Vết thương môi trường không thể tái tạo
Cơ quan nghiên cứu Khoa học Quốc gia lớn nhất của chính phủ Pháp đồng thời xếp hạng thứ 4 thế giới là CNRS gần đây công bố danh sách các nhà khoa học được trao tặng “Huân chương khoa học” năm 2015, một giải thưởng cao quý nhằm ghi nhận đóng góp quan trọng cho nền khoa học nhân loại. Thông thường, những nhà nghiên cứu nhận Huân chương vàng do CNRS trao tặng cũng thường có tên trong danh sách các nhà khoa học được đề cử giải Nobel.
Gần đây, giải thưởng này, sau quá trình thẩm định độc lập căn cứ trên thành quả nghiên cứu của hơn 26.000 giáo sư, nhà nghiên cứu và các kỹ sư khoa học đang làm việc tại CNRS, đã xuất hiện tên của Phó Giáo sư nghiên cứu Nguyễn Văn Phú. CNRS trao tặng Huân chương đồng, dành cho nhà khoa học dưới 40 tuổi, để tuyên dương quá trình nghiên cứu miệt mài hơn một thập niên liên quan đến lĩnh vực kinh tế học môi trường của nhà khoa học trẻ gốc Việt này.
Những ngày đầu thu, NCĐT có dịp trò chuyện với Phó Giáo sư Nguyễn Văn Phú để ghi lại những trăn trở của người con xa xứ đã 22 năm, dưới góc độ nhà chuyên môn về những vấn đề kinh tế môi trường mà đất nước đang đối mặt.
Phương pháp nghiên cứu định lượng không tham số
Năm 19 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Phú đã lên đường sang Pháp nhờ học bổng chính phủ Pháp cho bậc đại học ngàng kinh tế lượng và sau đó giành tiếp học bổng Eiffel cho chuyên ngành tiến sỹ kinh tế (năm 2003). Động lực để chàng trai Sài Thành, với thành tích thủ khoa, “sống nhờ” học bổng chính phủ gần trọn một thập niên chính là “nỗi sợ hãi”. Sức ép tâm lý sợ thua kém các sinh viên bản địa khiến chàng trai trẻ Nguyễn Văn Phú dành hầu hết thời gian mỗi ngày từ giảng đường, đến thư viện rồi sang phòng tự học. Sự đam mê nghiên cứu các vấn đề khoa học mới tựa như những hạt mầm được anh nuôi dưỡng theo những chuỗi ngày cần mẫn học tập.
Sau khi bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ, Nguyễn Văn Phú chính thức đi những bước đầu tiên trên con đường nghiên cứu khoa học chuyên sâu tại CNRS năm 2004, thay vì lựa chọn trở thành giảng viên tại một trường đại học. Nền tảng của quyết định quan trọng này xuất phát từ niềm say mê từ trong vô thức của anh. Đó là say mê tìm tòi, nghiên cứu sâu đề tài môi trường mà theo anh, sẽ trở thành “vấn đề thiên niên kỷ của nhân loại”, chưa có nhiều biện giải dưới góc độ khoa học chính xác.
Chẳng hạn, trong một đề án nghiên cứu mối tương quan giữa các hoạt động kinh tế tác động lên môi trường như phá rừng hay phát thải khí CO2 tạo hệ lụy lên sinh thái, Nguyễn Văn Phú nghiên cứu trên dữ liệu của hơn 100 quốc gia. Điểm khác biệt mấu chốt của nghiên cứu chính là việc sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng không tham số (được hiểu là không áp đặt các chính kiến chủ quan của người nghiên cứu ngay từ đầu quá trình đặt giả thuyết) để xem xét mối tương quan thực chất và khách quan giữa các biến số với nhau. Bởi lẽ, các phương pháp tham số truyền thống theo mô hình tuyến tính thông thường trong các nghiên cứu trước đây thường cho ra các kết quả rất khác nhau và phụ thuộc nhiều vào định hướng chủ quan của nhà khoa học ngay từ đầu.
Sự sáng tạo đã cho ra kết quả bất ngờ. Những đột phá trong phương pháp không tham số đã mang lại kết quả nghiên cứu chính xác, độc lập và ngay lập tức được nhiều nhà khoa học trích dẫn kết quả, tham khảo, tạo ra nền móng mới về phương pháp không tham số trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế môi trường.
Ai là người thực sự trả phí môi trường?
Gần đây, sự cố môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và gây tác động sâu rộng đến môi sinh ở vùng biển miền Trung Việt Nam đã khiến cộng đồng nghiên cứu khoa học kinh tế môi trường khắp nơi trên thế giới, trong đó có Nguyễn Văn Phú, thực sự trăn trở.
Đã từ lâu, cộng đồng khoa học độc lập đã cảnh báo các hiểm họa môi sinh xuất hiện kèm theo sự tăng trưởng đầu tư, ưu tiên phát triển các dự án công nghiệp trọng điểm khắp nơi trên đất nước từ ô nhiễm kim loại nặng trong quá trình khai thác vàng, bô-xit, titan trong lòng đất, cho đến ô nhiễm nguồn nước tại các nhà máy giấy, thép, dệt, xi măng. Hoạt động kinh tế và môi trường có tương tác chéo, đa phương và mật thiết. Có những thiệt hại sẽ không thể khắc phục được, hoặc nếu có thì phải trải qua nhiều thế hệ.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Phú, không cần đợi đến khi môi trường bị phá hủy nghiêm trọng, mà trên thế giới từ lâu đã có những nghiên cứu khoa học giúp tính toán được chính xác chi phí thông qua chính sách thuế nhằm “bảo hiểm” tác hại tiêu cực đến môi trường của các chủ đầu tư dự án ngay từ khi chưa triển khai xây dựng.
Ví dụ như học thuyết của A. Pigou và R. Coase những năm 1970 xây dựng mô hình kinh tế công, trong đó chính quyền có thể căn cứ trên quy mô đầu tư, tổng lượng khí thải trong dự án và công nghệ áp dụng, từ đó xác định được các mức phí môi trường phải thu nhằm “phòng tránh” và bảo vệ môi sinh. Ngoài ra, các nghiên cứu kinh tế môi trường hiện đại đã xác định được nhiều mô hình có tính chính xác cao nhằm tìm ra cách ứng xử đúng khoa học đối với hành vi gây ô nhiễm.
Thông thường, luôn có 2 cách mà chính quyền có thể áp dụng để xử lý, khắc phục hậu quả từ các thảm họa môi trường. Cách đầu tiên là đối tượng bị tổn thương tự chi trả chi phí. Điều này được hiểu là chính người dân tại vùng ô nhiễm phải tự mình chi trả tiền thông qua việc phải mua những dịch vụ thiết yếu để được hưởng các nguồn lực môi trường tốt hơn như tự mua nước ngọt, tự mua hóa chất để tẩy vùng ngập mặn hoặc xử lý nguồn nước nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm hóa chất.
Cách thứ hai, thuế phí sẽ được đánh trên đối tượng gây ô nhiễm phải trả. Lẽ thường cách này, theo chuẩn mực đạo đức, dễ được cộng đồng chấp nhận hơn. Nhưng nghịch lý nằm ở chỗ, tại các quốc gia kém hoặc đang phát triển đang gặp nhiều rào cản liên quan đến điều kiện hạ tầng hay giới hạn quy định trong văn bản luật, nhìn chung hầu hết đang ứng phó với các thảm họa môi trường theo cách thứ nhất. Tiêu biểu như các vấn đề về trồng bông ở châu Phi hay khai thác kim cương ở Nam Phi, thành phố công nghiệp ma tại Trung Quốc, chôn rác thải phóng xạ ở sa mạc Trung Đông...
Tại các quốc gia phát triển như Pháp, không phải là chưa từng gặp các thảm họa môi trường, nhưng cách thức chính quyền xử lý vấn đề một cách bài bản đã đem lại sự yên tâm cho cộng đồng.
Điển hình như vụ đắm tàu Erika liên quan đến tập đoàn dầu khí Total vào năm 1999, một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước Pháp. Con tàu này đã làm đổ hơn 20.000 tấn dầu xuống biển Đại Tây Dương, gây ô nhiễm cho 400 km bờ biển của nước Pháp. Total đã bị phạt hơn 500 triệu USD trong vụ này.
Ngay sau thảm họa Erika, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quyết định tăng cường các biện pháp kiểm soát an toàn hàng hải như yêu cầu kỹ thuật tàu chở dầu bắt buộc phải có vỏ tàu 2 lớp tách biệt. Dưới sức ép của hơn 104 nguyên đơn là cư dân vùng bị ô nhiễm đã khiến chính quyền phải thông qua Hiến chương Môi trường và phụ lục của Hiến pháp quốc gia Pháp.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Phú, bất kỳ quốc gia nào cũng có nguy cơ đối mặt với những thảm họa môi trường xuất phát từ quá trình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cách thức mà mỗi quốc gia hành xử và rút kinh nghiệm sau mỗi thảm họa là khác nhau và sự nóng lên của trái đất hay vấn đề băng tan ở hai đầu cực cho thấy một sự thật khác.
“Có những vết thương môi trường không thể tái tạo được”, nhà nghiên cứu kinh tế học môi trường Nguyễn Văn Phú khẳng định. Vì vậy, bất cứ quốc gia nào cũng đều phải tập trung nguồn lực vào việc quy hoạch bài bản các vùng kinh tế sao cho tác động lên môi trường tối thiểu nhất, hơn là chỉ tập trung vào quy mô vốn giải ngân dự án hay những ưu đãi ngắn hạn của vùng.
Khi được hỏi có sẵn sàng quay trở về nước để làm góp sức trong lĩnh vực kinh tế môi trường hay không, Nguyễn Văn Phú đã nêu ra một thực trạng đáng suy ngẫm. Theo anh, bất cứ nhà khoa học nào cũng muốn đóng góp cho quê hương, nhưng băn khoăn lớn nhất chính là nằm ở phương pháp hợp tác làm việc.
“Rào cản ở đây chính là tư duy phản biện và chấp nhận những góp ý trái chiều, tranh luận tự do trên quan điểm xây dựng vấn đề chung và dựa trên các luận cứ khoa học” anh chia sẻ. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Phú, sẽ rất khó mang lại hiệu quả khi phải tìm cách trình bày giải pháp cho các vấn đề hóc búa trong những khuôn khổ bị ràng buộc bởi các quy tắc phi chuyên môn, nằm ngoài vấn đề khoa học.
Minh Nguyệt