Vì sao tiền mặt vẫn giữ ngôi vua, bất chấp thẻ và ví điện tử?
Bài viết thể hiện quan điểm của Leonid Bershidsky, nhà sáng lập các trang tin tức kinh doanh Vedomosti và Slon tại Nga, hiện là cộng tác viên của Bloomberg View
Các nhà kinh tế học hiếm khi thừa nhận họ không hiểu điều gì đó liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của họ. Nhưng Daniel Gros, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS), đã làm như vậy trong một công trình nghiên cứu mới của Nghị viện châu Âu. Ông nhận thấy tỷ lệ tiền mặt trên GDP của các nền kinh tế phát triển trong khối OECD tiếp tục gia tăng, và xem đây là một "bí ẩn".
Chẳng phải là tiền mặt được cho là sẽ biến mất và bị thay thế bởi các phương thức thanh toán hiện đại, từ thẻ ghi nợ (debit card) và thẻ tín dụng (credit card) cho tới các ứng dụng fintech mới nhất? Tại các nước OECD, điều này vẫn chưa xảy ra, ngoại trừ tại Thụy Điển và Đan Mạch, những nước đang có chủ ý xây dựng xã hội phi tiền mặt. Đây là biểu đồ của Gros cho thấy tỷ lệ tiền mặt ngày càng tăng:
Tỷ lệ tiền mặt/GDP tại một số quốc gia trong khối OECD. Ảnh: Bloomberg/Gros |
Có một vài cách giải thích cho hiện tượng này. Đầu tiên, có thể thấy rằng việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán không tăng lên: các giao dịch không dùng tiền mặt đã tăng lên đến 617 tỷ USD trong năm ngoái, từ mức 60 tỷ USD vào năm 2010. Từ đó, có thể giả định rằng tiền giấy được sử dụng như một phương tiện tiết kiệm trong giai đoạn lãi suất gần như bằng không hiện nay.
Tuy nhiên, theo Gros, không có sự tương quan giữa lãi suất và tỷ lệ tiền mặt/GDP. Gros chỉ ra rằng trong khu vực đồng euro, tỷ lệ của các tờ tiền mệnh giá 500 euro trong tổng số tiền mặt lưu thông đang bị giảm dần, trong khi tỷ lệ của các tờ 50 euro lại tăng nhanh. Rõ ràng 50 euro là một mệnh giá quá nhỏ cho việc tiết kiệm các khoản tiền lớn. Và trong bất kỳ trường hợp nào, việc giữ một số tiền lớn bằng tiền mặt cũng không an toàn, lại vừa bất tiện và có thể bị ảnh hưởng bởi những quy định kiểm soát khi muốn chi tiêu. Đó là còn chưa kể đến những biến động đột ngột về mặt chính sách như việc Ấn Độ cho ngưng lưu thông các tờ tiền mệnh giá lớn hồi năm ngoái.
Việc gia tăng tiền mặt cũng có thể liên quan tới các hoạt động kinh tế ngầm. Nhưng khu vực kinh tế phi chính thức đang thu hẹp lại ở mọi nơi, và tỷ lệ tiền mặt/GDP đã tăng nhiều nhất ở Nhật Bản, nơi mà nền kinh tế phi chính thức chỉ chiếm khoảng 10% GDP.
Người ta cũng có thể cho rằng có rất nhiều USD và euro được sử dụng bên ngoài châu Âu và Mỹ. Nhưng điều đó không giải thích được sự tăng trưởng tiền mặt ở Hungary hay Cộng hòa Séc - không ai sử dụng các đồng forint hoặc koruna của những nước này ở bên ngoài.
Có thể lập luận rằng nếu các chính phủ muốn loại bỏ tiền mặt - và về mặt lý thuyết thì tất cả họ đều muốn điều này, ít nhất là để thu hẹp các thị trường chợ đen và cản trở việc tài trợ khủng bố - họ cũng nên thúc đẩy phát triển các loại tiền ảo như Bitcoin. Những loại tiền ảo này vẫn mang tính ẩn danh, nhưng vẫn dễ dàng hơn để truy dấu so với tiền mặt. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận các công nghệ mới như vậy.
Chúng ta có mối gắn bó nhất định với những thứ vật chất. Chiếc xe tốt nhất mà tôi (Bershidsky) từng sở hữu là chiếc Land Rover Defender, hầu như không có bất kỳ thiết bị điện tử nào trong đó. Ba năm trước đây, gia đình tôi đã cho đi tất cả các cuốn sách trong căn hộ của chúng tôi, và chuyển sang dùng sách điện tử - nhưng bây giờ con gái nhỏ của tôi tỏ rõ là cháu ưa thích sách giấy, và tôi cảm thấy tiếc vì đã cho đi đống sách đó. Rõ ràng, Amazon cũng nhận ra điều gì đó, khi họ đang mở rộng chuỗi hiệu sách theo kiểu truyền thống. Dĩ nhiên, những cửa hàng này cũng có điểm khác biệt về mặt chọn lựa và trưng bày sách, nhưng Amazon xem ra hiểu được tầm quan trọng của các tương tác vật lý với khách hàng, những người giờ đây đang thèm muốn trở lại cảm giác được cầm sách trên tay và xem thử.
Việc sử dụng các dịch vụ thanh toán như Apple Pay hoặc dùng thẻ nhựa rõ ràng là dễ hơn so với tiền mặt truyền thống. Nhưng việc sử dụng tiền mặt cũng có cảm giác hấp dẫn một cách "ma thuật". Việc đếm các tờ tiền hay gấp chúng lại và cất vào ví có thể được xem như những nghi thức quan trọng. Và cơ thể của chúng ta có phản ứng sinh học với đồng tiền: một nghiên cứu năm 2012 cho thấy người ta có thể tiết nước bọt khi nhìn thấy tiền mặt, bởi vì chúng ta được "lập trình" để cảm thấy sự thu hút của nó, dẫn tới phản xạ có điều kiện.
Việc sử dụng tiền mặt cũng làm cho chúng ta thấy gắn bó hơn về mặt cảm xúc với quyết định mua hàng của mình. Tôi nhớ mình đã do dự như thế nào khi muốn mua một bức tranh tangka truyền thống trong một cửa hàng tại Kathmandu (Nepal). Giá bán của nó có vẻ quá cao, vì vậy người bán hàng đã khuyên tôi nên trả bằng thẻ tín dụng. "Tiền nhựa là tiền dễ dàng", anh ta đã nói như thế. Bức tranh tangka trên bàn làm việc ở nhà nhắc nhở tôi về câu chuyện này, mỗi khi tôi nhìn vào nó.
Ở Đức, nơi tôi sinh sống, phần lớn các giao dịch vẫn được tiến hành bằng tiền mặt. Carl-Ludwig Thiele, thành viên hội đồng quản trị tại ngân hàng trung ương của Đức, nói trong một bài phát biểu hồi đầu năm nay rằng: "Người ta không nên quên rằng sự tin tưởng vào tiền tệ bắt đầu bằng tiền mặt". Đồng tiền euro là một biểu tượng có thể nhìn thấy được của dự án thống nhất châu Âu, và tạo ra cảm xúc mạnh mẽ.
Tôi không có bằng chứng nào cho thấy mọi người đang tích trữ nhiều tiền hơn vì cảm thấy hoài cổ, hay là thấy tiện lợi hơn khi không phải nghĩ tới việc sạc pin hoặc tìm sóng internet. Nhưng những lời giải thích khác thì lại không đủ cơ sở. Thật thú vị khi nghĩ rằng bản chất con người có thể đang phản kháng cuộc cách mạng công nghệ theo một cách yên lặng nhưng không kém phần quyết liệt. Có lẽ, khi công nghệ ngày càng xâm nhập vào cuộc sống chúng ta, những cảm xúc phản kháng như thế này sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Quỳnh Như
Nguồn Bloomberg