Fortune

 
Khánh Đoan Thứ Tư | 09/08/2017 12:30

Vì sao càng ngày càng ít trẻ con được sinh ra?

Gần như ở khắp mọi nơi, phụ nữ có trình độ giáo dục cao nhất là những người ít khả năng có con nhất.

Pocket Living đã xây và bán các căn hộ nhỏ ở London kể từ năm 2005. Các căn hộ này có nhiều thứ mà những người trẻ tuổi, độc thân muốn như chỗ đậu xe đạp nhưng không có những thứ mà họ không cần như nhà bếp rộng lớn và nhiều kệ sách. Ban đầu Pocket Living kỳ vọng hầu hết người mua sẽ ở độ tuổi cuối 20, theo Marc Vlessing, ông chủ của công ty bất động sản này. Thay vào đó, độ tuổi trung bình lại là 32 và ngày càng tăng lên về độ tuổi. Theo Vlessing, không phải nhiều người mua chưa có con cái, mà là họ có lẽ sẽ chẳng bao giờ có con.

Thực vậy, ngày càng nhiều người châu Âu sống ở đô thị có xu hướng chọn cuộc sống không vướng bận con cái. Ở Đức, chẳng hạn, 22% phụ nữ ở độ tuổi 40 không có con, đặc biệt ở Hamburg lên tới 32%.

Một số ý kiến cho rằng những điều này dường như chỉ ra một châu Âu đang trên đường tự xóa sổ. Nhưng một số khác cho rằng tình trạng không con cái ngày càng phổ biến không phải là dấu hiệu cho sự sụp đổ dân số, mà là các nước giàu đang “cập nhật” một truyền thống đã quá xưa cũ.

Tại một số nước châu Âu như Đức và Ý, tỉ lệ sinh thấp và tình trạng không con là chuyện bình thường. Ở một số nước khác, đặc biệt là những nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ trước đây, tình trạng không con dù khá hiếm nhưng tỉ lệ sinh lại thấp vì nhiều phụ nữ chọn chỉ có 1 con. Ở một số nước giàu thuộc châu Á, ngày càng nhiều người chọn không có con.

Một lý do chính nằm ở những bà mẹ đi làm. Ví dụ rõ ràng nhất là ở Nhật. Cho dù những bà mẹ Nhật không bị ép phải bỏ việc giữa chừng (thực tế là họ phải chấp nhận bỏ việc để nuôi con) thì họ cũng bị chèn ép do văn hóa văn phòng khốc liệt. Ở một công ty Nhật, ai cũng đều chịu trách nhiệm đối với mọi công việc được giao, theo một phụ nữ là kiến trúc sư sống ở Tokyo. Kết quả là không ai dám đến công sở mà mong về sớm. Điều này khiến cho việc làm mẹ gần như không thể. Người phụ nữ làm kiến trúc sư nói trên đã phải hoãn lại việc có con và hiện đang phải điều trị vô sinh ở tuổi 41. Tỉ lệ không con ở Nhật đã tăng lên từ mức 11% đối với phụ nữ sinh năm 1953 lên tới 27% đối với phụ nữ sinh năm 1970.

Vi sao cang ngay cang it tre con duoc sinh ra?
 

Lý do vì sao nhiều người chọn không con không chỉ có thế. Một số đơn giản chỉ là không bao giờ muốn có con. Số khác là do không gặp đúng người mình thích. Một số nảy sinh tìm cảm với người đã có con cái và cảm thấy như thế là đủ. Những người khác thì gặp vấn đề y học. Rất nhiều người rơi vào nhóm mà Ann Berrington, một nhà nhân khẩu học ở Đại học Southampton, gọi là “trì hoãn liên tục”. Họ chờ đến khi hoàn tất chuyện học hành, có công việc ổn định và tậu được nhà cửa thì mới tính đến việc lập gia đình, sinh con đẻ cái, nhưng đến khi có được những thứ mình muốn thì nhận ra đã quá trễ.

Gần như ở khắp mọi nơi, phụ nữ có trình độ giáo dục cao nhất là những người ít khả năng có con nhất. Và tỉ lệ không con ở mức cao nhất lại rơi vào nhóm phụ nữ theo đuổi bằng cấp ở những môn không thuộc một nghề nghiệp cụ thể nào. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Stockholm phát hiện 33% phụ nữ Thụy Điển sinh ra vào cuối những năm 1950 học chuyên ngành khoa học xã hội không có con, so với 10% giáo viên tiểu học và chỉ 6% phụ nữ làm nghề đỡ đẻ.

Có thể là nghề giáo và nghề đỡ đẻ thu hút những phụ nữ mong muốn có con cái hoặc những nghề nghiệp này mang lại những điều kiện và giờ giấc thuận lợi cho việc chăm sóc con cái. Cũng có thể do những nghề này có tính an toàn. Một giáo viên lành nghề có thể tìm được công việc ổn định khi còn trẻ, hơn là một nhà nhân loại học được đào tạo tốt.

Nam giới không con lại là một câu chuyện khác. Khả năng sinh sản của đàn ông suy giảm theo độ tuổi nhưng khó dự đoán hơn so với nữ giới. Các nhà nhân khẩu học có thể nghĩ rằng một phụ nữ 45 tuổi sẽ không có con được nữa nhưng không thể nghĩ vậy đối với nam giới. Chưa kể một số đàn ông có thể có con mà họ lại chưa từng hay biết về chúng. Cũng có một số người có con với nhiều hơn 1 phụ nữ. Những người khác thì lại không có con. Berrington khám phá ra 22% đàn ông Anh Quốc sinh vào năm 1958 không có con ở độ tuổi 46, so với 16% của phụ nữ.

Ở nhiều nước, đàn ông không con thuộc tầng lớp công nhân. Michaela Kreyenfeld, nhà nhân khẩu học thuộc Trường Quản trị Hertie ở Berlin, phát hiện 36% người đàn ông Tây Đức không có bằng đại học sinh vào đầu những năm 1970 lại không có con ở độ tuổi đầu 40. Ở đàn ông có bằng cấp thì tỉ lệ này là 28%.

Rõ ràng, đàn ông và phụ nữ không con vì nhiều lý do khác nhau. Phụ nữ thường không con vì họ ưu tiên cho học hành hoặc công việc khi ở độ tuổi 20, 30. Đàn ông thì có xu hướng không con vì phụ nữ không xem họ là bạn trai phù hợp, nói chi là người chồng tốt hay người cha tốt. “Họ gặp khó khăn trong việc tìm bạn đời”, Kreyenfeld nói.

Vi sao cang ngay cang it tre con duoc sinh ra?
 

Đáng ngạc nhiên, một số nước đang phát triển lại có tỉ lệ không con cao hơn các nước phát triển. Ở Cameroon vào năm 2005, chẳng hạn, 17,8% phụ nữ ở thời kỳ sinh sản chưa từng có con. Hãy so sánh với Mỹ: vào năm 2012, con số này là 16,1%. Lý do cũng rất nhiều. Một số phụ nữ không con vì không muốn mất đi cơ hội. Phụ nữ có trình độ giáo dục cao kiếm được mức lương cao và sợ mất chi phí cơ hội khi họ không đi làm. Đây cũng là một lý do chính khiến tỉ lệ không con cao ở các nước phát triển.

Mặt khác, phụ nữ có trình độ giáo dục thấp cũng có thể không có con, chủ yếu vì những căn bệnh tình dục không được chữa trị, nhiễm trùng liên quan đến mang thai, suy dinh dưỡng hoặc ô nhiễm. Tỉ lệ trẻ mới sinh tử vong hoặc không giữ được thai nhi cũng là một lý do quan trọng ở những nước đang phát triển, vốn có điều kiện y tế yếu kém.

Mặc dù đối với một số người, không con cái là một nỗi đau rất lớn, nhưng đối với phần lớn thì không như vậy. Một nghiên cứu trên nhiều quốc gia của 2 nhà nhân khẩu học Rachel Margolis và Mikko Myrskyla cho thấy ở những quốc gia có gốc Anh, chẳng hạn, những người không con ở độ tuổi trung niên dường như hạnh phúc hơn những người đã làm cha làm mẹ. Họ cũng nhận thấy những cha mẹ trẻ tuổi cảm thấy muộn phiền hơn là người trẻ tuổi không con.

Trong khi nhiều bậc cha mẹ dành buổi tối và những ngày cuối tuần để đưa con đi học thêm thì những người không con lại có nhiều thời gian để làm những việc họ thích. Một nghiên cứu của Đức cho thấy 42% các tổ chức từ thiện được thành lập bởi những người không con. Tanja Kinkel, một tiểu thuyết gia nổi tiếng không có con cái, đã thành lập một tổ chức từ thiện gọi là Bread & Books, chủ yếu hoạt động ở châu Phi. Bà nói đó là một cách để bà nuôi dưỡng thế hệ kế tiếp.

Người không con thường hào phóng quyên tiền cho từ thiện, theo Russell James, một chuyên gia về từ thiện ở Đại học Công nghệ Texas. Năm 2014, 48% người có gia đình nhưng không con cái ở độ tuổi ít nhất 55 đã viết di chúc hoặc loại giấy tờ tương tự cam kết tặng một thứ gì đó cho từ thiện, trong khi chỉ 12% cha mẹ và 8% ông bà làm điều này.

Khánh Đoan

Nguồn The Economist/Eurasia Review