Tĩnh Phong Thứ Hai | 20/01/2020 09:55

Thực tập lòng biết ơn

Hành trình tìm kiếm giá trị sống, lan tỏa hạnh phúc từ bản thân đến doanh nghiệp của CEO biti’s Vưu Lệ Quyên.

Tôi lớn lên trong môi trường gần như không thiếu vật chất, lại được du học, tốt nghiệp là có việc làm ngay... cuộc đời toàn màu hồng. Thế nhưng, tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó khiến cuộc sống của mình chưa trọn vẹn. Cuộc dấn thân vào hành trình kiếm tìm hạnh phúc mang đến cho tôi cảm giác vỡ tan ra từng mảnh nhỏ.

Có hạnh phúc là có tất cả

Tôi sinh ra trong một gia đình 3 đời kinh doanh. Ngay từ khi có nhận thức, tôi đã thấy các thành viên trong gia đình, từ ông bà, cô chú, anh chị... làm doanh nghiệp và thành công. Nhưng khi bước qua mốc 30, tôi bỗng hoang mang về cuộc sống được lập trình của mình và bắt đầu đặt ra rất nhiều câu hỏi về cuộc sống, về niềm tin.

Hình như từ bé, ông bà, bố mẹ... chưa bao giờ dạy tôi hạnh phúc là gì. Họ chỉ dạy tôi là phải học thật giỏi để lớn lên có công việc tốt, có địa vị trong xã hội... Tôi đã phấn đấu để có được ngày hôm nay. Nhưng sống đủ đầy về vật chất, về sự nghiệp rồi đã đủ chưa? Câu trả lời là chưa. Ngay trong nhung lụa, bản thân tôi vẫn luôn thấy thiếu một điều gì đó khiến mình cảm thấy chưa ổn, cuộc sống chưa trọn vẹn.

Cho đến một ngày, tôi may mắn được tặng quyển Nghệ Thuật Sống Hạnh Phúc của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Trong đó, câu mà tôi nhớ nhất là: “Cuối cùng, mục đích của cuộc sống này đạt đến hạnh phúc, có hạnh phúc là có tất cả”. Tôi mới nhận ra thứ mình đang thiếu là 2 từ “hạnh phúc”.

 

Vì hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng, không đo lường được nên tôi đã phải gặp, phải học từ nhiều người, diện kiến cả Đức Lạt Ma, các cao tăng cũng như phải đi ra bên ngoài để tìm kiếm cả trong những trải nghiệm từ thực tế. Phải mất một thời gian dài đi tìm hạnh phúc, tìm kỹ năng giúp bản thân sống trọn vẹn hơn, tôi mới nhận ra, điểm cơ bản của khái niệm hạnh phúc xuất phát từ lòng biết ơn. Thực sự, tôi phải thực tập lòng biết ơn. Bởi vì khi đủ đầy, người ta rất khó biết cách trân trọng những điều mình đang có.

Từ khi nhận thức và thực tập lòng biết ơn, tôi thấy cuộc sống mình thay đổi rất nhiều. Tôi nhận ra, dù sở hữu ít hơn nhưng biết trân trọng điều mình đang có, đó mới thực sự là đang sống. Hành trình tìm kiếm hạnh phúc đích thực cũng giúp tôi hiểu ra, tất cả việc làm của con người đều phải hướng đến cộng đồng, đến chúng sinh.

Giấc mơ doanh nghiệp hạnh phúc

Trên hành trình đi tìm hạnh phúc, nhìn vị trí mình đang đứng là lãnh đạo doanh nghiệp, tôi nhận ra, trách nhiệm của mình là phải làm thế nào để nhân viên cũng được hạnh phúc, được là chính bản thân họ. Nhưng đâu là mô hình quản trị để xây dựng một doanh nghiệp hạnh phúc? Một lần nữa, câu hỏi về hạnh phúc lại khiến tôi phải lên đường tìm kiếm. Năm 2016, tôi quyết định đến Bhutan, để tìm hiểu mô hình hạnh phúc mà quốc gia này đang xây dựng. 

 

Mang về cả một chồng tài liệu về các chỉ số đo lường hạnh phúc, tôi vẫn loay hoay. Cảm giác cô đơn kinh khủng khi phải mày mò kiến tạo những thứ mà ai cũng cho rằng không quan trọng. May mắn, tôi biết đến Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, diễn giả quốc tế về Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia (GNH), về hạnh phúc và an sinh ngoài chỉ số GDP. Nhờ sự tư vấn của thầy mà từ đó, tôi có thể triển khai mô hình doanh nghiệp hạnh phúc, một hành trình mới của Biti’s và tôi dựa vào nền tảng hạnh phúc để phát triển Công ty.

Dẫu theo học, dẫu được Giáo sư Thọ đồng hành nhưng thực lòng, tôi rất lo sợ. Để hơn 8.200 con người đang làm việc cho Biti’s hiểu về hạnh phúc, được hạnh phúc không phải là điều dễ dàng. Duy trì mô hình hình quản trị dựa trên yếu tố hạnh phúc thành công cần cả yếu tố đồng thuận bên trong lẫn bên ngoài. Trong đó, nỗ lực của người lãnh đạo là rất quan trọng, làm sao để mọi người rèn luyện hạnh phúc, thực hành các kỹ năng thì mới có thể tạo môi trường lan tỏa.

Bà Quyên trong chuyến đi kết nối hạnh phúc. Ảnh: TL
Bà Quyên trong chuyến đi kết nối hạnh phúc. Ảnh: TL

Chúng tôi bắt đầu từ việc hướng dẫn kỹ năng hạnh phúc cho nhân viên, dựa trên các khía cạnh: Kết nối bản thân, kết nối với người khác và kết nối với thiên nhiên. Trong đó, kết nối với người khác là bản thân phải rèn luyện kỹ năng lắng nghe để kết nối sâu được với họ. Giao tiếp thấu cảm sẽ giúp các cuộc tương tác trong doanh nghiệp có kết quả tốt hơn. Đồng thời, nếu biết lắng nghe, chúng ta sẽ hiểu được cảm xúc bên trong của bản thân, hiểu hơn bản thân cũng quản lý tốt hơn bản thân, biết con đường phấn đấu thế nào là tích cực. Và quan trọng không kém, là biết bảo vệ mẹ thiên nhiên.

Mục đích cuối cùng của tất cả những hoạt động này chỉ có một, là tạo ra và lan tỏa hạnh phúc cho cộng đồng. Không hề dễ dàng để thực hiện những điều này, không ít lần tôi nản chí nhưng khi chứng kiến bản thân mình cùng những người thân tốt hơn mỗi ngày khi nhận biết và thực hành hạnh phúc, tôi lại thấy mình tự tin hơn với con đường mình đã chọn. Tôi tin khi chúng ta nắm tay nhau cùng kiến tạo các giá trị tích cực, đó là cách lan tỏa hạnh phúc từ bản thân đến doanh nghiệp.

►Gót hồng tỉ phú

Những đại gia mất tiền nhiều nhất trên sàn chứng khoán năm 2019

Ông chủ Masan trở lại danh sách tỷ phú USD