Tỉ phú Elon Musk. Ảnh: TL.
Tỉ phú Elon Musk: Sự thiếu hụt chip là một vấn đề “ngắn hạn”
Khi công nghệ ngày càng phát triển, việc sử dụng các chip bán dẫn đã lan rộng từ máy tính, ô tô đến bàn chải đánh răng và máy sấy quần áo và giờ đây chúng còn xuất hiện bên dưới lớp vỏ của một số lượng sản phẩm đáng ngạc nhiên.
Tuy nhiên, nhu cầu về chip đang tiếp tục vượt xa nguồn cung, và các nhà sản xuất ô tô không còn là công ty duy nhất cảm thấy khó khăn.
Hồi tháng 7/2021, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung cho biết tình trạng thiếu chip đang ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất thiết bị và truyền hình, trong khi LG thừa nhận sự thiếu hụt là một rủi ro.
Trong thời gian qua, tình trạng thiếu chip toàn cầu đã ảnh hưởng đến hàng triệu người. Ảnh: CNBC. |
Ông Ben Suh, Trưởng Bộ phận Quan hệ nhà đầu tư của Samsung từng cho biết sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu, đã khiến họ gặp phải một số ảnh hưởng đặc biệt là đối với một số sản phẩm bộ và sản xuất màn hình.
Thời điểm đó, đại diện của LG cũng cho biết họ đang “theo dõi chặt chẽ tình hình vì không nhà sản xuất nào có thể giải quyết vấn đề nếu tình trạng thiếu hụt này kéo dài”.
Mới đây, vào ngày 24/9, Giám đốc điều hành Tesla, ông Elon Musk cho biết cuộc khủng hoảng chất bán dẫn đang diễn ra sẽ kết thúc vào năm tới.
Tỉ phú công nghệ cho biết ông cho rằng thiếu chip là một vấn đề “ngắn hạn” chứ không phải dài hạn. “Có rất nhiều nhà máy sản xuất chip đang được xây dựng và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có công suất tốt vào năm tới,” ông Musk cho biết tại một sự kiện công nghệ của Ý được phát trực tuyến vào ngày 24/9 vừa qua.
Cũng theo CNBC, các đối thủ nặng ký về chip Intel và TSMC đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ nhưng chúng sẽ không đi vào hoạt động trong vài năm tới. Trong khi đó, Glenn O’Donnell, Phó Giám đốc Nghiên cứu của Công ty Tư vấn Forrester, tin rằng tình trạng thiếu hụt có thể kéo dài đến năm 2023.
“Bởi vì nhu cầu sẽ vẫn cao và nguồn cung sẽ vẫn bị hạn chế, chúng tôi dự đoán sự thiếu hụt này sẽ kéo dài đến năm 2022 và có thể là đến năm 2023”.
Sự thiếu hụt chip toàn cầu đã có tác động lớn đến nhiều ngành công nghiệp, nhưng lĩnh vực ô tô bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Các tên tuổi lớn trong ngành như Ford , Volkswagen và Daimler đều đã buộc phải tạm ngừng sản xuất tại nhiều điểm khác nhau và cắt giảm mục tiêu sản xuất do thiếu chip.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trong bản dự thảo tuyên bố chung vừa được công bố hôm 23/9, các nhà lãnh đạo từ Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia đồng thuận xây dựng chuỗi cung ứng bán dẫn. Đây là tín hiệu cho thấy liên minh 4 bên muốn đáp trả Trung Quốc khi quốc gia này đang ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Có thể bạn quan tâm
Nhóm “Bộ tứ” liên kết tạo chuỗi cung ứng bán dẫn, đối đầu Trung Quốc
Nguồn Theo CNBC