Trước khi trở thành CEO công ty công nghệ có vốn hóa 1 tỉ USD, ông Taihei Kobayashi từng lang thang chơi đàn trên các con phố ở Tokyo. Ảnh: tuoitrethudo

 
Sơn Mai Thứ Sáu | 25/12/2020 14:41

Từ một người vô gia cư trở thành CEO công ty công nghệ có vốn hóa 1 tỉ USD

Trước khi trở thành CEO công ty công nghệ có vốn hóa 1 tỉ USD, ông Taihei Kobayashi từng lang thang chơi đàn trên các con phố ở Tokyo.

Trải nghiệm cuộc sống vô gia cư từ năm 17 tuổi

20 năm trước, Kobayashi bị cha mẹ đuổi khỏi nhà ở tuổi 17 vì bỏ một trường trung học danh giá để tập trung cho ban nhạc của mình. Khi đó, Kobayashi chơi nhạc ban ngày, còn buổi tối ngủ ngoài trời, dùng hộp các tông để giữ ấm trong những đêm mùa đông giá rét. Cuộc sống vô gia cư như thế kéo dài suốt 1,5 năm.

"Mùa đông lạnh lắm", anh nhớ lại, "Có nhiều lúc tôi cảm thấy mọi thứ thực sự như địa ngục. Nhưng tôi đã vượt qua được". Kobayashi cho biết cha mẹ không chấp nhận quyết định bỏ học của anh. Họ đã lên kế hoạch tài chính để anh vào đại học.

"Họ bảo tôi ra khỏi nhà, thế nên tôi rời đi", Kobayashi nói, "Tôi muốn sống một cuộc sống được làm những gì mình thích". Kobayashi đã trải qua 2 mùa đông trên các đường phố ở quận Shinjuku và Shibuya của Tokyo. Năm 19 tuổi, giám đốc một club nhạc sống cảm thông với hoàn cảnh của Kobayashi và gọi anh về làm. Kobayashi đã làm việc ở đó suốt 6 năm.

Đến một ngày, anh cảm thấy đã đến lúc phải thay đổi. Đầu tiên, anh kiếm tiền bằng cách bán các bản thu trực tuyến. Sau đó, anh đọc được một thông tin tuyển dụng về công việc không đòi hỏi bằng cấp hay kinh nghiệm. Tất cả những gì anh phải làm chỉ là tham gia một bài kiểm tra.

Bài test kéo dài 6 giờ đồng hồ, đánh giá kỹ năng toán học, logic và IQ. Kobayashi đã vượt qua và làm việc tại công ty này, nơi đào tạo anh trở thành một kỹ sư phần mềm.

Tại đây, anh gặp Makoto Hirai. Cả hai nhận ra có rất nhiều kỹ sư phần mềm giỏi lập trình, nhưng ít người có thể vận dụng các kỹ năng đó để tạo ra mô hình kinh doanh khả thi. Vì thế, họ quyết định lập công ty để thu hẹp khoảng cách này.

Ảnh:
Năm 2012, Kobayashi đến Việt Nam để tuyển dụng nhân tài từ lực lượng kỹ sư trẻ tại đây. Ảnh: Sun*News.

Năm 2012, Kobayashi đến Việt Nam để tuyển dụng nhân tài từ lực lượng kỹ sư trẻ tại đây. Tháng 3.2013, anh cùng Hirai thành lập Framgia tại Nhật, sau đó đổi tên thành Sun* năm 2019. Mục đích của họ là giúp đỡ các startup và công ty khác thiết kế, tạo ra sản phẩm và mô hình kinh doanh mới.

"Quan điểm của chúng tôi là cam kết gắn bó với sự phát triển của các startup này, dù chúng tôi bị lỗ hay không", Kobayashi cho biết.

Những năm qua, Sun* dần phát triển việc kinh doanh và hiện có hơn 70 khách hàng. Công ty này niêm yết trên sàn Mothers (thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo), chuyên dành cho các startup. Cổ phiếu hãng này đã tăng gần gấp 6 hồi tháng 9, kéo vốn hóa lên trên 1,4 tỉ USD. Dù vậy, kể từ đó, mã này đã giảm 37%. Kobayashi hiện nắm 7,9% cổ phần hãng này, tương đương 74 triệu USD.

Hành trình từ Việt Nam đến Nhật

9 tháng đầu năm nay, Sun* đạt lợi nhuận ròng 649 triệu yen (6,2 triệu USD) trên doanh thu 3,97 tỉ yen. Mitsushige Akino, lãnh đạo cấp cao tại Ichiyoshi Asset Management cho biết nhu cầu với dịch vụ của Sun* khá tốt, nhưng doanh thu và lợi nhuận vẫn thấp và cạnh tranh có thể sẽ rất khắc nghiệt. "Mọi chuyện có thể rất khó khăn. Chúng ta sẽ phải xem liệu công ty này có duy trì được tốc độ tăng trưởng không, đặc biệt là về doanh thu, vốn đang không lớn", Akino nói.

Kobayashi trở về Nhật Bản năm ngoái. Anh cho biết công ty đã giành được hợp đồng với nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có các công ty trong chỉ số Nikkei 225. Một trong các khách hàng của công ty là SoftBank. "Chúng tôi muốn tích cực quảng bá dịch vụ của mình với các tập đoàn lớn", anh nói, "Đó là lý do chúng tôi niêm yết".

Sun* muốn tăng lợi nhuận thêm ít nhất 20-30% trên năm, và gấp đôi nhân viên tại văn phòng Tokyo lên 130 người. Việt Nam vẫn là văn phòng lớn nhất của hãng, với khoảng 1.300 người. Sun là một trong các công ty thuộc chỉ số TSE Mothers có cổ phiếu tăng vọt năm nay, do nhà đầu tư đặt cược vào các hãng công nghệ trong đại dịch. Chỉ số này đã lập đỉnh 14 năm hồi tháng 10. Dù vậy, cổ phiếu Sun không nằm trong top 10 của TSE Mothers năm nay. Hệ số P/E của mã này hiện là 200.

Ảnh:
Việt Nam vẫn là văn phòng lớn nhất của hãng, với khoảng 1.300 người. Ảnh: Business Stadard.

"Đây là loại cổ phiếu được giao dịch theo xu hướng", Tomoichiro Kubota - nhà phân tích thị trường cấp cao tại Matsui Securities cho biết, "Mã này sẽ chịu ảnh hưởng từ việc xu hướng tích cực của Mothers kéo dài bao lâu".

Kobayashi cho biết anh nhận thức được các rủi ro, nhưng không nản lòng vì chuyện này. Anh cho biết trước đây mình còn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Kobayashi đã gặp lại cha mẹ, và thời kỳ sống vô gia cư giờ đã trở thành ký ức xa xôi. "Điều tôi muốn làm bây giờ là tiếp tục hiện thực hóa tầm nhìn của Công ty", anh nói.

► Sau lần "thập tử nhất sinh", sếp ngân hàng Ấn Độ trở thành tỉ phú USD