Quartz
Tỷ phú Jay Y. Lee của Samsung bị kết án: Vật tế thần chính trị?
Vào hôm thứ Sáu vừa qua, người đứng đầu tập đoàn Samsung là tỷ phú Jay Y. Lee đã phải nhận một trong những bản án khắc nghiệt nhất từng đưa ra với một nhà lãnh đạo tập đoàn lớn (còn gọi là chaebol) tại Hàn Quốc. Theo đó, ông Lee (49 tuổi) sẽ chịu 5 năm tù giam do tội hối lộ.
Theo bình luận của Bloomberg, ông Lee có thể đã bị buộc phải làm một vật tế thần nhằm trấn an dư luận. Trong năm vừa qua, người Hàn Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ về những vụ bê bối liên quan đến các chaebol, vốn đang chi phối nền kinh tế Hàn Quốc và có mối liên hệ thân thiết với chính phủ. Sự tức giận này đã giúp Moon Jae-in, một người nổi tiếng vì luôn chỉ trích chaebol, tiến thẳng đến vị trí Tổng thống Hàn Quốc trong cuộc bầu cử hồi tháng 5.
Tuy nhiên, Moon vẫn chưa thực hiện được lời hứa là giảm tầm ảnh hưởng của các chaebol, thay vào đó ông lại tập trung vào các mối quan tâm cấp thiết hơn như chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đàm phán lại hiệp định tự do thương mại (FTA) Mỹ-Hàn. Theo Celeste Arrington, giáo sư về khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington, Moon sẽ khó lòng nhanh chóng cải cách các chaebol, ngay cả khi ông Lee đã bị kết án tù.
Bà Arrington nói: "Việc kết án ông Lee chắc chắn sẽ làm dịu đi một số áp lực. Xem ra ông Moon Jae-in vẫn có tập trung vào một loạt các cải cách chính trị, kinh tế và xã hội cần phải thực hiện".
Kết thúc sự thông đồng giữa các tập đoàn và chính phủ?
Văn phòng của Tổng thống Moon nói rằng họ hy vọng bản án cho ông Lee sẽ giúp chấm dứt sự thông đồng giữa các chaebol và chính phủ. Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc và Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc - xưa nay là những nhóm vận động hành lang cho các chaebol - đã từ chối bình luận về bản án.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: TIME |
Mặc dù vẫn có một số người hoài nghi, nhưng nhiều người Hàn Quốc đã bày tỏ sự lạc quan rằng phán quyết này sẽ tạo cho ông Moon động lực tăng cường kiểm soát các chaebol.
Ông Bruce Lee, Giám đốc điều hành quỹ Zebra Investment Management cho biết: "Tôi nghĩ rằng chính phủ sẽ thúc đẩy việc cải tổ các chaebol nhiều hơn nữa, nếu điều kiện kinh tế được cải thiện. Rõ ràng, có một dấu hiệu cho thấy đã tới lúc các chaebol cần phải thay đổi".
Đối với Samsung, án phạt 5 năm của ông Lee đe dọa kéo dài khoảng trống quyền lực tại tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này. Cha của ông Lee là Lee Kun-hee, người đã lãnh đạo Samsung trong 3 thập niên qua, vẫn trong tình trạng mất năng lực điều hành sau một cơn đau tim vào năm 2014.
Được kiểm soát bởi gia đình Lee thông qua một ma trận sở hữu chéo, Samsung là tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc, bao gồm hơn 60 công ty con kinh doanh tất cả mọi thứ từ điện thoại thông minh đến bảo hiểm nhân thọ, tàu chở hàng và quần áo. Các công ty con được niêm yết của Samsung có tổng giá trị vốn hóa thị trường trên 390 tỷ USD.
Gia đình nhà Lee nắm quyền sở hữu Samsung thông qua một ma trận cực kỳ phức tạp. Ảnh: The Guardian |
Tuy nhiên, sự vắng mặt của các đại diện gia đình Lee đã không làm cho các nhà đầu tư hoảng sợ. Công ty nổi tiếng nhất của tập đoàn là Samsung Electronics vừa công bố mức lợi nhuận kỷ lục, và cổ phiếu của công ty cũng đã leo lên mức cao kỷ lục trong tháng trước.
Các chaebol không phải lúc nào cũng bị người dân Hàn Quốc ghét bỏ như ngày nay. Dưới thời Tổng thống Park Chung-hee trong những năm 1960 và 1970, chính các chaebol là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc, khi đó còn nghèo hơn Triều Tiên. Nhưng sau đó do tình trạng vay nợ tràn lan để mở rộng kinh doanh, các chaebol mất dần sự ủng hộ của công chúng. Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra năm 1997, nó đã dẫn tới sự sụp đổ của những tập đoàn khổng lồ như Daewoo Group. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng chính các chaebol phải chịu phần lớn trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hàn Quốc trong giai đoạn 1997-1999.
Kể từ đó, các nhà phê bình cứng rắn nhất của các chaebol chính là những cổ đông chủ động (shareholder activist). Những người này lập luận rằng các gia đình chủ sở hữu chaebol đang điều hành hoạt động kinh doanh của họ thông qua một mê cung sở hữu chéo, và đặt lợi ích gia đình lên trước những cổ đông thiểu số.
Chiết khấu kiểu Hàn Quốc
Chính sự thiếu minh bạch trong việc điều hành các chaebol đã dẫn tới một hiện tượng được gọi là "chiết khấu kiểu Hàn Quốc ": các công ty lớn của Hàn Quốc thường có mức PE thấp hơn các công ty cùng ngành trên toàn cầu. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc có mức PE là 9, thấp nhất trong số các chỉ số chứng khoán khác của châu Á và chỉ bằng một nửa so với chỉ số Nasdaq.
Nằm trong nhóm những người chỉ trich các chaebol mạnh mẽ nhất là hai học giả Jang Ha-sung và Kim Sang-jo, những người thường xuyên tham gia vào các cuộc họp tổng quát hàng năm của các công ty như Samsung Electronics để phàn nàn về những vấn đề quản trị. Đôi lúc, những lời phàn nàn của 2 người này khiến cho các cuộc họp kéo dài hơn 13 giờ, trước khi họ bị nhân viên bảo vệ lôi ra khỏi phòng họp.
Jang Ha-sung (trái) và Kim Sang-jo (phải), nỗi sợ của các chaebol Hàn Quốc. Ảnh: Arirang |
Ngày nay, Jang là nhà hoạch định chính sách của Tổng thống Moon, và Kim thì đang kiểm soát các chaebol thông qua vai trò người đứng đầu Ủy ban Thương mại công bằng.
Mặc dù Kim chuyên việc chống lại các hoạt động kinh doanh không lành mạnh của các tập đoàn bán lẻ và chuỗi thức ăn nhanh, ông cũng kêu gọi Tập đoàn Hyundai của gia đình dòng họ Chung phải loại bỏ sở hữu cổ phần chéo, công khai kêu gọi tập đoàn cải tổ cơ cấu sở hữu.
Về phần Tổng thống Moon, vốn là một cựu luật sư nhân quyền theo đường lối cánh tả, ông cũng cho thấy mình sẵn sàng đối đầu với các chaebol, khác hẳn các vị tiền nhiệm. Vào ngày lễ 15/8 vừa qua - Ngày Giải phóng Quốc gia - ông Moon đã không ban lệnh ân xá cho các lãnh đạo doanh nghiệp đang ngồi tù như trước đây.
Không có ưu đãi
Moon cũng muốn các chaebol phải đóng thuế nhiều hơn nữa. Hôm 2/8, Bộ Tài chính Hàn Quốc đã công bố kế hoạch tăng thuế suất danh nghĩa đối với các chaebol lên 25%, so với 22% như hiện tại. Chính phủ của ông Moon cũng muốn cắt giảm ưu đãi thuế dành cho các khoản chi tiêu xây nhà máy và nghiên cứu của các chaebol.
5 chaebol lớn nhất chi phối phân nửa chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg |
Tami Overby, phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của Phòng Thương mại Mỹ và là chủ tịch hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Hàn tại Washington, nói rằng: "Chính phủ mới rõ ràng đang cố gắng để tạo sân chơi công bằng, và thay đổi luật lệ để không dành cho các tập đoàn lớn bất kỳ ưu đãi đặc biệt nào”. Chính những "ưu đãi đặc biệt" là thứ đã đẩy Jay Y. Lee vào tù và khiến cựu Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất.
Tuy nhiên, ông Moon có thể không có đủ sự ủng hộ chính trị để giúp kế hoạch thuế của mình được thông qua tại Quốc hội. Đảng Dân chủ của ông chỉ kiểm soát 40% số ghế trong Quốc hội, mặc dù ông đã đạt được một chiến thắng lớn vào tháng trước khi các nghị sĩ thông qua ngân sách bổ sung trị giá 11,2 nghìn tỉ won (9,9 tỷ USD) để kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Đối phó với Trump
Moon cũng có thể cần sự hợp tác của các chaebol để có thể đối phó với Donald Trump, người đã luôn miệng muốn đàm phán lại FTA với Hàn Quốc nhằm giảm thâm hụt của Mỹ. Một nhóm các lãnh đạo chaebol đã tháp tùng ông Moon khi ông tới Washington vào tháng 6 để gặp vị tổng thống Mỹ.
Và với việc ông Lee phải đối mặt với án tù lâu dài, tổng thống mới không phải lo lắng về việc làm phật lòng công chúng. Đó là bình luận của Clara Gillispie, giám đốc cao cấp về mảng thương mại, kinh tế và năng lượng tại Cục Nghiên cứu Châu Á (NBAR), một cơ quan nghiên cứu tại Mỹ.
Bà Gillispie nói: "Điều này có thể làm giảm áp lực lên Tổng thống Moon về việc phải trừng phạt các chaebol. Giả sử Lee được tha bổng, ông Moon sẽ cảm thấy bị buộc phải chứng minh cho công chúng thấy là ông ấy muốn mạnh tay với các chaebol. Bây giờ, ông ấy không cần phải làm thế nữa”.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg