Vị doanh nhân này đang đánh bật Uber khỏi Trung Đông như thế nào?
Khi 2 doanh nhân Mudassir Sheikha (người Pakistan) và Magnus Olsson (người Thụy Điển) thành lập nên một dịch vụ gọi xe tại Dubai vào năm 2012, có lẽ họ chưa nghĩ rằng có ngày nó sẽ trở thành một doanh nghiệp tỷ đô đủ sức đối chọi với gã khổng lồ Uber.
Sau 5 năm thành lập, Careem hiện đang có mặt tại hơn 50 thành phố ở 12 quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, với hơn 200.000 tài xế. Số lượng người dùng Careem hiện tại là khoảng 6 triệu người. Nhiều nhà phân tích đều cho rằng Careem đang dẫn trước Uber tại khu vực Trung Đông.
Tháng 12/2016, Careem đã huy động được số vốn 350 triệu USD từ các nhà đầu tư tên tuổi như Rakuten, Abraaj Capital và Saudi Telecom. Mức định giá của Careem hiện là 1 tỷ USD, biến công ty này thành startup thành công nhất Dubai.
Khoảng 80% khách hàng của Careem tại Arab Saudi là phụ nữ, do nước này cấm nữ giới tự lái xe. Ảnh: alarabiya.net |
Khởi đầu khiêm tốn
Ý tưởng thành lập một dịch vụ vận chuyển đã đến với Mudassir và Olsson vào năm 2012. Khi đó, cả hai đang làm chuyên gia tư vấn tại McKinsey nhưng lại muốn làm một điều gì đó thú vị hơn, chẳng hạn như là khởi nghiệp.
Mudassir, hiện là CEO của Careem, kể lại: “Chúng tôi đã lập một danh sách các vấn đề mà chúng tôi đã gặp phải trong suốt thời gian ở Trung Đông, từ y tế, vận tải cho đến giáo dục... Cuối cùng, chúng tôi quyết định lựa chọn lĩnh vực giao thông vận tải vì nếu bạn là một chuyên gia tư vấn làm việc ở Dubai, thì có nghĩa bạn đang liên tục di chuyển qua lại giữa các thị trường xung quanh như Arab Saudi, Ai Cập, Pakistan và bạn phải giao dịch với các công ty vận tải gần như hàng ngày.”
“Chúng tôi hiểu rằng chất lượng dịch vụ đang có tệ đến mức nào, và chúng tôi biết cách sử dụng công nghệ để cải tiến cách thức hoạt động của các doanh nghiệp này và đưa nó lên một cấp độ cao hơn.”
Nền tảng trong lĩnh vực công nghệ của Mudassir chắc chắn đã giúp anh thành công rất nhiều khi quyết định tham gia vào lĩnh vực này. Sinh ra và lớn lên ở Karachi (Pakistan) trong một gia đình bố làm nghề buôn bán gạo còn mẹ làm nội trợ, Mudassir chuyển đến Hoa Kỳ để du học đại học, và tốt nghiệp Đại học Nam California (USC) với chuyên ngành về kinh tế và khoa học máy tính vào năm 1999. Sau đó, anh tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Đại học Stanford vào năm 2003.
Giai đoạn này, Mudassir đã có những trải nghiệm đầu tiên ở Silicon Valley. Anh đã tham gia vào một dự án mang tên Brience, vốn đã huy động được 200 triệu USD và được xem là có rất nhiều triển vọng thực hiện IPO. Tuy nhiên, việc vỡ bong bóng dot-com vào đầu những năm 2000 đã khiến Brience sụp đổ và sau đó nó đã được mua lại.
Mudassir quay về Pakistan, mang theo những kinh nghiệm về công nghệ của mình. Anh đã đồng sáng lập công ty DeviceAnywhere vào năm 2003, chuyên cung cấp dịch vụ kiểm tra và giám sát hiệu suất của các ứng dụng di động và trang web. DeviceAnywhere đã có hơn 100 nhân sự làm việc ở Mỹ và Pakistan, trước khi được mua lại bởi Keynote hồi năm 2008.
Sau đó, Mudassir đã gia nhập McKinsey và chuyển sang làm việc tại Dubai. Anh cho biết” “Tôi định dành ra 2 năm tại McKinsey và sau đó trở lại với thế giới kinh doanh. Nhưng 2 năm đã trở thành 4 năm, và tôi biết rằng tôi phải khởi nghiệp ngay bây giờ, bởi vì tuổi trẻ của tôi sẽ không bao giờ trở lại.”
Năm 2011, Mudassir đã gặp nhà đồng sáng lập tương lai của Careem là Magnus, khi đó đang hồi phục từ một cuộc phẫu thuật não. Trong khi Mudassir lo lắng rằng mình sắp hết cơ hội để khởi nghiệp, thì Olsson lại bắt đầu suy nghĩ xem mình nên để lại một di sản như thế nào sau khi chết. Đến tháng 6/2012, 2 người này chính thức ra thành lập công ty Careem tại Dubai.
Mudassir Sheikha (trái) và Magnus Olafsson (phải). Ảnh: Vision.ae |
Tiến về phía trước
Trong thời gian hoạt động ban đầu, Careem chuyên cung cấp dịch vụ vận tải cho các doanh nghiệp, giúp họ giảm bớt khó khăn cho trong việc điều xe đưa đón nhân viên. Khi đó, Careem chưa có ứng dụng gì cả, chỉ đơn giản là một trang web để đặt xe và lên lịch.
Có một điểm may mắn là khi ấy lại rơi đúng vào tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, thường là tháng mà nhiều hoạt động kinh doanh bị chững lại. Mudassir nhớ lại: “Hầu hết mọi người khi đó đều đang tìm kiếm thêm công việc, và các tài xế rất sẵn lòng chào đón chúng tôi. Khi chúng tôi giải thích về Careem với họ, họ đã lắng nghe chăm chú và sau đó kể lại với những người khác”.
Careem chỉ bắt đầu chuyển hướng sang phục vụ các khách đi xe lẻ, sau khi nhận thấy có nhu cầu rất lớn. Phải tới giữa năm 2013 trở đi thì Uber mới có mặt ở Dubai, vì vậy Careem đã có cơ hội từ rất sớm để tạo chỗ đứng trên thị trường.
Để xây dựng Careem, Mudassir không ngại khó khăn nào cả. Anh thậm chí còn tự mình lái xe chở khách trong thời gian đầu khi thiếu tài xế, và cho biết rằng bố mẹ anh ở Pakistan đã từng thấy xấu hổ khi biết con mình phải đi lái taxi. Anh cũng không ngần ngại bay những chuyến bay rất khuya và đi transit lòng vòng để tiết kiệm vài chục đôla cho công ty.
Trong vòng gọi vốn hạt giống (seed round), Careem đã huy động được 1,7 triệu USD. Từ đó, công ty nhanh chóng mở rộng sang Arab Saudi và Qatar khi nhu cầu gọi xe trực tuyến bắt đầu tăng trưởng mạnh. Nhưng Uber lại có tiềm lực tài chính lớn hơn rất nhiều, có nhiều nhà đầu tư lớn và một thương hiệu cực mạnh. Mudassir biết rằng sớm muộn gì thì Careem cũng phải đối đầu trực tiếp và Uber, và anh cần phải tạo ra điều gì đó khác biệt nếu muốn tiếp tục tồn tại.
Careem hiện đã có hơn 6 triệu khách hàng tại Trung Đông. Ảnh: monthlybrands.com.pk |
Careem đã không ngừng cải tiến, chỉnh sửa sản phẩm để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng địa phương. Mudassir không thích bị gọi là “đối thủ cạnh tranh với Uber”. Anh tin rằng sự cạnh tranh là lành mạnh, tuy nhiên Mudassir vẫn khẳng định Careem có bản sắc và thương hiệu khác biệt hẳn với Uber. Theo đó, Careem là một công ty địa phương giải quyết những vấn đề mang tính địa phương, chứ không muốn trở thành một tập đoàn toàn cầu như Uber.
Một trong những tính năng độc đáo của Careem là khả năng xếp lịch từ trước, và cho phép khách hàng nói chuyện với nhân viên hỗ trợ qua điện thoại. Careem tin rằng những tính năng này chính là nhân tố quyết định tại các thị trường nơi họ hoạt động, nơi đa số mọi người chưa làm quen với các công nghệ mới nhiều như ở phương Tây, và điều này sẽ giúp tăng cường sự tin tưởng vào dịch vụ. Trong khi đó, tới cuối năm 2016 thì Uber mới cho phép khách hàng xếp lịch đặt xe trước, nhưng đến giờ thì hãng này vẫn không có dịch vụ hỗ trợ khách hàng qua điện thoại.
Ở Arab Saudi, rất nhiều khách hàng của Careem là phụ nữ, do nước này cấm nữ giới không được lái xe. Việc cho phép lên lịch đặt xe trước cả tháng là tính năng cực kỳ tiện lợi cho những phụ nữ đi làm.
Careem gọi các tài xế của họ là “thuyền trưởng” (captain) và tạo điều kiện tối đa để đào tạo và hỗ trợ các bác tài, không giống như Uber, vốn để cho các tài xế tự mày mò và dùng cơ chế chấm điểm để loại ra những người chưa đạt chuẩn. Tại một số thị trường, Careem còn cung cấp các gói bảo hiểm y tế và bảo hiểm xe cho các tài xế.
Mudassir trả lời phỏng vấn với tạp chí Forbes rằng: “Chúng tôi mang lại cho các tài xế cơ hội giáo dục cho con cái, và nâng cao mức sống của gia đình họ. Họ có xuất thân rất khiêm nhường và sống trong những môi trường đầy thách thức, vì vậy chúng tôi luôn cố gắng mang đến cơ hội thay đổi hoàn cảnh của họ theo bất cứ cách nào có thể. Đổi lại, các tài xế rất tự hào khi là đại sứ của Careem.”
Careem đeo bám khá sát Uber về tốc độ tăng trưởng người dùng tại Trung Đông. Ảnh: Recode |
Mudassir Sheikha nói thêm: "Dự án này không chỉ là để xây dựng một công ty vĩ đại, mà còn để tạo ra sức ảnh hưởng lớn. Chúng tôi muốn cải thiện cuộc sống của hàng ngàn người và thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt đẹp hơn.”
Việc chăm lo cho các tài xế đã mang lại nhiều lợi ích lớn. Careem - có nghĩa là “hào phóng” theo tiếng Ả Rập – đã trao quyền chọn mua cổ phiếu cho tất cả các nhân viên toàn thời gian, ngay cả những người ở các bậc thấp. Mudassir cho biết anh muốn đảm bảo cho các nhân viên cảm thấy công việc của họ là thật sự có ý nghĩa, chứ không đơn giản chỉ là một công việc kiếm sống bình thường.
Dù đã đạt được nhiều thành công lớn, nhưng Careem không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Sau khi Uber thông báo sẽ đầu tư 250 USD vào Trung Đông, Careem cũng công bố kế hoạch đầu tư 150 triệu USD vào quê nhà của Mudassir là Pakistan.
Công ty đang bắt đầu thử nghiệm cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa, nhằm tận dụng các khung giờ ngoài giờ cao điểm, từ 9h sáng tới 5 chiều. Ở Arab Saudi, Careem đã vận chuyển bánh và hoa nhân dịp lễ Eid, và thậm chí có lúc chở cả cừu và dê.
Ngoài ra, dữ liệu của Careem cũng được liên tục cập nhật rất đầy đủ. Tại trụ sở ở Dubai, số liệu được cập nhật 15 phút một lần, và các nhà phân tích của công ty có thể dựa vào đó để tính toán tình hình theo từng ngày từng giờ. Nếu nhận thấy có sự sụt giảm ở một thành phố nào đó, ngay lập tức sẽ có điện thoại từ trụ sở gọi xuống chi nhánh để trao đổi xem có cách nào cải thiện tình hình.
Mudassir nói: “Chuyện tuyệt vời nhất về tăng trưởng là mọi thứ cứ cộng dồn lên. Nếu bạn đặt mục tiêu tăng trưởng 25% mỗi tháng, đến cuối năm bạn đã tăng được lên gấp 10. Sau 3 năm như vậy, chúng tôi đã lên tới mức định giá 100 triệu USD. Bạn cũng có thể làm như vậy”.
Ý Nhi
Nguồn Tổng hợp