The Xtraordinary
Từ công nhân trở thành bà hoàng bất động sản Bắc Kinh
Lớn lên ở Bắc Kinh trong thời đại Cách mạng Văn hóa, tham vọng của cô bé Zhang Xin khi đó là trở thành nông dân, một công việc "vinh quang" trong xã hội Trung Quốc ngày ấy.
Bây giờ, cùng với người chồng Pan Shiyi, Zhang Xin đang có khối tài sản khoảng 3,3 tỷ USD. Bà được coi là một trong những nữ doanh nhân hàng đầu thế giới và tập đoàn bất động sản SOHO China của bà đã góp phần giúp thành phố Bắc Kinh trở thành một đô thị lộng lẫy như hôm nay.
Quay trở lại những năm 1960, khi đó Bắc Kinh vẫn còn là một thế giới màu xám xịt. Các tòa nhà đều màu xám, và mọi người ai cũng mặc bộ đồng phục màu xám dựa theo phong cách của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Ngay cả thiên nhiên cũng toàn màu xám. "Vào mùa xuân, khi có bão cát thì toàn bộ bầu trời sẽ xám xịt", Zhang Xin kể với kênh CNBC.
Ngày ấy, Bắc Kinh không có siêu thị hay nhà hàng, và mọi người đều được trả lương như nhau, bất kể trình độ học vấn. Đó là một giai đoạn nhiều khó khăn với cô gái trẻ Zhang Xin: bà và mẹ đã phải đi về vùng nông thôn để làm việc, trong khi cha và anh trai của bà được ở lại Bắc Kinh.
Ngày nay, Bắc Kinh là thế giới của những tòa nhà chọc trời, đầy ánh sáng và đa sắc màu, một phần là nhờ SOHO China, công ty mà vợ chồng Zhang Xin đã thành lập vào năm 1995. 2 vợ chồng bà vẫn đang nắm phần lớn cổ phần của SOHO, và Zhang Xin giữ vị trí CEO còn ông chồng Pan Shiyi giữ vị trí chủ tịch. Được mệnh danh là "người phụ nữ kiến tạo nên Bắc Kinh", Zhang nổi tiếng vì việc thường xuyên hợp tác với các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới và xây dựng nên những tòa nhà mang tính biểu tượng cho thành phố.
Các đường cong màu trắng của tòa nhà Galaxy SOHO và những tòa tháp lộng lẫy của Wangjing SOHO (đều được thiết kế bởi Zaha Hadid) là ví dụ tiêu biểu cho những dự án của Zhang Xin ở Bắc Kinh. Cho tới nay, tổng diện tích mặt bằng của các dự án mà SOHO đã phát triển ở Bắc Kinh và Thượng Hải là 16,8 triệu m2.
Galaxy Soho. Ảnh: Soho China |
Khám phá thế giới mới
Năm lên 15 tuổi, Zhang và gia đình chuyển đến Hong Kong, một thế giới đầy ánh sáng, tiếng ồn và màu sắc khác hẳn với Đại lục. Đây cũng là nơi mà bà đã làm ra những đồng tiền đầu tiên. Zhang kể: "Chúng tôi đã làm mọi công việc có thể để kiếm sống”. Zhang đã đi làm công nhân nhà máy trong 5 năm.
Tòa nhà Wangjing SOHO. Ảnh: Soho China |
Mặc dù việc làm công nhân khá đơn điệu và nhàm chán, nhưng Zhang Xin lại cảm thấy được giải phóng. "Tôi thực sự cảm thấy tự do ở Hong Kong ... Tôi có thể mua bất cứ thứ gì tôi muốn mua. Tôi có thể ăn bất cứ thứ gì tôi muốn ăn. Và tôi có thể mặc những gì tôi muốn mặc".
Thời đó, Hong Kong vẫn còn là một thuộc địa của Anh, nghĩa là Zhang có cơ hội chuyển đến Vương quốc Anh để học tập. Nhưng bà đã cảm thấy sốc khi lần đầu đặt chân đến xứ sở sương mù. Bà kể: "Tôi không biết ai, và cũng không biết tiếng Anh. Vì ước mơ học tập và thoát kiếp công nhân, tôi đã đã gần như đến một hành tinh khác. Và tôi nhớ đêm đầu tiên tôi đến đó, tôi ngồi trên vali và khóc. Tôi thực sự cảm thấy sợ hãi".
Một lần nữa Zhang lại lao vào kiếm tiền. Bà làm việc trong một nhà hàng bình dân do một cặp vợ chồng Trung Quốclàm chủ. Bà cảm thấy ấn tượng khi xem Thủ tướng Anh khi đó là bà đầm thép Margaret Thatcher tranh luận trên truyền hình. Bà kể: "Tôi nhớ tôi đã rất quan tâm đến bà Thatcher và nghĩ: ‘Làm thế nào mà bà ấy có thể nói chuyện hay như vậy? Làm thế nào mà bà ấy có thể tranh luận với hàng trăm người đàn ông? Bà ấy thật sự dũng cảm. Bà ấy là thần tượng của tôi".
Sau khi tốt nghiệp chương trình Cử nhân kinh tế tại trường Đại học Sussex và bằng Thạc sĩ kinh tế phát triển của Đại học Cambridge, Zhang Xin đã làm việc cho Goldman Sachs ở London, sau đó là ở Hong Kong và New York. Nhưng khi thực hiện một số thương vụ IPO cho các công ty Trung Quốc, bà bắt đầu nhận ra rằng có những chuyện thú vị đang xảy ra ở quê hương mình, và mong muốn trở lại lập nghiệp. Chất xúc tác cuối cùng là khi Zhang Xin gặp người chồng tương lai Pan Shiyi, một nhà phát triển bất động sản chưa bao giờ đi ra bên ngoài Trung Quốc. Cả hai người nhanh chóng nảy sinh tình cảm.
Zhang kể: "Chúng tôi gặp nhau, đâm ra yêu nhau, và chỉ 4 ngày sau anh ấy nói: ‘Anh nghĩ em sẽ là vợ của anh’. Chúng tôi quyết định kết hôn. Tôi luôn biết tôi muốn làm gì, và tôi luôn luôn theo đuổi những gì tôi muốn làm".
Nhưng tình yêu đích thực cũng có trắc trở. Zhang nói: “ Chúng tôi đề cao những giá trị khác nhau, và có niềm tin khác nhau ... Điều đó thật là khủng khiếp cho mối quan hệ giữa 2 người". Sau vài năm hôn nhân với nhiều tranh cãi, Zhang tạm nghỉ ngơi, quay lại nước Anh để chiêm nghiệm về cuộc sống của mình. Bà nhớ lại: "Tôi đã dành thời gian bên bạn bè, và tôi vẫn nhớ lúc mình thức dậy vào một buổi sáng ở miền quê nước Anh và nghĩ: Tôi có muốn duy trì cuộc hôn nhân này, hay tôi muốn kinh doanh? Tôi có muốn quay lại sống ở Trung Quốc không?"
Zhang quyết định rằng bà muốn duy trì cuộc hôn nhân của mình. Bà nói: "Tôi đã trở lại. Tôi nói với chồng: ‘Anh biết không? Em sẽ thôi việc. Anh cứ tiếp tục công việc của mình. Em sẽ ở nhà, làm một bà nội trợ, và làm mẹ”.
Nhưng rồi công việc của Pan trở nên nhiều tới nỗi Zhang cũng "tái xuất giang hồ". Bà kể lại: "Trong nhiều năm, tôi nhận ra rằng sự nhạy cảm của tôi rất phù hợp với việc thiết kế sản phẩm, thiết kế các tòa nhà ... Còn tài năng của chồng tôi là xây dựng, bán hàng và cho thuê."
Mọi thứ thực sự khó khăn trong những ngày đầu. Zhang kể: "Chúng tôi luôn phải đối mặt với những câu hỏi như là: 'Làm thế nào chúng ta có được miếng đất đó? Làm thế nào để huy động vốn? Làm thế nào để thuyết phục mọi người rằng chúng ta có thể làm điều đó?'".
Zhang nói tiếp: "Đó chính là các khó khăn mà giới doanh nghiệp Trung Quốc vào những năm 1990 phải đối mặt. Chúng tôi cố gắng kể với mọi người về tầm nhìn của mình, và yêu cầu mọi người tin tưởng vào đó và thực hiện nó."
Zhang đã tạo nên tên tuổi của mình bằng dự án Commune by the Great Wall, một khu biệt thự nằm gần Vạn Lý Trường Thành, cách Bắc Kinh 70 km về phía Bắc. Được thiết kế bởi một nhóm 12 kiến trúc sư Châu Á, dự án Commune đã mang lại cho Zhang giải thưởng Mạnh thường quân Kiến trúc tại liên hoan nghệ thuật Venice Biennale năm 2002.
Dự án Commune by the Great Wall. Ảnh: Every China |
Zhang nói: "Trước đó, tôi đã xây dựng được nhiều tòa nhà. Nhưng Commune mới thực sự tiêu biểu cho niềm đam mê kiến trúc của tôi. Tôi đã khám phá nên một khu thung lũng gần Vạn Lý Trường Thành, và tôi nghĩ rằng đây là nơi tuyệt vời để mời một số kiến trúc sư vĩ đại, mỗi người sẽ thiết kế một công trình tùy theo trí tưởng tượng của họ".
Để xây dựng Commune, Zhang đã gửi thư tới 12 kiến trúc sư mới nổi từ khắp châu Á (trong đó một số người chưa từng đặt chân tới Trung Quốc) và nói với họ: "Bạn có thể tự thiết kế bản vẽ của riêng mình. Tôi sẽ lo phần xây dựng".
Một người trong nhóm này là kiến trúc sư người Nhật Kengo Kuma đã gợi ý sử dụng chất liệu tre. Khi nhận thấy chất lượng xây dựng tại Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn Nhật Bản, Kuma đã nảy ra ý tưởng dùng một vật liệu mà không đòi hỏi kỹ thuật xây dựng chính xác cao, và từ đó quyết định dùng cây tre. Mang tên Bamboo Wall House, tòa nhà bằng tre của Kuma có 6 phòng ngủ, phòng uống trà, nhà bếp mở và phòng ăn, và được quảng bá làm nơi tổ chức các cuộc họp doanh nghiệp.
Các dự án nổi bật khác của SOHO có thể kể tới SOHO New Town, một khu dân cư và thương mại ở Bắc Kinh, và Jianwai SOHO, một tổ hợp 20 tòa tháp cao tầng có vườn trên mái nhà và 4 biệt thự.
Trong khi năm 2002 là đỉnh cao nghề nghiệp cao của Zhang, thì năm 2003 là rất khó khăn. Bà nói: "Tôi đã gặp rất nhiều thất bại, không phải mọi việc đều suôn sẻ. Thất bại đầu tiên của tôi là vào năm 2003 khi tôi cố gắng IPO công ty của mình".
Khi đó, Zhang đã tìm đến nơi làm việc cũ là Goldman Sachs, nhưng mọi chuyện đã không như ý muốn: “Vào năm 2003, các nhà đầu tư Phố Wall không thể định giá các công ty bất động sản Trung Quốc, vốn có một mô hình kinh doanh khác biệt so với bên ngoài. Những ai am hiểu và gần gũi Trung Quốc hơn thì rất hứng thú, nhưng những nhà đầu tư ở Mỹ thì vẫn chưa sẵn sàng".
Bốn năm sau, Phố Wall đã sẵn sàng. SOHO đã huy động được 1,9 tỷ USD khi tiến hành IPO vào năm 2007, và số cổ phần của vợ chồng Zhang Xin được định giá 4 tỷ USD.
Chuyển mình
Vào năm 2012, SOHO đã công bố việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ “xây dựng và bán" (build-sell) sang "xây dựng và điều hành" (build-hold). Công ty chuyển sang cho thuê bất động sản thay vì bán đi, nhằm tận dụng nhu cầu về văn phòng tại Bắc Kinh và Thượng Hải và hướng tới việc duy trì dòng tiền ổn định hơn. Năm 2016, thu nhập từ hoạt động cho thuê của SOHO là 1.511 triệu NDT (225 triệu USD).
Phối cảnh dự án Leeza SOHO đang được xây dựng tại Bắc Kinh. Ảnh: Skyscrapercity |
Ngoài ra, Zhang cũng đã phát triển chuỗi không gian làm việc chung SOHO 3Q, thông qua sự hợp tác với kiến trúc sư Andreas Thomczyk. Đến tháng 12/2016, 17 trung tâm của thương hiệu này có tỷ lệ lấp đầy trung bình 85%, và từ đó đến nay đã có thêm 2 trung tâm SOHO 3Q mới được khai trương.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh của SOHO cũng không hoàn toàn suôn sẻ. Trong năm 2016, lợi nhuận trước thuế của công ty đã giảm đáng kể, từ mức gần 12,5 tỷ NDT (1,85 triệu USD) vào năm 2013 xuống còn dưới 2 tỷ NDT (298 triệu USD), do thu nhập từ hoạt động cho thuê không thể bù đắp nổi sụt giảm về doanh thu bán hàng.
SOHO 3Q. Ảnh: Soho China |
Trước đó nữa, năm 2015 là năm đặc biệt khó khăn cho SOHO, khi mức lợi nhuận trước thuế giảm xuống còn 1,4 tỷ NDT (209 triệu USD) so với 6,7 tỷ NDT (1 tỷ USD) của năm 2014.
Trong năm 2016, SOHO đã từ bỏ hai dự án tòa nhà văn phòng ở Thượng Hải và hiện đang tiếp tục theo đuổi mảng không gian làm việc chung. Zhang nói với CNBC rằng công ty của bà "tin tưởng rằng sự tăng trưởng của khu vực tư nhân tại Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu văn phòng tăng lên tương ứng ". Theo Zhang, trong tương lai các công ty công nghệ cao và các công ty startup vẫn sẽ tập trung ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh.
Ngoài Trung Quốc, gia đình Zhang cũng đã đầu tư vào thành phố New York, thông qua việc bỏ ra 600 triệu USD để mua cổ phần tại Park Avenue Plaza vào năm 2011, và tham gia một liên minh để đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào tòa nhà General Motors vào năm 2013. Bà nói với CNBC: "Điều tiếp theo mà tôi theo đuổi là xây dựng các công trình trên khắp thế giới".
Châu Âu cũng là một điểm đến hấp dẫn đối với Zhang. Trả lời với CNBC, bà cho biết mình bị thu hút bởi London, Paris và Berlin. Zhang nói: "Châu Âu đã là trung tâm của thế giới phương Tây trong 500 năm qua, và ý nghĩa văn hoá cũng như tầm vóc lịch sử và chính trị của nó vẫn còn rất lớn".
Bất chấp Brexit, Zhang vẫn không ngần ngại đầu tư vào London. Chia sẻ với CNBC, Zhang cho biết rằng bà đã tham gia đấu thầu một khu đất tại London, nhưng không tiết lộ cụ thể thêm. Chiến lược của bà là mua vào khi giá bất động sản giảm mạnh.
Có thể Zhang sẽ phải thận trọng hơn trong thời gian tới. Theo báo cáo của Reuters, trong tháng 8 này chính phủ Trung Quốc đã quyết định siết chặt hơn nữa việc rót vốn đầu tư ra nước ngoài. Andrew Collier, giám đốc điều hành của Orient Capital Research, cho biết điều này khiến giấc mơ Châu Âu của Zhang khó thành sự thực. Theo Collier, nhiều khả năng SOHO sẽ tiếp tục chuyển hướng mô hình kinh doanh theo hướng không nắm quá nhiều tài sản.
Sau 20 năm lăn lộn trong lĩnh vực bất động sản, Zhang vẫn cẩn thận xem xét tỉ mỉ từng công trình của mình. Bà luôn dành thời gian đến tận công trường, tìm ra những chi tiết nhỏ cần khắc phục, dù nó có thể khiến các nhân viên và kiến trúc sư cảm thấy khó chịu. Bà luôn yêu cầu rất cao trong công việc, và muốn đạt kết quả tốt nhất.
Gửi lời khuyên tới giới trẻ, Zhang cho rằng mọi người nên tự khám phá ra mình muốn làm gì, yêu thích điều gì và đừng để bị tác động bởi người khác. Bà nói: “Những người khác có thể muốn bạn trở thành doanh nhân, nhưng nếu bạn muốn trở thành một cầu thủ bóng đá, hãy làm theo đam mệ của mình. Bạn chỉ có kết quả tốt nhất nếu bạn thực sự khao khát làm một việc gì đó. Và đó cũng là kim chỉ nam cho cuộc sống của tôi”.
Bá Ước
Nguồn CNBC