Tranh cử kiểu startup, Macron làm đảo lộn nền chính trị Pháp
Sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã hạ màn với thắng lợi rực rỡ của ứng viên 39 tuổi Emmanuel Macron, nhiều nhà quan sát vẫn chưa hết ngỡ ngàng trước việc vì sao phong trào En Marche! (Tiến lên) của chính trị gia trẻ tuổi này lại thành công tới vậy, dù chỉ mới ra đời được vỏn vẹn 1 năm.
Điều gì đã khiến cho một phong trào mới 1 năm tuổi đánh bại được 2 đảng phái có hàng chục tuổi đời là Đảng Xã hội và Đảng Cộng hòa, vốn đã thay nhau nắm chức Tổng thống Pháp từ ngày ra đời nền Cộng hòa thứ Năm vào năm 1958 tới nay?
Sau một thời gian điều tra dài hơi, hãng thông tấn AP đã rút ra kết luận: chiến dịch tranh cử của Macron đã kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố văn hóa startup và kiến thức từ các chương trình MBA, cộng thêm phong cách vận động kiểu Mỹ, và thổi vào đời sống chính trị Pháp một làn gió hoàn toàn mới mẻ.
Kỳ phùng địch thủ
Điều này càng đáng chú ý khi đối thủ năm nay của Macron cũng là một người cực kỳ đáng gờm. Chính trị gia Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) xứng đáng được gọi là một “phù thủy” về marketing. Bà đã thay đổi hoàn toàn hình ảnh của đảng FN do cha bà sáng lập, từ chỗ bị xem là một đảng dành những người lớn tuổi thuộc tầng lớp lao động với tư tưởng bài ngoại và có hơi hướng phát xít, trở thành một đảng nhận được ủng hộ nhiệt tình của con cháu những người nhập cư, giới trí thức, người đồng tính và cả những cựu đảng viên cánh tả.
Marine Le Pen, lãnh đạo đảng FN. Ảnh: Reddit |
Marine còn mạnh dạn khai trừ cha bà là ông Jean-Marie khỏi chính đảng do ông sáng lập, để cho thấy mình kiên quyết như thế nào trong việc thay đổi hình ảnh của đảng FN. Bà cũng khôn khéo vận động tranh cử bằng tên tuổi cá nhân của mình, thay vì nhắc quá nhiều tới đảng FN và từ đó gợi lại những ký ức không hay. Các thông điệp mà Le Pen đưa ra cũng thu hút được sự ủng hộ của nhiều người Pháp, vốn đã chán nản với tình hình kinh tế chính trị bế tắc và lo sợ các cuộc tấn công khủng bố: xiết chặt lại nhập cư, tăng cường an ninh và phúc lợi xã hội, nước Pháp sẽ tự mở con đường riêng và rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) già cỗi.
Tốt nghiệp từ những ngôi trường danh giá bậc nhất nước Pháp trước khi trở thành một chuyên gia tại ngân hàng đầu tư Rothschild, rồi trở thành Bộ trưởng Tài chính Pháp giai đoạn 2014-2016, Macron và nhóm của ông phần lớn là những “lính mới” trong ngạch hoạt động chính trị và truyền thông, khác hẳn với Le Pen vốn là “con nhà nòi” và đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp xúc thực tế với cử tri lẫn vận động trên mạng xã hội. Ông cũng phải thuyết phục nhiều cử tri thất nghiệp hoặc sắp mất việc rằng việc tiếp tục sử dụng đồng euro, ở lại trong EU và chấp nhận những cải cách kinh tế từ từ, là lựa chọn tốt nhất cho tương lai lâu dài của họ.
Nữ phát ngôn viên của En Marche! là Laurence Haim tuyên bố: “Đây là một cuộc đối đầu giữa 2 loại xã hội khác nhau, cho nước Pháp và cho châu Âu. Chúng tôi sẽ cho người dân Pháp, và hy vọng là cả thế giới, thấy rằng chúng tôi đang chiến đấu cho một điều quan trọng hơn bản thân mình”.
Haim từng làm nhà báo 25 năm liền tại thủ đô Washington của nước Mỹ, trước khi quyết định gia nhập chính trường Pháp vào tháng 12 năm ngoái, vì bà lo sợ rằng làn sóng dân túy ở nước này sẽ dẫn tới sự trỗi dậy của một nhân vật tương tự như Donald Trump. Haim nói: “Dĩ nhiên là chúng tôi cảm thấy tác động từ hiệu ứng Trump. Đội tranh cử của Le Pen đã theo dõi rất kỹ các kinh nghiệm của Trump”.
Macron lúc còn làm Bộ trưởng Tài chính vào năm 2014. Ảnh: ladmedia.fr |
Kể từ khi Macron thắng cử vòng 1 hồi tháng 4, đội ngũ tranh cử của ông đã liên tục đi khắp nước Pháp, từ một nhà máy ở thành phố quê hương Amiens ở miền Bắc, cho đến một điểm tưởng niệm các nạn nhân của Đức Quốc xã ở miền Trung. Tại miền Nam nước Pháp, văn phòng tranh cử của Macron có một phòng riêng để mọi người ngủ trưa, nhưng thường thì nó được dùng để cất giày vì chẳng ai có đủ thời gian nghỉ ngơi. Làm sao họ có thể nghỉ ngơi, khi mà kết quả vòng 1 cho thấy tỷ lệ ủng hộ cho Macron (24%) và Le Pen (21%) khá là sít sao?
Vào một chiều thứ Bảy tại một ngôi chợ ở một thành phố Poitiers, người ta có thể thấy Macron đứng lắng nghe những lời than phiền của các nông dân về chính sách trợ giá của Liên minh châu Âu và các đối thủ cạnh tranh đến từ những nước láng giềng. Macron kiên nhẫn lắng nghe bằng hết, và trình bày lại với nông dân về kế hoạch hành động của mình. Ông không đưa ra nhiều lời hứa hẹn to tát, nhưng cố gắng bảo đảm rằng mình đang hướng tới một EU đơn giản nhưng chặt chẽ hơn.
Khi một chủ tiệm bánh từ chối bắt tay Macron, ông vẫn không hề bối rối, thay vào đó là chuyển sự chú ý sang một chủ tiệm hoa đang muốn xin chữ ký của ông.
Cuộc chiến truyền thông và công nghệ
Dù Le Pen và đảng FN của bà thường đưa ra những thông điệp dân túy với lời lẽ bình dân, nhưng trụ sở của Le Pen lại nằm ngay trên một trong những con đường xa hoa nhất của thủ đô Paris, cùng đường với Dinh Tổng thống. Le Pen cũng cực kỳ tự tin rằng mình sẽ giành chiến thắng, gần như lúc nào cũng nói “Khi tôi trở thành Tổng thống”, chứ không dùng chữ “Nếu”.
Trong khi đó, Macron lại chọn trụ sở là một tòa nhà văn phòng bình thường, ít ai để ý. Hàng ngày, nhóm của Macron bắt đầu tụ họp tại đây để làm việc từ suốt 7h sáng cho tới 1h sáng. Một trong những tổ quan trọng nhất là “tổ phản công” (riposte), chuyên theo dõi các phát ngôn trước công chúng của Macron và phản ứng trên mạng xã hội. Khi nhận thấy có một câu tweet nào có ý khiêu khích, nhóm của Macron sẽ tìm cách phản công.
Le Pen (trái) và Macron (phải). Ảnh: Twitter |
Họ cũng cực kỳ thận trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ, tránh dùng các từ tiếng Anh hoặc các câu chữ thể hiện thái độ “bề trên”. Đây là một việc cũng không đơn giản, vì hơn phân nửa các thành viên trong chiến dịch tranh cử của Macron là những người có nhiều năm sống ở nước ngoài, khác hẳn với đa số cử tri.
Để bảo đảm an toàn thông tin trước khả năng tấn công của các hacker, đặc biệt là các hacker đến từ Nga, nhóm của Macron có tới 3 người nói tiếng Nga: chuyên gia bảo mật, vệ sĩ, và chiến lược gia về an ninh. Họ cũng dùng biện pháp là giả vờ vào các đường dẫn tới các trang web giả nhằm đánh cắp thông tin (phishing) và điền thông tin đăng nhập giả vào đó, khiến các hacker mất nhiều thời gian để phân biệt đâu là thật giả.
Hôm thứ Sáu tuần qua, các hacker rốt cuộc cũng cho rò rỉ được 9GB email từ chiến dịch tranh cử của Macron, nhưng sau mấy ngày đào bới miệt mài thì ngay cả những người ủng hộ Le Pen cũng chẳng tìm được gì có thể làm ảnh hưởng tới Macron.
Học hỏi kinh nghiệm từ chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhóm của Macron cũng quyết định ứng dụng công nghệ. Đây là lúc mà 3 chàng “ngự lâm quân pháo thủ” Guillaume Liegey, Arthur Muller, and Vincent Pons bước vào trận đấu. Tuy đều là người Pháp, nhưng họ lại chỉ biết tới nhau lúc ở Boston (Mỹ), khi Liegey và Muller theo học Harvard còn Pons học ở MIT. Sau khi góp sức vào chiến thắng vang dội của Obama ở nước Mỹ vào năm 2008 trong vai trò tình nguyên viên, 3 anh chàng này đã quyết định tìm hiểu xem họ có thể áp dụng được kinh nghiệm nào ở Mỹ vào nước Pháp.
Từ trái qua: Arthur Muller, Guillaume Liegey và Vincent Pons. Ảnh: Philippe Matsas/Opale/Leemage |
Tới chiến dịch tranh cử của ứng viên Đảng Xã hội Francois Hollande vào năm 2012 trước Tổng thống đương nhiệm Nicholas Sarkozy, bộ ba Liegey – Muller – Pons (LMP) đã xây dựng nên một thuật toán cho phép chiến dịch tranh cử biết được đâu là khu vực nào mà họ nên dồn sức tập trung vào nhiều nhất, dựa trên các dữ liệu nhân khẩu học và kết quả những kỳ bầu cử trước. Theo bộ ba LMP kể lại, điều này đã góp phần vào chiến thắng sít sao năm ấy của Hollande trước Sarkozy.
Họ tuyên bố: “Nước Pháp được chia làm 67.000 ô vuông nhỏ, tương ứng với các điểm bỏ phiếu. Với từng điểm đó, chúng ta có kết quả chi tiết của các cuộc bầu cử từ 2004 tới nay, cộng thêm dữ liệu khảo sát nhân khẩu: tuổi tác, giới tính, thu nhập, tình trạng gia đình. Một khi có các dữ liệu này, bạn có thể hiểu và dự đoán hành vi bầu cử của từng người, và biết đâu là người chưa có quyết định, đâu là người có ý định không đi bầu”.
Thử thách mà Macron đặt ra còn phức tạp hơn. Với xuất phát điểm là con số 0, Macron biết rằng ông cần phải tổ chức vận động và truyền đi thông điệp của mình trong nhiều tháng trước khi chính thức tuyên bố ra tranh cử. Thế là ý tưởng “Cuộc hành quân vĩ đại” (Grande Marche) ra đời.
Theo đó, hàng ngàn tình nguyện viên được điều đi đến gõ cửa nhà từng người dân, không phải là để giành lá phiếu mà là để hỏi xem họ nghĩ gì và muốn gì. Sử dụng thuật toán của bộ ba LMP (mà Macron đã thanh toán với cái giá “sáu chữ số”), Grande Marche xác định những “chiến trường” quan trọng nhất và dốc lực vào đó. Nó cũng đem lại trải nghiệm cho hàng ngàn tình nguyện viên làm quen với việc vận động chính trị, và giúp họ hiểu thêm về chính đất nước của mình.
Tình nguyện viên của En Marche! gõ cửa nhà cử tri. Ảnh: Twitter |
Trong giai đoạn giữa năm 2016, các tình nguyện viên ủng hộ Macron đã gõ cửa nhà 300.000 hộ dân, tiến hành hơn 25.000 cuộc phỏng vấn, mỗi cuộc kéo dài bình quân 14 phút. Từ đó, nhóm của Macron đã xây dựng nên một cơ sở dữ liệu có hàng chục ngàn lời trích dẫn, có thể được tìm kiếm và phân loại dựa theo chủ đề hoặc khu vực địa lý. Từ đó, họ biết được chính xác ý kiến của từng nhóm cử tri, chẳng hạn như một giáo viên ở Strasbourg nghĩ gì về ngành giáo dục, hay một nông dân ở Provence nghĩ gì về EU. Các thông tin này được phân tích trong nhiều tháng liền để xây dựng nên cương lĩnh tranh cử cho Macron, vốn được công bố chính thức vào tháng 2 vừa qua.
Đội quân du kích
Tại thành phố Lyon, nhân viên văn phòng Alain Garcia mở chiếc cốp xe hơi của mình cho một nhà báo của tờ Guardian xem và bảo: “Nhìn này, đây là siêu xe Macron (Macronmobile)”. Bên trong đó là hàng ngàn tờ rơi mang ảnh Macron đang cười tươi rói. Garcia từng có lúc nhét tới 11.000 tờ rơi vào cốp xe của mình, và lo rằng cứ chở nặng mãi thế này thì bộ giảm xóc của xe sẽ hỏng.
Từng là người đi vận động tranh cử cho cựu Tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy cách đây 10 năm để rồi thành ra thất vọng với hệ thống chính trị Pháp, Garcia đã tìm lại được niềm tin ở Macron. Ông là người điều phối cho 700 tình nguyện viên ủng hộ Macron tại khu vực Villeurbane của thành phố Lyon. Garcia nói: “Đây là sự tự do, chả có bộ máy hay cơ chế gì cả, đây hoàn toàn là việc vận động các tình nguyện viên của bạn tiến lên. Cảm giác này là rất thật, rất người, và chúng tôi được cảm thấy mình đang cùng nhau xây dựng một điều gì đó lớn lao”.
Tương tự như các chiến dịch vận động tranh cử của Obama, chiến dịch của Macron chủ yếu dựa khá nhiều vào các tình nguyện viên không công như Garcia. Mỗi căn nhà, mỗi chiếc xe đều có thể trở thành một văn phòng vận động mini cho Macron. Ai cũng có thể đăng ký gia nhập En Marche! qua website, và tới nay phong trào này có hơn 230.000 thành viên. En Marche! có khoảng 3.900 ủy ban vận động trên cả nước, và mỗi ngày họ đều có hàng trăm sự kiện lớn nhỏ.
Vợ chồng Alain Garcia cùng các tờ rơi in hình Macron. Ảnh: twimg.com |
Không có ngân sách hoạt động như một đảng chính trị truyền thống, En Marche! hoàn toàn dựa vào các khoản quyên góp, với mức tối đa mà một người có thể góp là 7.500 euro, theo quy định của pháp luật. Tổng giá trị quyên góp mà phong trào nhận được là khoảng 9 triệu euro, và Macron cũng đã lấy tên mình ra vay thêm một khoản tiền 8 triệu euro từ một ngân hàng trong nước.
Le Pen thì lại dựa nhiều vào nguồn lực bên ngoài: vào năm 2014, chiến dịch tranh cử của bà đã nhận được một khoản vay trị giá 9 triệu euro từ các ngân hàng của Nga, và tới năm 2016 thì lại vay thêm hơn 3 triệu euro từ người Nga.
Các tình nguyện viên của En Marche! được hướng dẫn là hãy luôn nở nụ cười và đặt câu hỏi với những người xung quanh: “Vấn đề của nước Pháp ngày nay là gì?”, dù đang ở hiệu bánh, trên xe lửa, ăn trưa với đồng nghiệp, hay ăn tối ở nhà.
Tình nguyện viên Sophie Solmini, người trước đây từng vận động cho đảng Xã hội, tuyên bố: “Tôi gia nhập vì tôi không muốn thấy những gương mặt cũ thao túng nền chính trị nữa. Chúng ta cần có thay đổi”. Theo Solmini cho biết, vào giai đoạn cuối của cuộc vận động tranh cử, bà đã xin nghỉ làm vài hôm để có thể vận động cho Macron “từ 7h sáng tới 2h sáng”.
Mục quyên góp trên website của En Marche! đi kèm khẩu hiệu: "Cuộc cách mạng dân chủ của chúng tôi cần có bạn!" |
Dĩ nhiên, việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vẫn chưa phải là đủ, mà En Marche! cũng cần phải chuẩn bị trước cho cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6 sắp tới. Bằng không, tân Tổng thống Macron cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục Quốc hội thông qua kế hoạch của mình. Để làm điều này, En Marche! đã quyết định sẽ có đại diện ra tranh cử ở 577 đơn vị bầu cử trên khắp nước Pháp, và phát động lời kêu gọi rộng rãi những người muốn đứng ra tranh cử ở nơi họ sống, với tư cách đại diện cho phong trào. Đến tháng 3/2017, đã có tới 14.000 người trả lời.
Theo khảo sát hiện tại, En Marche! có khả năng giành được tới 249-286 ghế trong Hạ viện Pháp, gần đủ để Macron có được đa số tuyệt đối. Một số chuyên gia còn cho rằng Macron sẽ có tới tổng cộng 350 nghị sĩ ủng hộ ông trong Quốc hội.
Nhìn lại những gì đã qua, Haim nói: “Ai cũng bảo Macron rằng chuyện này là bất khả thi, anh bị điên rồi. Nó không thể xảy ra ở nước Pháp. Anh ấy nhìn vào họ và bảo ‘Tin tôi đi, tôi sẽ làm được’”.
Và quả thật, đúng 1 năm và 1 tháng sau khi thành lập En Marche!, anh chàng 39 tuổi Emmanuel Macron đã trở thành Tân Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp.
Macron đọc diễn văn chiến thắng trước kim tự tháp Louvre ở Paris. Ảnh: bwbx.io |
Tuấn Minh
Nguồn Tổng hợp