Ảnh: aotanica.vn
Tiến sĩ Lưu Xuân Cường: Thiếu công nghệ lõi, doanh nghiệp khó phát triển lâu dài
Tại Mỹ, rất nhiều Giáo sư Đại học khối khoa học có công ty riêng, và Quy trình khởi nghiệp công nghệ được coi là kiến thức căn bản đối với các những ai mong muốn biến kiến thức, nghiên cứu của mình thành sản phẩm thực tế. Gần 10 năm vừa giảng dạy, vừa điều hành start up, TS Lưu Xuân Cường đã đưa được những sản phẩm ra đời từ các nghiên cứu của mình đến tay người tiêu dùng.
Được biết, nghiên cứu về lá neem (lá sầu đâu) của anh đã nhận được sự hợp tác từ các doanh nghiệp mỹ phẩm khá tên tuổi tại Việt Nam. Anh có thể cho biết một vài giá trị thương mại từ nghiên cứu của mình?
Lâu nay Việt Nam vẫn có nguồn cung dầu neem dồi dào từ hàng ngàn hecta cây trồng, tuy nhiên chúng ta vẫn phải nhập khẩu mỗi năm từ Ấn Độ khoảng 300 kg bột tinh chất azadirachtin với tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn có trong hạt neem. Lý do không phải vì tinh chất azadirachtin trong cây neem trồng ở Việt Nam kém chất lượng hơn so với cây neem Ấn Độ, mà vì cách thức khai thác còn thô sơ đã khiến chúng ta không chiết xuất được hết lượng tinh chất trong hạt neem.
Nghiên cứu của tôi và cộng sự nhằm nâng cao hàm lượng tinh chất trong hạt neem, ban đầu là góp phần tạo ra loại chế phẩm sinh học an toàn giúp phòng chống sâu bệnh hiệu quả. Hiện giá sản phẩm dầu neem và tinh chất azadirachtin của chúng tôi rẻ hơn 20% so với sản phẩm có chất lượng tương đương nhập khẩu từ Ấn Độ. Chúng tôi nghiên cứu chuỗi công nghệ để có thể khai thác hoạt chất từ hạt và lá neem để đảm bảo về mặt chất lượng cũng như tiềm năng thương mại. Về mặt hàm lượng khoa học, các nghiên cứu của chúng tôi được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc hệ thống ISI/SCOPUS.
Chúng tôi đã phối hợp với một số tập đoàn hàng đầu để phát triển tới sản phẩm cuối cùng dùng trong lĩnh vực nông n ghiệp đang được triển khai tại nhiều vùng trồng như Đà Lạt và xuất khẩu. Tiếp đó công ty mỹ phẩm Orgarnicare cũng đề nghị hợp tác để sản xuất ra dòng mỹ phẩm trị mụn dành cho thanh thiếu niên. Các sản phẩm đều đã có đầy đủ giấy phép và đến được tay người tiêu dùng.
TS Cường và cộng sự giới thiệu sản phẩm của công ty mình |
Anh có thể chia sẻ về quy trình khởi nghiệp công nghệ mà anh đã áp dụng sau khi học từ trường Đại học của Mỹ?
Khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, tôi vẫn chưa có chút khái niệm gì về kinh doanh. Tuy nhiên, khi làm nghiên cứu sinh ở Mỹ tôi mới thấy rằng rất nhiều giáo sư đều có công ty riêng để phát triển các nghiên cứu của mình, và nhiều trường đại học khối khoa học của Mỹ đều dạy Quy trình khởi nghiệp công nghệ. Quy trình đó là: Triển khai nghiên cứu công nghệ và sản phẩm gắn chặt với các thông tin thị trường.
Điều này làm cho tính khả thi về thị trường của công nghệ và sản phẩm được hình thành ngay trong quá trình nghiên cứu, do vậy tăng cao tính khả thi của nghiên cứu về mặt thương mại. Ví dụ sản phẩm mỹ phẩm tự nhiên Organicare, trong quá trình phát triển sản phẩm, bản thân nhóm nghiên cứu công nghệ tương tác kết hợp với nhiều thông tin từ các bác sĩ điều trị, các kinh nghiệm làm sản phẩm của lãnh đạo công ty để xây dựng đầu bài nghiên cứu, triển khai nghiên cứu và đo lường hiệu quả sản phẩm một cách chính xác.
Cách làm này khác tư duy khởi nghiệp phổ biến ở Việt Nam là dồn hết nguồn lực để tạo ra sản phẩm rồi mới tìm cách bán.
Chiết xuất tinh chất từ thảo dược |
Với quy trình khởi nghiệp công nghệ này, anh và cộng sự dành bao nhiêu thời gian và chi phí, từ khi bắt đầu nghiên cứu cây neem cho đến khi phát minh được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế?
Chúng tôi triển khai dự án nghiên cứu từ nguồn nội lực và các quỹ nghiên cứu nhiều tỉ đồng trong 3 năm. May mắn là chúng tôi được sự hỗ trợ và phối hợp từ một số quỹ nghiên cứu của nhà nước, tư nhân như Vingroup và có một số công ty đề nghị hợp tác và đã triển khai thực tế khá hiệu quả. Organicare – một công ty mỹ phẩm có định hướng và tầm nhìn tương đồng với nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực khai thác dược liệu và phát triển sản phẩm, đã tìm đến chúng tôi đặt vấn đề hợp tác.
Thị trường mỹ phẩm nội địa Việt Nam tuy tiềm năng nhưng vẫn còn khá hỗn loạn. Chúng tôi mong muốn tạo ra được những sản phẩm chất lượng với giá hợp lý để nhiều người có thể tiếp cận, bắt đầu bằng mỹ phẩm làm sạch và trị mụn đảm bảo an toàn lâu dài cho lứa tuổi thanh thiếu niên.
Đến giờ này, tôi cho rằng Quy trình khởi nghiệp công nghệ của Mỹ đã được tôi áp dụng hiệu quả tại Việt Nam. Quy trình này giúp chúng tôi có chiến lược phân phối các nguồn lực khá chính xác, từ đó tối ưu hóa được các nguồn lực để đi đường dài. Chúng ta phải biết bám sát bài toán về vốn mới xoay được nhiều vòng, học hỏi - đo lường - phản hồi để cải tiến liên tục đúng thứ mà khách hàng cần và hợp với tầm nhìn của mình.
Mỹ phẩm có chứa tinh chất từ hạt neem của công ty khởi nghiệp của TS Cường |
Tất cả các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng mà anh chủ nhiệm đều liên quan đến công nghệ chiết xuất các tinh chất thảo dược. Điều đó có ý nghĩa gì?
Việt Nam có thế mạnh về dược liệu. Tuy nhiên vì thiếu công nghệ nên chất lượng sản phẩm bị phụ thuộc vào thời tiết và thổ nhưỡng. Nhà khoa học làm sản xuất như chúng tôi nếu có công nghệ thì mới chủ động được nguồn nguyên liệu, từ đó sản phẩm mới cạnh tranh được. Tại châu Á, Ấn Độ, Trung Quốc và cả Thái Lan đều có những công nghệ chiết xuất và tinh chế dược liệu nhờ đó mà ngành dược mỹ phẩm của họ những năm qua phát triển rất nhanh. Họ có những thương hiệu dược mỹ phẩm nội địa nổi tiếng dựa trên nguồn thảo dược trong nước. Chẳng hạn Ấn Độ có hàng trăm chế phẩm dược mỹ phẩm từ cây neem
Tuy nhiên, nếu chúng ta nhập y nguyên dây chuyền sản xuất của họ về thì không thể cạnh tranh được với họ về giá. Do đó đội ngũ cải tiến công nghệ trong nước là rất quan trọng. Dù chỉ mới là một doanh nghiệp nhỏ, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng nếu không sở hữu công nghệ lõi, không phải là phát minh thực sự của chính mình thì doanh nghiệp sẽ không đi đến đâu. Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng tạo thêm nhiều sản phẩm cuối cùng có khả năng thương mại sử dụng để kích hoạt dự án sản xuất azadirachtin trên quy mô lớn - đủ để thay thế hàng nhập khẩu hiện nay.
Vì vậy, các đề tài nghiên cứu khoa học của tôi cũng nằm trong một chuỗi nghiên cứu tổng thể, nhằm tối đa tính hiệu quả mọi nguồn lực mà chúng tôi có. Có thể nói, tối đa hiệu quả là yếu tố sống còn của một start up chưa có thặng dư.
TS. Lưu Xuân Cường, Trưởng khoa Dược - Mỹ Phẩm - Thực Phẩm trường Cao đẳng Đồng An (Bình Dương) lấy bằng thạc sĩ tại Đài Loan và bằng tiến sĩ kỹ thuật hóa học tại ĐH Oklahoma Mỹ. Từ năm 2011 đến 2019, TS Cường là giảng viên và quản lý khoa tại Khoa Hóa và Thực phẩm, Trường Đại học NguyễnTất Thành (TP.HCM). Hiện TS. Cường đã có 7 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín như Journal of Physical Chemistry B & C, RSC Advances hay Langmuir. Ngoài việc giảng dạy, TS. Cường còn là Giám đốc công ty Cổ Phần Quốc Tế AoTa – hình mẫu về công ty khởi nghiệp lớn lên từ nghiên cứu trong trường đại học, là câu chuyện của các nhà khoa sau khi được đào tạo bài bản từ các nước phát triển như Pháp, Mỹ trở về công tác tại các trường đại học Việt Nam, cùng chia sẻ khát vọng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của mình để tạo nên những sản phẩm có giá trị kinh tế cao mang thương hiệu Việt. |