Bloomberg
Từ thợ hàn bị đuổi việc trở thành chủ đế chế nhà hàng tỷ đô
Zhang Yong, đồng sáng lập kiêm chủ tịch của tập đoàn nhà hàng Haidilao tại Trung Quốc, vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên được đi ăn nhà hàng. Khi đó, Zhang còn là một thợ hàn 19 tuổi ở Giản Dương, Tứ Xuyên, với lương tháng 93 Nhân dân tệ (14 USD). Nhớ lại lúc đó, Zhang cho biết ông thấy thật là vui sướng khi có một ngày được thoát khỏi căngtin công ty và ngồi ăn ở một nhà hàng thực sự, một trải nghiệm khá xa xỉ khi đó.
Tuy nhiên, trải nghiệm ăn nhà hàng lần đầu của Zhang cũng không trọn vẹn: nhân viên của nhà hàng đó khá là thô lỗ, và món lẩu của họ không gây được ấn tượng. Sau đó, một bước ngoặt làm thay đổi lịch sử ẩm thực của Trung Quốc đã diễn ra: Zhang bị đuổi việc vì tranh cãi về việc yêu cầu công ty cấp căn hộ cho ông và vị hôn thê của mình. Năm 1994, Zhang Yong tự mở nhà hàng đầu tiên của mình, với chỉ vỏn vẹn 4 bàn ăn.
Ngày nay, Zhang đang nắm trong tay chuỗi nhà hàng lẩu được yêu thích nhất Trung Quốc. Haidilao hiện có 196 nhà hàng tại 60 thành phố của Trung Quốc, cũng như ở Los Angeles, Tokyo, Singapore và Seoul. Đây là một hành trình ngoạn mục với một người chưa có cả bằng tốt nghiệp cấp 3.
Giờ cao điểm tại một nhà hàng Haidilao. Ảnh: Bloomberg |
Zhang cũng là một trong những tỷ phú mới nhất của Trung Quốc, theo tính toán của Bloomberg Billionaires Index, nhờ vào việc sở hữu 68% cổ phần tại công ty Shichuan Haidilao Catering và 63% cổ phần tại Hai Di Lao Holdings. Đây đều là 2 công ty tư nhân chưa niêm yết. Ngoài ra, Zhang còn nắm 36% cổ phần trong công ty đại chúng Yihai International, vốn chuyên gia công và phân phối thực phẩm cho Haidilao, cũng như có hàng hóa được bày bán tại nhiều chuỗi siêu thị lớn ở Trung Quốc như Wal-Mart và Carrefour.
Yang Yingying, người phát ngôn của Haidilao, nói rằng Zhang từ chối bình luận về giá trị tài sản ròng của mình.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Zhang không hề hối hận. Kể lại lúc bị đuổi việc, ông cho biết: "Nhà máy đó không bao giờ có lãi. Nếu tôi không thành lập Haidilao, tôi sẽ phải tìm cái gì đó khác để làm, bởi vì bạn phải biết lo cho bản thân, bạn cần phải ăn để sống".
Hương vị Tứ Xuyên
Zhang cho biết ông dự định tiếp tục bành trướng và nhắm đến mục tiêu mở 80 nhà hàng trong năm nay, trong đó có thể có 10 nhà hàng ở nước ngoài. Ông cho biết thêm doanh thu của Haidilao có thể tăng hơn 30%, đạt 10 tỷ NDT (1,5 tỷ USD) trong năm nay, và không có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước lẫn nước ngoài.
Zhang thường xuyên đi lại giữa Trung Quốc và Singapore, nơi vợ và con trai ông đang sinh sống. Năm ngoái, ông đã mua một căn hộ cao cấp tại Singapore với giá 27 triệu đô la Singapore (20 triệu USD), theo tờ báo địa phương Business Times.
Các nhà hàng lẩu đã trở nên phổ biến tại Trung Quốc, khi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên và bắt đầu thích ngồi ăn uống cùng nhau tại nhà hàng. Thực đơn chủ lực của Haidilao là các món lẩu Tứ Xuyên nổi tiếng với vị cay, ăn chung với các loại thịt, hải sản, nấm, đậu phụ và rau.
Món lẩu Tứ Xuyên tại Hailidao. Ảnh: Bloomberg |
Tại Haidilao, mỗi bàn ăn đều được lắp bếp lò để có thể đun sôi nồi nước lẩu bất kì lúc nào khách hàng muốn. Nồi lẩu cũng có thể được chia đôi, với thiết kế giống như biểu tượng âm dương: một bên có thể dùng nước lẩu nấm hoặc nước lẩu gà để dùng cho các món ăn vị nhẹ nhàng hơn, trong khi phần bên kia là nước lẩu cay với rất nhiều tiêu cho những ai thích ăn cay nồng.
Điều khiến Haidilao trở nên khác biệt so với các nhà hàng lẩu khác chính là ở khâu dịch vụ chăm sóc khách hàng. Trong lúc chờ có bàn, khách hàng có thể được làm móng tay hoặc được massage vai miễn phí. Sau khi có bàn, mỗi thực khách đều được nhân viên phát một chiếc khăn ngâm nước ấm, cộng với một chiếc tạp dề để bảo vệ quần áo của họ.
Khách hàng của Haidilao được chăm sóc móng tay trong lúc chờ thức ăn ra bàn. Ảnh: Bloomberg |
Nhà hàng còn phát cả những chiếc túi nhựa để khách cất điện thoại di động vào, và những ai ngồi ăn tối một mình sẽ được phát một con gấu bông để ngồi cùng. "Đó là nhân tố chủ chốt khiến nhà hàng nhỏ bé đầu tiên của Zhang Yong phát triển. Dịch vụ chăm sóc này đã được triển khai kể từ khi mới thành lập nhà hàng ", là nhận xét của cựu giáo sư F. Warren McFarlan tại Trường Kinh doanh Harvard, đồng tác giả của một nghiên cứu về Haidilao vào năm 2011.
Từng có thời gian sống nghèo khó, Zhang biết rõ những thách thức đối mặt với các nhân viên của ông, vốn phần đông là dân tỉnh di cư lên thành phố. Haidilao chủ động sắp xếp các căn hộ cho nhân viên, và những căn hộ này thường được tranh bị điều hòa không khí và wifi. Zhang cũng chi trợ cấp hàng tháng cho cha mẹ của các nhân viên cao cấp. Công ty cũng có một quỹ riêng để hỗ trợ khi gia đình nhân viên gặp phải khó khăn do thiên tai. Zhang nói: "Thật không dễ dàng khi là một người từ nông thôn lên thành thị sinh sống".
Ai cũng có thể trở thành nhà lãnh đạo
Haidilao thường xuyên chọn lựa lãnh đạo mới ngay từ trong nội bộ, cho phép ngay cả những người phục vụ bàn và lao công bình thường cũng có thể trở thành nhà quản lý nếu có đủ năng lực. Người điều hành hoạt động kinh doanh của Haidilao ở Mỹ đã bắt đầu sự nghiệp tại đây với vị trí gác cửa. CEO Yang Xiaoli thì bắt đầu sự nghiệp với vị trí nữ nhân viên phục vụ.
Tại Haidilao, các nhà quản lý được đánh giá theo mức độ hài lòng của khách hàng và tinh thần làm việc của nhân viên dưới quyền, chứ không phải hoàn toàn dựa vào doanh thu. Zhang nói: "Chúng tôi hiếm khi thuê người từ bên ngoài. Chúng tôi sẽ không cho bạn bất kỳ sự ưu ái đặc biệt nào chỉ vì bạn có bằng từ Đại học Harvard hay Đại học Bắc Kinh". Ông nói thêm: "Khi tôi quan sát những nhân viên phục vụ của mình, tôi biết họ đang nghĩ về việc làm thể nào để có được vị thế như tôi bây giờ", và mỉm cười.
Tại Haidilao, tiền lương dành cho nhân viên mới ban đầu là rất thấp, nhưng tăng nhanh chóng cho những người có thành tích tốt nhất. Chế độ khen thưởng hiệu quả cùng hàng loạt khoản phúc lợi giúp công ty giữ ổn định cho đội ngũ nhân sự, một điều hiếm thấy trong ngành dịch vụ nhà hàng cạnh tranh đầy khốc liệt của Trung Quốc, theo nhận xét của ông McFarlan.
Anh bồi bàn này cũng có thể là một lãnh đạo tương lai của Haidilao. Ảnh: Bloomberg |
Các nhà quản lý thành công tại Haidilao cũng được phép mở các chuỗi nhượng quyền riêng của họ. Wang Bin, một người di cư 32 tuổi đến từ tỉnh Thiểm Tây, đã khởi đầu sự nghiệp tại Haidilao trong vị trí lao công quét dọn nhà vệ sinh. Giờ đây, anh đang điều hành một nhà hàng mở cửa suốt 24 giờ ở Sanlitun, khu phố giải trí về đêm của Bắc Kinh. Gần đây, Wang đã mở nhà hàng nhượng quyền thương mại đầu tiên của mình ở thành phố ven biển Uy Hải (Sơn Đông).
Hiện nay Wang kiếm được khoảng 50.000 NDT (7.281 USD)/một tháng, cao gấp 5 lần mức lương bình quân của một quản lý nhà hàng ở Bắc Kinh. Wang nói: "Haidilao quan tâm đến sự công bằng và tạo cho mọi người một cơ hội để phát triển bản thân. Tôi không có kế hoạch chuyển sang công ty khác".
Trong khi Zhang thành công trong việc phát triển chuỗi nhà hàng Haidilao ra toàn Trung Quốc, vẫn chưa ai rõ liệu mô hình kinh doanh của ông có thể thành công khi vươn ra nước ngoài hay không.
Tuy nhiên, Zhang vẫn quyết tâm đưa thương hiệu Haidilao ra toàn cầu. Tại nhà hàng Haidilao duy nhất ở Mỹ (nằm tại Los Angeles), Zhang cho biết ông không hài lòng khi doanh thu của nhà hàng này vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng gốc Hoa. Để thu hút thêm các nhóm khách hàng khác, ông nói rằng các nhà hàng mới của Haidilao ở Mỹ sẽ được thiết kế phù hợp với văn hóa nước này.
Zhang nói: "McDonald's, Coca-Cola và Starbucks đều phản ánh văn hoá Mỹ. Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển và thế giới bắt đầu chú ý hơn đến Trung Quốc, tôi tin rằng sẽ có cơ hội cho các nhà hàng Trung Hoa".
Hoàng Phượng
Nguồn Bloomberg