Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới như thế nào?
Đây là những bài học rút ra từ cuốn sách: "Dealing with China" (làm thế nào để đối phó với Trung Quốc?) được viết bởi ông Henry Paulson, cựu CEO Goldman Sachs và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush (Bush con). Đây cũng là cuốn sách mà nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã chọn đọc để hiểu hơn về Trung Quốc.
Bìa cuốn sách "Dealing with China". Ảnh: Business Insider/Twelve |
Nếu bạn cần một lời nhắc nhở về mức độ phát triển của Trung Quốc, hãy xem xét điều này: Khi kinh tế nước này bắt đầu tăng trưởng, người ta vẫn còn dùng Internet quay số. Tuy nhiên chỉ trong hơn 30 năm, Trung Quốc đã hiện đại hoá mạnh mẽ và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Điều này diễn ra như thế nào? Điều này có ý nghĩa gì đối với phần còn lại của thế giới?
Các tóm tắt dưới đây giải thích các bước mà Trung Quốc đã thực hiện để chuyển đổi một nền kinh tế kế hoạch tập trung; Cách Mỹ thay đổi chiến lược tiếp cận với Trung Quốc; Tại sao chúng ta không thể làm ngơ trước các vấn đề nội bộ của Trung Quốc; Và sự trỗi dậy của Trung Quốc đang gặp phải những trở ngại nào.
Bạn cũng sẽ biết được:
- Tại sao các trường đại học Trung Quốc không thể cho "ra lò" những nhà quản trị kinh doanh tốt?
- Vùng duyên hải California liên quan trực tiếp như thế nào đến Trung Quốc?
- Trung Quốc đã làm gì để các ngân hàng và các công ty dầu mỏ của nước này có tính cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu?
Tăng trưởng kinh tế thần kì của Trung Quốc là kết quả của những cải cách triệt để
Vào cuối thập niên 1970, liệu bạn có tin rằng nền kinh tế của Trung Quốc sẽ trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới? Khi đó rất ít người tin vào điều này . Tuy nhiên, ngày nay nó đã trở thành sự thực. Vậy bí mật đằng sau sự tăng trưởng bất ngờ và chưa ai sánh bằng của Trung Quốc là gì?
Tất cả bắt đầu bằng việc áp dụng những ý tưởng kinh tế của phương Tây. Sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, và trong hai năm tiếp theo, đã phát triển một số chương trình kinh tế mới. Mục đích của những sáng kiến này? Mở cửa Trung Quốc với thị trường toàn cầu.
Kết quả của những sáng kiến này thật phi thường. Trong vòng vài năm, hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo. Vào đầu những năm 1980, GDP Trung Quốc tăng trung bình 10% mỗi năm.
Trọng tâm của sự bùng nổ hoạt động kinh tế này là một chính sách cụ thể: giao cho các doanh nghiệp nhà nước (SOE) nhiều quyền hạn hơn. Mặc dù họ vẫn phải đáp ứng các chỉ tiêu do chính quyền trung ương quy định, các doanh nghiệp nhà nước đã được phép bán hàng hoá và dịch vụ của họ trên thị trường mở với mức giá linh hoạt.
Một khía cạnh quan trọng khác trong kế hoạch kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình là tạo ra các đặc khu kinh tế (SEZ). Nó phục vụ cho việc kích thích tinh thần khởi nghiệp đang ngủ quên của người Trung Quốc bằng cách giảm thuế cho các công ty nước ngoài và các công ty Trung Quốc, nới lỏng các hạn chế xuất nhập khẩu và tạo điều dễ dàng hơn cho đầu tư nước ngoài. Những công ty nội địa lớn như Lenovo (công ty bán nhiều máy tính cá nhân nhất thế giới) và Hangzhou Wahaha Group (công ty nước giải khát lớn nhất Trung Quốc) đều được thành lập trong thời kỳ này.
Các SEZ đã đóng vai trò như các phòng thí nghiệm kinh tế, nơi mà Trung Quốc có thể thử nghiệm với những quy tắc kinh tế đã phổ biến ở phương Tây, chẳng hạn như việc đấu thầu các hợp đồng xây dựng hoặc trả tiền thưởng cho người lao động.
Trước khi có những sáng kiến này, những người sáng tạo và có đầu óc kinh doanh hiếm khi tận dụng tối đa khả năng của họ trong công việc được giao. Nhưng những cải cách đã dẫn tới việc nhiều công ty ra đời, và bạn đã có thể bắt đầu khởi nghiệp. Chẳng bao lâu sâu các doanh nhân trẻ xuất hiện như nấm!
Tái cấu trúc ngành viễn thông là một bước đi chủ chốt trong hiện đại hóa
Trong khi các sáng kiến kể trên khuyến khích hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, các sự kiện kinh tế có ảnh hưởng trên khắp thế giới cũng đã khơi dậy niềm cảm hứng cho các doanh nhân Trung Quốc. Một trong những sự kiện như vậy là việc bãi bỏ bớt luật lệ và tư nhân hoá quy mô lớn do chính phủ của bà Margaret Thatcher thực hiện ở Anh từ năm 1985 đến năm 1990.
Quá trình cổ phần hóa ở Trung Quốc đã giải cứu kịp thời cho các công ty nhà nước đang trên bờ vực sụp đổ, điều hành bởi những người ít hiểu biết về thực tiễn kinh doanh hiện đại, và ngập trong nợ nần vào giữa những năm 1990. Bằng cách bán cổ phần của các công ty này cho các công ty tư nhân và quốc tế, các dòng vốn đã được huy động nhiều hơn và các doanh nghiệp nhà nước được cải thiện, vì họ phải tuân thủ các chuẩn mực kế toán toàn cầu.
Khu vực đầu tiên phải trải qua quá trình cổ phần hóa là ngành viễn thông, dẫn đầu là công ty nhà nước China Telecom.
Giữa năm 1992 và năm 1996, Trung Quốc chi hơn 35 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng viễn thông, và số thuê bao điện thoại cố định tăng vọt từ 11,5 lên 55 triệu người. Nhưng hệ thống này không hiệu quả về mặt kinh tế. Vào nửa cuối những năm 1990, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã cao hơn những gì mà China Telecom có thể tự làm ra.
Bằng việc tham khảo sự kiện tư nhân hoá Deutsche Telekom (Đức) năm 1996, vốn đã huy động được hơn 14 tỷ USD, China Telecom muốn cổ phần hóa để gọi vốn thêm 2 tỷ USD. Nhưng ngành công nghiệp viễn thông Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với của Đức – công ty đã phải sử dụng 350 kế toán làm việc toàn thời gian để nắm bắt chính xác của tình hình của ngành!
Tuy nhiên, khi China Telecom tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 10/1997, họ đã thu được số vốn gấp đôi kì vọng: hơn 4,2 tỷ USD. Việc cổ phần hoá thành công China Telecom mở ra cánh cửa cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông Trung Quốc. Đến năm 2008, Trung Quốc có ba nhà mạng lớn cạnh tranh với nhau trong nước. Bằng cách này, toàn bộ ngành công nghiệp đã được cổ phần hóa. Từ chỗ chỉ có một công ty viễn thông duy nhất, hiện nay có rất nhiều công ty có thể cạnh tranh với nhau.
Bài học tái cấu trúc lĩnh vực dầu mỏ: Không phải lúc nào cũng suôn sẻ
Việc cổ phần hoá China Telecom thành công rất lớn, vậy tại sao lại dừng ở đó? Bước tiếp theo là dầu mỏ, một ngành cũng rất cần cải cách.
Tới cuối những năm 1990, ngành dầu mỏ của Trung Quốc đã hoạt động không hiệu quả và cần được tái cơ cấu. Bất chấp những nỗ lực cải tiến trước đó, Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC) vẫn tụt hậu so với các đối thủ phương Tây.
Một trong những thách thức lớn nhất của CNPC là chi phí nhân sự quá cao. Trước khi ông Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, công nhân Trung Quốc thường được giao cho việc làm suốt đời. Các công ty cung cấp nhà ở và chăm sóc sức khoẻ, công nhân ở lại với công ty của họ và công ty không bao giờ sa thải ai. Đây là trường hợp của hầu hết các SOE ở Trung Quốc, đặc biệt là ở CNPC. Đến năm 1999, hãng có 1,5 triệu công nhân làm việc, một con số đáng kinh ngạc so với 80.000 lao động của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ BP vào thời đó!
Không có gì ngạc nhiên khi quá trình tái cơ cấu CNPC rất phức tạp và tốn kém. Trong khi việc cổ phần hóa ngành viễn thông đã gặp nhiều khó khăn, việc biến CNPC thành một công ty cạnh tranh trên thị trường toàn cầu lại là ở một mức độ khó cao hơn hẳn.
Vì một lẽ, tình hình kinh tế vĩ mô thời điểm đó rất khó để điều hướng: cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra năm 1997 đã làm giảm nhu cầu dầu, trong khi giá dầu thế giới đã sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1973.
Khi CNPC cuối cùng xuất hiện trên thị trường toàn cầu bằng cái tên PetroChina, khoảng 2/3 công nhân của họ đã bị sa thải trong một nỗ lực để làm cho công ty có lợi nhuận và thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Phần lớn những người lao động bị sa thải không thể tìm được việc làm mới, và nhận được trợ cấp thôi việc không đáng kể. Điều này đã dẫn tới những cuộc biểu tình lớn ở Trung Quốc và cả ở Mỹ.
Thật không may, việc sa thải hàng loạt này cũng phản ánh một xu hướng lớn hơn trong quá trình hiện đại hóa kinh tế của Trung Quốc: Năm 2004, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng khu vực kinh tế nhà nước ở Trung Quốc đã cắt giảm hơn 40 triệu việc làm trong giai đoạn 1990-2001.
Cần phải có những cải cách thể chế sâu rộng hơn
Chúng ta đã nhìn thấy rằng sự thay đổi lớn về kinh tế ở Trung Quốc có một tác động không nhỏ đến nước này. Ngày nay, với vai trò một nhà lãnh đạo trên thị trường toàn cầu, Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới - và ở một mức độ khá đáng sợ!
Một diễn biến đáng lo ngại có thể có tạo ra tác động trên toàn thế giới là tổng dư nợ tín dụng của Trung Quốc. Nếu không kiểm soát được vấn đề này, Trung Quốc có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể làm rung chuyển nền kinh tế thế giới.
Tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế Trung Quốc đã tăng từ 130% GDP năm 2008 lên 206% trong năm 2014, tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với GDP. Nói cách khác, đó là công thức hoàn hảo cho một cuộc khủng hoảng! Vào tháng 4/2014, IMF đã nêu bật mối quan ngại của họ, thúc giục Trung Quốc kiểm soát các bong bóng tín dụng.
Trung Quốc có thể tránh được một cuộc khủng hoảng như thế nào? Bước đầu tiên sẽ lại là giao quyền nhiều hơn cho các SOE. Hiện nay, việc tuyển dụng và sa thải các giám đốc điều hành trong các SOE vẫn do các chính trị gia kiểm soát. Để xử lý nợ hiệu quả hơn, các công ty nên được vận hành theo các quy tắc thương mại, cho phép họ cạnh tranh tốt trên thị trường.
Một lĩnh vực khác đòi hỏi sự thay đổi là môi trường. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tạo một tác động rất lớn đến môi trường. Ô nhiễm ở Bắc Kinh đã đạt đến mức mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) coi là nguy hiểm. Trữ lượng nước ngầm ở các khu vực phía Bắc của Trung Quốc đã gần như cạn kiệt, trong khi các con sông và hồ bị ô nhiễm đến mức nước không thể uống được.
Để chống lại tình trạng môi trường xuống cấp, trước hết Trung Quốc phải đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng. Đây không phải là một công việc dễ dàng, vì vậy Mỹ và các nước khác cần phải giúp Trung Quốc trong việc chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững hơn.
Viện Paulson, được thành lập bởi tác giả cuốn sách, đã được thành lập để đạt được mục tiêu này. Ví dụ, Viện đã thiết lập các khóa học cho các thị trưởng Trung Quốc về cách xây dựng những đô thị bền vững, và đã lập kế hoạch để lập bản đồ đa dạng sinh học của các khu vực đầm lầy của Trung Quốc để thúc đẩy bảo vệ môi trường tốt hơn.
Cải cách ngân hàng và giáo dục theo chuẩn quốc tế
Giữa những thay đổi sâu rộng ở Trung Quốc, có một vấn đề rõ rệt không thể bỏ qua. Trong các ngành giáo dục và ngân hàng, Trung Quốc hoàn toàn không tương thích với thị trường toàn cầu. Vậy vấn đề này được giải quyết như thế nào?
Trong những năm 1990, các trường đại học Trung Quốc có thể cho ra lò các kỹ sư tuyệt vời. Nhưng về việc đào tạo ra những nhà quản lý có năng lực, họ tụt hậu xa các trường đại học phương Tây.
Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã thừa nhận điều này, và quyết định rằng chương trình giáo dục kinh doanh tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) cần được cải cách. Ông đã yêu cầu Henry Paulson đánh giá trường đại học này, vốn có biệt danh "MIT của Trung Quốc", và đề xuất một chương trình MBA mới.
Khi Paulson đi học ở Trường Kinh doanh Harvard, không bao giờ có câu trả lời đúng hay sai. Bạn phải có suy nghĩ riêng của mình, một kỹ năng thiết yếu cho bất kỳ nhà quản trị nào. Đưa thái độ này vào chương trình giảng dạy là mục tiêu của chương trình MBA mới tại Đại học Thanh Hoa. Nhưng bằng cách nào? Bằng cách chuyển sang hướng nghiên cứu các trường hợp cụ thể (case study) và ít tập trung hơn vào lý thuyết.
Năm 2001, chương trình quản trị mới đầu tiên của Thanh Hoa mang tên "Quản lý trong Thời đại Internet" đã được đưa ra. Kể từ đó, hơn 50.000 người đã trải qua các chương trình MBA của Thanh Hoa.
Ngành ngân hàng cũng yêu cầu phải cơ cấu lại cơ cấu để thích nghi với thị trường toàn cầu. Nhưng bằng cách nào? Đầu tiên, 4 ngân hàng quốc doanh đã được tạo ra để cạnh tranh với nhau và làm cho hệ thống hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, mọi thứ đã không hoàn toàn xảy ra như kế hoạch. Các ngân hàng này đã bắt đầu cấp vốn cho các SOE thông qua các khoản cho vay thiếu an toàn và nhanh chóng bị mất kiểm soát, dẫn đến lạm phát và đe dọa toàn bộ nền kinh tế. Nợ xấu ở 4 ngân hàng này ngày càng tăng lên và buộc phải có giải pháp nhanh chóng.
Chính phủ đã được xác định phải giải quyết mớ hộn độn này. Thông qua các biện pháp tái cấu trúc và cắt giảm nhân sự, ngân hàng lớn nhất Trung Quốc là ICBC đã xử lý được khoản nợ xấu trị giá 135 tỷ USD chỉ trong 6 năm, và cuối cùng trở nên cạnh tranh hơn.
Quan hệ Mỹ - Trung
Trong bất kỳ mối quan hệ tốt nào, đối thoại cởi mở là điều cần thiết để giải quyết các vấn đề phức tạp. Nó thậm chí còn quan trọng hơn với các siêu cường toàn cầu.
Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc là rất không ổn định. Vậy làm thế nào để cải thiện tình hình?
Năm 2006, Tổng thống Bush con và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đồng ý khởi động chương trình Đối thoại kinh tế Chiến lược (SED), bao gồm một loạt các cuộc họp nhằm cải thiện đối thoại giữa Trung Quốc và Mỹ về các vấn đề kinh tế.
Trước khi có SED, các quan chức cao cấp Trung Quốc đã gặp các thành viên nội các Mỹ khác nhau để thảo luận các vấn đề. Vì các thành viên nội các Mỹ có những ý tưởng khác nhau về mục đích chung của Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã nhận được những thông điệp mâu thuẫn và dễ gây hoang mang.
Để đảm bảo rằng các thành viên của nội các Mỹ thống nhất quan điểm, một vị trí mới đã được tạo ra để điều phối việc đối thoại của các thành viên nội các với Trung Quốc. Quy trình áp đặt từ trên xuống này phù hợp với người Trung Quốc, những người quen với thứ bậc nghiêm ngặt. Ông Bush đã đề cử tác giả (tức ông Paulson) là người đầu tiên giữ vai trò này.
Cuộc Đối thoại Kinh tế Chiến lược đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 14 đến 15/12 năm 2006 và đã tạo ra những bước tiến quan trọng cho mối quan hệ Mỹ-Trung.
Ví dụ, Trung Quốc đã đồng ý cho phép sàn Chứng khoán Nasdaq và Sở Giao dịch Chứng khoán New York mở các văn phòng kinh doanh tại Trung Quốc, và đồng ý nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ về việc mở rộng các chuyến bay của các hãng hàng không Mỹ đến và đi từ Trung Quốc. Một thay đổi khác tạo điều kiện cho việc tài trợ để hỗ trợ xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Vì thương mại giữa hai nước từ lâu đã là một chủ đề nhạy cảm, điều này đánh dấu một sự khởi đầu mới rất quan trọng.
Trung Quốc và Mỹ cần hợp tác cùng nhau
Hầu hết mọi người đều biết rằng Mỹ và Trung Quốc đã có một mối quan hệ chiến lược trong nhiều năm. Mối quan hệ chiến lược của họ bắt đầu từ những năm 1970. Cơ sở của mối quan hệ đó là Mỹ có lợi từ hàng nhập khẩu giá rẻ, và Trung Quốc có lợi nhuận từ việc người Mỹ không ngừng mua vào hàng tiêu dùng giá rẻ.
Bây giờ, khi Trung Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhiều người Mỹ tự hỏi: Tại sao lại giúp đối thủ cạnh tranh của mình?
Câu trả lời rất đơn giản: bởi vì các vấn đề của Trung Quốc cũng là những vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến nước Mỹ. Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ năm 2014 kết luận rằng có tới 1/4 lượng sulfat gây ô nhiễm ở bờ Tây nước Mỹ là đến từ các nhà máy ở Trung Quốc và gió đã mang chúng băng qua Thái Bình Dương đến nước Mỹ. Rõ ràng là việc hỗ trợ Trung Quốc trở nên bền vững hơn cũng là một sự đầu tư cho tương lai của Mỹ.
Hơn nữa, mối quan hệ đầu tư lẫn nhau giữa hai quốc gia cùng đem lại lợi ích cho cả 2. Khi đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc tăng lên, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ cũng tăng theo. Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ tăng gấp đôi từ năm 2012-2013, đạt 14 tỷ USD trong các lĩnh vực, từ kinh doanh nông nghiệp sang bất động sản.
Mặc dù một số người Mỹ không thích việc các công ty Mỹ bị nước ngoài thâu tóm, họ nên cân nhắc về tăng trưởng và việc làm mà điều này tạo ra. Hãy lấy Wanxiang Group, nhà sản xuất phụ tùng ôtô lớn nhất Trung Quốc, làm ví dụ.
Với doanh thu 23,5 tỷ USD, công ty này tuyển dụng khoảng 6.000 lao động người Mỹ ở 14 tiểu bang. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, Wanxiang đã đầu tư rất nhiều vào việc mua lại các nhà sản xuất linh kiện ô tô đang gặp khó khăn tại Mỹ, giữ lại hơn 3.500 việc làm.
Vì vậy, khi nhìn vào tương lai, việc hợp tác với Trung Quốc, thay vì chống lại nước này, đem lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ. Việc phát triển mối quan hệ với Trung Quốc và thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về các mục tiêu của Trung Quốc là rất quan trọng nếu chúng ta muốn đối mặt những thách thức toàn cầu của tương lai.
Bá Ước
Nguồn BI