Ảnh: Hải Vân.

 
Hải Vân Thứ Sáu | 27/12/2019 17:25

Văn Dương Thành với họa phẩm Mahatma Gandhi

Không chỉ là những chuyến đi thực tế sáng tác, về thăm quê hương, bằng vị thế, mối quan hệ, bà đã gắn kết Việt Nam với nhiều nước trên thế giới...

Chỉ 10 ngày trước kỷ niệm 150 năm ngày sinh lãnh tụ Mahatma Gandhi (2.10.1896-2.10.2019), bà Văn Dương Thành, nữ họa sĩ người Việt Nam đang sống và làm việc ở Stockholm, Thụy Điển, nhận được thư của ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, đề nghị vẽ chân dung Mahatma Gandhi - người đã dẫn dắt cuộc kháng chiến của nhân dân Ấn Độ giành độc lập, thoát khỏi sự cai trị của thực dân Anh.

“Bất ngờ và xúc động, bởi đất nước Ấn Độ gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ của tôi và cha”, họa sĩ Thành chia sẻ. Bà vẫn nhớ lần đầu tiên được cha dẫn đi thăm cây bồ đề trồng phía sau chùa Một Cột ở Hà Nội. Cây bồ đề này được tách từ nguyên gốc cây bồ đề đức Phật Thích Ca tu thành đạo tại Ấn Độ, là quà của cố Tổng thống Rajendra Prasad tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sang thăm Ấn Độ vào hồi tháng 2.1958. Kể từ đó, bà dành nhiều thời gian đọc về Mahatma Gandhi, về triết lý “sự thật, hòa bình và bất bạo động” của vị lãnh tụ này.

A
Ảnh: Hải Vân.

Không chỉ truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ, lãnh tụ Gandhi còn thổi bùng ngọn lửa đam mê nghiên cứu, đọc hiểu về những giá trị mà ông yêu và trân trọng: Sự thật, hòa bình và bất bạo động. “Tôi muốn đưa các triết lý của Mahatma Gandhi vào từng bức vẽ nhưng đó là một ý tưởng không dễ thực hiện”, họa sĩ Thành chia sẻ. Sự giúp đỡ của Đại sứ Pranay Verma, họa sĩ Thành nói là rất quý báu, từ việc cho mượn những cuốn sách quý về Mahatma Gandhi, những cuộc trao đổi và tặng bà những hộp màu vẽ. Thế nhưng, áp lực vẫn rất lớn, bởi hơn ai hết, bà hiểu rằng bức vẽ chỉ có giá trị khi các triết lý của Mahatma Gandhi được biểu đạt một cách phù hợp.

Cảm xúc vỡ òa trong lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh Mahatma Gandhi tại Hà Nội, 3 bức vẽ của họa sĩ Văn Dương Thành, mỗi bức là một hình thái của vị anh hùng Ấn Độ. “Tôi đã cố gắng khắc họa chân dung Mahatma Gandhi bằng tất cả sự kính trọng”, họa sĩ Thành nói. Bà Văn Dương Thành, giống như người dân Ấn Độ và nhiều người trên thế giới, đã chia sẻ sự ngưỡng mộ, tôn trọng các giá trị nhân văn của Mahatma Gandhi. Sự giản dị, mộc mạc đã khiến Mahatma Gandhi trở nên khác biệt, không chỉ ở thời đại của ông mà còn ở cả ngày nay.

 

Thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức gay gắt, như đói nghèo, xung đột vũ trang, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu. Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), cho rằng những tư tưởng của Mahatma Gandhi về “sự thật, hòa bình và bất bạo động” ngày càng trở nên có ý nghĩa và phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bà tin rằng có thể tìm thấy câu trả lời cho các vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt trong tư tưởng của Mahatma Gandhi.

Bà Phương Nga, nữ Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên hiệp Quốc, cho rằng họa sĩ Văn Dương Thành với tài năng riêng, đã thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ đối với Mahatma Gandhi, vị lãnh tụ của Ấn Độ và thế giới, đồng thời gắn kết mối quan hệ giữa Việt Nam với Ấn Độ. Thêm nữa, bằng việc trao tặng các họa phẩm, bà đã góp phần mang những giá trị quý báu về tư tưởng của Mahatma Gandhi đến với công chúng Việt Nam.

Toàn cầu hóa đang tạo ra những tác động hai chiều, cả tích cực lẫn tiêu cực, đến việc phát triển và giữ gìn văn hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Lối sống thực dụng đang đi ngược lại các giá trị chân thiện mỹ đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Hệ lụy của việc mất đi bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc, đến lượt nó, sẽ gây bất ổn chính trị xã hội và trở thành yếu tố phản phát triển. Trong bối cảnh này, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, những sáng tạo qua tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam chính là một phần di sản của đất nước. Di sản đấy, có thể là một họa phẩm, có thể là một hàng hóa có giá trên thị trường, nhưng cũng có thể là một cầu nối, thể hiện tình cảm của người nghệ sĩ đối với đất nước, với nhân dân và bè bạn của mình.

Ngòi bút và mảng màu tạo ra những điều tốt đẹp và ý nghĩa cho cuộc sống. Bà Văn Dương Thành thuộc thế hệ họa sĩ được đào tạo bài bản theo chương trình cổ điển của nước Pháp. Bà học hỏi được nhiều từ các họa sĩ bậc thầy của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng và nhà phê bình Thái Bá Vân. Kể từ những tác phẩm đầu tiên được triển lãm tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia khi bà mới 20 tuổi, đến nay họa sĩ Văn Dương Thành đã có nhiều tác phẩm được trưng bày thường xuyên tại tòa nhà Chương trình Phát triển Quốc tế Thụy Điển, Bảo tàng Mỹ thuật Staffanstorp, tòa thị chính Kristianstad, Eslöv, Vimmerby, Västervik và Oskarshamn. Bà được tặng nhiều giải thưởng mỹ thuật trong đó có giải thưởng cao quý “Nghệ thuật kiệt xuất quốc tế” của CFMI, USA - France 1995 và 1997, “Vinh danh Đất Việt” năm 2007 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và “Top 50 Quyền năng Phái đẹp Việt 2011”.

Từ những thành công trong sự nghiệp, họa sĩ Thành nghĩ nhiều đến việc truyền cảm hứng cho lớp trẻ người Việt Nam trong và ngoài nước. Theo bà, cuộc sống cần phấn đấu mới có thể đạt được mơ ước, nhưng quá trình thực hiện ước mơ nhiều khi bị thiên lệch, dẫn đến sự vô cực. Bà hy vọng các tác phẩm nghệ thuật của mình sẽ đi vào lòng người, trở thành nhịp cầu nối các trái tim một cách mềm mại và sâu sắc, chuyển tải được thông điệp về một cuộc sống hạnh phúc gắn với thiên nhiên.