Ảnh: Bloomberg
Tỷ phú Singapore đã giàu lại càng giàu thêm nhờ bán máy thở trong thời Covid-19
Khi đại dịch Covid-19 tàn phá các nền kinh tế, thị trường và cuốn bay tài sản của giới giàu có, thì 3 nhà sáng lập của một công ty sản xuất máy thở lại có thêm 7 tỷ USD từ đầu năm 2020.
Cổ phiếu Shenzhen Mindray Bio-Medical Electronics leo dốc 40%, nhờ sự tăng vọt của nhu cầu máy thở trong thời Covid-19. Các bệnh nhân nhiễm virus thường xuất hiện các triệu chứng khó thở.
Chủ tịch Li Xiting – công dân Singapore và là người giàu nhất tại đảo quốc sư tử - “đút túi” 3,5 tỷ USD từ đầu năm 2020 và có tổng cộng 12,5 tỷ USD tính tới cuối ngày thứ Năm (02/04). Nhờ đó, ông lọt vào top 5 tỷ phú có tài sản tăng mạnh nhất trong thời Covid-19. Tài sản của ông Jeff Bezos – người giàu nhất thế giới – tăng 3,4 tỷ USD, trong khi nhà sáng lập Microsoft giảm tới 15,3 tỷ USD.
Nguồn: Bloomberg |
Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã phơi bày tình trạng thiếu hụt máy thở - một thiết bị cứu sống những bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch. Thư ký HĐQT của Mindray, ông Li Wenmei cho rằng nhu cầu máy thở trên toàn cầu hiện đang gấp ít nhất là 10 lần so với những gì sẵn có tại các bệnh viện. Trong bối cảnh đó, các công ty từ Ford Motors cho tới General Motors cũng chuyển sang sản xuất máy thở.
New York chỉ còn đủ nguồn cung để cung cấp trong 6 ngày nữa, theo Thống đốc New York Andrew Cuomo.
Số lượng ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 1 triệu ca, trong đó số ca tử vong đã vượt 52.000 ca. Trong đó, Italy và Tây Ban Nha là những khu vực bị tác động mạnh nhất ở châu Âu, trong khi dịch bệnh đang lây lan rất nhanh ra khắp nước Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn cảnh báo số ca tử vong vì Covid-19 có thể lên đến 100.000 người hoặc nhiều hơn.
Hội Y khoa Chăm sóc Bệnh nguy kịch (SCCM) ước tính rằng có 960.000 bệnh nhân tại Mỹ cần sự hỗ trợ từ máy thở, nhưng quốc gia này hiện chỉ có khoảng 200.000 máy. Ở Italy, quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới, tình trạng thiếu hụt máy thở trầm trọng đã buộc các bác sĩ phân loại và xác định ưu tiên dùng máy thở cho bệnh nhân nào.
Cho đến cuối tháng 3/2020, máy thở của Mindray chưa được phê duyệt tại thị trường Mỹ, nhưng Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng trong tình huống khẩn cấp nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt. Cũng nhờ đó, triển vọng của công ty Mindray cũng tươi sáng hơn.
Động thái cấp phép máy thở của Mindray “mang lại cơ hội để các sản phẩm máy thở Trung Quốc bước vào thị trường Mỹ một cách nhanh chóng”, các nhà phân tích – dưới sự dẫn dắt của Tian Jiaqiang – tại Citic Securities viết trong báo cáo tuần này.
Mindray sản xuất khoảng 3.000 máy thở/tháng, nhưng họ không phải là nhà sản xuất duy nhất tại Trung Quốc. Beijing Aeonmed cũng được FDA phê duyệt trong tháng trước. Cổ phiếu của Jiangsu Yuyue Medical Equipment & Supply Co. – một nhà sản xuất máy thở khác – cũng leo dốc 91% trong năm nay, từ đó đẩy vốn hóa thị trường lên 5,5 tỷ USD.
Nguồn Bloomberg