháng giãn cách. Doanh số của kênh bán hàng online của Phúc Sinh tăng gấp 4-5 lần bình thường.

Nếu trong giai đoạn 2019-2021 Phúc Sinh không xây dựng hệ thống nhà máy vững chắc thì có lẽ đã gặp khó trong thời điểm dịch. “Nhà máy chính là hầm trú ẩn của Phúc Sinh suốt giai đoạn dịch”, ông Thông chia sẻ.

Tính đến quý I/2022 doanh số Phúc Sinh đạt 1.320 tỉ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đây, các công ty nước ngoài chiếm thị phần lớn mảng xuất khẩu tiêu thì giờ Phúc Sinh vẫn đứng đầu thị phần xuất khẩu tiêu với sản lượng lớn. Đó là lý do vì sao người ta vẫn gọi ông là “vua hồ tiêu” dù Phúc Sinh cũng xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản khác.

Nói về mình, ông Thông cho rằng: “Bản thân tôi là một người sống giản dị và đơn giản, không để khó khăn nhấn chìm và thay đổi con người mình”.