Vì sao Mark Zuckerberg lại quan tâm tới ngành dầu đá phiến?
Tỷ phú 33 tuổi Mark Zuckerberg, người sáng lập mạng xã hội Facebook, chưa bao giờ là một người của tầng lớp lao động. Anh lớn lên ở vùng ngoại ô thành phố New York, và hiện giờ chuyên giao thiệp với giới tinh hoa ở Thung lũng Silicon, cũng như có cả một mảnh đất riêng rộng tới 283 ha ở Hawaii.
Gần đây, Zuckerberg đã bất ngờ đến thăm thị trấn nhỏ Williston tại bang North Dakota, một trong những trung tâm sản xuất dầu đá phiến của nước Mỹ. Từng một thời tăng trưởng mạnh mẽ, nay Williston đang gặp khó khăn do ngành dầu đá phiến không còn thu hút nhiều đầu tư như trước. Giờ đây, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua dự án đường ống Dakota Access bất chấp một loạt tranh cãi về vấn đề môi trường, bang North Dakota (nơi có sản lượng dầu cao thứ nhì nước Mỹ là 1,1 triệu thùng/ngày) đang có cơ hội phát triển mạnh mẽ trở lại.
Điều gì đã thôi thúc một tỷ phú công nghệ như Zuckerberg đi máy bay riêng đến Williston, khoác vào bộ đồ bảo hộ và nói chuyện với những công nhân dầu mỏ tại đây suốt hơn 2 tiếng đồng hồ? Liệu điều này có liên quan gì đến những lời đồn đoán rằng Zuckerberg đang có ý định ra tranh cử Tổng thống Mỹ?
Đường ống dẫn dầu Dakota Access. Ảnh: Vox |
Zuckerberg đã chia sẻ những suy nghĩ của mình trong một bài đăng trên Facebook, nơi trang cá nhân của anh có 93 triệu người theo dõi:
"Tôi tin rằng việc chặn đứng biến đổi khí hậu là một trong những thách thức quan trọng nhất của thế hệ chúng ta. Tuy vậy, tôi tin rằng việc tìm hiểu về ngành công nghiệp năng lượng của chúng ta còn quan trọng hơn, dù nó gây ra nhiều tranh cãi".
"Việc phát minh ra các kỹ thuật mới để khoan đầu đá phiến đã dẫn tới sự bùng nổ kinh tế, khi hàng chục ngàn người từ khắp nơi trên nước Mỹ đã đến đây để tìm việc làm trong ngành công nghiệp này".
"Họ đến đây vì tại đây có những công việc tốt, nơi những người chỉ có bằng tốt nghiệp trung học có thể kiếm được 100.000USD/năm".
"Khi Đường ống dẫn dầu Dakota Access được chấp thuận, nó đã giúp giảm chi phí sản xuất dầu trong khu vực khoảng 6-7 USD/thùng, thu hút thêm đầu tư và tạo ra nhiều việc làm ở đây. Một số người nói với tôi rằng họ cảm thấy cuộc sống của họ đang bế tắc, nhưng khi Tổng thống Trump chấp thuận đường ống này, họ lại cảm thấy một niềm hy vọng. Từ "hy vọng" xuất hiện nhiều lần xung quanh điều này. Một người nói với tôi rằng vào đêm đường ống đã được phê duyệt, mọi người đốt pháo hoa và lái xe tải treo cờ Mỹ xuống con phố chính để ăn mừng".
"Nhiều người mà tôi đã hỏi nói chuyện ở đây thừa nhận điều này, nhưng cũng cảm thấy tự hào rằng công việc của họ đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thực sự của tất cả chúng ta mỗi ngày - giữ ấm nhà cửa, giúp chúng ta đến nơi làm việc, tạo ra thức ăn và nhiều thứ nữa. Họ tin rằng sự cạnh tranh từ các nguồn năng lượng mới là tốt, nhưng theo quan điểm của họ, cho đến khi các nguồn năng lượng tái tạo có thể cung cấp hầu hết năng lượng của chúng ta, họ vẫn còn cung cấp một dịch vụ quan trọng mà tất cả chúng ta đều phụ thuộc, và họ mong muốn là không bị chỉ trích vì đang làm công việc đó".
Những phát biểu kể trên khá là đáng chú ý nếu biết rằng Zuckerberg là người ủng hộ mạnh mẽ năng lượng tái tạo. Các trung tâm dữ liệu của Facebook cũng cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Tháng trước, Zuckerberg cùng nhiều CEO công nghệ khác đã cùng lên tiếng ủng hộ Hiệp định khí hậu Paris sau khi Trump rút nước Mỹ khỏi hiệp định này.
Những chuyến đi liên tục của Mark Zuckerberg đã làm dấy lên nhiều lời đồn đoán rằng có thể vị tỷ phú trẻ này đang toan tính tranh cử Tổng thống Mỹ. Anh đã đến thăm bang nông nghiệp Iowa hồi tháng 6 vừa rồi, và trước đó đến thăm một nhà máy của Ford tại bang Michigan vào tháng 4.
Bá Ước
Nguồn Tổng hợp