Ảnh: New York Times
Từng giữ vững nguyên tắc trong hơn 40 năm, nay nhà đầu tư này lại bị Covid-19 hạ gục và phá vỡ quy tắc trong 40 ngày
Bạn sẽ bắt gặp hình ảnh đó qua câu chuyện của ông James B. Stewart – một nhà đầu tư chứng khoán kỳ cựu với 40 năm kinh nghiệm. Ông đã từng kinh qua 4 lần thị trường sụp đổ mà vẫn sống sót, thậm chí còn giàu lên trông thấy.
Nhưng trong đợt giảm mạnh vì Covid-19 hiện tại, ông cũng không thể tránh khỏi những cảm giác thông thường của một nhà đầu tư: Cảm giác sốc vì cú rớt mạnh của thị trường, những cảm giác sợ hãi, sự do dự khi nhìn vào danh mục đầu tư. Từng giữ vững nguyên tắc trong hơn 40 năm, nay nhà đầu tư kỷ luật này lại bị Covid-19 hạ gục và phá vỡ quy tắc trong 40 ngày.
Dưới đây là câu chuyện của ông James B. Stewart trên New York Times.
James B. Stewart. Ảnh: Today Show |
Đó là vào sáng ngày thứ năm (19/03), khoảng bốn tuần sau khi dịch Covid-19 càn quét nước Mỹ. Dow Jones mở cửa mất 700 điểm, sau khi rớt ngưỡng 20.000 điểm trong phiên trước. Chỉ số này đã mất 30% trong một tháng - mạnh nhất lịch sử, thậm chí còn tệ hơn thời kỳ Đại Suy thoái.
Mức giảm khiến tôi “há hốc mồm”. Tuy nhiên, theo quy tắc mà tôi đã tích luỹ qua nhiều thập kỷ đầu tư, tôi biết rằng đây là thời điểm để mua vào. Thế nhưng, để làm vậy tôi phải đăng nhập vào tài khoản của mình. Đập vào mắt tôi là giá trị hiện tại của danh mục.
Sống trong một trang trại ở vùng nông thôn New York bao quanh là cảnh vật hoang vu và đìu hiu, đã nhiều ngày qua tôi chẳng dám nhìn vào tài khoản. Tôi chẳng muốn nhìn thấy nó tại thời điểm này.
Tôi quyết định tốt hơn là đi xem dự báo thời tiết thay vì nhìn sắc đỏ trên danh mục của mình. Rồi cũng còn nhiều email phải đọc nữa. Nhưng một tiếng trôi qua, tôi chẳng làm gì cả.
Tôi hoàn toàn tê liệt, đờ đẫn.
Tôi đã đầu tư cổ phiếu gần 40 năm. Tôi đã từng kinh qua, tồn tại và thậm chí còn giàu lên sau 4 cú sập trên thị trường.
Vì vậy, lẽ ra tôi phải chuẩn bị tốt cho cú sập lần này. Tuy nhiên, nhìn lại vài tuần qua, tôi nhận ra mình đã vi phạm hầu hết các quy tắc đã được kiểm chứng của chính mình. Trồi sụt qua lại giữa tâm lý lạc quan và tuyệt vọng khi thông tin xấu cứ liên tục ập tới và cuộc sống hàng ngày của tôi hoàn toàn bị đảo lộn. Tôi đã để cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định của mình. Tôi lại làm thế vào sáng hôm nay.
Cú đổ đèo chẳng ai ngờ tới
Tôi lần đầu tiên đầu tư vào một quỹ tương hỗ trong mùa hè năm 1982 ngay khi tiết kiệm đủ tiền. Cha của tôi – quản lý bán hàng chạy chiếc Cadillac cho đài địa phương của NBC – cũng là một người đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán và ông ấy dồn hết niềm tin ấy vào tôi.
Hóa ra, 1982 là một năm tuyệt vời để đầu tư (lúc đó tôi chưa nhận ra). Nhiều năm sau, tôi tận hưởng những ngày tháng thị trường tăng đều. Tôi thích tìm kiếm kết quả quỹ tương hỗ của mình trong các bản tin chứng khoán. Trong 5 năm tiếp theo, thị trường đã lên gấp 3 lần.
Vào ngày 19/10/1987, tôi đi thăm anh trai vốn đang học ở Pháp. Khi rời khách sạn ở Strasbourg sáng sớm hôm sau, tôi bỗng chú ý đến trên trang nhất trên một sạp báo là dòng tít Dow Jones rớt “23”. Tôi tự hỏi tại sao tin chứng khoán Mỹ lại được lên trang nhất của tờ báo Pháp. Nhìn kỹ lại một lần nữa, tôi thấy số 23%. Dow đã mất 508 điểm trong một ngày - mức giảm chẳng ai ngờ tới. Xét về phương diện phần trăm, đó là phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ.
Ngày thứ Hai đen tối năm 1987. Ảnh: New York Times |
Trong tâm trí, một tiếng nói nào đó đã thôi thúc tôi cứu vãn những gì còn lại của khoản tiết kiệm nhỏ nhoi bằng cách đặt lệnh bán. Nhưng tôi đang ở quá xa và không cách nào khác ngoài tiếp tục giữ.
Một khi trở lại Mỹ, thị trường ổn định lại. Thế nhưng, “con tàu lượn” Phố Wall sớm trở lại. Trong một trong những cú lao dốc sau đó, tôi đã hoảng loạn và bán toàn bộ khoản đầu tư. Đến tháng 9/1989, thị trường đã lấy lại những gì đã mất. Tôi theo dõi bên ngoài thị trường, ngóng chờ thời cơ để trở lại thị trườn.
Từ đó, tôi thề không bao giờ giao dịch trong hoảng loạn. Tôi lập ra một quy tắc: Không bao giờ bán vào ngày giảm điểm và cũng không bao giờ mua vào ngày tăng điểm.
Quy tắc này đã tưởng thưởng tôi rất nhiều trong thị trường con bò dài kỷ lục của thập kỷ tiếp theo, nhờ sự bùng nổ công nghệ. Thời điểm đó còn bá đạo hơn cả thập nnieen 1980. Tôi thường nghe thấy các huấn luyện viên thể hình tự hào khoe mẽ về những cổ phiếu công nghệ ưa thích của họ.
Tôi gần như chẳng biết đến khái niệm đa dạng hóa. Vào đầu năm 2000, khi bong bóng công nghệ vỡ ra và cú đổ đèo kế tiếp ập đến, tôi đã đầu tư tất cả vốn liếng và giữ như thế. Ngày qua ngày, tôi nhận thấy giá trị danh mục ngày càng teo lại. Tôi thôi nhìn vào danh mục cổ phiếu, ít nhất thì điều này giúp tôi cảm thấy dễ chịu về tâm lý. Tôi ném mạnh báo cáo danh mục hàng tháng vào thùng rác, dù nắp thùng rác vẫn còn đóng.
Thế nhưng, ít nhất thì tôi tuân theo nguyên tắc năm 1987: Tôi không bán.
Trong giai đoạn 2 năm của thị trường con gấu, tôi tinh chỉnh lại chiến lược. Tôi nhận ra nếu tôi mua mỗi khi chỉ số chuẩn giảm 10% từ mức đỉnh (trạng thái điều chỉnh) và sau đó mua thêm một ít sau mỗi đợt giảm 10%, nhờ đó tôi chẳng bao giờ mua khi giá lên đến đỉnh.
Tôi không cho đây là định thời điểm ra/vào thị trường, vì tôi chẳng dự đoán về xu hướng thị trường. Chiến lược của tôi là một biến thể của thông lệ tái cân bằng danh mục – bán một số loại tài sản và mua các tài sản để duy trì danh mục ổn định.
Tôi thực thi các quy tắc này trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tôi nhớ lại có rất nhiều người cảm thấy sốc trong tháng 10 năm đó, khi tôi nói là tôi đang mua vào. Trong khi đó, những người khác khoe mẽ rằng họ đã nhìn trước điều này nên đã ra khỏi thị trường.
Việc định thời điểm thị trường của tôi khó mà hoàn hảo. Thị trường có 5 lần giảm 10%– vì vậy tôi có nhiều cơ hội để mua vào cổ phiếu. Lần gần nhất là vào tháng 3/2009. Nhìn lại, tôi cảm thấy mình khá ngu ngốc khi mua trong đợt giảm 10% đầu tiên, khi xét tới việc thị trường còn giảm thêm 40%. Thế nhưng, tôi vẫn hốt bạc từ những đợt mua sớm đó trong thị trường con bò kéo dài kỷ lục. Nghĩ lại năm 2009, tôi chẳng phải lo lắng chuyện tham gia lại thị trường. Vì tôi đã ở đó rồi.
Lại thêm một nỗi sợ khác về virus
Kể từ đó, thị trường chỉ có thêm 5 lần điều chỉnh và mỗi lần lại là một cơ hội mua cho tôi. Chẳng lần nào có 2 đợt giảm 10% liên tiếp.
Lần giảm 10% cuối cùng là cuối năm 2018. Sau đó, khi tiền mặt chất đống trong tài khoản, tôi tự hỏi bao giờ mới có thêm cơ hội mua vào nữa đây. Tôi dần trở nên mất kiên nhẫn.
Vào ngày 19/2/2020, S&P 500 thậm chí lập kỷ lục mới. Dường như trong tâm trí nhà đầu tư, thị trường con gấu hay chuyện Mỹ sắp suy thoái chẳng bao giờ xuất hiện, dù cổ phiếu đang được định giá cao kỷ lục và đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng.
Mãi cho tới 1 tuần sau đó, nỗi ám ảnh đã xuất hiện.
Thị trường bắt đầu giảm chầm chậm lúc đầu, rồi từ từ tăng tốc. Đến ngày 25/02, S&P 500 giảm 7,6% so với đỉnh gần nhất.
Từ lăng kính tài chính, tôi không lo lắng về virus. Số ca nhiễm mới đã chững lại ở Trung Quốc. Có một vài trường hợp ở Mỹ, hầu hết trong một viện dưỡng lão ở Washington. Mọi người cho rằng chúng ta có hệ thống chăm sóc y tế tốt hơn, chất lượng không khí tốt hơn và phương tiện hiệu quả hơn để ngăn chặn lây lan so với Trung Quốc.
Là một nhà đầu tư, tôi từng trải qua nhiều nỗi lo sợ về virus – SARS, MERS, dịch tả lợn châu Phi, Ebola. Sự tàn phá của các dịch bệnh này đều không có tác động rõ rệt đối với chứng khoán Mỹ. Ngay cả đại dịch AIDS tàn khốc chỉ ảnh hưởng chút ít đến nền kinh tế hoặc sự bùng nổ của thị trường.
Vì vậy, tôi đổ tiền vào một quỹ chỉ số vào ngày 25/02, phá vỡ quy tắc mua khi thị trường giảm 10%. Sự háo hức thấy rõ và tâm lý lạc quan đã lấn át những chiến lược đầu tư kỷ luật của chính tôi. Thực ra tôi còn chẳng biết là mình đã vi phạm quy tắc. Tôi thậm chí không nghĩ đến những quy tắc của mình trong lúc đang vui mừng tận dụng cơ hội thoáng qua này.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm thêm một chút vào ngày kế tiếp. Đến 27/02, S&P giảm gần 5%. Giờ thì thị trường chính thức rơi vào trạng thái điều chỉnh với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay, giảm 12% so với mức đỉnh trong tuần trước đó. Dịch Covid-19 đã lan rộng ra toàn cầu, có cả Mỹ.
Tôi nhận ra lẽ ra mình nên đợi. Tôi cảm thấy dại dột và tội lỗi khi phá vỡ các quy tắc. Tôi thề là sẽ không làm điều đó một lần nào nữa.
Năm 2000: khi bong bóng dot-com vỡ ra. Công ty pets.com ngừng hoạt động. Ảnh: New York Times |
Cú rớt mạnh nhất kể từ “Ngày thứ Hai đen tối”
Thế nhưng, tôi lại cảm thấy mình rất thông minh vào ngày thứ hai tuần sau đó. S&P tăng gần 5% nhờ tin đồn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp hạ lãi suất.
Nhưng đà tăng chóng tàn. Đến cuối tuần, S&P đã xóa sạch mức tăng của ngày đầu tuần. Dù cũng cảm thấy bồn chồn lo lắng, song tôi lại không phải là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Tôi cho rằng cổ phiếu đã phản ánh hết rủi ro rồi. Những gì tôi biết là thị trường đang điều chỉnh sâu và vì vậy, tôi cần mua thêm.
Tôi có thể còn mua vào sớm hơn ở lần đầu tiên, nhưng giờ thì tôi đã trở lại các nguyên tắc của mình. Nhưng vào thời điểm bất ổn tăng vọt trên nhiều mặt trận, tôi cảm thấy như mình lèo lái con thuyền số phận của chính mình.
Ban đầu, tôi cảm thấy khá tốt như thể đang chớp được cơ hội thoáng qua, nhưng tâm lý đó lại sớm bị thế chỗ bằng nỗi lo lắng khôn nguôi.
Cuối tuần đầu tiên của tháng 3/2020, mọi thông tin trên báo chí đều là về sự bùng phát lan rộng tại Italy. Hình ảnh của những quảng trường vắng tanh khiến mọi người nhận ra sự nghiêm trọng của tình hình hiện tại. Những tưởng là mối đe dọa xa xôi giờ nay đã có vẻ đến rất gần.
“Châm thêm dầu vào lửa” là việc Nga và Saudi Arabia quyết định khởi tranh cuộc chiến giá dầu ngay lúc nhu cầu đang giảm mạnh vì Covid-19. Giá dầu rơi tự do, đẩy cả ngành năng lượng vào tình thế ngặt nghèo.
Tôi đã đoán trước thị trường sẽ có một ngày thứ hai tồi tệ, nhưng tình hình thực tế thậm chí còn tệ hơn tôi tưởng. Cơ chế ngắt mạch tự động được kích hoạt ngay đầu phiên và tạm chấm dứt tình trạng giao dịch hỗn loạn trên thị trường. Hôm đó (09/03), S&P 500 khép phiên giảm 7% - cú lao dốc mạnh nhất kể từ “Ngày thứ Hai Đen tối" khét tiếng của năm 1987.
Dồn hết can đảm, tôi nhìn vào tài khoản của mình. Tôi bị sốc: Phần cổ phiếu đã giảm nhiều hơn so với các chỉ số chuẩn trên thị trường Mỹ. Quỹ chỉ số chứng khoán quốc tế của tôi đã giảm 20% so với mức đỉnh tháng 2/2020 và quỹ đầu tư thị trường mới nổi đã mất 25% giá trị.
Bồn chồn lo lắng kéo tôi về trải nghiệm của mình 33 năm trước, thời điểm tôi hoảng loạn về cái tít Dow Jones rớt 23% ở Strasbourg. Tôi cố gạt sự biến động ngắn hạn qua một bên, tự trấn an bản thân mình rằng quỹ đạo dài hạn của thị trường là luôn luôn tăng. Khi thị trường đi xuống, đó là lúc để nghĩ đến chuyện mua thêm cổ phiếu. Thời điểm đó đến sớm hơn tôi tưởng.
Vào ngày thứ năm (12/03), sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm hầu hết các chuyến bay giữa Mỹ và châu Âu, trong khi các nền kinh tế trên thế giới bắt đầu đóng cửa, cuộc thảm sát trên thị trường chứng khoán thậm chí còn tồi tệ hơn ngày thứ hai tuần đó. S&P mất 10% và lúc này đã giảm 27% so với đỉnh.
Theo quy tắc, đó là thời điểm để tôi mua vào.
Tôi không còn tâm trí để nghĩ đến điều đó nữa. Tôi đang bận hủy một kỳ nghỉ vào tuần tới ở Quần đảo Virgin. Tôi bắt đầu chìm đắm trong suy nghĩ về viễn cảnh cô lập chính mình. Đây là điều mà thậm chí vài ngày trước đó chẳng ai có thể ngờ được.
Tệ hơn nữa, một người bạn ở Tây Ban Nha (40 tuổi) đã lâm bệnh nặng vì Covid-19. Điều đáng ngạc nhiên là anh ấy rất khỏe mạnh và tôi vừa mới đến thăm anh ta hồi tháng 11/2019. Anh ta hôn mê trong bệnh viện Madrid.
Lấp đầy trong tâm trí tôi lúc này là nỗi lo khôn nguôi về sự lây lan của dịch bệnh. Tôi không còn tâm trí nghĩ về thị trường chứng khoán hoặc lượng tài sản đang giảm nhanh chóng của mình.
Những con phố từng rất nhộn nhịp giờ lại vắng tanh. Ảnh: New York Times |
Một con tàu lượn siêu tốc đúng nghĩa
Tôi không áp dụng cứng nhắc chiến lược giao dịch, mà hành động dựa trên sự hợp lý. Sẽ chẳng có gì quan trọng nếu tôi bỏ lỡ 1 hoặc 2 điểm phần trăm, hoặc tôi định thời điểm sai đôi chút, hoặc cần ưu tiên những vấn đề quan trọng hơn. Thêm hai người bạn vừa nói với tôi rằng họ đã dương tính với Covid-19.
Dù vậy, trong vài ngày kế đó, khi đang suy nghĩ về hàng loạt sự kiện gần đây trong lúc đi bộ dọc một con đường quê, tôi nhận ra mình đã hết lý do để "án binh bất động". Tôi biết rằng nên mua tiếp, nhất là khi S&P 500 đã giảm mạnh hơn mức mục tiêu 20% của tôi.
Nhưng những biến động tôi đã từng chứng kiến chưa thể so sánh với lúc bấy giờ. S&P ghi nhận chuỗi 7 ngày liên tiếp biến động từ 4% trở lên – một kỷ lục mới.
Ngày thứ Sáu (13/03), thị trường chứng khoán tăng điểm vào cuối phiên, khi ông Trump hứa sẽ có các biện pháp mới để ngăn chặn dịch bệnh và thúc đẩy nền kinh tế. S&P 500 chỉ còn cách mức đỉnh khoảng hơn 20%. Dù vậy, tôi vẫn không làm gì cả.
May là tôi làm thế. Vào ngày thứ Hai sau đó, thị trường sụp đổ, xóa sạch đà tăng của ngày thứ Sáu (13/03). Dow Jones rớt mốc 20.000 lần đầu tiên sau 3 năm. Thị trường giờ đã giảm 30% và đó là thời điểm để mua vào.
Sau khi đã bỏ qua “cơ hội” mua khi thị trường rớt 20%, tôi biết đây là lúc phải dũng cảm mua vào. Nhưng tôi vẫn không làm gì trong lúc thị trường rơi tự do. Và trong bất kỳ sự kiện nào, tôi lại không dám bật trang web công ty chứng khoán mà tôi đăng ký tài khoản.
Ngày hôm sau, thị trường chứng khoán quay đầu tăng. Tôi cảm thấy bị cám dỗ với ý nghĩ mua vào. Tràn ngập trong tâm trí lúc này là suy nghĩ điều tồi tệ nhất có thể đã đi qua. Tôi lo lắng mình đã bỏ lỡ cơ hội bắt đáy khi không hành động theo chiến lược của bản thân. Nhưng cánh cửa mua vào ở mốc giảm 30% so với đỉnh gần nhất đã đóng lại, và tôi tự nhắc lại quy tắc không mua trong ngày tăng.
Ngày kế đó, dường như có nhiều tin tốt xuất hiện: Trung Quốc không còn ghi nhận ca nhiễm mới. Tuy nhiên, thị trường vẫn rớt mạnh trong phiên sáng, một lần nữa kích hoạt cơ hội mua ở mốc 30% của tôi. Lần này, tôi quyết tâm hành động.
Song tôi cứ hành động từ từ. Tôi xem tin tức, thời tiết và email. Tôi tự nói với bản thân điều này thật vô lý. Cho dù tôi có nhìn hay không, giá trị danh mục của tôi vẫn vậy mà thôi.
Vì vậy, tôi nhìn vào danh mục. Khá tệ, nhưng không giống như cú sốc của lần trớc. Tôi vẫn còn rất nhiều tiền mặt trong tay nhờ tích lũy tiền lãi và cổ tức trong nhiều năm qua.
Thế là tôi nhảy vào và mua.
Tôi không cảm thấy hưng phấn. nhưng cảm thấy tốt hơn những ngày qua, ít nhất là về tình hình tài chính cá nhân. Tôi đã dồn hết can đảm để đối mặt với sự thật. Tôi đã hành động theo kế hoạch. Tôi đã có thêm tiền mặt cho cú giảm 10% kế tiếp.
Tôi vẫn giữ được tự tin trong phiên giảm điểm vào ngày kế đó.
“Xấu hổ, ngu ngốc như bạn đã phá hỏng mọi thứ”
Tuần này, tôi kể lại những chật vật của tôi về chuyện đầu tư gần đây cho ông Frank Murtha, một lãnh đạo tại hãng tư vấn MarketPysch và cũng là chuyên gia về tài chính hành vi. Ông nói trường hợp của tôi chẳng có gì bất thường, ngay cả đối với các nhà đầu tư kỳ cựu.
Ông ấy cho biết việc do dự xem xét danh mục đầu tư là chuyện bình thường. "Thấy túi tiền của mình vơi đi hẳn là rất đau đớn", ông Frank Murtha nói. "Nó không chỉ là việc bạn nghèo hơn. Bạn cũng cảm thấy xấu hổ, dại dột, như bạn đã làm hỏng việc vậy. Một trong những điều khó khăn nhất là tách riêng tiền bạc ra khỏi cái tôi của mình", ông nói.
Frank Murtha tiếp thêm lửa để tôi đối mặt với thực tế và sau đó là mua vào. "Không có gì giải phóng nỗi lo lắng hơn là hành động”, ông nói. “Bạn có thể thực hiện những hành động nhỏ để giải quyết nhu cầu cảm xúc mà không khiến tài chính của mình gặp rủi ro không đáng có”.
Cổ phiếu là một trong số ít tài sản mà người ta sẽ cảm thấy khó mua hơn khi nó rẻ hơn. “Mỗi quyết định mua đều va phải những áp lực tiêu cực”, ông Murtha nói. Thậm chí chính ông Frank Murtha cũng từng bỏ lỡ cơ hội mua trong tháng 3/2009. “Tôi đã quá sợ hãi tại thời điểm đó”, ông nói..
Ít nhất tôi cũng đã không phạm lỗi mà ông Murtha cho là nghiêm trọng nhất, đó là bán tháo khi thị trường rớt mạnh. “Đó là lúc mọi người sẽ thực sự bị tổn thương”, ông nói. "Một khi bán tháo để rút khỏi thị trường, đòn bẩy cảm xúc sẽ chống lại bạn. Nếu thị trường giảm hơn nữa, nó sẽ xác nhận nỗi sợ hãi của bạn. Nếu nó tăng trở lại, bạn sẽ không muốn mua sau khi vừa bán. Sau đó, cơ hội mua sẽ ngày càng xa bạn. Mọi người không nhận ra sẽ khó khăn thế nào để trở lại thị trường".
Thị trường đã tăng, nhưng tôi không cảm thấy phấn chấn.
Trong cuộc đời, tôi chưa từng trải qua tình huống như hiện nay, do đó tôi cũng không quen với tốc độ sụp đổ của thị trường tại thời điểm này. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 3/2000, thị trường giảm mạnh cho đến tháng 10/2002, tức hai năm rưỡi. Thị trường con gấu gần đây nhất bắt đầu trong năm 2007 và kéo dài 17 tháng. Không ai biết thị trường con gấu sẽ kéo dài bao lâu.
Tôi cảm thấy ít lo ngại hơn: Trong thị trường con gấu trước đó, S&P 500 chưa bao giờ giảm hơn 50% so với mức đỉnh 2007. Thậm chí trong cuộc Đại suy thoái - thị trường giá con gấu tệ nhất từ trước đến nay, S&P 500 giảm 86%. Thế nhưng, chỉ số không bao giờ chạm mốc 0, đó là niềm an ủi nhỏ nhoi tại lúc này. Và sau những đợt giảm giá mạnh đó, thị trường không những phục hồi mà cuối cùng còn đạt mức tăng kỷ lục.
Tuần này mang lại một số tin tốt. Bạn tôi ở Tây Ban Nha tỉnh lại từ cơn hôn mê. Các bác sĩ nói rằng ông ấy sẽ phục hồi chậm, nhưng họ vẫn lạc quan.
Vào ngày thứ Ba (24/03), thị trường tăng vọt và kèm theo đó là hai phiên tăng nữa. Lần này, tôi không cảm thấy phấn chấn. Một số phiên tăng mạnh xảy ra đan xen trong thị trường con gấu tồi tệ nhất. Bây giờ, mục tiêu tiếp theo của tôi là khi S&P 500 giảm 40% so với mức đỉnh. Tôi có thể sớm mua vào trở lại.
Có thể bạn quan tâm:
* Nhật ký về khủng hoảng: Đằng sau tuần điên rồ nhất trong lịch sử trên “con tàu lượn” Phố Wall
Nguồn New York Times