Nikkei
Tỷ phú Thái Charoen: Ông vua M&A
Ông vua của hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A)
Ông Charoen Sirivhadhanabakdi, tỷ phú tự thân đằng sau thương hiệu Bia Chang nổi tiếng của Thái Lan, được nhiều người coi là vua M&A của Thái Lan.
Tỷ phú Thái đã khẳng định danh tiếng đó khi Thai Beverage, doanh nghiệp hàng đầu trong Tập đoàn TCC của ông, là đơn vị duy nhất chào mua cổ phiếu Sabeco. Mức giá 4,8 tỷ USD mà chính phủ Việt Nam đề ra đã khiến các hãng bia lớn của thế giới nản lòng.
Sabeco là tài sản mới nhất của tập đoàn TCC. Tập đoàn này đã mua hàng loạt doanh nghiệp, từ nhà sản xuất nước giải khát Oishi Group, chuỗi siêu thị Big C và Berli Jucker, một hãng kinh doanh 130 năm tuổi. Trong khu vực, TCC đã giành được quyền kiểm soát Fraser và Neave (F&N), một tập đoàn nước giải khát tại Singapore.
Tập đoàn Thái Lan đã thể hiện sự quan tâm lớn vào thị trường Việt Nam với dân số trẻ. TCC đã mua lại Metro Cash and Carry Việt Nam và đổi tên nó thành Mega Market vào năm 2015. Năm ngoái, khi Chính phủ Việt Nam thoái bớt vốn tại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), F&N đã tăng sở hữu từ 11% lên gần 20%.
Tỷ phú Charoen thường ít xuất hiện trước công chúng. Trong một cuộc gặp gỡ hiếm hoi với phóng viên vào năm 2012 khi mở một nhà máy đóng chai ở Việt Nam, ông cho biết mình quan tâm đến việc trao cho người tiêu dùng Việt Nam những sản phẩm đáng đồng tiền. "Chúng ta phải cố gắng cung cấp càng nhiều lựa chọn sản phẩm càng tốt", ông nói. "Và đó phải là sản phẩm mà người dân Việt Nam thực sự muốn, chứ không phải thứ gì đó đắt tiền." Trong cuộc phỏng vấn đó, ông cũng nhấn mạnh tớiSabeco, thể hiện sự quan tâm đến việc xây dựng "mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn".
→Tỷ phú Charoen: Từ cậu bé nhặt nắp chai thành người chinh phục Đông Nam Á
Với khối tài 19,3 tỷ USD, Charoen là người giàu thứ 2 sau Dhanin Chearavanont, chủ tịch điều hành của tập đoàn nông nghiệp Charoen Pokphand.
Ông là con của một ông chủ tiệm bán hàu ốp lết ở khu phố Tàu cũ của Bangkok, và không ngạc nhiên khi Charoen tham gia vào ngành công nghiệp thực phẩm và nước giải khát. Sau khi bỏ học giữa chừng, ông bán hàng hoá trên đường phố và sau đó trở thành nhà cung cấp cho các nhà máy chưng cất rượu.
Các doanh nghiệp chính của Tập đoàn TCC. Dấu (*) là công ty niêm yết. Ảnh: Nikkei |
Khi chính phủ Thái Lan tự do hóa ngành rượu vào cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1980, Charoen đã xin được giấy phép và sản xuất rượu rum Sangsom. Sau đó, ông sáp nhập doanh nghiệp của mình với một nhà máy chưng cất sản xuất Mekhong, một thương hiệu rượu khác của Chính phủ Thái Lan. Cả hai thương hiệu trên hiện vẫn phổ biến ở Thái Lan.
Charoen đã dần dần mở rộng kinh doanh thông qua hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A) và liên doanh. Năm 1995, Beer Chang được thành lập thông qua liên doanh với Carlsberg của Đan Mạch. Vào thời điểm đó, thị trường bia Thái Lan bị chi phối bởi Nhà máy bia Boonrawd, đơn vị sản xuất bia Singha.
Chang thực hiện chiến lược giá thấp, và vào năm 1998, hãng bia này đã chiếm lĩnh 54% thị trường. Mặc dù liên doanh với Carlsberg kết thúc vào năm 2003 sau một vụ tranh chấp pháp lý, doanh số bán của Chang vẫn trội hơn Singha. Tuy nhiên sau đó, hãng đã bị Leo, một loại bia rẻ hơn của Boonrawd, qua mặt.
Giống như nhiều ông trùm Thái Lan, Charoen là người Hoa. Tổ tiên của ông đến từ Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, giống như tỷ phú Dhanin.
Mối liên hệ của TCC với Trung Quốc không rõ ràng so với CP, tập đoàn vốn đã thực hiện nhiều thương vụ đầu tư ở Đại lục. Charoen có xu hướng gắn bó với Thái Lan, và là rất tôn sùng hoàng gia Thái.
Họ Sirivhadhanabakdi được Vua Bhumibol Adulyadej ban tặng cho gia đình vào năm 1988. Berli Jucker, được TCC mua lai, là công ty được ban tặng Garuda (Quốc huy Thái Lan), một giải thưởng hoàng gia hiếm hoi mà các doanh nghiệp từ các nhà hàng đến các tập đoàn và ngân hàng đều thèm khát. Sau đó, vào năm 2013, Thai Bev cũng được nhận danh hiệu garuda.
Tiềm lực tài chính vững mạnh
Giống như nhiều doanh nghiệp lớn của Thái Lan, Tập đoàn TCC có tiềm lực tài chính khổng lồ xuất phát từ khối bất động sản mà các công ty chưa niêm yết của tập đoàn kiểm soát. Theo cơ quan quản lý đất đai Thái Lan vào năm 2014, Tập đoàn TCC là công ty tư nhân Thái Lan sở hữu nhiều dất nhất với khoảng 100.800 ha - tương đương với 2/3 tổng diện tích của thủ đô Bangkok.
Tập đoàn này đã đa dạng hóa sang lĩnh vực bất động sản với các khu mua sắm, khách sạn, và khu giải trí. Dự án mới nhất của TCC, One Bangkok- khu phức hợp đa mục đích, sẽ trở thành dự án bất động tư nhân lớn nhất của quốc gia với vốn đầu tư 120 tỷ baht (3,6 tỷ USD). Với diện tích 167.000 m2, dự án nằm trên mảnh đất thuộc sở hữu Crown Property Bureau, nơi từng là nơi đặt trụ sở của Trường Dự bị Vũ trang. Dự án này nằm trên vị trí đắc địa ở giao lộ của hai đường phố quan trọng nhất của thành phố, đường Witthayu (Wireless) và đường Rama IV. Thực tế, bốn trong số năm dự án lớn dọc theo đoạn đường Rama IV 4 km thuộc về Tập đoàn TCC.
Phillip Securities ước tính ThaiBev cần phải vay khoảng 36 tỷ baht (hơn 1,1 tỷ USD) cho hoạt động thôn tín của mình, ngoài Sabeco còn có một số nhà máy chưng cất ở Myanmar. Tuy nhiên, ít nhà phân tích nghi ngờ năng lực tài chính của Thai Bev.
Như đã nói, công ty này sở hữu 28% Frasers Centrepoint, một công ty bất động sản Singapore thông qua, một công ty đầu tư do Thai Bev sở hữu 100%. Theo Bloomberg, Frasers hiện có giá trị thị trường 6 tỷ đô la Singapore. "Nếu Thai Beverage cho rằng gánh nặng nợ của mình là quá cao, nó có thể trả nợ bằng cách bán cổ phần cho các công ty thành viên", nhà phân tích nói.
Nhiều công ty kinh doanh thực phẩm và đồ uống của tập đoàn được niêm yết, nhưng không một công ty nào hoạt động kinh doanh bất động sản và tài chính ở Thái Lan niêm yết.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư trên thị trường tỏ ra quan ngại hơn đến tác động ngắn hạn của khoản đầu tư khổng lồ vào Sabeco. Cổ phiếu của Thai Bev giảm 6% trong tuần sau thông báo về thương vụ với Sabeco.