Volkswagen: Đường về còn xa
Có hai cách giải quyết một vấn đề đáng ngại trong động cơ ô tô. Một là đại tu hoàn toàn, hai là vá víu và hy vọng rắc rối sẽ tự đến tự đi. Cách Volkswagen (VW) xử lý vụ bê bối gian lận thải khí bùng nổ vào tháng 9.2015 lại thuộc loại thứ hai. Hãng xe Đức này đang phải ráo riết thay phần mềm gian lận khí thải đã gắn vào 11 triệu chiếc xe. Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó.
Mới đây, ngày 6.11, VW cho biết một cuộc điều tra của Đức về hành vi thao túng thị trường đang tìm hiểu xem vai trò của Hans Dieter Pötsch, Chủ tịch Ban giám sát của VW, trong vụ việc này. Cuộc điều tra, vốn bắt đầu vào tháng 6.2016, cũng đang xem xét liệu Martin Winterkorn, nguyên CEO của VW và Herbert Diess, giám sát nhãn hàng chính VW, đáng lẽ đã phải tiết lộ về chuyện gian lận khí thải trước khi Công ty chính thức thừa nhận sai phạm. Điều đó thực sự không lấy gì làm dễ chịu cho cả VW lẫn ông Pötsch, nguyên Giám đốc Tài chính và được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ban Giám sát ngay đúng vào ngày cuộc khủng hoảng nổ ra. Đây cũng là lời nhắc nhở rằng vẫn còn đó câu hỏi “Ai là người tại VW biết rõ điều gì đã xảy ra?”.
Tình thế của VW càng cam go hơn khi một tờ báo Đức cùng ngày hôm ấy nói rằng các nhà chức trách Mỹ đã phát hiện ra một loại phần mềm gian lận khác giúp hạ thấp mức thải khí CO2 vẫn còn đang được gắn vào nhiều mẫu xe hạng sang Audi cho đến tháng 5.2016. Việc này có thể khiến cho VW phải gánh thêm số tiền bồi thường, tiền phạt cùng những vướng mắc pháp lý khác.
Giá cổ phiếu VW đã giảm khoảng 20% kể từ khi vụ bê bối nổ ra và VW đã phải dành ra 18,2 tỉ EUR (19,9 tỉ USD) để trang trải chi phí bồi thường cho các chủ xe và sửa chữa những chiếc xe gian lận khí thải. Tuy nhiên, thiệt hại xảy ra cho VW ít hơn những gì nhiều người nghĩ, khi tiếng tăm của Công ty đối với người mua không bị suy giảm nghiêm trọng như dự báo. Bằng chứng là doanh số bán và lợi nhuận của VW vẫn khả quan. Cuối tháng 10 vừa qua, VW đã nâng mức dự báo doanh số cả năm nay và kỳ vọng mức lợi nhuận cao hơn sau khi báo cáo doanh số bán ô tô tăng trong quý III. VW dự kiến doanh thu của Tập đoàn sẽ đạt mức 213 tỉ euro (232 tỉ USD) của năm ngoái, trong khi tháng 7 trước đó, dự báo doanh thu sẽ giảm tới 5% trong năm nay.
Matthias Müller, Tổng Giám đốc Volkswagen. Ảnh: wsj.com |
Tuy nhiên, VW đang cần phải giải quyết dứt điểm vụ bê bối gian lận khí thải một lần và mãi mãi. Bởi lẽ, quá trình giải quyết vụ bê bối đã khiến cho VW tổn hao nguồn nhân lực mà đáng lẽ phải dùng vào nhiệm vụ cấp thiết là cải thiện tình hình kinh doanh của nhãn hàng cốt lõi VW, theo Patric Hummel, thuộc UBS. Chi phí sản xuất ô tô của nhãn hàng này rất cao, một phần do VW sản xuất quá nhiều ở Đức và biên lợi nhuận cũng mỏng hơn.
Nhà đầu tư sẽ có cái nhìn bao dung hơn đối với VW, khi tất cả những rủi ro liên quan đến vụ bê bối trở nên rõ ràng và họ có thể nắm chắc chắn mức tổn hao mà VW phải chịu để giải quyết vụ việc. Nhưng điều đó sẽ mất một thời gian. Mặc dù đã đồng ý về chi phí dàn xếp và bồi thường ở Mỹ và cam kết sửa sai đối với những ô tô gian lận khí thải tại châu Âu, nhưng VW vẫn phải làm hài lòng các nhà chức trách Mỹ rằng Công ty sẽ làm điều tương tự với các động cơ diesel lớn hơn cũng có trong danh sách bị ảnh hưởng. VW cũng phải giải quyết cho xong vụ kiện tụng từ các cổ đông ở Đức cũng như mức phạt hình sự tại Mỹ.
Nhiều người trong ngành ô tô tự hỏi liệu VW có phớt lờ cuộc khủng hoảng đang diễn ra bằng cách cứ xử lý mọi việc như bình thường, mà không thực hiện những thay đổi triệt để văn hóa doanh nghiệp. Matthias Müller, Tổng Giám đốc đương nhiệm của VW, đang giao cho các nhà quản lý địa phương nhiều tự do hơn trong việc chỉnh sửa, thay đổi thiết kế ô tô và các đặc tính khác của sản phẩm. Đó là một dấu hiệu tốt, theo Citigroup. Sự tự do này chưa hề có dưới thời của ông Winterkorn nhưng lại rất cần thiết trong một lĩnh vực kinh doanh mà thị hiếu, sở thích cũng rất khác biệt ở những thị trường khác nhau.
Nhưng những cam kết của Müller trong việc cắt giảm chi phí tại VW thì vẫn chưa rõ ràng. VW dự kiến cắt giảm 3,7 tỉ euro (4 tỉ USD) chi phí tại nhãn hàng VW vào cuối năm 2020 để gia tăng khả năng sinh lời và đảm bảo cho các khoản đầu tư vào công nghệ ô tô tương lai. Các nhà máy Đức sẽ chiếm phần lớn trong khoản tiết kiệm này với mục tiêu 3 tỉ EUR, theo các nguồn tin thân cận. Họ cho biết mục tiêu này vẫn đang được bàn thảo giữa ban giám đốc với đại diện phía người lao động.
Trong một vài tuần nữa, Müller sẽ chốt lại thỏa thuận với người lao động tại nhãn hàng cốt lõi VW về các khoản cắt giảm chi phí, năng suất của nhân viên và chiến lược chung. Tuy nhiên, ít người nào kỳ vọng thỏa thuận sẽ tiến xa hơn.
“Thỏa thuận này sẽ đặt nền tảng cho việc gia tăng mạnh năng lực cạnh tranh” của nhãn hàng VW, Herbert Diess, đứng đầu nhãn hàng này, nói trước 20.000 người lao động tại nhà máy chính ở Wolfsburg, Đức. Dù hãng xe này có rất nhiều lao động, nhưng ông cho biết sẽ không có trường hợp sa thải bắt buộc nào.
Nếu thỏa thuận giữa VW với người lao động không được như mong đợi, nguyên nhân vì một phần Müller là người nội bộ lâu năm ở VW, được chọn bởi các gia đình Porsche và Piëch (kiểm soát hơn phân nửa cổ phiếu biểu quyết của VW). Cho dù các gia đình này đủ mạnh dạn để đưa vào người từ bên ngoài, một người có thể hành động quyết liệt hơn, nhưng một ông chủ như vậy sẽ vấp phải sự phản đối từ các công đoàn lao động và từ bang Lower Saxony, nơi VW đặt trụ sở và sở hữu 20% cổ phần trong Công ty. Cả hai đều có sức ảnh hưởng rất lớn đối với ban giám sát đầy quyền lực ở VW. Rõ ràng, thách thức phía trước không hề dễ dàng cho Müller.
Thế Sơn
Nguồn Tổng hợp