Tỉ phú Richard Branson: "Tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác là hoàn toàn huyễn hoặc"
"Thuốc aspirin còn tốt cho sức khỏe của bạn hơn là sừng tê giác"
Điểm nhấn đáng chú ý cho câu chuyện này là các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã của Richard Branson. Hòn đảo Necker rộng 30 ha do ông sở hữu tại vùng biển Caribê từ lâu đã được dùng làm nơi bảo tồn cho hơn 140 loài động vật quý hiếm đến từ khắp nơi trên thế giới. Công ty Virgin Limited Edition của ông, vốn chuyên về kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp, cũng đang quản lý 2 khu bảo tồn ở châu Phi là Mahali Mzuri (Kenya) và Ulusaba (Nam Phi).
Với tỉ phú Richard Branson, việc bảo vệ cho các loài thú quý hiếm là niềm vui lớn của cuộc đời ông: “Chúng tôi có 2 khu bảo tồn thú hoang lớn ở Kenya và Nam Phi. Có hàng ngàn trẻ em từ khắp nơi trên thế giới đã đến đó để được xem những con sư tử và báo gấm. Thiên nhiên châu Phi là vô cùng tuyệt vời, nhưng cũng rất mong manh”. Nói tới đây, ông chia sẻ một cách ngậm ngùi: “Lần gần đây nhất đến châu Phi, tôi đã thấy có 2 mẹ con tê giác bị giết hại để lấy sừng ngay trong một khu bảo tồn của chúng tôi”. Ông nhận định thêm: “Giai đoạn 4-5 năm vừa qua là giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử đối với các loài voi và tê giác”.
Richard Branson thường xuyên tham gia các chiến dịch vận động bảo vệ động vật hoang dã - Ảnh: WildAid |
Chỉ trong năm 2014, ở Nam Phi, đã có tới 1.215 con tê giác bị giết hại, hay nói cách khác, cứ mỗi ngày lại có 3 con tê giác trở thành nạn nhân của những kẻ săn bắn trộm. Tỉ phú Richard Branson thẳng thừng tuyên bố: “Lấy sừng tê giác là đánh cắp từ châu Phi. Nhiều người không dám đánh cắp gì ở nước họ, mà lại chọn cách đi đánh cắp của một châu lục khác”. Trước đây, ông cũng từng dẫn lại các báo cáo cho thấy việc kinh doanh sản phẩm từ động vật hoang dã là một trong những nguồn thu lớn nhất của tổ chức khủng bố al-Shabaab tại Somalia.
Tại châu Á, rất nhiều người mua sừng tê giác nhằm mục đích dùng làm thuốc Đông y. Bàn về điều này, tỉ phú Richard Branson nói thẳng: “Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng, thuốc aspirin còn tốt cho sức khỏe của bạn hơn là sừng tê giác. Sừng tê giác chỉ đơn giản giống như một loạt cái móng tay ép lại mà thôi. Tác dụng chữa bệnh của nó hoàn toàn là một thứ huyễn hoặc”.
Hồi cuối năm ngoái, từng có một công ty mang tên CeratoTech đến đảo Necker để trình bày với tỉ phú Richard Branson về ý tưởng tạo ra những chiếc sừng tê giác nhân tạo bằng công nghệ in 3D, với chất liệu y hệt những chiếc sừng thật. Khi đó, những ai vẫn có nhu cầu mua sừng tê có thể dùng sừng nhân tạo, thay vì sừng lấy từ những con tê giác bị giết hại.
Trao đổi với NCĐT, tỉ phú Richard Branson cho biết ông vẫn băn khoăn về giải pháp này: “Sừng tê giác là một trò lừa đảo. Những người bị các căn bệnh hiểm nghèo như ung thư sẽ sẵn sàng dùng bất cứ thứ gì để có cơ hội được sống. Nếu có ai đó sản xuất ra sừng tê giác nhân tạo có chất lượng y hệt sừng thật để bán cho những người như vậy, trong lúc biết rằng nó sẽ chẳng giúp gì được cho họ, thì tôi vẫn không nghĩ đó là điều đúng đắn về mặt đạo đức. Nó có thể giúp ích cho loài tê giác, nhưng chẳng giúp gì được cho người mua sừng. Tôi nghĩ tốt hơn cả là mọi người nên đi điều trị y tế đàng hoàng thay vì đi mua sừng tê giác. Thực ra, mua sừng tê giác còn đắt hơn cả đi điều trị kia mà.”
Tối ngày 13-9, tỉ phú Richard Branson đã có một buổi gặp gỡ thân mật cùng đại diện của NCĐT và một số doanh nhân hàng đầu Việt Nam. Phía NCĐT đã đặt ra các câu hỏi với giới doanh nhân về ý thức, trách nhiệm và sự ủng hộ đối với các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên nói chung và ngăn chặn nạn buôn bán sừng tê giác nói riêng. Tất cả đều đã thống nhất trong sứ mệnh tốt đẹp này và tỉ phú Richard Branson hào hứng nói: “Hy vọng chúng ta có thể bắt đầu đảo ngược tình thế trong thời gian tới”.
“Hy vọng chúng ta có thể bắt đầu đảo ngược tình thế trong thời gian tới” - Ảnh: Linh Phạm |
Ông John Baker, Giám đốc Điều hành của tổ chức cứu trợ hoang dã WildAid, cũng đồng tình: “Việc buôn bán phi pháp động vật hoang dã đang đe dọa rất nhiều loài thú như tê giác và tê tê. Chúng ta có thể triệt tiêu ngành buôn bán này thông qua việc nâng cao ý thức và thuyết phục mọi người không mua các sản phẩm phi pháp nữa, cũng như tăng cường thực thi pháp luật. Việc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thực hiện cam kết không mua các sản phẩm đó, đặc biệt là sừng tê giác cho thấy Việt Nam có thể tạo ra sự khác biệt và góp phần bảo vệ loài tê giác”.
Còn bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Change/WildAid Việt Nam, thì cho biết: “Tôi rất vui vì Ngài Richard Branson đã có những hành động thiết thực để kêu gọi các doanh nhân Việt Nam cùng chung tay giải quyết vấn nạn tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã. Điều này là một sự khích lệ để chúng tôi có thêm nhiều hoạt động mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Và tôi cũng rất hy vọng sẽ có thêm nhiều doanh nhân nữa cam kết tham gia cùng chúng tôi để tạo ra những làn sóng mạnh mẽ giúp Việt Nam không còn là điểm nóng của vấn nạn này”.
Không chỉ có sừng tê giác, tỉ phú Richard Branson còn tham gia bảo vệ nhiều chủng loài khác. Hằng năm, trên toàn thế giới có tới hơn 70 triệu con cá mập bị giết để lấy vây, nhằm phục vụ cho nhu cầu ẩm thực của một số ít người giàu có. Điều này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái đại dương, mà còn có ảnh hưởng lâu dài lên nền kinh tế của các nước đánh bắt cá mập.
Một nghiên cứu của Viện Hải dương học Úc đã chỉ ra rằng, một con cá mập có thể đem lại 1,9 triệu USD nếu được sống để phục vụ du lịch, nhưng chỉ đem lại vỏn vẹn 108 USD nếu bị giết để lấy vây. Tại Việt Nam, số liệu năm 2014 từ các ngư dân ở Phú Quốc cũng cho thấy rằng họ chỉ kiếm được bình quân 2,2 triệu đồng từ mỗi con cá mập đánh bắt được. Từ năm ngoái đến nay, giá vi cá mập cũng đã giảm tới gần 60%.
Vốn rất yêu thích loài cá này, tỉ phú Richard Branson từng nhiều lần bơi với cá mập để kêu gọi ý thức bảo vệ từ mọi người. Ông chia sẻ với NCĐT: “Nếu nhiều người biết rằng việc ăn súp vi cá mập gây thiệt hại như thế nào thì tôi tin rằng họ sẽ ngưng ăn món đó ngay lập tức. Từ những cuộc trò chuyện với người Việt Nam và Trung Quốc, xem ra súp vi cá cũng chẳng phải là món ăn đặc biệt gì, mà chỉ là một dạng truyền thống.”
Xem trang 1, trang 2 và trang 4 của cuộc phỏng vấn độc quyền giữa NCĐT và tỉ phú Richard Branson.